NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 10.


(Tiếp theo kỳ trước)
          ........
            Ngày đó, sau chuyến đi vô vọng tới bệnh viện huyện Đan Phượng và nhận được thông tin chuyển vùng công tác bất ngờ về Chị, Anh trở về trong tâm trạng thật buồn. Chiến tranh kêt thúc, đất nước thống nhất liền một giải. Sau những hồ hởi vì niềm vui hòa bình, cuộc sống cựa mình chậm chạp. Đóng kín tâm trạng, Anh chật vật cố quên đi quá khứ yêu thương. Tình yêu năm nào để lại dấu hằn như vết thương chờ lành sẹo. Không có người con gái nào làm Anh vơi nhớ Chị, những quan hệ mới không đủ lấp đầy cảm xúc yêu đương từng có. Tình yêu đầu đời trong gian khó, vất vả để lại quá nhiều mốc dấu mà những quan hệ mới không sao khỏa lấp nổi. Mọi tâm trí Anh đổ dồn vào công việc chuyên môn. Có lẽ điều đó giúp được Anh phần nào khi những kết quả làm việc dẫn Anh đến một vài thành công nho nhỏ. Những năm tháng miệt mài theo học các khóa đào tạo sau đại học khiến Anh vơi bớt nỗi buồn riêng. Kết thúc những năm học vừa học vừa làm vất vả, Anh bảo vệ thành công luận văn sau đại học. Anh chuyển vùng công tác về Hà Nội, gần quê hương và các bậc sinh thành. Những quan hệ mới, cộng với sự vun quén của gia đình, bè bạn  giúp Anh lập gia đình khi tuổi vừa ngoài ba mươi, tuổi mà quan niệm xưa từng cho rằng đã phải "tam thập nhi lập". Người bạn đời của Anh cũng là công chức nhà nước, kém Anh sáu tuổi không tài sắc nổi trội mà hiền hậu, nhu mì. Xuất thân từ một gia đình bình thường, cô học hành rồi ở lại công tác tại Hà Nội. Họ xây đắp gia đình nhỏ giữa muôn vàn khó khăn, chật vật sinh sống trong lòng thủ đô đất chật người đông. Xoay trở đủ kiểu, ngoài giờ công tác Anh tìm đủ việc để làm thêm kiếm sống. Tùng tiệm chi tiêu, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại với nhu cầu sống tối thiểu, họ lần lượt cho ra đời hai đứa con gái. Ít năm sau, lần lượt các bậc sinh thành của hai bên gia đình Anh qua đời. Như bao tổ ấm khác giữa thủ đô cái gia đình nhỏ bé ấy lội được qua những năm khó khăn để rồi bước vào thế kỷ mới với tâm trạng chờ đợi cuộc sống sớm cải thiện. Hết lo đời sống gia đình, lại lo nuôi con ăn học. Chẳng mấy chốc, những đứa con của họ tách dần khỏi gia đình. Chúng có công ăn việc làm, có gia đình riêng. Hai vợ chồng Anh bằng lòng với cuộc sống khiêm nhường giữa thành phố đông đúc. Họ đang hoàn thành nốt những năm tháng cuối của sự nghiệp cá nhân. Trước mắt họ, là những năm tháng chờ đợi được nghỉ ngơi an nhàn. Anh chỉ còn dăm năm công tác, vợ Anh đã xin nghỉ hưu trước tuổi. Giờ thì, khi những đứa trẻ con được sinh ra bà lại mải miết lo cho các cháu. Có khi, cả tháng trời Anh ở nhà một mình.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 9.(Phần 2)

(Tiếp phần 1)
....

     Khi Em buộc phải rời xa Anh cũng là lúc cuộc đời Em rẽ sang khúc quanh khác. Em chuyển ngành khỏi cơ quan dân sự bởi nguyện vọng gia đình và theo vợ chồng chị gái em công tác tại một đoàn chuyên gia quân sự giúp nước bạn Lào cho tới năm 1982. Cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam kết thúc, năm 1983 đơn vị bọn em từ Lào lại được lệnh bổ sung vào quân số quân đoàn 7, tiếp tục công tác tại thủ đô Phnom Penh cho đến ngày rút khỏi nước bạn về thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 1989. Chỉ sau đó ít tháng, em xuất ngũ, chuyển ngành về một cơ quan dân sự. Chị Loan và anh Cương hiện đã nghỉ hưu cả dăm năm nay rồi. Gia đình anh chị hiện cư trú tại quận 3, gần cơ quan em làm việc hiện nay. Anh chị và các cháu đều khỏe. Hai cháu Thanh, Hồng đã xây dựng gia đình và mỗi đứa đã có một hai mặt con cả. Chỉ còn cháu Dương, ngoài ba mươi rồi mà chưa vợ con gì. Dương nó công tác ở nhà ga hàng không Tân Sơn Nhất, vẫn đang ở cùng bố mẹ. 

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 9.(Phần 1)


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..
          Trong tiếng rì rào đều đều của động cơ, khung cảnh bên đường loang loáng lướt qua. Chiếc Toyota mười hai chỗ ngồi lướt nhẹ trong nắng sớm. Trong xe, những khuôn mặt ngái ngủ gật gà gật gù. Tiết tấu vui vẻ và nhạc điệu bài hát "Hà nội những năm hai nghìn" của nhạc sĩ Trần Tiến ngân nga thoảng nhẹ. Anh đưa mắt nhìn mọi người chung quanh. Họ là những đồng nghiệp của Anh. Phía trước, một cuộc hội thảo khoa học đang chờ họ giữa thành phố Hạ Long. Xuất phát từ Hà Nội năm giờ sáng, chỉ hơn nửa tiếng nữa họ sẽ có mặt tại nơi dừng nghỉ. Khuôn mặt bình thản của cậu Long - lái xe cơ quan hướng chăm chú về phía trước. Trên xe, chỉ có Anh và cậu ta là tỉnh như sáo. Mấy cô cậu cùng đi đang tuổi ăn tuổi ngủ tranh thủ chợp mắt bù giấc ngủ sớm bị cắt xén bất thường bởi chuyến đi. Cuộc hội thảo nằm trong chương trình hợp tác của Viện với một số tỉnh thành vùng Đông - Bắc. Họ sẽ làm việc và nghỉ ngơi ở đó bốn ngày. Mới đó vậy thôi mà lằn ranh giữa hai thế kỷ vừa bị bỏ lại, đây đã là những  ngày tháng đầu tiên của thế kỷ mới. Năm 2000, nội cái tên gọi đã đủ gây nên nỗi háo hức thay đổi.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 8


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..

       Hơn bốn tháng sau đó, Anh có mặt tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện huyện Đan Phượng. Những y bác sĩ trong khoa thân mật chào đón Anh, người bệnh nhân cũ của họ, người bạn trai của đồng nghiệp ngày nào. Mọi người vui đó mà lại bối rối ngay đó. Họ không thể tưởng tượng ra rằng, Anh không hề biết cô Tuyết bác sĩ gây mê hồi sức đã chuyển khỏi bệnh viện. Họ cứ nghĩ rằng, Anh ghé qua để nhắn giúp Tuyết việc gì. Phải khó khăn lắm, cô Nhung y sĩ mới nói được rằng: "Em tưởng Anh biết việc Tuyết nó chuyển ngành sang bên quân đội rồi chứ. Thế Anh không biết gì thật sao?" Thế ra là Tuyết đã chuyển về quân y viện binh chủng tăng thiết giáp nơi chị gái công tác. Đơn vị Chị cùng bộ tư lệnh quân chủng nơi anh rể làm trợ lý tư lệnh trưởng sau khi tiếp cận công việc tại quân khu Bốn đã được Bộ tổng điều sang giúp các bạn Lào xây dựng hậu cứ Xa-va-na-khet cho quân đội giải phóng nhân dân Lào. Chị Nguyệt, Phó giám đốc bệnh viện, chị Lan trưởng khoa Ngoại có chồng công tác bên quân đội dù không được biết chi tiết cũng đều xác nhận thông tin này. Các chị cũng bất ngờ vì Tuyết và Anh không gặp nhau được bữa nào kể từ sau ngày Tuyết chuyển ngành. Nhẹ nhàng an ủi Anh, các chị đều cho rằng khi ổn định  công việc, thế nào Tuyết cũng thư cho Anh biết tình hình. So với mặt trận phía Nam, thư từ gửi về Việt Nam từ chiến trường C thuận lợi hơn. "Thế nào rồi Tuyết nó cũng viết thư về cho chú. Chịu khó chờ một chút!" Chị Nguyệt nhỏ nhẹ an ủi anh, song đôi mắt chợt nhìn đi thật xa, trống vắng. Chị biết, nói vậy cũng chỉ để an ủi thôi, chị nào có thể giúp gì cho chàng trai này được hơn thế. 

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 7.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..
       Cửa ga Hàng Cỏ hôm nay bỗng trông sao thật bất thường. Mọi khi, giữa trưa vắng con phố mặt ga đâu có nhiều người xe đến vậy. Xe đến, xe đi cứ nườm nượp, lượng người đổ xuống toàn là bộ đội, thanh niên xung phong. Cũng có cả người mặc quần áo dân sự, nhưng không nhiều bằng. Cửa ga trông to là vậy, nay chỉ mở một phần, cứ nuốt vào được một khối người, lại đóng chặt lại. Cứ theo lịch trình bình thường thì giờ này, không có chuyến tàu khách nào đi, về. Chỉ có tàu hàng và tàu công vụ. Không khí có vẻ căng căng. Đứng bên hè đường Nam Bộ phía đối diện, Anh cứ nhớn nhác tìm kiếm. Không thấy bóng Chị đâu. Cả tiếng đồng hồ đã trôi qua, bụng đã thấy bồn chồn bần thần. Trong túi, bức điện khẩn của Chị nằm đó, chỉ vỏn vẹn mấy chữ: "Em muốn gặp Anh gấp, rất gấp. Đợi Em ở cửa ga Hàng Cỏ lúc một giờ chiều, ngày….ở chỗ cũ" Giữa không khí khẩn trương của người, xe, quân nhân với ngổn ngang quân trang, quân dụng trước mặt, Anh càng thấy sốt ruột. Chuyện gì mà Chị điện cho Anh lên đây?! Ra đến Phủ Lý lúc sáng sớm để gửi xe đạp lên tàu, chuyến tàu khách hơn tám giờ sáng ậm ạch mãi mới đưa Anh về tới Hà Nội. Y hẹn, Anh có mặt ở chỗ này từ lúc hơn 11 giờ trưa.


Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 6.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..
       Họ về đến nhà chị Phượng lúc hơn 11 giờ đêm. Căn phòng nhỏ bé lọt giữa khu tập thể cơ quan vắng ngắt vắng ngơ. Các nhà cửa khóa im nghỉm. Cả cơ quan đi sơ tán, có mấy gian cuối dãy le lói chút đèn đêm. Họ là cơ số ở lại trông nom khu nhà. Đêm lạnh, không có ai hỏi han gì đôi bạn trẻ. Cảnh đêm hôm có người từ nơi sơ tán về qua nhà đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi tiếng mở khóa vào giờ này không khiến cho người còn có mặt trong khu nhà bận tâm. Nhà nào chẳng vậy, đi sơ tán suốt, trong nhà chẳng còn mấy gia sản gì quý giá ngoài vài chiếc giường trơ khỏng vạt giường, hoặc bộ bàn ghế khập khiễng mốc mác. Hý hoáy một lúc, rồi Chị cũng bật được ngọn đèn góc nhà. Ánh đèn vàng nhờ yếu ớt đủ soi sáng gian nhà nhỏ bé. Căn hộ mái ngói trần cót rộng chừng mười lăm mét vuông dù không có người ăn ở hàng ngày, song vẫn ngăn nắp gọn ghẽ. Chiếc tủ đứng gỗ tạp kê góc nhà, ngay cạnh chiếc giường đôi. Cuối giường, chiếc chiếu phủ lên đống chăn màn xếp gọn ghẽ. Cách sắp xếp gường chiếu chứng tỏ vài ba ngày lại có người đảo qua nghỉ lại. Trên tường, ngoài mấy tấm ảnh gia đình, đây đó chỗ treo tấm tranh tết, chỗ dán mấy tấm quảng cáo phim, tranh cổ động về bầu cử, sản xuất, chiến đấu…Nơi trang trọng nhất là một bàn thờ gắn tường, trên đó còn nguyên bát hương với một ít chân hương, chiếc đèn dầu nhỏ bên vài chiếc chén hạt mít men nâu. Một khung ảnh lồng bức tranh truyền thần một người đàn ông bán thân đầu đội khăn xếp, áo the đen. Chị khẽ thì thào: "Bàn thờ ông nội các cháu nhà chị Phượng đấy." Thấp dưới bàn thờ một chút có chiếc khung ảnh trong cài mấy chiếc ảnh đen trắng. Tấm lớn nhất chụp hình một đôi vợ chồng, người đàn ông mặc quân phục, người đàn bà tươi cười mặc chiếc áo cánh sẫm cổ trái tim. Mấy chiếc ảnh nhỏ chụp hai đứa trẻ, một gái một trai. Đứa con trai lớn khoảng năm tuổi, con em gái cỡ hơn ba tuổi ngỏn nghẻn cười. "Căn nhà này thuộc cơ quan chồng chị Phượng. Tấm ảnh này vợ chồng anh chị chụp cách đây ba năm đấy. Giờ Anh ấy đang ở chiến trường Nam Bộ. Mấy chiếc ảnh nhỏ là bọn trẻ vừa mới chụp. Chị Phượng có được bà mẹ chồng thích lắm. Trông nom, chăm sóc mấy mẹ con chị ấy hết lòng. Bà ngoài sáu mươi rồi, nhưng còn khỏe và nhanh nhẹn. Bọn trẻ suốt ngày quanh quẩn bên bà cụ. Từ nhà bà nội sang bệnh viện chỉ hơn chục phút xe đạp. Chị Phượng đi làm suốt ngày bên khoa sản cũng yên tâm." 


Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 5.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..

       Vừa trút mình khỏi chiếc áo ngoài, tay đang lần gỡ chiếc cúc bé xíu của chiếc áo ngực thì Chị giật mình. Có tiếng động rất khẽ ngoài tấm mành cửa buồng tắm. Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, một khuôn mặt lộ vẻ căng thẳng ló vào. Chị suýt hét lên thất thanh. Một bàn tay ướt nhẽo bịt vội tiếng kêu vừa chực thoát ra khỏi miệng, bàn tay còn lại run rẩy vuốt ve bờ vai trần. Giọng nói khê nặc mùi thuốc lào phều phào bên tai. "Cậu đây, đừng kêu thế. Ngoan nào!" Chị vội vùng mạnh người, tay ôm chặt bầu ngực vừa lộ ra non nửa, thoát nhanh cánh tay chỉ chực siết vào của gã đàn ông. "Không! Không…tôi kêu lên đây này!"
       - Thôi! Thôi! không việc gì phải ầm lên thế. Thấy trời lạnh, Cậu mang cho cháu phích nước nóng đây. Cầm lấy này, tắm nhanh kẻo lạnh.


Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

XUÂN NÀY - TRỞ LẠI NHA TRANG


       Xuân này, tôi lại có dịp trở lại thành phố Nha Trang biển đẹp. Sau gần 20 năm rời xa, nay tôi trở lại gặp một Nha Trang đang mang trên mình một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn du khách. Từng con đường, từng công trình cũ mới đan xen nhau gợi nhớ bao kỷ niệm một thời. Hãy cùng tôi ngắm những hình ảnh chụp từ những khoảnh khắc phiêu du kỷ niệm.



Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 4.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..

       Hóa ra câu chuyện không đến nỗi "phức tạp" như Chị tưởng tượng. Anh có một cô bạn gái người Hà Nội, học lớp dưới cùng khoa có gia đình sơ tán về xã bên cùng huyện này. Nhân gặp nhau khi cùng đi Bách thảo chơi chủ nhật. Anh bùi tai nghe cô bạn rủ về thăm nhà một buổi, tiện thể đưa cô em về thăm mẹ. Hăng hái, Anh lấy xe đạp chở cô về nhà nơi sơ tán thật. Đã ăn chiều rồi mới đi mà khi đưa cô bạn về đến nhà, thấy mẹ nấu bữa cháo lươn quá ngon, cô bạn ép Anh ăn thêm bằng được một bát. Ngon thì ngon thật, vì từ bé đến lớn Anh chưa từng được ăn thứ cháo này bao giờ. Ăn xong, ngồi chơi đến hơn chín giờ tối, Anh xin phép về rồi đi thẳng đến địa điểm thực tập cách đó hơn năm cây số. Vừa đem cất các thứ và xe cộ vào phòng thì Anh thấy đau bụng. Cơn đau bụng âm ỉ rồi cộn lên khó chịu. Chỉ vừa kịp nghĩ: "Thôi rồi, tại cháo lươn rồi", Anh cứ thế đi ra nhà vệ sinh sau khi khóa cửa lại cẩn thận. Giải quyết xong hậu quả của bát cháo đêm, trở lại phòng Anh mới giật mình. Anh đã vội đi ra, tay bấm khóa mà…để quên chùm chìa khóa trong nhà. Loay hoay một mình trước dãy nhà tập thể cán bộ huyện vắng teo vắng ngắt vì mọi người đều về nghỉ chủ nhật chưa lên. Đêm xuống, không còn cách nào hơn, Anh đánh liều ngồi dựa cột thềm chờ …sáng. Không biết vì sương lạnh hay vì mất sức sau trận "Tào Tháo đuổi" mà khi tỉnh lại, Anh đã thấy mình nằm tại phòng cấp cứu bệnh viện rồi. Cũng hú vía, vì cũng chỉ bị choáng nhẹ do ngấm lạnh mất sức mà thôi, chứ nếu nặng hơn thì…

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 3.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..
       - Này, Nhung! Mày chạy đâu mà như ma đuổi thế!
       - Mày theo tao nhanh lên. Ngoài phòng khám có một ca cấp cứu. Ông Tiền trưởng khoa đang gọi mình ồi ồi kia kìa.
       Ca cấp cứu là một thanh niên. Khuôn mặt trắng bệch, đôi mắt nhắm nghiền trên chiếc cáng thương. Nhìn qua biết ngay là bệnh nhân rất mệt. Trán dịn mồ hôi lạnh mà chân tay lại nóng rãy. Mấy người đàn ông, đa phần trạc tuổi bệnh nhân trông có vẻ hốt hoảng.
       - Bọn tôi lên đến cơ quan thì thấy cậu ta nằm vật bên thềm dãy nhà nghỉ của cơ quan huyện. Vừa rồi cậu ấy tỉnh lại mới biết cậu ấy lên đây từ tối hôm qua. Vậy mà phòng nghỉ thì khóa, còn người thì nằm ngoài thềm. Các bác sĩ bệnh viện chăm sóc giúp chúng tôi. Cả đoàn sinh viên thực tập chỉ có sáu anh chị em. Chúng tôi gửi cậu ấy điều trị tại đây, hôm nay sẽ có người về Hà Nội báo cáo với khoa và nhà trường.