NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

VÀI DÒNG THƠ VỚI BẠN

Trên trang Blog của mình, Bạn tôi - Nhạc sĩ Phạm Quang Hiển có một bài thơ nguyên văn thế này:
SÓNG
Giữa cuộc đời con sóng anh bất tận
Cứ chồm lên ôm riết cát vàng em
Rồi mang đi tất cả bình yên
Em gắng giữ từ lâu chưa để mất.

Và tôi đã viết những dòng dưới đây theo nhịp thơ của Bạn 
CÁT CHỜ
Cát chờ sóng, muôn đời là như vậy
Em cùng Anh, cả cuộc sống vun dầy.
Mong biển mãi giữ gìn, Vâng! con sóng.
Cát tình Em mãi ôm sóng tình Anh
Đời vẫn vậy, kiếm tìm nhau mải miết
Hai đứa mình, cát - sóng khát tình nhau.
Hải Dương, 10 tháng 5 năm 2012.

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

MÙA THU VÀ SỰ TRỞ LẠI NIỀM ĐAM MÊ

  CHỈ NHƯ MỚI ĐÓ THÔI….
        Mới đó thôi…Đó là câu thường nghe được từ người có tâm trạng hồi nhớ việc xưa. Cách nay khoảng gần một năm, khi cùng chơi với đứa cháu ngoại ngoài công viên, tôi tình cờ gặp một cô bạn, em của một người bạn cùng học thời cấp hai. Vồn vã chào hỏi, cô bạn mời tôi: "Anh còn nhớ đội văn nghệ xung kích ngày nào của bọn mình không? Chúng em vẫn cùng nhau sinh hoạt đấy. Anh tới sinh hoạt với bọn em cho vui, rồi lại dàn dựng lại cho bọn Em những bài hát kháng chiến chống Mỹ cứu nước hồi xưa bọn mình từng hát nhé…"  Chia tay cô bạn, tôi không chắc sẽ tham gia được ngay vì…không biết sẽ sinh hoạt với họ vào dịp nào. Ấy vậy nhưng người bạn gái đó vẫn nhớ lời. Trước kỷ niệm Ngày giải phóng miền nam 30/4 năm nay khoảng gần 3 tuần, cô tìm tới tận nhà, lại còn "lễ phép" đề xuất với bà xã tôi rằng: "cho bọn em "mượn" Anh ít ngày để chuẩn bị dựng chương trình kỷ niệm "45 năm thành lập Đội văn nghệ thanh niên xung kích thị xã Hải Dương".
          Và thế là chúng tôi lại có dịp gặp lại nhau. Họ cũng như tôi, không còn trẻ nữa. Người ít tuổi nhất đã 58 - 60. Người cao tuổi nhất- vị nhạc trưởng thời đó, nay đã …81, tóc bạc như cước. Một lịch tập dượt quy mô được thông qua và 14 bài hát được chọn để thu âm, thu hình. Đài truyền hình địa phương vào cuộc. Một lễ kỷ niệm khá hoành tráng tại Trung tâm văn hóa Thành phố được tổ chức dưới sự bảo trợ của cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Lại còn một buổi biểu diễn vào đêm 30/4 tại tiền sảnh Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Rực rỡ dưới ánh sáng sân khấu các U60 - 80 cũng nữ thướt tha quần trắng áo dài, nam áo trắng quần âu, cổ thắt Cravat đủ màu sang trọng đứng đó say sưa hát. Nào hợp ca "Ca ngợi Tổ quốc" (Hồ Bắc); tốp nam "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" (Trần Chung), "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" (Doãn Nho); tốp nữ "Qua sông" (Phạm Minh Tuấn), "Hát về Hải Dương" (Trần Minh); song ca nữ "Quê Em" (Nguyễn Đức Toàn), tam ca nữ "Đảm đang cô gái Hải Dương" (Đức Minh); đơn nam "Bài ca Trườngơn" (Trần Chung), "Đoàn Vệ quốc quân" (Phan Huỳnh Điểu), "Đất nước trọn niềm vui" (Hoàng Hà); đơn nữ "Đường chúng ta đi" (Huy Du), "Bóng cây Kơ-nia" (Phan Huỳnh Điểu)…vang lên giữa trời đêm lộng gió. Phía dưới, nhiều khán giả cảm động hướng lên sàn diễn vỗ tay nhẩm hát theo. Chúng tôi đứng đó, những mái đầu bạc trắng ngẩng cao, miệng hát mà lòng rưng rưng nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ. Ngày nào, giữa thị xã Hải Dương thời chiến sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vắng ngắt bóng người, chúng tôi đi sát bên nhau theo hướng dẫn của đơn vị trực chiến tới hát phục vụ các trận địa pháo phòng không. Bộ đội mũ sắt áo xanh, mặt mũi sạm đen khói súng mắt sáng long lanh trên từng ụ súng lắng nghe đám thanh niên văn nghệ xung kích hát giữa trận địa. Chúng tôi hát như chưa từng có lúc được hát như thế. Bộ đội trẻ, thanh niên văn nghệ xung kích cũng trẻ gặp nhau trên bệ pháo. Chia tay nhau chỉ kịp trao cho nhau nụ cười tin tưởng, vẫy vội tấm khăn dù chào nhau mong cho ngày chiến thắng tới gần. Ngày qua ngày, giữa các trận đánh bom khốc liệt của máy bay Mỹ, chúng tôi tới hết trận địa phòng không này tới trận địa tên lửa khác. Bây giờ, những chàng trai rắn rỏi bên nòng súng cao xạ trên trận địa phòng không ven đô, bên những bệ phóng tên lửa đặt giữa sân vận động thị xã ngày ấy chắc nếu vượt qua được khốc liệt chiến tranh cũng tóc bạc, da mồi như bọn tôi giờ này. Các Anh, các Bạn chắc cũng không có thể quên những ngày khói lửa chiến tranh, từng được nghe những thanh niên văn nghệ xung kích mang tiếng hát tới động viên mình ngày nào chắc tay súng bảo vệ vùng trời quê hương tôi. Cuộc sống trôi qua đến nhanh, mới đó thôi mà 45 năm đã trôi qua. Đêm hát mừng 37 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4 bằng giọng hát đã "già" theo thời gian kéo chúng tôi sát lại bên nhau, tự hào rưng rưng. Tuổi trẻ của chúng tôi, kỷ niệm của chúng tôi đó. Một thời không thể quên.


          Khi tham gia đội văn nghệ xung kích thanh niên thị xã Hải Dương lúc đó, tôi cùng bạn bè mới mười tám đôi mươi. Thoáng vậy mà…đã ngót một đời người.

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)

       ….Thuở nhỏ, thằng cu Đớn - ấy là cái tên cúng cơm của lão Đán- vốn đen đủi, bị ông bố ghét bỏ nhất trong đám trẻ con trong nhà. Ông Kính - bố thằng Đớn, không chỉ ghét nó bởi cái tính lươn lẹo, dối trá, lớn đầu mà lại sinh tật thó vặt bất kể thứ gì từ của trong nhà đến của nhà người. Bố nó còn thậm ghét nó ở cái tội hèn. Chính ông từng chứng kiến nó chịu nhục chui qua gấu váy con mẹ bán bánh đúc ngoài chợ khi bị bắt quả tang thó của bà ta mấy hào lẻ giắt lưng. Sợ bị bà ta túm gáy đưa về giao cho bố mẹ, rêu rao khắp xóm thằng Đán vội vã van lạy xin tha và chấp nhận làm cái việc thối tha đó bên gốc đa mé chợ. Bất chợt vừa về tới ngã rẽ, nhìn người đàn bà đứng chống nạnh xoạc chân bắt thằng ôn con lổm ngổm bò giữa hai chân, ông Kính lặng đi đến mụ cả người. Thay vì đến xin với người đàn bà nanh nọc kia tha cho thằng con hư hỗng, ông lại tránh đi lối khác để mặc thây nó chịu cái sự nhục nhã cho nó biết thân biết phận. Chẳng bao giờ thằng cu Đớn biết được điều đó. Nhưng có dễ đến cả nửa năm sau đó, ông Kính không buồn nhìn vào cái mặt hèn của thằng con lâu quá một phút. Của đáng tội, dù ông từng nghĩ thầm trong bụng rằng, nếu kể tội nó ra, đánh cho nó một trận đòn thừa sống thiếu chết đi nữa thì cũng chẳng thể xóa được cái cảnh huống nhục nhã mà ông đã đích mục sở thị. Kẻ có chút học hành như ông cứ nghĩ đến cái bản mặt đần ra của thằng con dưới gầm váy mụ đàn bà là cảm thấy như mặt mình có nhọ. Việc duy nhất mà ông ban cho nó là sửa tên nó thành thằng Đán. Sửa cái tên thằng con có vẻ là việc dễ làm nhất mà ông chọn để vơi được nỗi đau trong lòng. Biết vậy cũng là hèn đấy, nhưng biết làm sao đây! Cái tên cũ của thằng bé cứ như quả tạ đeo trước trán ông vậy.
       Đang là một anh nhân viên quèn cho một cửa hàng vật phẩm văn hóa trên phố huyện, cách nhà chỉ hơn chục cây số đường núi vậy nhưng thi thoảng cả tháng ông Kính mới tạt về nhà, có khi vài ba tháng một lần. Không phải ông bỏ bê vợ con gì, nhưng vài ba đồng lương còm thời gạo sổ, chút thực phẩm tất tật bằng tem phiếu kiểu “cơm tập thể, giường cá nhân” thì cái sự đi về thăm nom nhà cửa bằng chiếc xe đạp cà tàng có vẻ là hơi vẽ sự. Vợ ông, yên phận thường dân làm xã viên hợp tác ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời gắng đổi lấy vài chục ngày công đủ sống nuôi bản thân, việc ăn học của con cái và giữ yên cái  "hậu phương" cho ông chồng cán bộ đâu cũng dễ dàng gì. Hễ cứ ăn bớt được chút giờ công sản xuất hợp tác nào là mụ lại bươn bả với mảnh đất phần trăm hòng thêm cặp chút thóc gạo chăn đàn con lóc nhóc. Mà cũng thật lạ, ăn tiêu chả biết thế nào là đủ mà lũ trẻ cứ ngồng ngỗng tự lớn kiểu củ khoai cái tấm. Đứa nào học được cứ học, đứa nào khó quá cho đứt ngang luôn, ở nhà chăn trâu cắt cỏ cho hợp tác kiếm lấy chút công điểm. Ấy vậy cho nên, tuy là đứa lớn trong nhà mà thằng Đán lại được học hành lâu hơn mọi đứa khác. Nó chẳng phải nhường nhịn cái sự học cho đứa nào cả, chung quy chỉ vì nó học cũng làng nhàng, mỗi năm đủ lên được một lớp dù không giỏi giang xuất sắc gì. Ở nơi phố núi này, học hành được như cu Đán đâu có nhiều. Mỗi tuổi mỗi lớn, cái mà nó vỡ vạc được thêm ra lại là cái điều rằng làm cái thằng hèn, muốn yên thân phải biết thêm cái phận lụy. Thằng Đán biết lụy mọi thứ, nhũn như chi chi trước bất cứ đứa lớn hơn hoặc có sức vóc, khôn lanh hơn. Biết bợ đỡ người có uy hơn mình và chịu luồn cúi trước người có quyền. Lúc ấy, người có quyền đối với nó là mấy ông thày có chức sắc trong trường, từ ông hiệu trưởng hiệu phó, ông giáo chủ nhiệm đến đám nhóc con lớp phó lớp trưởng, chi đội thiếu niên, tổ trưởng nhóm trưởng… tất tật những ai mà trước cặp mắt ngơ ngáo của nó “biết lườm, biết nẹt” cái thân hèn của nó là nó tự biết cúi gằm cái bản mặt nó xuống. Ở tuổi nó, như vậy cũng đáng kể là vọc vạch biết khôn. Thằng Đán không có bạn, ở đâu cũng thấy nó đơn lẻ và luôn lẽo đẽo theo sau chúng bạn cùng trang lứa. Bọn trẻ con phố núi lúc đầu thường trêu chọc, bắt nạt nó. Nhưng mãi rồi thấy nó hèn kém quá đâm chẳng buồn đụng đến nữa vì cũng thấy quá ngán cho cái thân nó, đùa cợt bắt nạt mãi cũng thành nhàm, thà kiếm trò chơi khác còn hơn. Ở trường đã vậy, còn ở nhà thì nó lại lì lợm. Có khi nổi cơn lên, do vất vả khó khăn cũng có mà do bận mọn đau ốm sinh bực mình cục tính cũng có, mẹ nó cứ đòn gánh quất cả lũ. Đám em nó đứa thì lu loa, đứa thì khóc hậm hụi chứ riêng thằng Đán thì tuyệt không; không la hét, không xin xỏ, đến nhăn mặt nhăn mũi, mếu máo cũng không nốt. Nó cứ lì ra, mặt mũi không hề biểu lộ chút dấu hiệu khổ sở oán hận gì. Duy có đôi mắt thằng Đán, nếu để ý kỹ sẽ thấy thoáng chút tia sắc lạnh hắt lên, một chút thôi như cái dấu chéo đánh dấu nỗi hẩm hiu, nhục nhã của riêng nó. Vì thế thuở bé, nhắc đến nó, người lớn thường xem nó là đứa trẻ lì lợm, hèn hạ. Ngữ ấy lớn lên không hiểu làm được cái trò trống gì. Song người lớn đâu có biết, trong cái đầu bé nhỏ của nó, nó cũng có những ham muốn của riêng nó mà cùng với năm tháng những dấu hiệu tưởng như lặn kỹ trong gan ruột nó mới dần xuất lộ theo cái kiểu riêng của thằng bé, lì lợm thì đến hết mức mà lạnh lùng, bạc ác, bất chấp cũng thành tinh. Âu đó cũng là cái chất người của thằng cu Đán chăng? Chỉ biết rằng, dù cái sự học của nó có suôn sẻ hơn lũ trẻ trong nhà thì cũng chỉ đến hết lớp bảy là kịch. Bố mẹ nó không thể để nó học thêm được vì nếu lên cấp ba, thằng bé phải khăn gói sang huyện bạn cách nhà cả ngày đường mới có trường mà học. Lấy tiền đâu, gạo đâu mà theo được. Thời đó, hết lớp bảy cũng đã là có học lắm rồi, đi công nhân hoặc chạy cái chân cán sự mèng cũng "oách" chán. Trên phố huyện chẳng có khối ông bà cán bộ văn hóa chỉ lớp ba lớp bốn, “bổ túc công nông nhảy chồm chồm” mà cũng nên ông nên bà cả đó sao. Cứ trông cái lão cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm mặt mũi béo nhờn hay con mẹ trưởng cửa hàng bách hóa huyện với dáng đi khạng nang thì khắc biết. Chỉ có điều, nếu vươn được đến thế thì gia đình thằng Đán chưa biết nhờ cửa nào, mà chắc cũng đâu có dám mơ. Thực ra thì, cái thân nó cho đến lúc đó học đến thế biết thế, cha mẹ nó cũng chẳng ai ước mong kỳ vọng gì. Mà kỳ vọng gì ở nơi xóm núi heo hút ấy kia chứ. Lớn lên cứ cái cày theo đít con trâu vẫn chẳng là cái sự chọn lựa như nhiên của khối con cái nhà nông trong làng, như rất nhiều thân thuộc họ hàng, của anh em nhà thằng Đán đó sao? Nó đâu có phải là ngoại lệ?
*
*       *

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG)


        Trời mùa đông chuyển sang cuối chiều đã lâu lắm. Qua khe cửa lối ra hành lang, nền trời đang chuyển dần sang màu tối. Ấy vậy mà trong căn phòng nhỏ, mọi thứ cứ chết lặng. Không có bóng người qua lại, cũng chẳng có chút ánh sáng le lói nào. Mọi thứ trong cái không gian bé nhỏ này như bị đóng cứng lại, mặc cho những tia sáng cuối cùng còn dây rớt của ráng chiều ngoài kia dần tắt hẳn. Phải căng mắt ra, nhìn thật kỹ mới phân biệt được hai hình hài lờ mờ trong phòng. Một bóng gày nhẳng nửa đứng nửa như sắp sụm xuống bên góc cửa. Một khối thù lù nửa nằm nửa ngồi trên ghế sô pha bên chiếc bàn kê góc bên kia gian phòng. Trong cái khối bất động ngồi đó, mái tóc trắng xơ xác nằm gần lọt trong hai bàn tay úp mang tai. Để ý thật kỹ nghe từ đó phát ra tiếng rên ư ử đứt đoạn nửa như muốn ê a rủa xả, nửa như chỉ chực vỡ òa ra thành tiếng kêu của kẻ sắp về chầu ông bà ông vải. Cái khối thu lu ấy là lão Đán, còn cái hình nhân ốm o đứng chếch bên góc kia là thằng con cả ngoài ba mươi tuổi đầu chết tiệt của lão. Chỉ có hai cha con lão với nhau, chẳng ai nhìn ai, cũng chẳng lời qua tiếng lại gì; song giữa họ có chung một nỗi ám ảnh, xót đau, nuối hận, tủi hổ với chính mình. Tiếng động của kim giây chiếc đồng hồ chạy pin trên tường nghe xạch… xạch … Thời gian như chẳng vì vậy mà được đếm xỉa đến, bởi hai cha con lão chỉ mải nghĩ về mình. Đúng là chỉ nghĩ về mình thôi, nhưng họ đều biết có sợi dây vô hình nào đó quàng vào thân phận họ. Tha lôi chúng ngược thời gian về trước, thời gian mà chỉ mỗi người trong họ biết với nhau như một món nợ đời chẳng biết khi nào gỡ trả được.
*
**

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

THƠ GỬI ĐẾN TỪ MỘT NGƯỜI BẠN

Một người bạn thân của tôi sống ở thành phố biển Nha Trang gửi đến tôi một bài thơ tuy hơi buồn nhưng đầy tâm trạng như sau:
NHỚ GIÁNG SINH XƯA
Nhớ về một Giáng sinh xưa
Ba mươi năm trước, ngẩn ngơ nỗi niềm.
Anh về, thờ thẫn trong đêm
Nhìn lên gác nhỏ, buồng rèm, mờ sương.
Đâu rồi hình bóng thân thương?
Người đi để lại nhớ thương một người.
Bao năm vật đổi sao dời
Còn đây kỷ niệm, bùi ngùi trong tim
Xin phép được đăng bài thơ ngắn của Bạn lên trang này như một lời cám ơn Bạn đã quan tâm và ghé thăm trang Blog của tôi

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

TRÒ CHUYỆN VỚI BẠN CŨ


Bạn tôi, nhạc sĩ Phạm Quang Hiển gửi cho tôi bài thơ này:
TÔI VỚI BẠN
Ba mươi sáu năm xa cách
Gặp lại nhau "tay bắt mặt mừng".
Thật vậy sao, ba sáu năm trôi
Tóc đã bạc, da đã mồi
Dấu chân chim chìm bên khóe mắt.
Tôi với bạn
Ba sáu năm xa cách
Nâng chén trà thơm thay ly rượu cay nồng
Hỏi thăm nhau...Có gì để lại không
Cùng cười vui...chuyện ấy... thì nhiều lắm.
Sáu mươi tuổi có dư, đủ mùi cay đắng
Đủ vị chát chua thơm thảo ngọt bùi
Lặng nhìn nhau qua ánh mắt cười
- Hai chú nhóc ngày nào
Nay thành hai "Cụ... Sĩ".
Tôi với bạn
Sáu mươi tuổi có dư
Ba sáu năm xa cách
Gặp lại nhau vui như thuở lên mười
Mặc dấu chân chim in khóe mắt...
Cười.
H-TH
Hải Dương-Hà Nội, 6-4-2012
Và tôi gửi lời cám ơn Bạn tôi mấy lời có vần dưới đây:
Bạn bắt đầu đếm những năm dài xa cách
Tôi lại nhớ và đếm lại đến hơn...năm mươi năm trời có lẻ
Bởi hồi đó,hai đứa mình còn thật bé
Chẳng nghe,chẳng biết, chẳng đoán được gì nhiều về nỗi cách xa,
Và tuổi tác sẽ thế nào khi đã lớn.
Nay thì biết rồi,ngấm rồi! Tôi và bạn thề sẽ không bao giờ xa nữa.
Ngoại trừ khi phải dặn mình để lại
Tấm thân tình cho con cái mai sau. 

Hải Dương - Hà Nội
08/04/2012 

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

SẢN PHẨM CỦA NHÀ "TĂNG GIA" ĐƯỢC

Để ra mắt cộng đồng Bloger tôi xin gửi tới các bạn một sản phẩm công nghệ, hiện đã được đăng tải trên cộng đồng mạng. Mong mọi người coi đây là món quà nhập gia, cảm nhận và cho ý kiến. Địa chỉ liên kết hiện đang là:<p style="text-align: center;">
   <a href="http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&ved=0CCIQFjAA&url=http%3A%2F%2Fvhttdlhd.vn%2FLists%2FForum%2FAttachments%2F9%2FTSNHOHOCHD.pdf&ei=hGp9T7SiLaWyiQfMxdTJCQ&usg=AFQjCNF-AHWd3_qJmJw2UHUtiQLIJvtcEg"></a></p>

Từ đường link này Bạn sê Download về máy tính cá nhân một cuốn sách điện tử - một sản phẩm công nghệ thông tin của chuyên khảo được Hội đồng biên soạn Địa chí tỉnh Hải Dương biên soạn thành sách với tiêu đề "Tiến sĩ Nho học Hải Dương (1075 - 1919) - năm 1999. Cong trình đã được Hội đồng giải thưởng Côn Sơn tặng Giải thưởng Khoa học công nghệ Côn Sơn lần thứ nhất (không có công trình được tặng giải A). Theo Quyết định số 118/2002/QĐ-B.
Chúc các Bạn thành công.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Blog của tôi

Ngấp nghé tuổi thất thập mới biết rằng nếu chỉ mình nói minh nghe quả là vô duyên. Nay bắt tay làm Blog cá nhân chưa phải là đã muộn. Song hơn lúc nào hết, tuổi này cần sự hòa đồng, rộng mở. Biết đâu đấy, từ những trang viết cá nhân này, tôi lại gặp nhiều tiếng nói đồng điệu, nhiều thú vị khi gặp người cùng sở thích. Và hơn hết, ít nhất "cái tôi" cá nhân cũng được dịp tồn tại cùng bạn bè. Để rồi, thấy mình ngày ngày lang thang, phiêu lãng trên "thế giới ảo", gửi quà cho bạn bè hoặc nhận lại được từ họ sự yêu mến. Và bây giờ...Tôi xin chào các bạn . Hãy làm quen với nhau để thêm nhiều cơ hội tâm tình rủ rỉ.