NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


(Tiếp theo)
       ……….
       Chờ đám nhân viên lục tục tản về phòng làm việc. Lão Phúc Kim mở cánh cửa ngách thông sang phòng Hiệu trưởng. Mở máy lạnh, lão ngả người trên chiếc ghế xoay gãi gãi đầu mỹ mãn. Nếu tiến độ công việc chạy được tốt, khu nhà bên kia xây xong, cũng vừa lúc còn được hơn hai tháng vẽ trò khai trương, khánh thành công trình thật xôm tụ trước lúc nhận quyết định nghỉ hưu là vừa. Nghiêng người về phía chiếc tủ gương, gã tự ngắm mình. "Ừ! Mà cái thằng bác sĩ nha khoa làm quá khéo, trông cái mặt mình có vẻ trẻ ra thật. Giá như không có…"
        Chương trình hội nghị do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức tại Nha Trang sau hơn hơn hai ngày thì kết thúc. Bữa chiều, Sở giáo dục Khánh Hòa chiêu đãi tiệc mừng hội nghị tại Công ty cổ phần khách sạn Nha Trang - Lầu 7, nằm trên đường Thống Nhất. Con đường buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố, có nhiều cửa hiệu nhà hàng sang trọng, ngon và hấp dẫn du khách có tiếng của Nha Trang. Phòng ăn được thuê đặt trên tầng cao nhất của ngôi nhà. Đứng từ đó, có thể ngắm toàn thành phố rực lên dưới ánh đèn đêm. Phía xa bức tượng Phật ngồi trên tòa sen màu trắng chùa Long Sơn cao ngang ngôi nhà năm tầng, sừng sững trong đêm hắt ánh sáng lade xanh mạ lên bầu trời. Phía biển, từng quầng sáng, quầng sáng tàu cá, tàu du lịch như trôi trong đêm. Vị Giám đốc sở Giáo dục Khánh Hòa nâng ly Chivas Rigan mở lời mời chào thực khách. Với danh nghĩa đơn vị đăng cai, ông ta đã cho gọi riêng mỗi bàn một chai Chivas để chúc sức khỏe các quan chức và đại biểu các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp các tỉnh thành ngồi dự tiệc. Cùng lúc, chức sắc các trường Đại học thủy sản, Cao đẳng Văn hóa Du lịch, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng nghề, Cao đẳng sư phạm….Nha Trang được bố trí ngồi với từng dãy bàn đồng loạt làm theo để chúc rượu hơn một trăm đại biểu về dự hội nghị toàn quốc của Bộ. Không khí bữa tiệc bừng lên, rộn tiếng chúc tụng, hỏi han, nói cười. Bóng nhân viên nhà hàng thướt tha giữa các dãy bàn phủ vải đỏ booc - đô. Trên bục sân khấu, các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn phục vụ trong tiếng nhạc nhẹ êm ái. Bữa tiệc kéo dài đến gần nửa đêm mới kết thúc. Khi thày trò Phúc Kim lên xe về tới khách sạn Hải Yến nằm trên đường Trần Phú thì đã hơn mười hai giờ đêm, đầu óc mấy thày trò đã "tây tây". Trước khi lên gường, lão Phúc Kim  còn tháo bộ răng giả nhựa gắn trong vòm miệng phía bên phải rửa cẩn thận bằng nước phích rồi ngâm vào chiếc cốc vại thủy tinh duy nhất có trên chiếc bàn ngủ đầu gường. Sáng sớm ra, khi mở mắt dậy, việc đầu tiên lão làm trong ngày là tìm bộ răng để lắp vào. Hôm nay, lão định rủ cậu lái xe của Sở đi chợ Đầm mua sắm, sau khi đưa sếp phó Sở đi thăm bạn ở Cao đẳng Văn hóa Du lịch bên Đồng Đế. Song lão không tin vào mắt mình khi tìm mãi mới nhìn thấy chiếc cốc cạn trơ đáy nằm chỏng trơ trong bàn gương toilet. Hoảng hồn, hỏi cậu lái xe, nó nói tỉnh queo: "Cái cốc nước bẩn trên bàn ngủ đầu gường bác chứ gì? em đổ nước bẩn trong trong cốc vào bồn cầu rồi. Đêm qua, khát quá mò dậy lấy nước uống, em thấy cốc chứa thứ gì lềnh phềnh, em đổ luôn rồi rửa sạch để lấy nước sạch uống. Uống xong em để cốc trong toilet mà!". "Chết dở, bộ răng của tao, thằng chết dẫm", lão chỉ muốn thét lên mắng nó mà miệng thì im thít không nói được tiếng nào. Mở nắp bồn cầu xem, đã có người xả nước đi từ bao giờ rồi. Trong vắt, chẳng còn gì. Dở khóc dở cười, lão đành bỏ dở cuộc đi, nói cậu lái xe cứ chở sếp đi chơi. "Hôm nay tớ thấy đau răng nhức đầu quá, nghỉ đã".
       Khi sếp sở và lái xe đi rồi, lão mới xuống quầy tiếp tân, nhờ nhân viên khách sạn chỉ chỗ và gọi xe giúp đến phòng khám nha khoa tư nhân. Tại đó, sau chút đắn đo, lão đồng ý làm tuốt cả hàm răng mới, làm cỏ luôn số răng lởm khởm còn lại từ thuở thiếu thời. Mất đúng bốn ngày. Ngày ngày, Sếp sở cứ đi chơi với cậu lái xe, tiện đâu ăn đấy. Còn lão, với chiếc khẩu trang bịt kín mồm đi làm hàm răng mới, đến bữa lại kiếm bát cháo ngao, cháo cá dằn bụng. Làm xong răng, ngắm hóa ra được, không đến nỗi nào. Mà cái thằng nha sĩ làm đến khéo. Răng sứ nhé, cứ là bóng mịn, sáng láng đào sâu chôn chặt. Không còn phải tháo ra tra vào nữa, rách việc. Đắt sắt ra miếng, mất toi chiếc nhẫn năm chỉ vàng. Lão liếc nhìn tấm ảnh ông bố đặt trên nóc tủ cùng chiếc bát hương nhỏ. Dù ở nhà đã đặt bàn thờ, song lão vẫn cứ đặt thêm một bát hương ở đây, những thầm muốn ông cụ tiếp tục đỡ cho mình hàng ngày.
       Ông Kính mất chỉ vài tháng sau khi thằng Đán chuyển ra từ phía nam. Trong những ngày quanh quẩn bên ông già, thằng Đán được ông kể lại gốc gác gia đình mình.
       Họ không phải là cư dân bản địa của vùng đất này. Họ vốn gốc ở bên Bắc Giang. Ông nội gã trước cũng chẳng làm quan nhiêu to tát gì, chỉ là tay trương tuần quèn chốn hương thôn. Mất đến gần ba quan tiền để mua lấy vai tiên chỉ lúc ngoại tứ tuần chẳng qua cũng để ne nẹt dân làng. Cách mạng tháng tám như gió cuốn bốc trôi đám hương hào bá lý, gia đình gã cùng họ hàng trôi dạt mỗi người mỗi xứ. Ông nội gã đem cả nhà sang ở phố núi bên này. Lớn lên, ông Kính lớ ngớ thế nào, đang học đệ tứ trường làng thì bị bắt đi lính. Tưởng mất xác ở Điện Biên Phủ thì Pháp thua trận, ông chạy thoát được về nhà. Việc tham gia dạy bình dân học vụ ở địa phương vài năm sau hòa bình như một cơ may để ông Kính được nhận một chân nhân viên cửa hàng sách huyện. Sau khi hoàn thành công tư hợp doanh, ông được giao phụ trách cửa hàng cho đến lúc nghỉ một cục. Một lý lịch không mấy sạch sẽ, công thêm hơn ba tháng "đi nhầm giày" khiến ông ta chẳng được cất nhắc gì đã đành mà cứ mỗi lần sắp xếp lại tổ chức, cơ quan phát hành sách tỉnh lại đưa ông vào danh sách cho dãn biên. Về được như ông cũng là quá may rồi.
       Ông Kính hoàn thành được việc lo chạy cho gã lên một cơ quan trên tỉnh xong thì chợt lăn ra ốm. Ông cụ mất vào một đêm trời chuyển gió mùa đông bắc. Trước lúc mất vài tiếng, ông chỉ nói được với thằng Đán: "Cẩn thận đấy! Cái mặt của nhà anh cả…". Bỏ dở câu nói ông thở dài. Đám ma ông diễn ra không ồn ào, số người đưa ông ra đồng cũng không đông. Ấy vậy mà mấy bà trong thôn cũng xì xầm.
       - Bà có trông thấy thằng cả Đán nhà ông lão không?
       - Tôi tìm mãi đâu thấy nó.
       - Bà này mắt mũi kèm nhèm, cái thằng có cái mặt nửa nọ nửa kia ấy chống gậy đi ngay sau cữu chứ đâu nữa.
       - Sao cái mặt nó trông là lạ thế nào ấy nhỉ?
       - Nó mất tiền chữa cái mặt sẹo từ hồi trong Sài Goòng kia. Nhưng nói thật chứ tôi nhìn cái mặt mới của nó cứ thấy sờ sợ thế nào ấy. Không giống với cái mặt người. Nó đơ đơ dài dại, mà bì bì thế nào ấy. Trông đểu cáng, ác ác là.
       Không chỉ mấy bà hàng xóm thấy thế mà ngay cả người nhà nó cũng thấy vậy. Bọn trẻ con thì sợ ra mặt. Nếu để bố nó vằn mắt lên thì đó là cái mặt đáng dùng để hù trẻ con. Thằng Đán lúc đầu không để ý lắm. Nhưng chỉ vài năm sau, tự gã cũng thấy cái mặt mình nó thế nào ấy. Bên mổ tái tạo trơ cứng dần đi. Khi có điều gì không vừa lòng, mặt nó bên đỏ bên tái, bên giật giật còn một bên cứ lì ra. Chỗ da cấy từ mông lên còn tệ hơn. Nó cứ như miếng da ngựa chứ không phải da người nữa. Lúc thâm, lúc đen, lúc xanh tái đến nó soi gương trông cũng thấy khó chịu nữa là người ngoài. Và cái cười thì thật là thảm. Mếu không ra mếu, cười không ra cười. Cái mặt ghép đã phản chủ. Nó biết, lão bác sĩ chỉ kéo đắp, dãn căng sẹo mà không cứu được các chân rễ thần kinh trên đó. Lúc nào cũng một cảm giác, nóng một bên và lì, lạnh một bên. Quen thì quen, mà lão không bao giờ điều khiển được nửa mặt bên phải.
.....
(Còn nữa)

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


(Tiếp theo)
       ….. 
       Lờ mờ nhận ra dần những vật dụng quanh mình, thằng Đán biết mình không còn nằm trên bàn phẫu nữa. Gã đang nửa nằm, nửa dựa lưng vào một chồng gối thật êm. Mở mắt, tấm gương trên tường trước mặt cho thấy một cái đầu tóc cạo trọc lốc, khuôn mặt băng kín trắng toát chỉ đủ hở mắt, mũi và miệng. Sát gốc cần cổ, một chiếc ống nhựa mềm đục qua đút sâu xuống tận dạ dày. Nó đang lấy dinh dưỡng từ bên ngoài qua đường thực quản.
       - Ông đã tỉnh rồi phải không. Không nên mở miệng nói năng. Cần chi viết yêu cầu vào cuốn sổ nhỏ này. Việc tiêu tiểu của ông đang được lấy ra qua đường các thiết bị chuyên dụng. Không đụng cựa quá nhiều nghen.
       Phía bên giường, khuôn mặt trái xoan trắng trẻo của cô hộ lý ghé sát bên tai gã, giọng Sài Gòn nhỏ nhẹ.
       - Ông Đốc - tờ đã tái tạo thành công khuôn mặt cho ông. Sẽ phải làm quen với khuôn mặt mới đấy. Ngoài việc kéo dãn da phẳng lại, có một phần da mặt của ông phải bù bằng một miếng da lấy từ dưới mông. Sau khi tiếp nhận tốt, đốc tờ sẽ tháo hẳn băng gạc. Hàng ngày, tôi sẽ làm thuốc và vệ sinh răng miệng cho ông. Hơi khó chịu chút đó, nhưng tôi nghĩ ông có thể chịu đựng được. Cũng dễ quen thôi.
       Thằng Đán cứ trong tình trạng như vậy mất ba bốn ngày. Hai ngày tiếp theo làm thuốc bổ sung. Hôm nay, đầu giờ chiều sẽ tháo băng. Vậy là hơn một tuần lễ đã trôi qua. Chiếc gương trên tường đã bị gỡ đi từ lúc nào. Người bác sĩ tự tay mình tháo băng mặt cho gã. Không thấy đau đớn gì. Lỗ xông dưới cổ đã đóng lại. Dây dợ, ống hút, các dụng cụ vệ sinh đã tháo khỏi cơ thể gã từ đầu buổi sáng. Thằng Đán cảm nhận những cảm giác đầu tiên về những chiếc răng hàm phải trở lại ở vết thương trong miệng.
       - Ông thử nhìn mình trong tấm gương này xem.
       Chiếc bàn gương được đẩy tới phía cuối giường. Trong tấm gương, một khuôn mặt nửa quen nửa lạ nhìn hắn. Mái đầu cạo trọc đã lên tóc đinh. Khuôn mặt trông có vẻ vuông vức, cân đối với đôi mắt, cánh mũi, khóe miệng quen thuộc. Quai hàm có vẻ như bạnh ra làm chiếc mũi, mồm miệng trông gọn ghẽ ưa nhìn hơn trước. Thằng Đán sững người. Gã kia sao? Lại còn có vẻ như trắng trẻo ra. Má phải nhìn kỹ mới thấy vùng trung tâm màu da hơi nhợt hơn ở chung quanh. Trong khi góc má phía dưới màu da lại sẫm hơn góc trên đôi chút, mặt da cũng không mỏng, mềm và bóng như các chỗ khác, nhất là so với má bên trái. Gã biết rằng, chỗ đó đã được vá bằng miếng da lấy dưới mông lên, lúc này băng dính và miếng gạc vẫn còn cồm cộm ở đó. Có phải hắn đã được sinh ra lần nữa không nhỉ. Gã khẽ mấp máy môi, nói khẽ: "Tôi kia…phải không đốc - tờ". Âm thanh từ vòm họng phát ra không méo mó nữa, mà có vẻ lại mềm ấm hơn trước. Nước mắt gã trào ra. Hắn chưa bao giờ mơ được như thế này. Hơn bốn mươi tuổi đầu, quá khứ có vẻ đang tách rời xa gã, bắt đầu từ ngay cái khuôn mặt mới mẻ này.
       Hai hôm sau, một chiếc xe hòm màu trắng nhẹ nhàng ghé cửa Trạm tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm của xí nghiệp "Làng tre" tại khu chợ Hoàng Hoa Thám. Không ai để ý đến người đàn ông bước xuống từ trên xe trong bộ quần áo màu xẫm lịch lãm là lượt phẳng phiu. Cô kế toán là người nhận ra thằng Đán đầu tiên với cử chỉ mồm chữ O mắt chữ Ô, nghẹn mãi mới cất tiếng được: "Có phải anh Đán không đấy! Ối giời! Cả nhà ơi, ra cả đây mà trông ông Đán này!" Mọi người đổ xô lại, ai nấy mặt mũi nửa tin nửa ngờ. Chỉ đến khi gã mở mồm: "Vâng, tôi đây" thì mọi người mới đồng thanh cùng ồ lên sửng sốt.
       - Ai làm lại cho mày cái mặt bóng bẩy thế này hả. Trông khá bảnh đấy. Mà có phải chúng tao mơ ngủ không nhỉ. Thằng Đường hét tướng lên.
       - Còn ai vào đây nữa, Đán mặt sẹo đây.
       Trong cái tíu tít ồn ã, mọi người ngẩn ra nghe gã "thổi bong bóng":
       - Gia đình tôi có bà mợ bên ngoại vào trong này cùng ông bà từ năm bốn mươi sáu. Họ hàng, gia đình ngoài Bắc tưởng mất tích, thất lạc hay di tản mất rồi. Hôm rồi, có thằng con ông bác tới tìm dẫn tôi tới gặp bả. Mợ cháu cứ ôm lấy nhau mà khóc. Thấy cái mặt tôi quá tệ, bả bắt nằm lại thuê đôc tờ phẫu cho. Quá may. Mà thôi, mời cả nhà, chiều nay mình qua quán ông Tư béo nhậu nghe! Coi như liên hoan mừng "cái…mặt mới" của tôi. Bữa nay mình nhậu tới bến đấy.
       Câu chuyện về cái mặt thằng Đán còn làm nhộn cái hộ tập thể ấy đến cả tháng. Cuối năm, nhận được điện tín bố ốm nặng, hắn ra Bắc rồi không thấy quay vào. Mọi người ở Trạm chuyền tai nhau mớ tin nóng sốt: "Thằng Đán xin chuyển công tác sang cơ quan khác rồi. Thôi, thế cũng mừng cho nó. Được gần vợ gần con!". 

*
*    *
       - Nào, các em gái xinh tươi của tôi đâu rồi nào!
       Mấy căn phòng dưới tầng một nhao nhao dạ ran. "Sếp về, sếp về đấy chúng mày ơi" "Nhanh lên! Lên xem sếp cần gì nào!". Đám mấy cô kế toán, hành chính nối nhau vội vã lên phòng họp.
       - Ối giời! Sếp trông khỏe quá. Da dẻ đỏ au, bóng bẩy! Mà sếp đi đợt này hơi lâu đấy!
       - Sếp Phúc Kim hôm nay mặt mũi tươi tỉnh thế. Quà Nha Trang đâu, hôm nay chúng em đòi nợ quà sếp đấy nhé.
       Lão Đán bây giờ thường vẫn được đám cán bộ nhân viên cấp dưới gọi là Phúc Kim, bằng cái tên được khai trong hồ sơ là bí danh từ ngày mới chân ướt chân ráo bước về cơ quan này. Có mỗi cái tên ấy thôi mà lão lăn tăn hàng tháng trời mới quyết lấy làm bí danh cho hợp với môi trường công tác mới. Tra đủ thứ từ điển tiếng Việt, rồi Hán Việt tự điển, tự điển chính tả…lão mới "gắp" được cái tên quý hóa ấy ra. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, hiểu là người có phúc quý như vàng, người được vàng giữ phúc, người có phúc được vàng…đều được. Nghe nửa ta nửa tàu, lại cũng dễ kêu  cầu, xưng tụng. Sau chiếc bàn họp, lão ngồi đó vẫn cái dáng hai tay ôm lấy mang tai, mái đầu tóc bạc trắng xơ xác cũng chẳng còn mấy sợi. Mấy năm gần đây, lão mắc chứng nấm tóc, nấm da chữa thế nào cũng không khỏi, lúc nào da đầu cũng mốc lên, lan đến đâu tóc rụng đến đó. Vai áo lúc nào cũng đầy những vụn trắng mốc thếch rơi xuống bám vào. Đám cán bộ nhân viên cứ có ai lỡ phải ngồi bên cạnh, khôn hồn cứ từ từ nhích xa ra một quãng vừa đủ để khỏi dính vào mấy thứ vẩy da gớm ghiếc ấy, lây bệnh có ngày. Đám đàn bà con gái thì thôi rồi, rất chăm chú giữ cự ly vừa đủ để tay lão không vơ, không chạm đến mình. Cái lối miệng nói, tay vỗ, tay vuốt của lão đám đàn bà con gái trong cơ quan ai cũng từng bị với lão một hai lần rồi, hãi lắm. Vì thế, cái bàn lão thường ngồi trong lúc họp hành lúc nào cũng vắng hoắc vắng hơ mình lão, chẳng ai ngồi cùng.
       - Tôi đã vận động được sự ủng hộ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch đầu tư quyết định cho phép trường ta xây tiếp khu nhà đa năng phục vụ việc đào tạo về lâu dài và phù hợp với mục tiêu phát triển lên cơ sở đào tạo cao đẳng. Chú hiệu phó cùng mấy cô hành chính, kế toán tài vụ tiếp tục làm việc với các bên tài chính, bên công ty xây dựng trúng thầu đợt mời thầu mấy tháng trước lo chuẩn bị động thổ để xây dựng. Bảo với cái thằng Hợi, phó giám đốc công ty xây dựng Thanh Bình, các ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên cứ như trước mà làm. Toàn bộ công trình mình đã làm với họ như nhà hiệu bộ, nhà giảng đường và các phòng học trước đây từng quan hệ thế nào nay vẫn vậy, nói vậy là chúng nó hiểu. Công việc bắt đầu triển khai từ tuần này, cứ thế mà làm.
       - Bác quá giỏi! Em cứ tưởng không xong được cái vụ này trong năm nay kia đấy.
       Tay hiệu phó nịnh khéo. Cặp mắt trắng dã của hắn mở to kính cẩn, trông cũng thấy rõ vẻ quỵ lụy, cúc cung tận tụy. Tuy vậy, trong bụng hắn lại nghĩ: "Thằng dê già này quá đáo để, sống chết chạy bằng được việc xây sướng nhà cửa. Chỉ còn ngót hai năm nữa là về hưu chứ mấy. Thằng cha tính ăn tham, ăn mặn bữa cuối chầu đây. Đến lượt mình, chắc chỉ còn mớ vỏ ốc!". Bụng nghĩ vậy, xong đôi môi thâm sì của hắn vẫn nặn được nụ cười giả lả.
       - Ô mà này, các chị ngắm kỹ xem kìa. Xếp nhà mình lại thay răng mới rồi. Trông trẻ đến cả chục tuổi ấy chứ.
       Cô tạp vụ nhanh nhảu phát hiện. Lão Phúc Kim cười tươi, một bên mặt dãn ra hể hả:
       - Trông được đấy chứ hả? Mất năm ngày chầu chực đợi mỏi cổ mới xong đấy. May mà sếp Phó sở cũng muốn ở lại vui vẻ cho hết tuần nên thày trò ở chơi Nha Trang được gần hai tuần. Hội nghị, hội thảo chỉ mất khoảng ba ngày, hai ngày nữa dành để tham quan học tập mấy đơn vị tiên tiến. Toàn bộ là răng sứ nghiêm. Khá tốn kém với bộ răng này đấy. Cô cậu nào muốn răng đẹp lóng lánh thì cứ đi Nha Trang! Tôi còn giữ cái cạc - vi - dít của tay bác sĩ nha khoa đây này. Tu nghiệp nước ngoài, có bằng cấp quốc tế hẳn hoi nhá. Thôi, mời các cô các cậu về phòng cho, cô Xuân báo với nhà bếp chiều cho tôi ăn cơm, tối nay tôi có mấy việc phải làm, nghỉ lại cơ quan không về nhà.
……


(Còn nữa)

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)

       Đêm gần sáng, chiếc xe tải mới xáp vô cửa một nhà nghỉ đầu thị trấn Vạn Giã. Để cậu Lượng tắm trước, thằng Đán ngả lưng xuống chiếc giường ra đệm trắng tinh, thân xác rã dài. Đến lượt mình, trong ngăn toilet giáp cửa ra hành lang, gã lôi từ trong bụng áo lót gói vải. Đó là một chiếc khăn tay lụa màu xanh thiên thanh, viền bốn cạnh đăng ten trắng thơm phức mùi nước hoa. Bốn góc thắt túm lại với nhau cẩn thận thành một nút nhỏ. Bên trong, thằng Đán sững người ngó trân đám nữ trang. Hai chiếc dây, năm chiếc nhẫn và một đôi bông tai lấp lánh hạt đá đỏ to bằng hột đậu ván.
       Hai ngày sau, giữa buổi sáng Quy Nhơn nắng rực, thằng Đán bước chân vào một tiệm vàng trên phố. Chỉ cần mở chiếc khăn ngó qua mớ nữ trang, người chủ tiệm vội nhanh nhảu dẫn khách vào buồng trong. "Tôi dư biết giá trị của số tài sản này. Ông lấy tiền hay lấy vàng miếng"
       - Ông tính ra vàng miếng cho tôi. Cứ năm chỉ một.
       Nhận từ tay người chủ tiệm đủ số vàng miếng, gã bọc lại số vàng vào chiếc khăn lụa. Tất tật là năm cây, ba chỉ vàng chín. Sau hai ngày nhận thêm hàng tại thành phố Quy Nhơn, chiếc xe lên đường ra Hà Nội. Thằng Đán leo lên thùng xe cùng với tay phụ trách cung tiêu. Lão Diên và cô kế toán trưởng ngồi trên ca bin.
       Sau chuyến công tác, tranh thủ chờ xe xếp hàng lo thủ tục chuyển đi, thằng Đán xin nghỉ về thăm nhà vài ba ngày. Ông Kính độ này trông có vẻ ốm. Dáng người còng xuống, chân chậm bước run rẩy. Trước lúc thằng Đán trở lại xí nghiệp theo xe hàng vào Sài Gòn, ông nói với nó giọng tuy yếu nhưng rõ ràng:
       - Anh ở trong đó thế là đủ rồi. Chuyến này vào ở thêm nửa năm nữa thôi, Tôi đang tìm cửa chuyển công tác cho anh về trên tỉnh. Tốn kém đấy, nhưng thời vận chỉ có vậy. Nghe đồn sắp tách tỉnh đến nơi rồi.
       Thằng Đán dúi cho bố một cây vàng, nói để phụ vào việc chạy chọt, nhờ vả các cửa. Khuôn mặt thoáng lộ vẻ sửng sốt, nhưng ông Kính lẳng lặng nhận và cất đi, không nói thêm câu gì.
       Chuyến vào, trên xe cũng chỉ có cậu Lượng và thằng Đán. Thày trò lão Diên đã đáp máy bay vào Sài Gòn ngay sau bữa xí nghiệp tổ chức đón nhận huân chương. Khi xe nghỉ ngơi ở Nha Trang, trong một bữa nhậu đồ biển của hai anh em tại một quán ăn dọc đường Trần Phú, con đường dài nhất thị xã chạy dọc ven bãi biển. Thằng Đán nghe đám mấy bà mấy chị bàn bên kháo chuyện: "Cuối tháng trước, phía dưới bãi dương gần viện Hải dương học người ta vớt được nhiều xác chết giạt trôi vào bờ. Thân thể vữa nát cá rỉa, người mất tay chân, người bị đục hết đôi con mắt. Dân đi biển đồn rằng đó là những người vượt biên xấu số. Cầu giời khấn phật, phù hộ độ trì cho những sinh linh vô tội."
       Ngụm bia trong miệng thằng Đán chợt đắng ngắt. Trước mắt gã, đôi mắt đen ướt nhòe của người thiếu phụ đêm nào thấp thoáng. Tay nắm chặt chiếc khăn tay nằm mềm trong túi quần, nó bỏ dở suất ăn, bước chậm xuống bãi cát trắng. Bầu trời thấp nặng xám chì, biển động dữ dội. Phía xa, từng đợt sóng biển đội bọt bạc trắng xô đuổi nhau vỗ bờ. Mắt dõi nhìn ra phía khơi xa, đầu óc gã trống vắng. Không quay về bàn ăn, hắn chậm bước mở cửa xe leo lên ngồi lặng.
*
*    *
       Ngay sau khi trở lại Sài Gòn, thằng Đán xin nghỉ một tuần lấy cớ thăm người quen bên quận Một. Tìm đến căn nhà lão ba Tàu ở Ngã tư Bảy Hiền. Cẩn thận kiểm đếm cây hai vàng từ tay thằng Đán, lão gọi người giúp việc lấy Honda chở thằng Đán đi. Ngôi nhà họ dừng lại trước cửa là một ngôi nhà đúc ba lầu một trệt trên đường Cộng Hòa. Trên cột cổng, dưới hàng chữ Doctor Trần màu vàng kim gắn hộp chuông điện nhỏ. Người dẫn đường bấm chuông. Giây lát, một phụ nữ trạc ngoài năm mươi tuổi, tóc búi cao vận bộ đồ bà ba đen chắc là người làm công mở khóa cổng đưa họ vào phòng khách rộng rãi tầng trệt. Căn phòng trang trí đơn giản nhưng trước đây chắc đã từng chứa nhiều đồ đạc sang trọng. Khúm núm đặt hai ly nước trắng xuống bàn nước lót kính, bà giúp việc mời hai người đàn ông ngồi xuống chiếc đi văng màu trắng sữa: "Ông chủ nói hai ông chờ ổng chút xíu, ổng xuống ngay!". Mươi phút sau, một người đàn ông đậm người nước da trắng hồng từ trên lầu bước xuống. Mời nước hai người xong, ông quay sang người đàn ông dẫn đường nói với một giọng Hà Nội khá chuẩn: "Tôi có được ông Chín báo tin. Chú có thể về, để ông đây ở lại. Tôi sẽ gọi xe cho ổng về sau khi xong việc." Người làm công của thày Chín cúi mình xin phép ra về. Người đàn ông nhẹ nhàng nói với khách: "Mời ông lên tầng trên, tôi khám cho".
       Đưa khách vào một căn phòng sáng một màu sơn trắng sạch sẽ sau cánh cửa kính tấm lớn thật dày, người đàn ông xin phép vào ngăn trong thay đồ. Thằng Đán ngồi xuống, ngó quanh. Đồ đạc, bàn ghế, gường tủ ở đây tất tật đều mạ kền sáng bóng, sạch sẽ. Trên tường chỉ treo một tấm bằng tiếng Anh có tấm ảnh người đàn ông ban nãy đầu đội chiếc mũ đen có hình thù kỳ lạ, mặc tấm áo thụng dài cùng màu mà gã chưa thấy bao giờ. Nắp mũ vuông bắt chéo phía trên, từ trên nắp rủ xuống một sợi dây ngù. Người trong ảnh so với người bây giờ trông trẻ hơn nhiều, mắt đeo kính trắng vẻ mặt trông đầy vẻ mãn nguyện.
       - Tôi cách đây hơn hai chục năm đấy. Đó là tấm bằng đốc - tơ được cấp khi du học chuyên ngành giải phẩu răng hàm mặt bên Úc Đại Lợi. Ông tới nằm lên chiếc gường kia tôi thăm khám cho.
       Tiếng người đàn ông thoảng nhẹ ngay sau lưng. Thằng Đán nghe lời bước tới chiếc giường có rải tấm ra trắng muốt không một nếp nhăn. Người đàn ông trong bộ blu trắng trông thật tráng kiện. Xoay cây đèn rọi gắn một khuôn kính lúp tròn phía dưới vào gần mặt thằng Đán, ông ta chậm rãi xem xét kỹ từng phân vuông khuôn mặt thằng Đán, nhất là vùng sẹo dăn dúm.
       - Ca này của ông tuy thuộc dạng bị biến dạng thông thường, nhưng diện tích phải phục dạng lại khá rộng. Vùng tổn thương, ngoại trừ hàm răng phía trong, không phạm phải những phần nhạy cảm trên khuôn mặt như màng tang, mắt, mũi, vành miệng. Tôi sẽ làm lại cho ông bắt đầu từ ngay bữa nay. Ông Chín đã thay tôi nhận đủ các chi phí cần thiết rồi. Việc ăn ở, nội trú và quá trình phẫu thuật, thuốc men ông không cần phải lo nghĩ hoặc chi phí gì thêm. Chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của tôi. Mất thời gian đấy, và cũng phải phẫu làm nhiều bước. Mỗi lần như vậy, tôi sẽ làm mê cho ông cẩn thận. Không chút đau đớn gì đâu, kể cả việc lắp răng giả cho ông cũng vậy.
       Cuối buổi sáng, sau một bữa ăn nhẹ gồm một khúc bánh mì phết bơ và cốc sữa đậu hũ, thằng Đán được đưa vào một phòng chờ cạnh khu vực giải phẫu. Nghỉ ngơi qua đầu giờ chiều, người nữ hộ lý đưa gã vào phòng mổ lầu trên. Tắm nhanh trong làn nước vòi sen ấm nóng trong Toilet cuối phòng, gã trút bỏ quần áo ngoài, mặc vào bộ đồ vô trùng màu xanh lá cây. Người bác sĩ tiêm vào dưới cột sống gã một mũi thuốc. Chưa kịp ngó nghiêng chung quanh, gã thấy đầu óc chợt nhẹ bỗng rồi chìm vào cơn mê khá sâu. Gã không còn biết gì nữa, khi ca mổ tái tạo má phải bắt đầu.
       ….. 

(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


       …..
       (Tiếp theo)

       Thằng Đán với tay chực mở cửa ca bin chiếc xe tải IFA chở hàng cồng kềnh bước lên thì nghe thoáng phía sau giọng Sài Gòn nhẹ bẫng: "Anh Hai, làm ơn cho em quá giang một chặng!". Quay người lại, trước mặt gã là một thiếu phụ trung tuổi, tầm ngoài bốn mươi gọn ghẽ trong bộ đồ bà ba sẫm màu. Vai khoác chiếc giỏ xách giả da màu, khuôn mặt chị ta lấp ló sau chiếc khăn rằn chỉ để lộ đôi mắt mở to đen láy, giọng khẩn khoản.
       - Bà nội ơi! Xe này là xe chở hàng nhà nước, đâu phải xe khách mà bà nội tính quá giang. Tìm xe khác mà đi.
       Cậu Lượng lái xe bất thần ở đâu bước tới, giọng không có vẻ gắt gỏng gì, nhưng lạnh tanh. Thằng Đán đã định chối cho xong, thấy đôi mắt ướt đẫm vẫn chăm chăm dò hỏi, đành hỏi lấy lệ:
       - Chị định đi đâu mà nhờ chúng tôi.
       - Em chỉ xin đi đến đỉnh đèo Rù Rì thị xã Nha Trang thôi. Trời cuối chiều sắp bước sang tối đến nơi rồi, kiếm xe khác khó cho Em lắm. Để mai nhỡ hết công chuyện, anh à! Anh Hai và chú Ba làm phước giúp Em đi.
       Đây đã là trung tâm thị xã Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. "Từ đây tới đó mất khoảng hơn bốn tiếng đồng hồ. Chỉ tám chín giờ tối là đến nơi. Mình còn đi tiếp ra Vạn Giã, Phú Khánh mới nghỉ đêm kia mà." Thằng Đán nghĩ nhanh rồi chẳng hiểu sao, thấy mềm lòng trước vẻ ngoài yếu ớt của người thiếu phụ. Gã chợt quay sang chú Lượng: "Thôi! Cho chị ta đi nhờ vậy. Cho lên thùng xe kia, ngồi sau đám vải bao gai và bông tái sinh ấy." Cậu Lượng thấy vậy, không cằn nhằn cự cãi gì thêm, lẳng lặng giúp người đàn bà lên thùng xe, xếp một chỗ tạm ổn cho người thiếu phụ sau đám bao gai chất ngang nóc. Phía trước giáp vách ca bin là đám sọt tre lót rơm chứa đồ gốm sứ Đồng Nai và gạch men vệ sinh chất ngất. Chỗ ngồi vậy cũng tạm. Chuyến này hàng đem ra chỉ chất già nửa thùng. Ra tới Quy Nhơn còn nhập tiếp hàng nữa. Rời quán ăn bên đường, chiếc xe trườn ra lộ Một rồi hướng phía Bắc lao đi. Trên xe, thằng Đán lim dim mắt. Hai chai bia Sài Gòn uống giữa bữa ăn chiều cộng với nhịp lắc lư nhè nhẹ của chuyến đi kéo mắt nó díp xuống.
       Có cảm giác như chiếc xe khó nhọc dừng lại rồi tạt mũi đậu lại cách lề đường đến dăm mét. Thằng Đán mở mắt, mệt mỏi. Đèn trên ca bin bật sáng mờ mờ. Ngoài cửa xe, bóng đêm đã phủ dầy. Chắc khoảng hơn tám giờ tối chi đó. Lờ mờ phía xa, bóng một ngọn tháp Chàm u tịch bên đường. Tiếng cậu Lượng lịch kịch gì dưới mũi xe.
       - Anh Đán ơi, máy xe nóng quá thể. Lúc lên xe trong Phan Thiết tính không kỹ, két nước cạn đến nơi rồi. Đấy, có đàn bà lên xe sui thế đấy.
       - Cái thằng "ba xạo"! - Thằng Đán bật cười - Hết nước két là do cậu chểnh mảng chứ đâu phải do đàn bà. Thế bây giờ thế nào.
       Chú Lượng cười gượng gạo, giọng có vẻ chịu lỗi.
       - Thôi! Anh chịu khó chờ Em. Em vác can đi ngược lại mấy cây số kiếm nước đổ két vậy. Biết thế lúc nãy vào đầu Phan Rang em tấp luôn vào cây "nước mui" xong. Chết vì cái tội chủ quan. Mà cái "thằng già" IFA này hôm nay giở điên thế nào không biết nữa, mình mới rời khỏi Phan Thiết hơn trăm cây chứ mấy. Nghỉ xong đêm nay ở Vạn Giã, tới Quy Nhơn em phải cho xe vô tiệm để tụi nó coi lại cho cái két nước. Không chừng két dò chỗ vết hàn chuyến trước rồi.
       - Thôi, ông tướng cất bước nhanh lên cho! Để tớ ất ơ giữa đường, giữa đêm thế này mai mốt tao mách ông Diên trị cho mày một trận.
       Mắng vốn thằng nhỏ vậy thôi, chứ biết làm cách chi bây giờ. Khi bước xuống đường, thằng Đán mới thấy hơi lạnh đầu đêm thấm vào người. Trời tối thui, trên đường không có chiếc xe nào xuôi ngược. Cậu Lượng móc sau ca bin chiếc xe, lấy vội cái can hai mươi lit quầy quả bước ngược trở lại con đường vừa đi.
       Trong đêm trăng đầu tháng mờ ảo, hai bên đường nhìn chung quanh đâu cũng cát là cát. Những cồn cát phía xa trông cao như những ngọn núi, Trải thấp xuống phía dưới,  những trảng cát chập chùng nối tiếp nhau dập dờn như sóng biển. Thưa thớt những hàng dương viền theo những triền cát. Phía xa, lô nhô vài chiếc tháp đứng chôn chân, bí hiểm giữa bóng đêm. Đóng chặt cửa ca bin, kiếm một gốc cây dương bên kia đường cách chỗ đỗ xe mươi thước, thằng Đán bước tới dựa cây duỗi chân mỏi mệt. Bên kia con đường, vọng lại tiếng sóng biển rì rào, ánh sáng thuyền cá hắt vầng lên trời đêm. Gió lồng lộng.
       Chuyến này là chuyến thứ hai thằng Đán theo xe hàng ra Bắc. Lần trước đi cùng mấy anh em bên cung tiêu. Lần này, nó đi một mình với lái xe từ Sài Gòn. Ông Diên ra Quy Nhơn trước cùng kế toán, kho vận ký đơn hàng bổ sung. Xe ra đến Quy Nhơn, mấy anh em sẽ đón hàng lên rồi cùng ra Hà Nội đổ hàng, trước khi về Xí nghiệp dự lễ đón Huân chương lao động. Xem như một công đôi việc. Vừa đưa ông Diên ra dự hội nghị, vừa kết hợp chuyển hàng hóa thu đổi từ phía Nam ra. Có thể, nhân dịp này mà thằng Đán tạt về thăm nhà được mươi ngày.
       Chợt gã nghe thoảng có hơi ấm đàn bà ngay cạnh. Từ lúc nào không biết, thiếu phụ quá giang xe từ Phan Thiết đã nhẹ nhàng ngồi ghé bên cạnh. Thằng Đán lặng im không nói gì. Chợt mái đầu thơm hương dầu tràm ghé nhẹ lên vai gã. "Anh Hai, Anh nhớ nhà nhớ gia đình lắm hôn?". Không trả lời câu hỏi, thằng Đán khẽ giọng hỏi lại: "Thế còn cô, sao đi thân gái một mình thế này?"
       - Em đi theo chồng con em! Sau tiếng nấc nghẹn, người đàn bà khẽ giọng- Cũng cỡ hơn chục năm trời rồi, gia đình Em không được sum họp. Ảnh đi làm ăn từ lâu rồi. Đi xa lắm, rất xa. Nay mới có dịp vợ chồng em có điều kiện gặp nhau.
       Im lặng. Gió biển phía xa rì rào, trên trời cao, vài ánh sao lấp lánh đơn côi. Chợt một vòng tay ấm mềm quàng vội ngang người thằng Đán, mặt người đàn bà thoáng ngước lên ngay dưới mắt. Lại ánh mắt to, đen thẳm với cái nhìn lóng lánh, ướt lệ. Vô thức, thằng Đán khẽ cúi xuống. Rất nhanh, đôi môi mềm ướt gắn lên, thằng Đán nhắm mắt, giật nhẹ người. Theo đà ngả về phía sau của người đàn bà, thằng Đán ngã theo xuống. Hai tâm thân nóng hổi ngập ngừng rồi bỗng quấn chặt lấy nhau. Họ đi vào nhau rất nhanh, ấm nóng. Chợt người phụ nữ dướn mình, thằng Đán thấy mình run lên, bùng nổ. Cả hai cùng chìm xuống, chìm xuống...
       Sự việc diễn ra quá nhanh, quá bất thường. Khi thằng Đán lật người trở lại, nhìn lên trời đêm mông lung thì bóng người thiếu phụ đã nhẹ nhàng lướt đi. Bóng đêm như đồng lõa với việc làm của họ, gã để mặc đầu óc lang bang.
       - Anh Đán ơi! Ngủ đâu mà để xe thế này! Tiếng cậu Lượng thoảng tới. Thằng Đán ngồi dậy, gắt khẽ: "Gì mà kêu như cháy đồi thế! Tao đây, có nước chưa"
       - Khiếp! Anh làm em hãi hãi là. Trên xe đèn đóm tối thui, mở cửa xe không thấy Anh đâu cả. À, ra Anh khoán cho bà cô này trông xe rồi lủi ra đấy ngủ vùi phải không?
       - Ngủ cái đếch gì. Ngồi trên ca bin nóng quá lò nướng, tao lần xuống dưới này nằm chờ mày về. Mà người dưới này, người trên xe trông coi là đúng kiểu rồi còn gì. Lấy được nhiều không. Thằng Đán bước tới.
       - Đầy can. Em đi ngược lại có đến gần ba bốn cây số gì đó mới gặp quán bán nho bên đường. Vào xin nước, tiện thể xách luôn hai giỏ lên xe cho Anh một giỏ, em một giỏ ăn vặt dọc đường đây. Anh cầm lấy này, em chuồi xuống cho bà chị dưới thùng một chùm, chắc chị ta nằm một mình ở đó cũng sợ chết khiếp rồi.
       Nghe tiếng thằng Lượng leo lên thùng xe: "Chị cầm lấy ăn cho đỡ mệt, chỉ hơn tiếng nữa là xe tới đỉnh đèo Rù Rì thôi. Chị thấy đấy, đi với bọn tôi mệt chưa?". Tiếng người đàn bà nhỏ nhẹ cám ơn ngượng nghịu: "Chú Ba tốt quá, đã làm ơn nhận người quá giang lại cho quà thế này, biết trả ơn chú thế nào ta?" "Ơn huệ gì đâu, thấy chị dáng tồi tội nên anh em tôi cho theo thôi. Nếu mỏi, chị có thể bới lấy một xấp bao bố trong góc kia ra mà ngồi dựa vào cho đỡ mỏi. Còn đi hơn trăm cây số nữa kia đấy." Nhảy lên ca bin, cậu Lượng nổ máy gài số. Chiếc xe rung nhẹ rồi lướt đi mỗi lúc một nhanh trong đêm.
       Gần nửa đêm thì chiếc xe hùi hụi leo dốc lên đèo Rù Rì. Thị xã Nha Trang phía xa hắt ánh đèn nhạt màu lên bóng đêm. Trên đỉnh đèo, lốm đốm đây đó đèn bình quán xá, đèn cầy, đèn hột vịt gánh hàng ăn đêm quầng lên từng đám. Đám xe tải, xe khách dăm ba chiếc đỗ bên đường. Trước khi đổ dốc, cánh lái xe muốn nạp thêm chút đồ ăn dằn bụng. Xe dừng nhẹ. Cậu Lượng mở cửa xe bước xuống. Phía dưới đường thoáng thấy bóng người thiếu phụ ghé tai cậu Lượng thì thào chi đó rồi quay lại, bám cửa ca bin phía thằng Đán đu lên.
       - Anh Hai, người Bắc có câu "một đêm nằm năm đêm ở" không hà. Em không biết lấy gì để hàm ơn anh Hai. Anh cầm cho Em yên lòng. Em xin chào vĩnh biệt Anh nghen. Chưa biết liệu mình có còn dịp gặp lại nhau không. Dẫu gì suốt đời, em cũng mãi nhớ tới Anh. Anh cũng vậy nha!
       Trong bóng tối ca bin, tay người đàn bà tìm kiếm bàn tay thằng Đán, nắm siết. Khi chị ta buông tay nhảy xuống đường, thằng Đán thấy trong tay mình một gói vải mềm, nằng nặng răn rắn. Trong đêm bóng người thiếu phụ thấp thoáng giữa những đốm đèn hột vịt rồi thấp dần, thấp dần. Phía dưới đó, tiếng ì ào sóng vỗ dội lên chân đèo. Xa xa trên mặt biển, ánh đèn tàu cá vãi như sao sa. Vài tiếng còi tàu vẳng lại nghe như tiếng tù và dội vào vách núi. Thằng Đán dựa cửa nhìn dõi theo, đầu óc trống rỗng. Nhét gói vải nhỏ vào bụng áo, gã ngồi im.
       ……….

(Còn nữa)

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Gần hai ngày sau, thằng Đán đặt chân xuống sân ga Hòa Hưng vào tầm bốn giờ sáng. Moi cuộn tiền lẻ giắt trong chiếc túi nhỏ dưới thắt lưng chiếc quần bộ đội bạc màu được vợ gã khâu cho trước chuyến đi, gã trả tiền người lái xe ôm mau mồm mau miệng. Dừng trước cửa địa điểm xí nghiệp thuê làm đại lý tiêu thụ sản phẩm, hắn bấm chuông. Đường phố đã bắt đầu lác đác xe máy, xe đạp, xe lam đi làm. Gánh hủ tiếu, gánh phở đêm vội bán những bát đồ ăn cuối cùng. Thành phố sắp cựa mình thức dậy. Người bảo vệ già ngái ngủ ra mở chiếc cửa sắt kéo nặng trĩu ở tầng trệt, hướng dẫn hắn lên một căn phòng nhỏ tầng trên. Quăng tấm thân rã rời xuống chiếc giường cá nhân trơ trọi trong phòng, gã để cả quần áo, ngủ vùi. Ngủ đã, ăn uống tắm táp sau, mặc cái bụng có vẻ muốn sôi réo đòi hỏi. Chuyến đi hai ngày, ba đêm lăn lóc trên tàu khách Bắc Nam đã hành xác hắn nhừ tử. Mà hắn cũng cần một giấc ngủ no nê để quên đi cuộc gặp bất thình lình với ông Thông trên tàu. Bánh xà phòng thơm năm nào nhận vội trước giờ lên đường ra tiền tuyến mòn ngót bé tẹo giữa đám bọt trắng xóa trong tâm trí gã. Kỷ niệm đã lùi quá xa và không còn mấy ý nghĩa với cuộc đời gã lúc này. Nặng lòng với quá khứ khó sống lắm.
*
*      *
       Trạm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp thủy tinh "Làng Tre" được thuê làm trụ sở là căn nhà một lầu, một trệt tọa lạc ngay gần khu Chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. Mặt tiền khá rộng rãi, gần tám mét. Tầng trệt được bố trí dành phần lớn làm quầy giới thiệu sản phẩm. Dưới đó còn có phòng Giao dịch, phòng Kế toán, kho vận, bộ phận bảo vệ ở phía trong. Trên lầu, ngoài phòng làm việc kiêm chỗ ở của Trạm trưởng còn có phòng Nghiệp vụ, phòng Hành chính. Bốn gian phòng còn lại của tầng lầu là nơi ăn chốn ở của ngót chục cán bộ, nhân viên. Thằng Đán làm nhân viên văn phòng, trực điện thoại, làm kế toán ghi chép xuất nhập hàng vào kho. Quanh đây vốn trước là khu gia binh của sỹ quan và binh lính ngụy khu vực giáp sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đây đi bộ đến phi trường Tân Sơn Nhất khoảng hơn hai cây số mất cỡ ba chục phút. Tới Ngã tư Bảy Hiền chỉ hơn sáu cây số một chút, đi bộ hết một giờ đồng hồ. Vị trí như vậy là khá thuận cho việc đi lại, vận chuyển và giao dịch. Sau giải phóng, chung quanh khu vực chợ Hoàng Hoa Thám phần lớn là doanh trại bộ đội, nhà ở gia đình quân nhân và cán bộ, chiến sĩ đã hết hạn phục vụ quân đội và định cư ở lại thành phố Hồ Chí Minh. Đa số nhà ống cũ một tầng, mái tôn. Đôi ba chiếc nhà tầng, cái lớn hai lầu một trệt, còn đa số hai tầng, một lầu một trệt. Chả vậy, nếu để ý kỹ sẽ thấy khu vực này có khá nhiều quán ăn, tiệm phở Bắc. Đặc biệt nhiều cửa hàng thịt chó với vô số biển nhớn, biển bé "Cầy tơ bảy món" "Cờ tây khoái khẩu" hoặc "Đặc biệt cầy tơ". Có quán chỉ vẽ tấm quảng cáo với hình một chú mực nhe răng, ngồi toác miệng cười và đeo toong teng trên cổ một củ riềng tướng. Phia dưới hạ độc hàng chữ "Mộc tồn" hài hước…Thực khách chủ yếu là người Bắc, bộ đội, cán bộ biệt phái công tác phía Nam. Người Sài Gòn những năm này không có mấy người ăn thịt chó. Thằng Đán nghe đám đồng nghiệp, bạn bè kháo nhau rằng, trong này bà con theo đạo Phật rất nhiều, họ kiêng dùng. Lại có người bảo rằng, sau rất nhiều năm sinh sống cùng với người ngoại quốc, người Sài Gòn cũng không quen dùng thịt chó nữa, vì các chú khuyển vốn được coi là con vật hết sức thân thiết của người phương Tây. Mà thịt chó thì khá rẻ. Các chủ quán đổi bảy tám ký gạo được một chú khuyển vừa độ ngon thịt. Thậm chí, có thể thuê người bắt chó hoang đầy rẫy phố sá. Vậy nên, bước chân vào các quán thịt chó ở khu Hoàng Hoa Thám này, người Bắc có cảm giác như ở quê mình vậy. Không khí đượm nét đồng quê. Đến cả mắm tôm, húng quế, lá mơ, giềng mẻ, rượu gạo cũng được chuyển từ Bắc vào. Vẫn kiểu ăn giải chiếu, xếp bằng quen thuộc. Mâm là những chiếc bàn gỗ tạp, tre, nứa chân thấp hai ba chục phân. Vẫn kè kè cạnh bàn rượu những "khẩu ba dô ca", chiếc bằng ống nhôm, duya - ra, chiếc bằng ống tre, ống nứa "quốc hồn quốc túy" xếp ngay cạnh chiếu nhậu. Nếu có khác,  thì đó lẫn giữa những chai rượu gạo miền Bắc nút lá chuối, có cả "lade - bia cọp" và rượu đế Gò Vấp. Tất nhiên, thế nào cũng phải có một xô đá lạnh tướng bên cạnh.
       - Ê! Đán. Mày vô được vài ba năm rồi đấy nhỉ. Về thăm bà xã được mấy kỳ rồi.
       - Phải, tao vào cũng được từng ấy thời gian rồi mà về thăm mẹ đĩ có được mỗn một lần. Đi lại từ đây về nhà nhiêu khê bỏ mẹ, lấy tiền đâu mà đi ra đi vào lắm thế được. Đi kiểu gì cũng mấy ngày mấy đêm, vất vưởng mãi dọc đường mới ra được Hà Nội. Lại đổi tàu, đổi xe lên xuống đủ nhoài người rồi. Ở được dăm bữa, nửa tháng, nghĩ đến đường vào ngại bỏ mẹ.
       Thằng Đán nhấc chén rượu đổ gọn vào miệng. Cũng chẳng biết vì đâu mà vào trong này, nó lại "tự dưng" chai rượu đến thế. Cứ uống vào từ chén thứ tư trở đi thì mặt nó tái hẳn. Nó uống được, mà phải nói là "uống bạo". Chưa bao giờ "cho chó ăn chè" cả. Bữa nào uống quá, tạt quán bà Bẩy Sang bên kia đường làm một vại tướng chanh muối đá là êm. Rượu vào, nó ăn nói hoạt khẩu hơn thường ngày. Cái mặt với đám sẹo bên má phải càng ngấm rượu càng tím ngắt giữa mặt, làm người mới gặp nhìn cũng nể nể, nghĩ bụng khéo gặp phải thằng có máu "dữ". Mâm thịt chó bảy món lần này do trưởng trạm hứng chí gọi thết đãi anh em nhân ngày nghỉ cuối tuần. Ngồi quanh mâm toàn anh em cán bộ nhân viên trong trạm. Song đám thằng Đán biết cả, bữa thịt cầy này là để "bôi trơn" thuộc cấp của "thủ trưởng" Diên. Lão cũng kiếm được kha khá với các chuyến chuyển đổi hàng Bắc Nam. Kiếm từ tiền xăng xe, phí vận chuyển, từ chênh lệch hàng hóa, giấy tờ hóa đơn. Cũng có cả tiếng "sột soạt" tiền nong dư dôi nhờ việc "lại quả" của các đối tác làm ăn phía Nam dồn cho khi thực hiện hàng đổi hàng. Từ phía Bắc, ngoài sản phẩm thủy tinh, gạch chịu lửa còn rất nhiều ấm chén bát đĩa hàng sứ Hải Dương, thứ mà thị trường thành thị phía Nam đang chuộng. Hàng ra thì nào là phụ tùng xe đạp, săm lốp Đồng Nai, nước mắm Phan Thiết, thậm chí có chuyến xe chở đến cả trăm trái dừa, hàng tạ đường cát, đường phèn, đường thẻ. Rồi nào đậu xanh, đậu phộng (lạc), đậu nành…"Một vốn bốn lời", "một công đôi việc". Xí nghiệp chấp nhận đổi sản phẩm làm ra với hàng hóa công nghệ phía Nam, mở ra một kiểu buôn bán hàng đổi hàng nhằm cứu lấy công ăn việc làm và thu nhập cho công nhân. So với phía Bắc, việc làm ăn, quan hệ trao đổi ở phía Nam này thoáng hơn nhiều. Nhờ thế, cái trạm bé xíu lọt thỏm giữa khu chợ Hoàng Hoa Thám này của bọn thằng Đán mới tồn tại và ăn ra làm nên vài năm nay. Sống với một thủ lĩnh như vậy, đám nhân viên như thằng Đán cũng dần biết cách xà xẻo, "làm mánh" kiếm tiền riêng.
       Sống trong này, thằng Đán quen dần với việc ồn ã quanh mình tiếng Nam Bộ nằng nặng. Con gái Sài Gòn giọng dìu dịu êm nhẹ, con gái miền Tây sông nước giọng thoảng ngân nga điệu hò điệu lý, con gái miền Đông giọng gọn mà sang sảng. Đàn ông ăn to nói lớn, việc gì cũng muốn thẳng tuột, chúa ghét thót "ba sầm, ba sạo". Phụ nữ thành  phố Sài Gòn hễ ra đường là ăn vận chỉn chu, đầu tóc bới chải kỹ càng, cấm có thấy bà nào quần ngủ, áo trong nhà, quần ngắn áo cộc ra đường bao giờ. Trẻ con đi học trai áo bỏ trong quần, gái áo trắng dài quần trắng ngang ống chân líu ríu. Ngoài đường cơ man nào là xe pháo. Xe lôi, xích lô máy, xe lam ầm ào tung khói mù mịt. Xe Honda đam, Honda sáu bảy, xe tay ga, lambeta, vetspa chạy vèo vèo trên phố. Ô tô rặt những Ford, những Dog, những Hino kềnh càng, ống xả cao ngất ngưởng. Chỉ cần dừng xe trước cột đèn xanh đèn đỏ dăm mươi phút là thấy ngã tư, ngã năm, ngã bảy xanh mù khói xe. Thằng Đán đi khỏi khu chợ là không dám đi bộ. Cứ xe ôm thuê chạy. Tốn kém chút chút đấy nhưng "giữ được giò". Giờ thì nó nói cũng đa đá dăm tiếng nam bộ rồi. Cũng "dô", cũng "xạo", cũng "dư sức", "sức mấy" "ổng, bả" chen lẫn tiếng Bắc nghe ngồ ngộ.
       - Mày đã biết tiếng lão Ba Tàu tướng số nơi Ngã tư Bảy Hiền chưa?
       - Tao có nghe nói, nhưng chưa tới "ổng" bao giờ?
       - Tới đi. Ổng phán hay lắm đó. Tiền vận, hậu vận cứ là vanh vách. Mắt sáng chứ không đui mù như mấy lão thày bói ngoài Bắc đâu. Nghe đâu, cứ trước mỗi chuyến hàng vào ra là bố Diên đều mang lễ ra xin quẻ, xin ngày cả đấy. Tao đây này, ba tháng trước bám chân thằng Thực ra xem ghé, ổng bảo nhìn cái mặt tao có vía hạn, bụng không thực tin gì. Sang tháng sau, y như rằng ông già ở quê đổ bệnh, nhoài được ra thăm bố được một tuần lễ. Thấy ổng đỡ đỡ, đi vào. Ai ngờ, vừa xuống tàu về tới trạm đây thì nhận được điện báo ông cụ mất. Ra cũng không kịp, kiếm vội bơ gạo thắp nắm nhang dặt lên nóc tủ cá nhân, bấm bụng dành tiền trăm ngày ra xin ông tha tội. Ở xa gia đình thế này, sơ sẩy nhiều việc bất ưng lắm. Biết việc thì chuyện đã rồi, Mày nên ra lão thầy Tàu đó xem.
       - Ừ, mày nói phải đấy. Bữa nào rảnh thế nào tao cũng ghé lão.
       Một tuần sau, cũng vào sáng chủ nhật, thằng Đán tìm ra ngã tư Bảy Hiền. Ngôi nhà kiểu Tàu với tấm biển vẽ bàn tay năm ngón xòe rộng cùng dăm chữ Tàu khó hiểu treo cột cửa. Mặt tiền chạy dài, cửa ván bưng trổ lẫn hàng song gỗ tiện. Ngôi nhà nằm trong con hẻm hẹp, mái ngói âm dương võng xuống với đầu kèo chạm trổ tựa trên hàng cột gỗ nâu đỏ bí hiểm. Gã rụt rè bước qua cửa. Người dẫn đường áo cánh đen, khuy vải cài sóng hàng hai trước bụng nhẹ nhàng đưa lão vào gian trong. Đèn đóm lờ nhờ, tranh tối tranh sáng. Bước qua tấm mành cửa, một người đàn ông đội mũ quả dưa, áo dài đen ngồi sau tấm bàn la liệt sách giấy bản chữ tàu. Đôi mắt đen sẫm sâu nhìn thẳng vào gã:
       - Thế cái nị muốn ngộ xem cái zgì, pắt tướng hay ngó chỉ tai đai.
       Chưa kịp mở mồm nói câu gì. Thằng Đán nghe cha Ba Tàu sổ ra một hơi.
       -  Pà thôi. Ngó cái mạt nị ngộ đã khôông muốn them rồi. Cái pản mạt của nị kinh qúa dza. Nị pải xàm lai cái mạt đi. Với cái pản mạt nài nị pải tốn cỡ cay hai mới chám lại tược nghe khôông. Về lo piền li dzồi pén đai, ngộ sỉ chỗ sửa cho.
       Nói rồi, lão bỏ vào nhà trong, chẳng nói chẳng rằng.
       Người giúp việc đứng phía sau nói tiếng bắc rành rọt:
       - Cụ chủ nói rằng cái mặt ông sứt sẹo thế kia xem tướng sao được. Phải làm lại cái mặt. Mất kha khá đấy, phải cây hai vàng chín mới làm lại được. Ổng nói chú về lo tiền đi. Bao giờ có lại đây, ông chỉ chỗ làm cho. Ở lâu với ông, tôi biết. Ổng biết chỗ làm lại được. Có chú lính cộng hòa - ông khẽ giọng - mất nguyên hàm dưới qua đây ổng còn chỉ chỗ cho tái tạo lại được đấy. Tin tôi đi.
       Hoang mang, thằng Đán ra về. Hắn biết ông già nói cái gì. Cái khuôn mặt sứt sẹo lồi lõm này báo hại gã rồi. Nếu không sửa lại, đừng nói gì đến vận hạn, tướng số. Tự cái khuôn mặt xấu xí đã làm hỏng tướng tá con người rồi. Nhưng lấy tiền đâu ra bây giờ. Những cây hai vàng. Giờ gã mới biết thấm thía một cái bản mặt dị dạng sẽ báo hại thế nào cho kẻ định mang nó theo mình suốt đời.

*

*      *
(Còn nữa)

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Đang là mùa hạ những năm giữa thập kỷ tám mươi, thế kỷ hai mươi. Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc mới được ngót mười năm. Đất nước lại vừa trải qua hai cuộc chiến biên giới phía Bắc và Tây nam. Mọi thứ còn rất khó khăn. Cán bộ nhà nước vẫn gạo sổ, tem phiếu thực phẩm. Hàng hóa công nghệ phẩm hiếm hoi, ít ỏi và phải thực hiện chế độ phân phối ngặt nghèo mới đến tay số ít người tiêu dùng chọn lọc. Các cơ quan nhà nước vẫn phân cho cán bộ nhân viên từng bộ săm lốp, từng chục chiếc đũa xe đạp, từng chiếc vỏ hay mền chăn bông. Vật dụng sinh hoạt nhà nào khá giả thì có thêm chiếc quạt tai voi, chiếc nồi áp suất Liên Xô, chiếc vô tuyến truyền hình Neptuyn phân phối đen trắng. Hoặc chiếc Ri-gon-da do lưu học sinh Liên Xô đem về, hay chiếc tivi Nationa, Sanyo, Sony…Các thứ đài điện tử bán dẫn, máy quay đĩa, đầu ghi âm băng cối Teac, Sony, Toshiba……mua lại của đám cán bộ, bộ đội đem từ phía nam ra. Nhà nào vừa vừa thì có chiếc quạt "con cóc" ba mươi lăm đồng, chiếc đài bán dẫn Orionton, Vef 12, chiếc quạt Điện cơ Thống Nhất. Các cơ quan xí nghiệp có nơi mỗi năm phát động tự túc lương thực hai tháng, ba tháng. Bữa cơm ngoài độn bột mì, mì sợi, độn khoai, sắn nay còn thêm cả hạt bo bo. Trẻ con người lớn gặp cảm cúm, ho hoắng viêm nhiễm ốm đau mà được dùng thuốc kháng sinh là rất hiếm khi. Vài viên xuyên tâm liên, cảm đông y nhì nhằng chung cho rất nhiều thứ bệnh thường gặp. Chợ búa nghèo kiệt hàng hóa. Xà phòng kem lổn nhổn khét mùi vôi tôi, xà phòng bánh đen thui thủi chắc chỉ để dùng cho bảo hộ lao động, cho công nhân cơ khí lắp máy…chà đến đau tay mới rịn ra chút bọt. Thậm chí đến cả muối, nước mắm cũng hiếm. Chăn bông, áo bông rặt chỉ có bông tái sinh xanh xanh đỏ đỏ vón thành cục. Nhiều gia đình phải bật lại từng chiếc chăn bông cũ, san ra cho đủ số người trong nhà dùng. Người mỗi lúc sinh sôi nhiều thêm, đông thêm mà vật chất tối thiểu chỉ có hạn. Nhà nước đã phải lên kế hoạch tiết giảm dân số, vận động sinh đẻ ít con.
       Đoàn tàu khách Thống Nhất đông nghẹt người nặng nhọc chuyển bánh sau tiếng hụ..hụ.. mệt mỏi của chiếc đầu kéo chạy dầu. Bỏ ga Đà Nẵng lại đằng sau, con tàu tiếp tục hành trình Bắc Nam bảy mươi hai tiếng đồng hồ. Trên tàu, lúc lỉu trên các toa khách những là bị bọc, ba lô, bao tải, thúng mủng, túi xắc, túi lưới. Giờ có lúc người ta gọi vui với nhau rằng, tàu Bắc Nam là cái chợ có bánh xe. Cũng phải thôi. Trong nam ngoài bắc qua lại trên con đường sắt cả ngàn cây số này chen chúc với hành khách đi tàu là hàng hóa. Bất kể thứ gì, từ trái trứng, quả dừa, cá khô, lọ mắm nêm, chai nước mắm đến xoong nồi đồ nhôm, rổ rá xô chậu đồ nhựa tất tật đều được trung chuyển giữa hai miền bằng tàu khách. Lẫn trong đó, hành khách thật sự của tuyến giao thông huyết mạch nhường nhịn nhau từng xangtimet ghế ngồi, ghế nằm, thậm chí cả sàn tàu. Các toa tàu ứ nghẹn người, nhân viên nhà tàu phải lách từng bàn chân di chuyển qua các toa. Nơi thì giành giật cãi vã ồn ào chỉ vì chút chỗ mắc võng ghé lên giàn hành lý, đong đưa phát khiếp trên đầu trên cổ người ngồi phía dưới. Chỗ khác lại ôn hòa thu xếp với nhau nhường chỗ cho người già, trẻ thơ. Cái xã hội thu nhỏ trên toa tàu bắc nam phản ánh rất trung thực hình ảnh cuộc sống vừa mới chuyển từ thời chiến qua thời bình, chật vật tìm cách sống sao cho đủ cơm ăn áo mặc, giấy vở học hành. Qua các miền đất nghèo Nghệ Tĩnh, miền trung trung bộ nhìn ngoài cửa sổ toa tàu là những cánh đồng sơ xác lúa ngô, khoai sắn nhìn cũng biết thu hoạch lương thực chẳng nhiều nhặn gì. Chen lẫn vào đó là từng vùng cát trắng ngút mắt đầy gió mà vắng ngắt nhà cửa. Từng tốp trẻ con, đông thì cả chục, ít thì dăm ba đứa vai khoác bao dứa, mặt mũi đen nhẻm tóc vàng sơ vì nắng gió tay nhăm nhăm thuốn sắt đi tìm kiếm sắt vụn, vỏ bom mìn, đồ thải loại chiến tranh còn lấp sâu trong lòng cát trắng. Không thấy mấy nhà cửa sầm uất, nếu không lướt qua những vùng đô thị nhấp nhô mái tôn nghèo. Những Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cũ kỹ lướt qua. Những bát cơm, bát bún, bát cháo ăn vội trên sân ga không đủ lấp đầy dạ dày bao con người trên đường di chuyển. Người ta hối hả đi, hối hả ăn uống, í ới gọi con, chen chúc thét gọi tên nhau, tìm người già trên tàu, dưới ga. Đám hàng hóa vụn bên đường, chủ yếu là bánh kẹo gia công, đường phèn đường cát, đồ ăn nhanh mì hai tôm, ba tôm bám lấy đường tàu. Rồi mẹt, rồi vỏ hộp bìa cac tông bầy dăm củ khoai khúc sắn, dép tông đổ bộ từ dưới ga lên con tàu vội vàng. Để rồi, gặp nhân viên nhà tàu, gặp bóng công an đường sắt lại nháo nhào xô đẩy, nhảy như sung rụng xuống tàu giữa đêm vắng. Thi thoảng, đợt khách này xuống, đợt khách kia lên lại ngậu xị om xòm mất cả tiếng để giành kiếm lấy một chỗ ngồi, chỗ dựa lưng ít ỏi giữa đám người nhễ nhại mồ hôi, nồng khét mùi người lâu ngày không được tắm gội. Không khí đặc quánh mùi thuốc lào, thuốc lá, mùi dầu gió hăng xì. Thi thoảng, len lỏi qua đám người, đám ghế ngồi chút ít gió hiếm hoi lọt qua khe cửa sổ, nhưng lại quyện nồng mùi nước tiểu từ phòng vệ sinh cuối toa hắt lại. Giữa cả trăm, cả chục con người, đi liên tục mấy ngày đêm trên tàu, tranh được cốc nước đánh răng, bát nước rửa mặt trên phòng vệ sinh cuối toa cũng đủ được khen là người xông xáo. Người chậm chân, lành hiền chen được vào những việc đó chỉ có thua. Đành bóp bụng mua chậu nước sạch dưới đường tàu, bất biết là nước giếng, nước máy hay nước sông đánh phèn, san san bớt bớt để dành cốt khắc phục tàm tạm cái nhu cầu vệ sinh răng miệng và lau rửa tối thiểu. Những ga lớn giữa chặng như Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng…còn có nhà tắm dịch vụ, xếp hàng rồng rắn nghịt người, tắm chưa đủ sạch đã vội vội vàng vàng chạy đuổi theo tàu, đu đại lên, ôm víu bất cứ thứ gì hai bàn tay có thể bám được để trèo vào toa. Và những chi tiêu dè sẻn của khách đi tàu, chỉ cố gắng tiêu dùng vào những nhu cầu tối thiểu ăn, uống, tắm, rửa… cũng vắt móp kha khá hầu bao ít ỏi của họ. Biết làm sao được, giữa thời buổi như thế này, làm sao mà đáp ứng được cho hết nhu cầu hàng ngày của cả triệu vạn hành khách qua lại trên cặp đường ray mỏng manh gầy guộc này của đường sắt bắc nam?!.
       Giữa đám người hỗn độn lúc nào cũng muốn sôi lên ấy, thằng Đán khéo lắm mới ngả được tấm lưng mệt mỏi xuống tấm vải mưa lót vội dưới sàn tàu. Chân không thể duỗi thẳng được, mà bảo rằng co lại thì cũng đâu có được thoải mái. Đầu kẹt giữa một bên là hai cái đầu gối tròn bự của một bà buôn dáng ục ịch. Vai ghé được một bên lại va phải cạnh xương hông khẳng khiu của một cụ già cỡ gần bảy mươi. Còn chung quanh ư, đó là một đám lổn nhổn kẻ nằm người ngồi, ba lô túi xách bọc bị kẹt cứng. Trẻ con có đứa chưa đầy tuổi tôi còn được các bà mẹ đẩy gọn cả vào gầm ghế để chúng bớt phải chịu chen vai thúc cánh với người lớn. Chuyến đi này là chuyến công tác vào nam đầu tiên của thằng Đán, và có thể sẽ còn kéo dài vài năm. Xí nghiệp cần mở rộng việc tiêu thụ sản phẩm ở Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Phải lập một trạm đại lý tiêu thụ hàng hóa trong đó. Đội hình chính đã theo xe hàng vào rồi. Nó đi sau vì còn vướng công việc lao động tiền lương dở dang phải bàn giao cho người khác. Lên tàu ở Hà Nội cách đây hơn một ngày, mãi đến giờ này gã mới tạm gọi là quen quen với cảnh đi tàu bắc nam. Nghĩa là biết ăn theo người khác, ăn vội ăn vàng kiểu tàu xe nhếu nháo. Biết mua bán những vật dụng sinh hoạt tối thiểu. Biết tiêu tiền vào mấy khoản nước rửa, nước uống, cơm đĩa cơm phần hàng ngày trên tàu. Đương nhiên còn phải mắt trước mắt sau giữ cho bằng được chiếc ba lô quần áo tư trang giữa muôn người nhộn nhạo này. Đêm xuống, cả toa tàu chỉ có hai ngọn đèn bé tí, không đủ tỏa hết được chút ánh sáng vàng quạch, yếu xìu tới mọi ngõ ngách trên toa. Cứ sau một ga lẻ có người lên xuống, không góc này cũng góc khác trên toa ồn lên những tiếng kêu thất thanh vì mất tiền, mất đồ. Đi tàu kiểu này, thân ai nấy lo giữ. Không biết, không quen chớ có hào hứng thật thà nhờ vả hay giúp đỡ vặt. Biết đâu đấy. "Phải vạ thì má đã sưng".
       Ga Quảng Ngãi rồi. Tiếng ồn ào từ dưới sân ga dội lên ngay từ khi chuyến tàu vừa mới vào khu vực đầu ghi. "Đường thẻ đây!" "Gà luộc nguyên con đây!" "Hủ tíu nam vang! Bún bò à! Mì Quảng đây!" "Bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ú đây!" "Nước nào! Nước sôi đổ bình thủy, nước nguội, nước đá đây!", "Cà phê! Trà đá! Trà bắc đây! Uống mau kẻo hết nào", "Chè thập cẩm, chè trái cây, chè bưởi á!", "Kẹo cao su, kẹo đường phèn không! Nhíp đánh răng, lược nhựa, cây ngoáy tai, kềm cắt móng, dép Thái đơi!" …..Người lao tới vội vàng, người lách xuống, kẻ chen lên, người nhoài xuống nháo nhào. Tiếng la hét, có cả tiếng chửi thề, gắt gỏng. Tất cả ồn lên cỡ gần hai chục phút. Đoàn tàu cựa mình đi trong chút ánh sáng yếu ớt của ngày chuyển qua tối, bỏ lại dưới sân ga đám người mưu sinh dọc đường tàu vón thành một đám mệt mỏi, nhễ nhại. Theo lời ông già nằm cạnh, thằng Đán nghiêng người một bên lấy chỗ trống cho ông khách mới lên. Dưới vành chiếc mũ lá gồi, trong ánh sáng cuối chiều nhập nhoạng, một khuôn mặt râu ria quai nón sợi đen sợi bạc ngang tàng khỏe mạnh. Trông có vẻ quen quen, thằng Đán nhắm vội mắt.
       - Ơ này, đất trời va nhau hay sao thế này. Thằng Đán đây mà, có phải không? Anh Thông mày đây.
       - Xin lỗi bác, bác nhầm em với người khác rồi. Bác cứ xích vào chút nữa cho thoải mái.
       Cố nghiêng phía mặt nhăn nhúm sẹo về phía người đối thoại, thằng Đán khẽ giọng, tiếng méo méo.
       - Thôi chết, có lẽ tôi nhầm người. Chú em tha lỗi cho nhé, già cả lẩm cẩm thế đấy. Nhập nhoạng thế này, mắt mũi kèm nhèm. Tôi chỉ xin ghé nhờ nửa người thôi. Ga sau, ga Diêu Trì tôi xuống rồi.
       Đôi mắt người đàn ông có tuổi như mờ dại hẳn đi. Khổ sở chép miệng, ông ngồi xây lưng quay vội mặt đi chỗ khác rồi úp cái mũ lá xuống mặt ngồi im. Lát sau đã thấy tiếng ông thầm thì với người kế bên, giọng trầm xuống.
       - Tôi có thằng cháu đóng quân ở trường lục quân Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định. Một đứa con gái theo chồng là cán bộ miền Nam tập kết, thống nhất theo về Quảng Ngãi quê chồng. Thằng cháu viết thư vận động gia đình tôi vào trong này sinh sống. Tôi đi chuyến này xem sao rồi ra đón bà ấy và thằng út vào. Mấy hôm trước, tôi còn ghé nhà con cháu chơi mấy ngày với hai thằng cháu ngoại. Ngoài quê tôi, người vào xây dựng kinh tế mới ở trong này cũng kha khá. Thôi thì, rồi cũng theo mấy đứa nó thôi! Ở đâu cứ dễ sống là được. Bỏ quê bỏ quán, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn thân thuộc cũng thấy nặng lòng lắm.
       - Ông tính thế phải đấy. Tôi vốn ở Quỳnh Phụ Thái Bình, vào trong nam này cũng được vài năm rồi. Trồng cao su, nuôi lợn ở Đồng Nai cũng được lắm ông ạ! Việc tuy lam lũ vất vả thật, nhưng thu nhập cũng tạm đủ ăn. Trong này trăm người mười làng, kiếm cho có miếng ăn cũng không mấy khó khăn.
       Thằng Đán nhắm mắt vờ ngủ nghe hai người già nói chuyện. Gã thậm chí còn không dám cựa mạnh. Cố ép người nằm nguyên tư thế vậy đến đau cả một nửa người. Hơn sáu tiếng đồng hồ trôi qua. Gần sáng, con tàu tới ga Diêu Trì. Gã cảm thấy ánh mắt ngại ngần của người đàn ông một lần nữa lướt qua mặt. Không còn lời chào hỏi hồ hởi ồn ã lúc mới lên tàu, người đàn ông khẽ giọng chia tay các hành khách còn nửa thức nửa ngủ bên cạnh. Ông rời tàu rồi, thằng Đán lúc ấy mới thấy người mềm ra. Hú vía. Đây là lần đầu tiên, hay không biết còn lần nào nữa đây, việc gặp những đồng nghiệp chiếu bóng bãi ngày nào khiến gã phải lo lắng? Hắn không thể bịn rịn với quá khứ được. Hắn đang cố là người khác. Xin được theo vào công tác trong này, tránh phía Bắc xa ra một bước cũng là một nước cờ mà ông Kính- bố hắn tính toán cho.
….

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


       …..
       (Tiếp theo)
       Gọi là nói chuyện chứ họ phải gào lên với nhau mới nghe được rõ lời trong sủng xẻng sắt thép và hào hển động cơ. Sẩm tối, chiếc xe dừng lại ở binh trạm Khe Gát, nơi vào ra Trường Sơn của mọi lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tính ra từ lúc xuất phát, đã hơn ba ngày giời trôi qua. Đi liên tục, chỉ nghỉ hai ba tiếng dọc đường. Lần đầu tiên sau hơn tháng trời lặm lội rừng già, thằng Đán biết đến hột cơm và miếng thịt kho mặn. Lần đầu tiên kể từ khi bước vào trận chiến, nó được tắm táp thỏa thuê mà không lo sợ tên bay đạn lạc, mìn bom chết người. Anh Tưởng còn đích thân đưa gã đến hầm bệnh viện dã chiến để rửa và thay băng vết thương. Tay quân y sĩ tròn mắt nhìn thấy vết thương trên mặt thằng Đán. Đó không phải là vết thương do đạn nổ "Nếu đạn nổ thế này thì thằng cu này chết là cái chắc! Nhưng bảo rằng đó là vết tự thương để biến khỏi chiến trường thì không thể tin được vì nó ngoài sức tưởng tượng". Nghĩ bụng vậy thôi, chứ người y sĩ mặt trận chỉ im lặng cần mẫn, chậm rãi rửa ráy, dùng dao tiểu phẫu trích cắt bớt những chờm lấn dư thừa da thịt vá víu quanh vết thương. Khéo léo khâu nhanh những vệt rách hở chưa kịp liền, làm sạch vết thương rồi băng gạc lại cho thằng Đán với một lớp thuốc mỡ chống bội nhiễm lên vết thương. Trông có thể gớm ghiếc đấy, nhưng nếu được phẫu thuật tái tạo tốt, cũng không khó để có được một khuôn mặt dễ nhìn. Riêng hàm răng, cũng phải trồng vào đấy kha khá răng giả, nếu không nói rằng cần phải làm lại toàn bộ hai hàm răng mới hòng tái thẩm mỹ. Khuôn mặt thằng Đán trắng toát băng gạc, chỉ hở đôi mắt và mồm miệng, hai cánh mũi mốc mác. Trông nó khác đến nỗi ông Tưởng suýt xoa khen tay y sĩ: "Này, cậu xứng đáng là thợ dao kéo cao cấp đấy! Hôm mới gặp nó, anh cứ tưởng ma hiện hình đấy". Số thuốc được cấp phát cho thằng Đán có lẽ cũng tương đương với ba cơ số thuốc cá nhân được trang bị khi vào chiến trường. Lủng củng cả thuốc tiêm, sê ranh, ô xy già, cồn y tế, thuốc uống, thuốc bôi. Lại còn cả một gói tướng băng gạc nữa.
       Đêm đó, cả hai mắc võng bên nhau trên bãi khách, nói thêm dăm ba câu chuyện rồi ngủ trong mê mệt dầm dề. Đêm cửa ngõ Trường Sơn không yên tĩnh trong tiếng ầm ì xe pháo và lao xao tiếng người vào ra. Nhưng chiến trường bom đạn lại bỗng như lùi ra xa, rất xa. Cũng là lần đầu tiên cả mấy tháng trời nay, giấc ngủ đến với thằng Đán nhẹ nhàng, không chút nơm nớp lo lắng, dật dờ.
       Sáng ra, vừa mở mắt chưa kịp tỉnh ngủ hẳn thằng Đán đã thấy ông Tưởng hớt hải từ đâu chạy gằn về, mồm hét toáng lên: "Này Đán ơi! Tớ với cậu lại nửa đường đứt gánh rồi! Tớ phải để cục sắt này lại ở trạm để đám cơ công nó tháo ra lấy máy móc, phụ tùng. Tớ sẽ theo xe vào lại trong đó bổ sung cho đoàn vừa bị thiệt hại quân số hôm trước, xe còn mà người không còn.". Thằng Đán chỉ biết há hốc mồm:
       - Thế…thế Em thì thế nào đây. Nằm chết dí ở trạm này sao, hay lại chờ phiên chế…
       - Thằng nỡm, phiên chế đếch gì cái thứ phế phẩm như cậu. Tớ bàn giao được cậu cho cánh lái xe của đoàn vận tải dân sự Cẩm Phả  góc bãi xe kia rồi. Họ đưa thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào, nay đón đám hết hạn phục vụ và thương tật đi ra. Tay này ngày xưa từng vào đoàn xe quốc doanh tớ để giao hàng mãi rồi biết nhau. Tướng tá hơi nghiêm nhưng được cái tốt bụng. Cậu theo hắn đi ra tớ cũng yên tâm. Không vào quân y 7 trạm Ninh Bình thì về trạm quân y 7 Hòn Gai. Đâu chẳng tiếp nhận thương bệnh binh. Thôi, không dài dòng văn tự nữa. Thu xếp tăng võng đồ đoàn rồi theo tớ, tớ bàn giao cậu cho lão ấy ngay cho kịp chuyến. Lão đang chờ đấy.
       Thằng Đán tưởng như chết đuối vớ được cọc, líu ríu dọn dẹp thu xếp. Khi nó ra chiếc IFA mui bạt kín mít góc bãi xe, thì trên thùng đã lố nhố đầy người. Ông lái xe cỡ tuổi cha chú nó đang chờ bên cửa buồng lái. "Ưu tiên cậu thương binh này lên ca bin. Để chú mày ngồi lên thùng xe, đám con gái thanh niên xung phong nó xơi tái chú mày mất!". Quáng quàng ôm vai anh Tưởng, nó ngân ngấn nước mắt nhận trên tay vị cứu tinh mấy ngày qua của nó một bọc đồ tướng gói trong miếng dù pháo sáng.
       - Trong này có một ít lương khô, hai bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh cũ. Trong chiến trường tớ dùng quần áo lính quen rồi, chả cần đến nữa. Cố gắng giữ gìn sức khỏe, chịu khó điều trị. Biết đâu, khi chú mày vào lại chiến trường được, anh em mình lại gặp nhau. Tạm biệt "chú lính chì"… vỡ mặt!
       Miệng nói tào lao vậy, nhưng tiếng anh Tưởng có vẻ nghèn nghẹn. Họ đã đi với nhau cả một quãng đường vài trăm cây số nghiêng ngả Trường Sơn. Dẫu sao, cũng có cái tình thân, tình thân lính chiến trường sống chết có nhau. Anh im lặng quay vội đi, không để thằng Đán kịp nhìn thấy đôi mắt buồn tiễn biệt của mình. Những phút như thế, giữa chốn bom đạn giống như sự chia tay trước khi bước vào giữa cái sống cái chết không báo trước. Bên cạnh gã, người lính lái xe già khẽ nuốt tiếng thở dài. Ông giục: "Thôi, lên xe đi. Xuất phát thôi!". Chung quanh họ tiếng động cơ các loại của xe pháo chợt ồn lên. Đoàn xe lần lượt rời khỏi bãi, ngắc ngư chuyển động hướng ra phía Bắc. Dọc đường, cánh lái xe bóp còi chào nhau, đoàn vào, đoàn ra í ới. Chuyến đi trở lại nơi không có tiếng bom đạn đã trở nên thật rõ ràng với thằng Đán. Nó tự véo bắp tay mình. Không phải giấc mơ hão! Đây là sự thật một trăm phần trăm, nó đang trên đường trở ra miền Bắc hậu phương yên bình. Hơn ba ngày sau đó, khi xe ra tới địa phận huyện Đông Triều nằm trên đường mười tám, nó chia tay với bác lái xe già ít nói. Không đôi hồi bịn rịn, gã cuốc bộ về phố núi. Vượt gần ba chục cây số đường núi, gã về đến cửa nhà vừa nửa đêm. Nặng nhọc gục xuống bên thềm đất quen thuộc, gã lịm đi.
       Sáng sớm, ông Kính tá hỏa khi mở cửa ra sân thấy thân hình một người đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh nằm trên góc thềm lên xuống, chiếc ba lô lính kềnh càng bên cạnh. Lật thân hình nằm nghiêng co quắp lại, ông hét lên không thành tiếng. Thằng Đán, nó đấy! Không thể nhầm lẫn được, với khuôn mặt quấn đầy băng trắng nằm đó, đôi mắt mở trừng trừng. Ông ngất đi. Người nhà vội đưa hai ông con vào nhà.
       Phải đến vài tháng trời nằm giấu mặt trong nhà, thằng Đán mới ra đến ngoài. Hàng xóm chỉ biết rằng, nó được thoái ngũ do không đủ sức khỏe tiếp tục chiến đấu. Vết thương trên mặt không còn dăn dúm ghê sợ nhiều lắm được giải thích do khẩu súng cướp cò, văng quy lát trở lại phá hỏng. Vậy thôi.
       Nửa năm sau, đám cưới thằng Đán diễn ra. Nó cùng vợ con ăn ở chung với bố mẹ. Ông Kính vẫn đi lại hơn hai chục cây số giữa cơ quan và xóm núi. Trông ông già đi hẳn và càng ngày càng lầm lì, ít nói, ít giao tiếp.
       Cuộc chiến chống Mỹ, sau những bom đạn, hy sinh, sao bao năm miệt mài "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" cũng đến ngày nở hoa chiến thắng. Đất nước, quê hương thống nhất. Sau hàng chục năm chiến tranh, những người lính thắng trận trở về. Phố xá, làng quê rộn tiếng cười vui, đầm ấm trong sum họp. Nơi quê nhà, ông Kính lặng lẽ nghỉ việc cơ quan sau chủ trương sắp xếp tinh giản biên chế, song lại nghe nói ông tự nguyện xin về hưu sớm. Người làng không mấy khi thấy ông ra khỏi ngôi nhà nấp dưới bóng hàng cây găng già nua. Thằng Đán nghe chừng lần này nghe lời cha, chí thú công tác nơi xí nghiệp thủy tinh. Duy có điều, nó cũng không mấy khi về thăm nhà như trước. Nếu có về, cũng chớp nhảo đủ để hú hí với vợ con. Chỉ trong gần chục năm, ba đứa trẻ nữa ra đời dưới mái nhà phố núi, ba thế hệ sống cùng nhau trong im lặng, không mấy giao tiếp với bên ngoài. Ở đất quê, đó cũng là cái sự lạ. Nhưng rồi, thiên hạ mải lo sống chung với những khó khăn sau cuộc chiến, không có ai để tâm đến việc đó làm gì. Gia đình ông Kính xưa nay sống trong làng vẫn thế, cán bộ thoát ly mà.
*
*     *

(Còn tiếp)

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


       …..
       (Tiếp theo)
       - Tôi…tôi …lạc đường. Không có vũ khí.
       Gã lắp bắp không thành tiếng. Qua đôi tai, gã cũng chỉ nghe được tiếng mình đang ú ớ với cái giọng lào khào đặc nghẹn.
       - Đứng lên, quay hẳn người lại. Tay giữ nguyên trên cao.
       …..
       - Thôi chết, quân ta đây mà. Chú mày bị thương vỡ cả mặt mũi hay sao mà băng bó kín mít thế này. Đơn vị nào thế, tại sao lại ra nông nỗi này.
       Tiếng người đối diện trùng xuống dù vẫn đanh chắc và đầy cảnh giác. Thằng Đán chợt hạ tay xuống, quều quào ra hiệu.
       - Ơ kìa. Khổ chưa. Mất cả tiếng à. Thôi, thì ra vết thương này làm chú mày không nói được rồi. À, đánh nhau. Ờ..ờ.. hiểu rồi, gặp ổ phục kích. Ờ..ờ.. Đơn vị bị tấn công tứ phía, bị chia vụn ra. Rồi! Bị thương nằm lấp dưới xác đồng đội. Ồ, Thế à! Khổ chú mày rồi. Tỉnh dậy, bò được ra khỏi trận địa thì máy bay đến bắn à! Tiên sư cái thằng giặc, sao mà nó ác thế. Người lính ra trận trúng hòn tên mũi đạn rồi còn oanh kích muốn làm tan xác người ta. Ừ…ừ…vừa đi vừa nghỉ đã hơn chục ngày rồi kia à. Đấy, tớ với cái xe này cũng bị bom đánh ba ngày trước đấy. Thôi, đừng cố nói bằng tay nữa, kẻo mệt. Để tớ dọn cho chú mày cái góc này nằm tạm. Nhờ giời xe không bị hỏng nặng phần đầu. Tớ có lệnh đưa chiếc xe này về tuyến sau. Thế có gì vào bụng chưa. Chưa à, đã bị thương lại đói rũ thế này. Khổ chưa? Mẹ chúng nó chứ, cái lũ quân Mỹ thối tha và đám ngụy quân, ngụy quyền phản quốc. Hiệp định Pa - ri ký rồi đấy, mà nó còn ngoan cố quyết giữ cái xác ma chính quyền Thiệu - Hương. Rồi đây, quân Mỹ rút, chỉ còn quân ta với nó đánh nhau tay bo. Xem rồi cái đám ngụy thối ấy có bám đít mấy thằng Mỹ mãi được không? Thế nào chúng nó cũng thua thôi. À, mà chú mày đừng nói bằng tay mãi thế, tao hiểu rồi. Mà có vẻ cái tai thằng này cũng có vấn đề rồi. Nghỉ đi, tao lấy cho mấy miếng lương khô. Chịu khó nhấm nháp vậy. Mà ăn từ từ thôi đấy, kẻo nghẹn, sặc mà đâm khổ. Khi nào gặp binh trạm, lại có cơm thôi. Trên ca bin có cái băng ghế nhưng bom nó phạt mẹ nó mất nửa rồi. Chỗ tớ ngồi lái, đang phải dùng tạm miếng gỗ thùng đạn lót tạm. Chú mày mà nằm trên đó thì không có chỗ xoay trở, lại vướng chân vướng tay tớ. Ăn đi, bi đông có không, tớ sẻ cho vài miếng nước. Để chắc ăn, tớ lấy đoạn dây dù này buộc cậu vào cọc khung xe, để phòng trên đường, xóc quá chú mày nhỡ rơi lọt xuống gầm xe, đâm thằng tớ lại "làm phúc phải tội". Tranh thủ ngủ đi. Tảng sáng xuất phát. Đây là góc cắt giữa đường nhánh Đông và Tây Trường Sơn rồi. Mình đang trên đất Thừa Thiên. Ngoài kia là cầu ngầm Hiền Lương đấy. Nếu thuận lợi, chỉ ba ngày nữa là mình ra đến Quảng Bình. Thêm xăng dầu và kiếm chút lương ăn, sau đó tớ còn đưa xe ra trạm đại tu Thọ Xuân, Thanh Hóa. Tới đó nếu cậu còn đi tiếp về tuyến sau, bệnh viện dã chiến của quân y 7 đang đóng ở Ninh Bình đấy, tớ sẽ bày cho cách đi tiếp. À! mà tớ tên Tưởng, lính lái xe C9 thuộc D102 ô tô vận tải đoàn 559.
       Mệt rã cả người, lại còn sợ đến vãi đái. Không hiểu linh tính sui khiến thế nào, may thế. Cái trò giả câm hoa chân múa tay ngày nào được thằng Củng "quai" công nhân chiếu bóng khu Tây bày cho để chọc ghẹo gái quê huyện Hà lại có giá trị đến thế. Trong bóng tối chìa bàn tay ra không rõ ngón, gã hình dung người đàn ông trước mặt nặng mùi mồ hôi và săng xe này chắc cũng to đậm và thật thà, giàu lòng thương người. Giời quả đã cứu mạng nó. Giữa cùng cốc núi rừng và bom đạn rách giời này nó đã quá may, một lần nữa  lại gặp được người đằng mình. Hơn thế, nó có được cơ hội quay về tuyến sau hết sức thuận lợi. Ngoan ngoãn nghe lời người lính lái xe, nó để anh ta buộc mình cố định vào góc thùng xe, chiếc ba lô nằm trước ngực và góc thành xe cũng được ghì với thân nó thành một khối. Chưa biết thế nào, nhưng cái cách này khá an toàn như dây lưng bảo hộ vậy. Có va đập gì thì đã có chiếc ba lô giảm chấn cho. Nhấm nháp miếng lương khô, nó im lặng nghe người lính lái xe trèo lên ca bin phía trước. Không nghe tiếng cửa xe va đập. Chỉ thấy chiếc xe nhún nhảy nhẹ. Chắc cánh cửa buồng lái cũng không còn. Một lúc sau, đã thấy tiếng anh ta ngáy ran. Nó cũng thiếp đi trong mệt nhọc cùng niềm tin được sống sót.
       Thằng Đán biết được chiếc xe bắt đầu chuyển bánh là nhờ một cú lắc nên thân khiến gã choàng tỉnh sau giấc ngủ mê mệt. Dù đã được cột dây vào thành xe mà những cú xóc, lắc… "hứ… hự" vẫn làm hắn phát hoảng. Chiếc xe chuyển bánh trong tiếng va đập chói tai của đủ thứ rung lắc, rời rã của những khung, những sàn, những bệ tưởng có thể rời rụng ngay ra được. Nếu ông Tưởng không "bó" hắn vào khung vách sau ca - bin bằng dây, hắn có thể rơi lọt xuống đường bất cứ lúc nào. Trời sáng mờ, nặng trĩu sương rừng. Song từ cái chỗ được coi là an toàn của mình, gã vẫn nhìn thấy những lỗ chỗ sàn xe, những thanh gầm rung bần bật ngay dưới chân. Nhìn ra phía trước chỉ thấy mờ sương. Nhìn về phía sau, dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn gầm thì chỉ thấy từng vầng bụi dở đen dở vàng cuộn lên sau xe. Mù mịt, rung lắc nghiêng ngả. Bụng nghĩ thôi thì phó mặc cho "ông trời", nhưng dạ cứ bồn chồn vì không biết cái cối xay có bánh này liệu có nghiến thêm cả mình dưới nền đường không, nếu vô phúc…tuột ráo cả mớ dây buộc ngùng ngoằng này.
       Hơn nửa ngày trôi qua trong va đập bầm dập và xóc muốn tung ruột, chiếc xe bỗng có vẻ đi êm hơn, thuần tính hơn. Thằng Đán biết đã qua cung đường bị bom cày phá nát. Chiếc xe bỗng dừng lại. Trời không có chút tia nắng nao, âm u mù mịt. Đầu óc gã vẫn đang ù lên như nằm trong thùng sát lăn trên đường đá hộc. Tai nghe tiếng anh Tưởng mà cứ như tiếng vọng xa lắc xa lơ nơi nào vẳng đến.
       - Chú mày chờ tớ chút nhé. Thêm tý nước két đã. Mà phải nghĩ cách cho cậu cả lên trên này thôi. Nhỡ gặp mấy thằng C130 "đi chợ trời" lảng vảng thoi cho mấy quả rocket thì nhào xuống không kịp đâu. Trời mù thế này chưa chắc nó đã "đi tuần đường". Nhưng cứ "cẩn tắc đỡ áy náy" cái đã.
       Sau đó, thằng Đán được cho lên ca - bin thật. Ông Tưởng quá khéo. Vài cành cây cỡ bắp tay và dây rừng thôi mà ông ấy đan bện thế nào mà rọ không ra rọ, ghế không ra ghế, cũi không ra cũi găm được lên nửa băng ghế lái sứt mẻ trên ca - bin. Trông thế mà cũng chắc chắn ra phết. Chỉ phải cái chợt ngó kỹ xuống cái đám lò xo ghế gãy vụn chổng ngược lên trời, thằng Đán bỗng nổi gai người khi nghĩ nếu không có đám xoắn vặn dây leo kết thành chỗ ngồi cho nó thì cỗ "bàn tọa" của mình chịu đựng thế nào với đám bùng nhùng ruột ghế sắt thép gớm ghiếc ấy. Cứ là "nát tương bần". Tuy nhiên, khi leo lên ngồi, cái chỗ của nó lại cao hơn chỗ ông Tưởng gần một cái đầu. Quăng cho nó chiếc mũ sắt lính lái, anh Tưởng quát khẽ: "Đội vào, giữ lấy cái gáo". Kính buồng lái chẳng còn mảnh vỡ nào dính được trên đó đã đành, mà toàn bộ ca - pô phía trước cũng "sơ tán" đâu hết cả, lộ một đám những máy móc đen xì muội khói dầu mỡ, két nước, cánh quạt và lổn nhổn những bu - gi ốc ác dây nhợ. Hai cánh cửa ca bin chắc đã bay mất dọc đường, được ông Tưởng chọn hai cây gỗ bằng bắp chân gác chéo cài phía trong. Có đổ xe thì cũng không văng được người ngồi trên ca - bin ra ngoài. Ngoái lại phía sau, gỗ sàn thùng bệ lởm chởm cái còn cái mất. Góc thằng Đán ngồi đêm trước cũng sắp bửa ra đến nơi. Bằng một nhát búa tạ, ông Tưởng khiến nó văng nốt xuống đường. Cả cái xe lúc này trông như cái thuyền mui bằng giấy trẻ con vẫn gấp chơi, với phần còn lại là chiếc ca - bin ngất nghểu phía mũi. Gỡ miếng bạt còn vương lại trên khung mái, ông Tưởng gấp thành một cái đệm vuông vức lót lên "cái gọi là ghế" cho thằng Đán ngồi, miệng lẩm bẩm: "Thế này cũng êm chán rồi". Bẻ gói lương khô làm đôi, ông Tưởng giục nó: "Tranh thủ ăn đi, từ giờ ra tới Khe Gát mình sẽ đi một mạch".
       Cung đường tiếp theo có êm hơn đôi chút. Đôi chỗ, xe lại chui vào những mái lá xanh rờn. "Những đoạn như thế này, bọn tớ gọi là đường Trường Sơn có "vung". Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến làm cả đấy. Vừa kín đường, vừa lừa được bọn giặc trời". Bắt đầu thấy có xe phía trước đi vào. Lá ngụy trang giắt đầy quanh xe. Xe chở bộ đội, thanh niên xung phong, xe chở đạn, chở hàng. Những chiếc xe đi ngược vào, gặp chiếc Gat 63 của ông Tưởng chỉ khoát tay chào nhanh. Có vẻ họ dã quá quen hoặc chẳng lạ lẫm gì với cái đám sắt vụn biết đi này trên đường. Hàng ngày, biết bao lượt xe lúc vào còn nguyên màu lá, khi quay ra đã có chiếc rách bươm rách nát như vậy. Chiến trường là thế, tuyến vận tải Trường Sơn là thế. Cảnh ra vào tấp nập làm cung đường bớt cái vẻ quạnh hiu bom đạn. Và sức sống con đường, cũng góp phần làm ấm lòng người ra trận. Chiếc xe ông Tưởng lái phun khói như một chiếc điếu cày khổng lồ. Thằng Đán ngồi một hồi rồi cũng quen với mùi dầu ma - dut hôi rình. Nghe nó nói câu đầu tiên hơi méo mó :"Anh đi thế này đã nhiều chưa?" Anh Tưởng tròn xoe mắt: "Này, chú mày nói lại được rồi à?"
       - Đêm qua, Anh dí súng ngang đầu Em làm Em tưởng thám báo. Chỉ chờ nó đòm một phát thì nghe được tiếng Anh. Vừa mừng, vừa ngộp không sao nói được câu gì, đành ra hiệu bằng tay với Anh. Đừng giận thằng Em nhé.
       - Giận cái đếch gì. Nhìn cái bản mặt băng bó thế kia, cứ tưởng chú mày vỡ mất tong cái "Đài phát thanh" rồi. Nhưng mà nói được cũng còn nghe hơi khó đấy. Nói ít thôi, kẻo mệt. Ra đến binh trạm, phải nhờ mấy cậu quân y làm vệ sinh cái mặt cho cậu, kẻo băng bó mãi kiểu này, cái mặt chú mày lại thũng ra mất. Tớ làm "lính xế" Trường Sơn hơn bốn năm rồi, từ cuối sáu tám. Gặp thằng mặt mũi như cậu và cho lên xe mới là một. Lái xe ra vào liên tục. Ấy là trong chiến trường này thôi. Chứ trước tớ là lái xe Quốc doanh vận tải Thanh Hóa đấy. Một mẹ đĩ và ba nhóc rồi còn gì, hai trai một gái. Cứ thau tháu năm một, đứa lớn nay lên chín tuổi rồi. Mẹ thằng cu làm bên cửa hàng chất đốt của huyện Quảng Xương. Mẹ đĩ cùng lũ trẻ sống ngay tại tập thể cửa hàng.
…….

(Còn tiếp)