NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) - (Tiếp theo kỳ trước)


…..
       Kể như mới đó thôi mà dễ cũng ngót vài ba chục năm trôi qua rồi còn gì. Ngày ấy, con cái Xoan – tên thời con gái của vợ lão Đán- không thuộc loại đẹp khôn gì trong làng. Gia cảnh nhà nó thuộc loại nghèo hèn, bố mẹ không có của nả thừa kế gì từ hai bên gia đình. Ông bố  làm nghề thợ may, mắt toét viền điều nhoèn dử suốt ngày lọc cọc bên chiếc máy may Singer cũ tàng chẳng thu được mấy hào bạc mỗi phiên chợ. Bà mẹ và hai cô con gái nhỡ thì ngày ngày theo kẻng hợp tác nhì nhằng xuống đồng cấy hái, lặm lội tay dậm tay thuổng quơ quáo lúc chút cá vụn, khi con cua con ốc, mớ hến mớ tép đắp đổi qua bữa. Thảng hoặc, hôm nào may mắn lắm thì cũng móc được từ túi thiên hạ dăm ba hào bạc góc chợ quê. Cái Xoan người nhỏ thó, đen đủi được học đôi ba chữ cho đến lớp ba, đủ đếm hết số ngón của hai bàn tay rồi bỏ học theo mẹ theo chị mò cua bắt ốc. Lúc thư rỗi, nó lại giúp ông bố thùa vài cái khuy, được cái củ mỉ cù mì nên ông cụ thương hơn con chị. Nhờ vậy mà cái Xoan cũng vọc vạch học được nghề bố vài đường cơ bản của nghề thợ may phố chợ. Quay trước ngó sau mà ngoài hai mươi nó chẳng có  được đám nào dạm chỗ. Cô chị nó phải ngoài ba mươi mới neo được với một anh chàng thợ ngõa góa vợ, đẻ thêm với chồng được mỗn một vịt giời xấu xí rồi tịt ngóm. May mà ả vợ trước để lại cho anh ta hai thằng cu chống gậy nên cô nàng không đến nỗi phải cắp nón áo ra đi. Bố mẹ con cái Xoan thấy chị nó lấy chồng lận đận thế cũng đâm hoảng, ngày ngày liếc xéo con cái Xoan người cứ lép xẹp như con cá rô đực mà lo không biết rồi phận phu thê của nó rồi sẽ ra sao. Ấy thế nhưng vận may dường như mỉm cười với họ khi con cái Xoan hai sáu, hai bảy tuổi chực ế sưng ế sỉa được người xã bên đánh tiếng dạm hỏi. Khi đó, chiến tranh chống Mỹ đang vào hồi quyết liệt. Máy bay B52 của Mỹ quần đảo Hải Phòng rồi Hà Nội. Đêm đêm, tứ phía nhoáng nhoàng chớp lửa hắt về khiến cái huyện miền núi bằng cái nắm tay chỉ có ngót vạn dân ở đây ngày lo đằng ngày, đêm lo đằng đêm vì vị trí của nó quá gần những trọng điểm chiến lược. Mấy tay cán bộ huyện có nhà dưới quê cũng ít đi về, có lẽ do tình hình khẩn trương hơn, phải trực chiến trên cơ quan nhiều ngày. Từ huyện tới xã việc huy động lương thực, thực phẩm, dân công hỏa tuyến, động viên thanh niên vào bộ đội, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ nhiều và căng hơn trước càng làm cho không khí chiến tranh mỗi ngày như nóng hẳn lên. Người dân vùng quê nghèo cũng quen rồi cái cảnh đám trai tráng khỏe mạnh hết lượt này đến lứa khác khoác ba lô ra tiền tuyến. Ở lại với làng quê chỉ còn ông già, bà cả, phụ nữ và trẻ con. Việc nhà con cái Xoan có bà mối tận trên huyện hội phụ nữ dắt díu cho một đám nghe đâu từ chiến trường trở về làm dậy lên trong đám mấy bà ngồi lê lắm chuyện trong làng những đồn thổi, xì xầm. Nào là “khéo mà lấy phải nhà anh què, anh cụt”, nào là “thời buổi này bộ đội về làng giữa thời giặc giã, khói lửa mịt mù thế này, biết đâu…?”. Nhưng cũng có vài ba bà tặc lưỡi “nó thế cũng còn may chán, tưởng làm bà cô rồi!”, hoặc “thôi thì thế nào cũng được, nếu lấy chồng bộ đội, dính chút thương tật, biết đâu lại sướng. Cơm gạo sổ, thẻ thương binh. Có đường, có sữa, có thịt rồi khối đứa có mà ghen với nó suốt ngày!”…
       Chuyện cưới xin rồi cũng đến với con cái Xoan một cách chóng vánh như thời chiến nó phải thế. Gia đình nhà cái Xoan nhận đủ các lễ từ nhà trai, nào vấn danh, chạm ngõ, rồi ăn hỏi, phập phồng chỉ chực chờ ngày đón dâu. Thiên hạ nói sao kệ họ. Con gái đi lấy chồng, lại ở tít tận xã bên, có nói chán nói chê rồi cũng hết chuyện. Quá trưa buổi đón dâu, sau bữa cơm đậm đạp hơn thường ngày của họ nhà gái; bên nhà trai mới sang. Đoàn rước dâu có tới cả chục người, đi bộ có, xe đạp có, đặc biệt lại có cả ông trưởng đoàn được một chú đầu húi cua, da đen bóng chở trên một chiếc mô tô ba bánh màu cỏ úa đến trước làm đám trẻ con cứ nhộn cả lên. Chúng kéo theo đuôi chiếc xe có tới vài ba chục đứa, mắt hau háu nhìn cái vật lạ kỳ cổ quái không mấy khi thấy xuất hiện nơi thâm sơn cùng cốc này nổ phành phành, phun khói đen xì. Ông bố con Xoan phải nói khó với mấy ông tự vệ thôn cho gửi xe vào sân nhà ông thôn đội trưởng, nhờ thằng cháu họ trong đội an ninh vác gậy đứng canh ngoài cổng, mới ngăn được đám trẻ ranh hiếu kỳ tụ bạ sờ mó vào chiếc xe. Ấy vậy mà  lũ con nít cũng cứ bu từng đám bên rặng tre, có đứa còn vắt vẻo trên mấy cây ổi, cây xoan, cây bòng hàng xóm chòng chọc ngó sang, ngậu xị đố nhau, cãi vã nhau về cái xe mãi không biết mỏi mồm. Đám rước dâu ăn mặc cũng tươm tất, thời chiến mà được vậy là nhờ trong đoàn có mấy người dáng vẻ danh giá. Cứ nhìn vào mấy ông diện áo đại cán, vài anh diện quân phục bộ đội còn nguyên gấp nếp, mấy bà sồn sồn áo cánh nâu cổ trái tim viền đăng ten đen, có cả mấy thanh nữ áo sơ mi "xanh xí lâm" cổ cánh sen xòe rộng, tóc bím vắt vẻo sau gáy bằng chiếc khăn tay buộc xoè cánh bướm kiểu thành phố thì biết. Đám con gái trong làng xúm xít trước cổng nhà con cái Xoan, suýt xoa ngắm mấy cái áo lạ mắt, xì xầm chỉ trỏ tìm xem chú rể là ai. Đám khách yên vị trong nhà có tới gần nửa tiếng, mới có tin lọt ra ngoài nhờ đám con cháu ông thợ may chạy ra chạy vào thuốc nước mách lẻo “chú rể mệt do dính chút sốt rét cơn, xin phép vắng mặt”. À thì ra vậy, đám đông ồ lên, thảo nào không thấy anh cu chàng đâu cả, cứ nghĩ oan cho con Xoan lấy phải ông già. Thời này, lấy chồng bộ đội về làng, chuyện đó xảy ra như cơm bữa. Không thiếu đám cưới vắng chú rể như vậy. Cũng phải thông cảm thôi, thời chiến mà. Đám rước dâu cũng chẳng ngồi lâu, họ cần về sớm, tránh cái giờ cao điểm, máy bay máy bò rách chuyện. Cả đám dài thượt thế này lồ lộ trên đường có mà thành mồi ngon cho đám “con ma”, "thần sấm" nó sơi tái. Con cái Xoan hôm nay diện bộ áo cánh màu nâu non cổ tròn, quần sa tanh hoa, tóc bện hai dải vắt vẻo, đầu đội chiếc nón lá choàng lưới ngụy trang, quai màu tím che nghiêng một bên mặt, vẻ điệu đà khác hẳn. Cả đoàn người rồng rắn đi hết đường làng, tới cây đa ngoài ngã ba thì con cái Xoan được ngồi lên cái thùng hình thuyền kẹp bên hông chiếc bình bịch, chạy vọt lên trước, để lại đám trẻ trâu trong làng chưng hửng đứng vón lại bên bờ giếng. Đám rước dâu ai được kèm xe đạp thì lên xe, ai cuốc bộ thì men đường mương, bờ ruộng tắt về hướng xã bên. Đám rước dâu nhanh chóng ấy tới làng rồi đi, khuấy lên cái không khí vốn lặng lẽ trong thôn xóm được phút chốc thì ai lại về việc ấy. Người ta còn mải xuống đồng cày cấy, người không cày cấy thì lo chuyện ăn làm kiếm bơ gạo, củ khoai cho những mấy miệng ăn trong nhà. Với cái Xoan, nhìn làng quê lùi lại sau luồng khói đen của chiếc xe, đầu óc bồng bềnh chưa biết cái phận làm dâu rồi sẽ thế nào. Đã vậy, từ bé đến giờ mới ra khỏi làng, lại cũng là lần đầu tiên ngồi trên cái máy phành phạch này, nó chỉ chực nôn thốc nôn tháo. Rồi cái đận khổ sở ấy cũng qua đi, khi chiếc xe đưa con Xoan rẽ khúc quanh bỏ con đường liên xã chồm chồm vượt qua quãng bờ lô hướng lũy tre xanh ngắt phía tây tiến vào đường làng. Đến trước một bờ giếng thơi, chiếc xe lách vào một con đường nhỏ rồi dừng lại trước ngôi nhà tường trình đất núi, mái lợp lá gồi năm gian dựa lưng vào chân một quả đồi, phía trước cách bức với xóm ngõ bằng dãy hàng rào dâm bụt lúp xúp. Sau lớp rào, một dãy cây găng già dễ chừng cùng tuổi với nếp nhà tỏa bóng mát rậm rạp. Ngó qua, ngôi nhà có dáng vẻ của một nếp nhà gia giáo, có bát ăn bát để, sân vừa đủ rộng, thềm vừa đủ cao, hồi nhà xum xuê một gốc bưởi tướng đang mùa trổ hoa. Góc kia sân, một chiếc bể hứng nước mưa mái cuốn vòm, đứng bên hai gốc cau, cạnh đó một cái giếng đào vanh tròn bởi hàng gạch tổ ong lỗ chỗ màu vàng đất. Xế bên giếng, căn bếp nhỏ với làn khói xanh ngái đùn lên trên mái. Cây rơm ngất ngưởng cạnh bếp và chiếc cối đâm bèo to tổ bố dưới chân báo trước những công việc ngập đầu nào cấy hái, nào lợn gà cho đám đàn bà con gái trong nhà. Một tấm dù to, loang lổ sắc lính căng trùm lên cái sân đất nện khá rộng, xếp sẵn mấy hàng bàn ghế học trò. Chẳng có khăn phủ, cũng chẳng hoa hoét bày vẽ gì, trên mặt mấy chiếc bàn đầy vết mực tím mực xanh xếp hai hàng chén sứ cỡ trung, cóc cáy, cái lành cái mẻ sứt. Mỗi bàn bày vài đĩa bánh quy tròn mà dân chợ huyện quen gọi là “bánh quy gỗ” mặt ngoài dính đầy bột trắng, ngửi qua còn nguyên mùi mọt hăng hắc. Lẫn trong mỗi đĩa lại có hơn chục chiếc kẹo bột bọc giấy xanh đỏ. Thêm vào đám bánh kẹo đó là hai chiếc đĩa nhỡ, chiếc bày dăm khẩu trầu thuốc chiếc bày hai chục điếu thuốc lá cuộn mà đám thanh niên trong làng hay gọi là thuốc “Con gà” bởi thường được đóng trăm điếu vào một gói, dán một cái nhãn vàng thổ ra ngoài, trên in hình một chú gà trống màu đỏ nâu. Cái thứ thuốc điếu đó trên phố huyện bán đầy, thường dành cho hạng người bình dân, chứ thuốc bao nhà nước chỉ dành phân phối cho cán bộ chứ đâu được đến hạng thứ dân. Thêm nữa, trên mỗi bàn còn xếp dăm cái điếu bát, vài cây điếu cày ghếch nòng lên trời. Bàn ghế đã đầy chật người. Người già nhai trầu bỏm bẻm, đám thanh niên, thiếu niên choai choai đứa phì phèo điếu thuốc cuộn, đứa rít điếu cày ròn tan. Lũ trẻ con thì cứ chạy nhặng lên, ồn ã chí chóe giành nhau cái bánh, cái kẹo, điếu thuốc. Mấy cụ bô lão, áng chừng bề trên trong họ thì gật gù chuyền tay nhau chiếc điếu bát màu da lươn. Mùi khói thuốc, mùi mồ hôi dầu, mùi nắng gió quyện vào nhau thành một thứ mùi không sao gọi được tên, tiếng chuyện trò râm ran. Vài thanh nữ đi hết bàn này sang bàn kia, miệng mời chào, tay rót nước chè xanh đặc sánh trong mấy chiếc ấm tích sứt vòi ra chén. Con Xoan được mấy bà cô già nhà chồng ra đón rồi đưa biến vào chiếc buồng nhỏ bên chái nhà. Ở đó nó được sửa sang quần áo đầu tóc chờ đám rước dâu đi sau về đủ thì hôn lễ mới được cử hành. Phải gần tiếng đồng hồ sau đó, lễ cưới mới bắt đầu. Tiếng tay chủ hôn oang oang mời khách uống nước sơi trầu, xổ ra dăm ba câu thơ phú tự biên và đôi câu pha trò nhạt thếch đủ để khuấy lên cái không khí cưới xin đời sống mới chốn xóm quê. Con Xoan được cô bạn cùng làng dìu đến chiếc ghế băng xếp sau chiếc bàn làm việc kiểu cơ quan bày vuông cạnh với dãy bàn bên phải. Đằng sau bàn cô dâu chú rể là chiếc phông xanh dán đôi chim hòa bình, đôi chữ lồng cắt trên giấy đỏ nhìn kỹ mới đoán phỏng được tên đôi uyên ương. Thêm vài cành tre lớt phớt lá cắt giấy xanh, giấy trắng rải đây đó dọc hàng chữ “Lễ thành hôn”. Nhưng hàng chữ đọc được rõ nhất thượng trên tấm phông lại là câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” trông cũng nghiêm ngắn. Hết đại diện nhà trai, đại diện nhà gái phát biểu, vài ba cô cậu chi đoàn thanh niên, dân quân tự vệ người ngâm thơ, người hát mấy bài hát rất phổ biến nhờ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Đám thanh niên vỗ bàn, vỗ tay rầm rầm. Con cái Xoan mặt đỏ lựng, bẽn lẽn, miệng ngậm tăm, mặt cúi tay vân vê gấu áo. Thi thoảng nó ngẩng nhìn trộm đám đông ồn ã, xa lạ trước mắt như nhìn qua màn khói. Người thanh niên ngồi cùng ghế băng phía bên phải, người mà từ bây giờ là chồng nó, nó chỉ dám liếc ngang vội vàng thấy được cái cằm bạnh, tóc chải lật sang bên nhìn rõ là được dấp nước cho có nếp. Anh chàng diện bộ quần áo bộ đội vải Gabadin màu cứt ngựa trông đen nhẻm, gày gò, mặt mũi hốc hác ngồi cứng trên ghế, tay phải chống trên bàn, bàn tay lúc nào cũng thấy ấp lên má, rịn mồ hôi. Rồi đám cưới cũng nhanh chóng đến hồi kết thúc, khi mà từ thuốc nước, kẹo bánh vốn chẳng nhiều nhặn gì được đám khách khứa mau tay dọn sạch, để lại trên mặt bàn trơ khấc mấy chiếc đĩa sứt sẹo. Xong các thủ tục, cô dâu chú rể đứng lên chào mọi người. Ra tiễn khách đầu sân chỉ có con cái Xoan và mấy ông bà trong họ, anh chồng nó đã rút êm từ lúc nào rồi. Con Xoan bịn rịn chia tay vài người thân ít ỏi đi theo, trong đó đa phần là đám bạn gái cắt cỏ chăn trâu thuở bé. Ngoài sân, mấy trai làng nhanh chóng thu dọn, người gỡ tấm dù, kẻ ghé vai khênh bàn ghế trả cho ngôi trường học cuối làng, người khua mấy chiếc chổi rễ dọn giấy, đầu mẩu thuốc điếu, bã thuốc lào dưới sân. Công việc cũng chẳng nhiều nhặn gì, loáng cái là xong, người làm giúp cuối cùng của chi đoàn thanh niên xã ra về.
……
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

BIỂN - CON SÓNG - BỜ CÁT...CHỜ NHAU

            Bạn tôi, nhạc si Phạm Quang Hiển, viết trên Blog của mình một bài thơ nhan đề là "Sóng". Bình thơ Bạn, tôi viết thêm vài ý thơ, lấy tên là "Cát chờ". Một bạn thơ khác, khi trao đổi với tôi trên mạng có đề xuất một ý rất hay: Cô bạn muốn tập hợp…"100 bài thơ trên mạng" để kết nối cộng đồng Bloger. Tôi xin mạn phép bạn tôi, đồng tình với cô bạn thơ, thử ghép vần thơ bạn và thơ tôi thành bài. Tạm đặt tên là "Biển - Con sóng - Bờ cát chờ nhau". Mạnh dạn đăng lên với nhãn chung là THƠ BẠN - BẠN THƠ. Cũng xin phép bạn đọc khắp nơi để "bỏ nhỏ" một lời tự bạch rằng: Tôi chưa bao giờ là người làm thơ, và vì thế chỉ dám xin nhận làm người ngoại đạo trong thi trường. 
Mong bạn đọc châm chước cho

BIỂN - CON SÓNG - BỜ CÁT
….CHỜ NHAU


Giữa cuộc đời con sóng anh bất tận
Cứ chồm lên ôm riết cát vàng em
Rồi mang đi tất cả bình yên
Em gắng giữ từ lâu chưa để mất.
                             (Bạn tôi)
Cát chờ sóng, muôn đời là như vậy
Em cùng Anh, cả cuộc sống vun dầy.
Mong biển mãi giữ gìn, Vâng! con sóng.
Cát tình Em mãi ôm sóng tình Anh
Đời vẫn vậy, kiếm tìm nhau mải miết
Hai đứa mình, cát - sóng khát tình nhau.
                                      (…Và tôi)

Cát chờ Sóng, muôn năm vẫn thế
Em chờ Anh thao thiết "Vọng Phu";
Dẫu vẫn biết đời là dâu bể
Khát khao ơi! Mải miết đi tìm.
                                      (Bạn tôi)

Cát chờ sóng, mãi chờ mãi gặp
Em chờ Anh, đâu cứ hóa "Vọng phu"
Huyền thoại ấy dù cho có thật
Vẫn không như Biển - Sóng - Cát
Chờ nhau…
                                                (…Và tôi)

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo kỳ trước)

.......Bóng tối của gian phòng nhỏ  bỗng bị xé toang ra làm hai mảnh bởi lằn ranh vàng nhờ của ngọn đèn trần cầu thang hắt vào. Lão Đán hé mắt, giữa mảng sáng hầu như quá chói so với đôi mắt đục lờ của lão, chẳng cần nhìn kỹ lão cũng biết ai đang đứng đó. Mụ vợ lão chứ ai. Cái dáng nhỏ thó, khúm núm như mảnh giẻ vo lại của thị trước mặt chồng kể từ khi về nhà lão làm dâu đến nay vốn đã quá quen với lão. Vẳng như đâu đây câu nói năm nào của lão thày lang biết đôi chút lý số trên chợ huyện: “Cái tướng nhà anh có lấy vợ thì cũng không lấy được kẻ khôn ngoan hơn mình. Chắc cũng chỉ giỏi làm cái chân sai vặt và đẻ dai như gà thôi.” Cái lão ấy nói vậy mà đúng. Mọi công to việc nhớn trong nhà chỉ có lão xoay xở lấy. Còn mụ vợ, vốn con một ông thợ may quanh năm mắt viền điều ứa dử nhoèn xã bên, chỉ đem về nhà lão được mỗn chút nghề mọn. Song may không ra hồn mà vá thì cũng không được gọn mắt. Cho nên dù cố vật lên cái cửa hàng con con mé chợ, khách của mụ cũng toàn hạng tầm tầm, vài bà già hom hem đến may cắt cái quần đũng rộng chân què, cái áo cánh kiểu xưa. Hoặc giả cùng lắm là đám thợ cấy đến vá mấy mụn áo rách mặc xuống đồng hoặc "tích kê" mấy cái đũng quần cho đám trẻ trâu hết gai làm toạc lại leo cây cối phá mòn. Lão công tác xa nhà, thi thoảng về ném được nắm tiền nào cho mụ thì biết được mớ đó, chứ bảo mụ ghé cái vai gù vì nghề mà lo cho đám tàu há mồm nhà này thì có mà chờ “trạch đẻ ngọn đa”. Mấy chục năm làm bạn với nhau, chỉ dăm bảy năm vừa rồi, nhờ sà xẻo chút lộc rơi của mấy cái nhà tầng cơ quan mà lão "bốc" được cái nhà này, mua lại từ tay gã phòng thuế mất nết ôm đầu chạy án sau khi tách tỉnh bán rẻ cho. Vậy thế cũng gọi là có nóc nhà tầng chốn thị thành. Lôi cổ mụ vợ ra trông nhà, hàng tuần mụ vẫn đáp xe ôm chạy về chợ huyện, phố núi trả cho khách quen lúc thì cái quần cái áo cần sửa, khi thì cái vỏ gối vỏ chăn….nhì nhằng đôi ba chục ngàn. Mớ nào to thì được vài chục bộ quần áo trẻ con may sẵn gia công cho một nhà may trong huyện ẵm được hợp đồng may đồng phục học sinh giá rẻ. Thân, tay, cánh vạt cắt sẵn đó, mụ chỉ việc đạp máy may gắn lại. So với tay nghề học được từ ông cụ thân sinh, việc gì chứ việc ấy thì mụ quậy cọ được. Giờ thì mụ đứng đó, im như thóc nghé mắt nhìn vào hai cha con lão. Cơm canh dưới nhà nguội ngắt nguội ngơ mà mụ không dám cất tiếng nhắc cha con lão xuống dùng bữa. Ăn ở với nhau có được ba mặt con gái trai đủ cả, mụ chẳng dại gì hứng cơn điên của cái lão hung thần ấy vào lúc này. Có mà tan mặt chó với lão. Thằng cha trông vậy mà ngoa miệng, ưa chửi rủa tục tằn và tính tình thì hay để bụng, thù dai. Không biết sống ngoài cơ quan thế nào, chứ ở nhà chúa là gia trưởng. Mà lão chồng mụ cũng đánh vợ ra phết nhé. Đánh vợ toàn nhằm lúc giữa đêm, khi có điều gì không vừa ý hoặc giận cá chém thớt với ai đó ngoài đường là về gây với vợ. Mà lão có cái thói hành hạ vợ cũng chẳng giống ai, vừa đểu lại vừa hèn. Đầu đêm, vừa ăn nằm vật vã với nhau đấy mà chỉ sau một lúc thôi, cơn điên lên là tay thì bịt mồm vợ, tay thì cấu véo toàn chỗ hiểm, đầu gối thúc vào sườn, vào ngực vợ huỳnh huỵch, miệng thì thào rủa xả tục tằn. Mụ thì như đã quá quen rồi, cắn răng chịu đựng, chẳng dám la lối hay kể lể bè nhè gì. Sáng ra sau khi chồng cắp đít lên cơ quan, mụ nằm nhà đau đớn chán chê thì cắp nón về quê, vài hôm nhận hàng nhận họ lại về, chẳng dám mở mồm ca thán lấy một câu. Hồi còn ở dưới quê, mấy đứa con biết tính “hổ vồ” của bố nó, biết mẹ bị đánh ban đêm, chẳng có đứa nào dám ho hoe. Khi chúng lớn khôn, đứa có chồng có vợ, đứa đi làm tỉnh ngoài, nhà chỉ độc có hai người lớn với nhau, lúc ngứa tay, cay mắt lão vẫn đánh vợ kiểu đó. Vậy mà hàng xóm láng giềng tịnh chẳng ai hay biết điều gì. Từ hồi ngót ngét lục tuần đến nay, lão không đánh vợ nhiều và ác như hồi trước, nhưng vằn mắt lên lão vẫn "úynh" như thường. Cái kiểu như hôm nay này, đêm nay lão dám trút cơn lên đầu mụ lắm. Ở tuổi mụ bây giờ, xương cốt rệu rã cả rồi, lão cứ đạp cho một cái thì cũng nằm liệt vài tháng. Nghĩ lại những năm tháng làm vợ đã qua, mụ chợt khẽ rùng mình, cảm giác buốt lạnh chạy dọc sống lưng.
*
*     *

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

VÀI DÒNG THƠ VỚI BẠN

Trên trang Blog của mình, Bạn tôi - Nhạc sĩ Phạm Quang Hiển có một bài thơ nguyên văn thế này:
SÓNG
Giữa cuộc đời con sóng anh bất tận
Cứ chồm lên ôm riết cát vàng em
Rồi mang đi tất cả bình yên
Em gắng giữ từ lâu chưa để mất.

Và tôi đã viết những dòng dưới đây theo nhịp thơ của Bạn 
CÁT CHỜ
Cát chờ sóng, muôn đời là như vậy
Em cùng Anh, cả cuộc sống vun dầy.
Mong biển mãi giữ gìn, Vâng! con sóng.
Cát tình Em mãi ôm sóng tình Anh
Đời vẫn vậy, kiếm tìm nhau mải miết
Hai đứa mình, cát - sóng khát tình nhau.
Hải Dương, 10 tháng 5 năm 2012.

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

MÙA THU VÀ SỰ TRỞ LẠI NIỀM ĐAM MÊ

  CHỈ NHƯ MỚI ĐÓ THÔI….
        Mới đó thôi…Đó là câu thường nghe được từ người có tâm trạng hồi nhớ việc xưa. Cách nay khoảng gần một năm, khi cùng chơi với đứa cháu ngoại ngoài công viên, tôi tình cờ gặp một cô bạn, em của một người bạn cùng học thời cấp hai. Vồn vã chào hỏi, cô bạn mời tôi: "Anh còn nhớ đội văn nghệ xung kích ngày nào của bọn mình không? Chúng em vẫn cùng nhau sinh hoạt đấy. Anh tới sinh hoạt với bọn em cho vui, rồi lại dàn dựng lại cho bọn Em những bài hát kháng chiến chống Mỹ cứu nước hồi xưa bọn mình từng hát nhé…"  Chia tay cô bạn, tôi không chắc sẽ tham gia được ngay vì…không biết sẽ sinh hoạt với họ vào dịp nào. Ấy vậy nhưng người bạn gái đó vẫn nhớ lời. Trước kỷ niệm Ngày giải phóng miền nam 30/4 năm nay khoảng gần 3 tuần, cô tìm tới tận nhà, lại còn "lễ phép" đề xuất với bà xã tôi rằng: "cho bọn em "mượn" Anh ít ngày để chuẩn bị dựng chương trình kỷ niệm "45 năm thành lập Đội văn nghệ thanh niên xung kích thị xã Hải Dương".
          Và thế là chúng tôi lại có dịp gặp lại nhau. Họ cũng như tôi, không còn trẻ nữa. Người ít tuổi nhất đã 58 - 60. Người cao tuổi nhất- vị nhạc trưởng thời đó, nay đã …81, tóc bạc như cước. Một lịch tập dượt quy mô được thông qua và 14 bài hát được chọn để thu âm, thu hình. Đài truyền hình địa phương vào cuộc. Một lễ kỷ niệm khá hoành tráng tại Trung tâm văn hóa Thành phố được tổ chức dưới sự bảo trợ của cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Lại còn một buổi biểu diễn vào đêm 30/4 tại tiền sảnh Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Rực rỡ dưới ánh sáng sân khấu các U60 - 80 cũng nữ thướt tha quần trắng áo dài, nam áo trắng quần âu, cổ thắt Cravat đủ màu sang trọng đứng đó say sưa hát. Nào hợp ca "Ca ngợi Tổ quốc" (Hồ Bắc); tốp nam "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" (Trần Chung), "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" (Doãn Nho); tốp nữ "Qua sông" (Phạm Minh Tuấn), "Hát về Hải Dương" (Trần Minh); song ca nữ "Quê Em" (Nguyễn Đức Toàn), tam ca nữ "Đảm đang cô gái Hải Dương" (Đức Minh); đơn nam "Bài ca Trườngơn" (Trần Chung), "Đoàn Vệ quốc quân" (Phan Huỳnh Điểu), "Đất nước trọn niềm vui" (Hoàng Hà); đơn nữ "Đường chúng ta đi" (Huy Du), "Bóng cây Kơ-nia" (Phan Huỳnh Điểu)…vang lên giữa trời đêm lộng gió. Phía dưới, nhiều khán giả cảm động hướng lên sàn diễn vỗ tay nhẩm hát theo. Chúng tôi đứng đó, những mái đầu bạc trắng ngẩng cao, miệng hát mà lòng rưng rưng nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ. Ngày nào, giữa thị xã Hải Dương thời chiến sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vắng ngắt bóng người, chúng tôi đi sát bên nhau theo hướng dẫn của đơn vị trực chiến tới hát phục vụ các trận địa pháo phòng không. Bộ đội mũ sắt áo xanh, mặt mũi sạm đen khói súng mắt sáng long lanh trên từng ụ súng lắng nghe đám thanh niên văn nghệ xung kích hát giữa trận địa. Chúng tôi hát như chưa từng có lúc được hát như thế. Bộ đội trẻ, thanh niên văn nghệ xung kích cũng trẻ gặp nhau trên bệ pháo. Chia tay nhau chỉ kịp trao cho nhau nụ cười tin tưởng, vẫy vội tấm khăn dù chào nhau mong cho ngày chiến thắng tới gần. Ngày qua ngày, giữa các trận đánh bom khốc liệt của máy bay Mỹ, chúng tôi tới hết trận địa phòng không này tới trận địa tên lửa khác. Bây giờ, những chàng trai rắn rỏi bên nòng súng cao xạ trên trận địa phòng không ven đô, bên những bệ phóng tên lửa đặt giữa sân vận động thị xã ngày ấy chắc nếu vượt qua được khốc liệt chiến tranh cũng tóc bạc, da mồi như bọn tôi giờ này. Các Anh, các Bạn chắc cũng không có thể quên những ngày khói lửa chiến tranh, từng được nghe những thanh niên văn nghệ xung kích mang tiếng hát tới động viên mình ngày nào chắc tay súng bảo vệ vùng trời quê hương tôi. Cuộc sống trôi qua đến nhanh, mới đó thôi mà 45 năm đã trôi qua. Đêm hát mừng 37 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4 bằng giọng hát đã "già" theo thời gian kéo chúng tôi sát lại bên nhau, tự hào rưng rưng. Tuổi trẻ của chúng tôi, kỷ niệm của chúng tôi đó. Một thời không thể quên.


          Khi tham gia đội văn nghệ xung kích thanh niên thị xã Hải Dương lúc đó, tôi cùng bạn bè mới mười tám đôi mươi. Thoáng vậy mà…đã ngót một đời người.

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)

       ….Thuở nhỏ, thằng cu Đớn - ấy là cái tên cúng cơm của lão Đán- vốn đen đủi, bị ông bố ghét bỏ nhất trong đám trẻ con trong nhà. Ông Kính - bố thằng Đớn, không chỉ ghét nó bởi cái tính lươn lẹo, dối trá, lớn đầu mà lại sinh tật thó vặt bất kể thứ gì từ của trong nhà đến của nhà người. Bố nó còn thậm ghét nó ở cái tội hèn. Chính ông từng chứng kiến nó chịu nhục chui qua gấu váy con mẹ bán bánh đúc ngoài chợ khi bị bắt quả tang thó của bà ta mấy hào lẻ giắt lưng. Sợ bị bà ta túm gáy đưa về giao cho bố mẹ, rêu rao khắp xóm thằng Đán vội vã van lạy xin tha và chấp nhận làm cái việc thối tha đó bên gốc đa mé chợ. Bất chợt vừa về tới ngã rẽ, nhìn người đàn bà đứng chống nạnh xoạc chân bắt thằng ôn con lổm ngổm bò giữa hai chân, ông Kính lặng đi đến mụ cả người. Thay vì đến xin với người đàn bà nanh nọc kia tha cho thằng con hư hỗng, ông lại tránh đi lối khác để mặc thây nó chịu cái sự nhục nhã cho nó biết thân biết phận. Chẳng bao giờ thằng cu Đớn biết được điều đó. Nhưng có dễ đến cả nửa năm sau đó, ông Kính không buồn nhìn vào cái mặt hèn của thằng con lâu quá một phút. Của đáng tội, dù ông từng nghĩ thầm trong bụng rằng, nếu kể tội nó ra, đánh cho nó một trận đòn thừa sống thiếu chết đi nữa thì cũng chẳng thể xóa được cái cảnh huống nhục nhã mà ông đã đích mục sở thị. Kẻ có chút học hành như ông cứ nghĩ đến cái bản mặt đần ra của thằng con dưới gầm váy mụ đàn bà là cảm thấy như mặt mình có nhọ. Việc duy nhất mà ông ban cho nó là sửa tên nó thành thằng Đán. Sửa cái tên thằng con có vẻ là việc dễ làm nhất mà ông chọn để vơi được nỗi đau trong lòng. Biết vậy cũng là hèn đấy, nhưng biết làm sao đây! Cái tên cũ của thằng bé cứ như quả tạ đeo trước trán ông vậy.
       Đang là một anh nhân viên quèn cho một cửa hàng vật phẩm văn hóa trên phố huyện, cách nhà chỉ hơn chục cây số đường núi vậy nhưng thi thoảng cả tháng ông Kính mới tạt về nhà, có khi vài ba tháng một lần. Không phải ông bỏ bê vợ con gì, nhưng vài ba đồng lương còm thời gạo sổ, chút thực phẩm tất tật bằng tem phiếu kiểu “cơm tập thể, giường cá nhân” thì cái sự đi về thăm nom nhà cửa bằng chiếc xe đạp cà tàng có vẻ là hơi vẽ sự. Vợ ông, yên phận thường dân làm xã viên hợp tác ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời gắng đổi lấy vài chục ngày công đủ sống nuôi bản thân, việc ăn học của con cái và giữ yên cái  "hậu phương" cho ông chồng cán bộ đâu cũng dễ dàng gì. Hễ cứ ăn bớt được chút giờ công sản xuất hợp tác nào là mụ lại bươn bả với mảnh đất phần trăm hòng thêm cặp chút thóc gạo chăn đàn con lóc nhóc. Mà cũng thật lạ, ăn tiêu chả biết thế nào là đủ mà lũ trẻ cứ ngồng ngỗng tự lớn kiểu củ khoai cái tấm. Đứa nào học được cứ học, đứa nào khó quá cho đứt ngang luôn, ở nhà chăn trâu cắt cỏ cho hợp tác kiếm lấy chút công điểm. Ấy vậy cho nên, tuy là đứa lớn trong nhà mà thằng Đán lại được học hành lâu hơn mọi đứa khác. Nó chẳng phải nhường nhịn cái sự học cho đứa nào cả, chung quy chỉ vì nó học cũng làng nhàng, mỗi năm đủ lên được một lớp dù không giỏi giang xuất sắc gì. Ở nơi phố núi này, học hành được như cu Đán đâu có nhiều. Mỗi tuổi mỗi lớn, cái mà nó vỡ vạc được thêm ra lại là cái điều rằng làm cái thằng hèn, muốn yên thân phải biết thêm cái phận lụy. Thằng Đán biết lụy mọi thứ, nhũn như chi chi trước bất cứ đứa lớn hơn hoặc có sức vóc, khôn lanh hơn. Biết bợ đỡ người có uy hơn mình và chịu luồn cúi trước người có quyền. Lúc ấy, người có quyền đối với nó là mấy ông thày có chức sắc trong trường, từ ông hiệu trưởng hiệu phó, ông giáo chủ nhiệm đến đám nhóc con lớp phó lớp trưởng, chi đội thiếu niên, tổ trưởng nhóm trưởng… tất tật những ai mà trước cặp mắt ngơ ngáo của nó “biết lườm, biết nẹt” cái thân hèn của nó là nó tự biết cúi gằm cái bản mặt nó xuống. Ở tuổi nó, như vậy cũng đáng kể là vọc vạch biết khôn. Thằng Đán không có bạn, ở đâu cũng thấy nó đơn lẻ và luôn lẽo đẽo theo sau chúng bạn cùng trang lứa. Bọn trẻ con phố núi lúc đầu thường trêu chọc, bắt nạt nó. Nhưng mãi rồi thấy nó hèn kém quá đâm chẳng buồn đụng đến nữa vì cũng thấy quá ngán cho cái thân nó, đùa cợt bắt nạt mãi cũng thành nhàm, thà kiếm trò chơi khác còn hơn. Ở trường đã vậy, còn ở nhà thì nó lại lì lợm. Có khi nổi cơn lên, do vất vả khó khăn cũng có mà do bận mọn đau ốm sinh bực mình cục tính cũng có, mẹ nó cứ đòn gánh quất cả lũ. Đám em nó đứa thì lu loa, đứa thì khóc hậm hụi chứ riêng thằng Đán thì tuyệt không; không la hét, không xin xỏ, đến nhăn mặt nhăn mũi, mếu máo cũng không nốt. Nó cứ lì ra, mặt mũi không hề biểu lộ chút dấu hiệu khổ sở oán hận gì. Duy có đôi mắt thằng Đán, nếu để ý kỹ sẽ thấy thoáng chút tia sắc lạnh hắt lên, một chút thôi như cái dấu chéo đánh dấu nỗi hẩm hiu, nhục nhã của riêng nó. Vì thế thuở bé, nhắc đến nó, người lớn thường xem nó là đứa trẻ lì lợm, hèn hạ. Ngữ ấy lớn lên không hiểu làm được cái trò trống gì. Song người lớn đâu có biết, trong cái đầu bé nhỏ của nó, nó cũng có những ham muốn của riêng nó mà cùng với năm tháng những dấu hiệu tưởng như lặn kỹ trong gan ruột nó mới dần xuất lộ theo cái kiểu riêng của thằng bé, lì lợm thì đến hết mức mà lạnh lùng, bạc ác, bất chấp cũng thành tinh. Âu đó cũng là cái chất người của thằng cu Đán chăng? Chỉ biết rằng, dù cái sự học của nó có suôn sẻ hơn lũ trẻ trong nhà thì cũng chỉ đến hết lớp bảy là kịch. Bố mẹ nó không thể để nó học thêm được vì nếu lên cấp ba, thằng bé phải khăn gói sang huyện bạn cách nhà cả ngày đường mới có trường mà học. Lấy tiền đâu, gạo đâu mà theo được. Thời đó, hết lớp bảy cũng đã là có học lắm rồi, đi công nhân hoặc chạy cái chân cán sự mèng cũng "oách" chán. Trên phố huyện chẳng có khối ông bà cán bộ văn hóa chỉ lớp ba lớp bốn, “bổ túc công nông nhảy chồm chồm” mà cũng nên ông nên bà cả đó sao. Cứ trông cái lão cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm mặt mũi béo nhờn hay con mẹ trưởng cửa hàng bách hóa huyện với dáng đi khạng nang thì khắc biết. Chỉ có điều, nếu vươn được đến thế thì gia đình thằng Đán chưa biết nhờ cửa nào, mà chắc cũng đâu có dám mơ. Thực ra thì, cái thân nó cho đến lúc đó học đến thế biết thế, cha mẹ nó cũng chẳng ai ước mong kỳ vọng gì. Mà kỳ vọng gì ở nơi xóm núi heo hút ấy kia chứ. Lớn lên cứ cái cày theo đít con trâu vẫn chẳng là cái sự chọn lựa như nhiên của khối con cái nhà nông trong làng, như rất nhiều thân thuộc họ hàng, của anh em nhà thằng Đán đó sao? Nó đâu có phải là ngoại lệ?
*
*       *

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG)


        Trời mùa đông chuyển sang cuối chiều đã lâu lắm. Qua khe cửa lối ra hành lang, nền trời đang chuyển dần sang màu tối. Ấy vậy mà trong căn phòng nhỏ, mọi thứ cứ chết lặng. Không có bóng người qua lại, cũng chẳng có chút ánh sáng le lói nào. Mọi thứ trong cái không gian bé nhỏ này như bị đóng cứng lại, mặc cho những tia sáng cuối cùng còn dây rớt của ráng chiều ngoài kia dần tắt hẳn. Phải căng mắt ra, nhìn thật kỹ mới phân biệt được hai hình hài lờ mờ trong phòng. Một bóng gày nhẳng nửa đứng nửa như sắp sụm xuống bên góc cửa. Một khối thù lù nửa nằm nửa ngồi trên ghế sô pha bên chiếc bàn kê góc bên kia gian phòng. Trong cái khối bất động ngồi đó, mái tóc trắng xơ xác nằm gần lọt trong hai bàn tay úp mang tai. Để ý thật kỹ nghe từ đó phát ra tiếng rên ư ử đứt đoạn nửa như muốn ê a rủa xả, nửa như chỉ chực vỡ òa ra thành tiếng kêu của kẻ sắp về chầu ông bà ông vải. Cái khối thu lu ấy là lão Đán, còn cái hình nhân ốm o đứng chếch bên góc kia là thằng con cả ngoài ba mươi tuổi đầu chết tiệt của lão. Chỉ có hai cha con lão với nhau, chẳng ai nhìn ai, cũng chẳng lời qua tiếng lại gì; song giữa họ có chung một nỗi ám ảnh, xót đau, nuối hận, tủi hổ với chính mình. Tiếng động của kim giây chiếc đồng hồ chạy pin trên tường nghe xạch… xạch … Thời gian như chẳng vì vậy mà được đếm xỉa đến, bởi hai cha con lão chỉ mải nghĩ về mình. Đúng là chỉ nghĩ về mình thôi, nhưng họ đều biết có sợi dây vô hình nào đó quàng vào thân phận họ. Tha lôi chúng ngược thời gian về trước, thời gian mà chỉ mỗi người trong họ biết với nhau như một món nợ đời chẳng biết khi nào gỡ trả được.
*
**

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

THƠ GỬI ĐẾN TỪ MỘT NGƯỜI BẠN

Một người bạn thân của tôi sống ở thành phố biển Nha Trang gửi đến tôi một bài thơ tuy hơi buồn nhưng đầy tâm trạng như sau:
NHỚ GIÁNG SINH XƯA
Nhớ về một Giáng sinh xưa
Ba mươi năm trước, ngẩn ngơ nỗi niềm.
Anh về, thờ thẫn trong đêm
Nhìn lên gác nhỏ, buồng rèm, mờ sương.
Đâu rồi hình bóng thân thương?
Người đi để lại nhớ thương một người.
Bao năm vật đổi sao dời
Còn đây kỷ niệm, bùi ngùi trong tim
Xin phép được đăng bài thơ ngắn của Bạn lên trang này như một lời cám ơn Bạn đã quan tâm và ghé thăm trang Blog của tôi

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

TRÒ CHUYỆN VỚI BẠN CŨ


Bạn tôi, nhạc sĩ Phạm Quang Hiển gửi cho tôi bài thơ này:
TÔI VỚI BẠN
Ba mươi sáu năm xa cách
Gặp lại nhau "tay bắt mặt mừng".
Thật vậy sao, ba sáu năm trôi
Tóc đã bạc, da đã mồi
Dấu chân chim chìm bên khóe mắt.
Tôi với bạn
Ba sáu năm xa cách
Nâng chén trà thơm thay ly rượu cay nồng
Hỏi thăm nhau...Có gì để lại không
Cùng cười vui...chuyện ấy... thì nhiều lắm.
Sáu mươi tuổi có dư, đủ mùi cay đắng
Đủ vị chát chua thơm thảo ngọt bùi
Lặng nhìn nhau qua ánh mắt cười
- Hai chú nhóc ngày nào
Nay thành hai "Cụ... Sĩ".
Tôi với bạn
Sáu mươi tuổi có dư
Ba sáu năm xa cách
Gặp lại nhau vui như thuở lên mười
Mặc dấu chân chim in khóe mắt...
Cười.
H-TH
Hải Dương-Hà Nội, 6-4-2012
Và tôi gửi lời cám ơn Bạn tôi mấy lời có vần dưới đây:
Bạn bắt đầu đếm những năm dài xa cách
Tôi lại nhớ và đếm lại đến hơn...năm mươi năm trời có lẻ
Bởi hồi đó,hai đứa mình còn thật bé
Chẳng nghe,chẳng biết, chẳng đoán được gì nhiều về nỗi cách xa,
Và tuổi tác sẽ thế nào khi đã lớn.
Nay thì biết rồi,ngấm rồi! Tôi và bạn thề sẽ không bao giờ xa nữa.
Ngoại trừ khi phải dặn mình để lại
Tấm thân tình cho con cái mai sau. 

Hải Dương - Hà Nội
08/04/2012 

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

SẢN PHẨM CỦA NHÀ "TĂNG GIA" ĐƯỢC

Để ra mắt cộng đồng Bloger tôi xin gửi tới các bạn một sản phẩm công nghệ, hiện đã được đăng tải trên cộng đồng mạng. Mong mọi người coi đây là món quà nhập gia, cảm nhận và cho ý kiến. Địa chỉ liên kết hiện đang là:<p style="text-align: center;">
   <a href="http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&ved=0CCIQFjAA&url=http%3A%2F%2Fvhttdlhd.vn%2FLists%2FForum%2FAttachments%2F9%2FTSNHOHOCHD.pdf&ei=hGp9T7SiLaWyiQfMxdTJCQ&usg=AFQjCNF-AHWd3_qJmJw2UHUtiQLIJvtcEg"></a></p>

Từ đường link này Bạn sê Download về máy tính cá nhân một cuốn sách điện tử - một sản phẩm công nghệ thông tin của chuyên khảo được Hội đồng biên soạn Địa chí tỉnh Hải Dương biên soạn thành sách với tiêu đề "Tiến sĩ Nho học Hải Dương (1075 - 1919) - năm 1999. Cong trình đã được Hội đồng giải thưởng Côn Sơn tặng Giải thưởng Khoa học công nghệ Côn Sơn lần thứ nhất (không có công trình được tặng giải A). Theo Quyết định số 118/2002/QĐ-B.
Chúc các Bạn thành công.