NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2025

 

MỘT THỜI ĐOẠN MỚI ĐANG ĐẾN

HAY CHỜ ĐỢI THÊM MỘT TRẢI NGHIỆM MỚI?!...

Hôm nay (Ngày 30 tháng 6 năm  2025) là một ngày đặc biệt, ngày chính thức công bố quyết định sáp nhập tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng với tên gọi mới – “Thành phố Hải Phòng Mới trực thuộc trung ương”.

     Sự kiện này đã được trông đợi từ đôi ba tháng trước. Từ nay, cái tên Hải Dương chỉ còn đọng lại trong kí ức lớp người sinh ra trong thế kỉ 20 xưa…Không chỉ là một sự thay đổi địa danh đơn thuần, sự kiện ghép danh định địa lí này là một thay đổi lớn trong cơ cấu tổ chức hành chính đương đại; sẽ còn in đậm và tác động dài lâu trong tâm trạng cư dân của cả hai địa phương Hải Dương - Hải Phòng.  Để làm quen và sống chung với danh xưng địa lí mới này, chắc còn cần đến một quá trình làm quen cho nhiều thế hệ dân cư. Có người tiếc nuối kí ức xưa, có người hụt hẫng, thậm chí không ít  người trước bước chuyển trạng thái này còn …“sốc” vì nó kéo theo quá nhiều hệ lụy, từ công  ăn việc làm, từ sinh hoạt gia đình, gia cảnh và cả nhiều lo lắng trong mỗi gia đình, họ tộc, cho tương lai sinh sống, ăn học trưởng thành của bản thân và gia đình, con cháu. Có cả sự tiếc nuối, nhiều âu lo cho cuộc sống thường ngày từ nơi ăn chốn ở trước mắt đến tiền tài vật chất sao có thể đáp ứng kịp sự chuyển dịch mới của đời sống gia đình; việc an cư lập nghiệp lập thân khi cần đến một quỹ tài chính không nhỏ thách thức đến cả một thời tích tụ, những lo toan tính đếm lâu dài cho một tương lai cần đến cả chục năm, thậm chí cả một đời người để sắp xếp lại quá trình sống…. Đây có thể là thời đoạn khó xét đoán nhất cho từng cá nhân, từng gia đình. Sau những bày tỏ ngay lập tức cách ứng xử trước một động thái dịch chuyển quá lớn, chắc không ít người còn chưa đoán định được cuộc sống phía trước sẽ diễn tiến ra sao để ứng xử phù hợp…

Những năm 60 - 70 của thế kỉ trước, người dân chúng ta từng phải đối đầu một lần trước một quyết  định sáp nhập tỉnh và đã chịu đựng những cọ sát, va đập suốt hơn hai chục năm trường trong một mối ghép thuần “vật lí” và để lại một trạng thái “khó chữa lành” về quan hệ xã hội và rồi dẫn đến một động thái buộc phải “rỡ bỏ”, “trả lại tên cho em”. Đó là một trải nghiệm không dễ quên cho nhiều người trong cuộc. Thậm chí, nhiều người đã trở thành người tha hương, xa cách quê quán tổ tiên tới tận bây giờ. Chính vì thế, không lạ cảm xúc của nhiều cá nhân, nhiều gia đình, nhiều lứa tuổi dự cảm một tương lai tương tự dù đã được “trấn an” rằng “đâu cũng là quê hương”…Điều này rồi lịch sử sẽ xét đoán vì dự cảm rằng có thể nó sẽ lập kỉ lục thời gian vì “tính cho cả trăm năm”…Cùng một động thái nhưng ở hai thời kì lịch sử khác nhau việc sáp nhập các đơn vị hành chính có thể không lặp lại những hệ lụy tương tự, nhưng dẫu sao những xáo trộn trong tâm tư, tình cảm người dân là điều đương nhiên phải có dù khác nhau ở cấp độ, nhưng cũng là một dấu ấn lịch sử văn hóa, nhất là với một dân tộc đã phải trải qua không ít những thử thách va đập lịch sử như người Việt nam chúng ta. Có “an cư mới lập nghiệp” nhưng mỗi thế hệ, mỗi tính cách trong các thang bậc thời đại dẫu gì cũng phải qua sự từng trải mới thấu hiểu được. Mong rằng thời đại mới, những nhận thức mới sẽ hóa giải được tiến trình lịch sử, âu cũng phải kiên trì chờ đợi thôi…

Thế hệ 7X, 8X từng sinh ra trong cuộc chuyển dịch ghép nối địa danh hành chính được thực hiện giai đoạn 1969 – 1970 thế kỉ trước nay đang tầm bắt đầu vào độ tuổi trung niên, trong kí ức của họ, giai đoạn ‘sắp đặt cơ cấu hành chính” lần trước chưa thể nói được có hay không có trải nghiệm sâu sắc gì vì rồi mọi thứ lại quay về tên tuổi địa danh cũ. Giai đoạn hy vọng xây dựng cấp huyện thành “pháo đài vững chắc” trong tiến trình xây dựng đất nước tiến lên sản xuất lớn XHCN đã  kết thúc khi đất nước bước vào những năm 2000. Lần này, cấp huyện bị xóa bỏ, giống với lần trước, tỉnh huyện ghép nối, đến làng xã lại ghép lại cho “to tảng” hơn bề thế hơn. Lại trông chờ thời gian kiểm nghiệm…! Điều khác trước trông thấy, lần này chúng ta sống trong thời đại “thế giới phẳng”, sự kết nối giữa con người vùng  miền với nhau nhờ mạng xã hội giúp các cá nhân chuyện trò cởi mở hơn và nhờ đó những phản ứng cá nhân trước những thay đổi của chuyển động xã hội cũng được truyền tải nhanh hơn.

Đâu đó trên các trang mạng xã hội tôi đọc được một ý kiến của một bạn trẻ, chắc thuộc thế hệ 7X, 8X “tự bạch”: “Tôi sinh ra trên quê hương Hải Hưng, lập nghiệp ở tỉnh Hải Dương – về già tôi là người Hải phòng!” Đó có phải là một lí lịch cá nhân trước sự kiện sáp nhập mới lần này không?! Quả là một quá trình sống nhiều thang bậc. Nhưng chưa phải đã hết, vòng đời của bạn chưa kết thúc, biết đâu đó còn tiếp nối những trải nghiệm mới hơn! Đêm 30 tháng 6, bầu trời rộn rã tiếng pháo hoa tỏa sáng sắc màu và cả một đám đông ngập đường reo hò ở khu vực Trung tâm Văn hóa xứ Đông, nơi từng là công trình văn hóa mang tính biểu tượng của tỉnh Hải dương vài ngày trước chưa phản ánh hết tâm trạng của người dân trước một sự kiện đánh dấu giai đoạn mới của danh xưng mới, song chắc  cũng có còn đâu đó những khoảng lặng chờ đợi điều đang diễn tiến tiến của những năm tiếp sau…”Nhân sinh thập toàn” các cụ ta xưa từng thể hiện nhãn quan của cá nhân trước mọi thay đổi xã hội như thế. Chúng ta cùng chờ xem!...

Trong nhân gian, người dân ở mỗi vùng đất đều vững tin rằng vùng đất quê hương bản quán mình sinh sống, lập thân lập nghiệp luôn là nơi có dấu thiêng trời đất tụ hợp. Đó  là niềm tin thiêng liêng như một tín ngưỡng. Điều này làm gốc cho quan niệm “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” duy trì mạch sống hết đời này sang đời khác. Hải Dương là một vùng đất như vậy. Nơi đây không chỉ sinh ra các tên tuổi danh nhân mà còn là nơi phát tích phát nghiệp cho các vương, thần, khanh tướng, …Những Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh…. Nơi có những địa danh nổi tiếng Côn Sơn Kiếp Bạc, Văn miếu Mao Điền, Làng tiến sĩ Mộ Trạch …Tên tuổi của các danh nhân, danh tướng; danh tiếng của những vùng đất địa danh nổi tiếng làm nên truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương Hải Dương.  

Hải Dương không phải là quê hương gốc gác sinh thành của tôi. Như từng chia sẻ trong nhiều trang viết trên Blog cá nhân này, gốc gác quê quán của tôi không phải ở vùng đất xứ Đông này, mà họ tộc gia đình nhà tôi khởi xuất ở chốn kinh kì xưa. Gia phả ghi lại dòng họ Nguyễn Huy khởi đầu từ “xóm Trên” thôn Hạ Đình (Mọc Hạ Đình cũ) xã Khương Đình huyện Thanh Trì, tổng Hà Đông xưa. Nay nơi dó thuộc Phường Hạ Đình, Quận Thanh xuân, Thành phố Hà nội. Ông thân tôi – thuộc đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy vì cuộc sống và công ăn việc làm mà đưa cả gia đình cùng hai người Em về thị xã Hải Dương cư ngụ vào khoảng cuối năm 1949. Tính ra gia đình chúng tôi đã ngụ cư ở Thị xã Hải dương (nay là thành phố Hải Dương); giờ thuộc Phường Hải Dương, Thành phố Hải Phòng đã ngót nghét 77 năm, gần cả một thế kỉ. Giữa nhiều cảm xúc trước việc đón nhận một không gian phát triển mới, một vận hội mới, một kỉ nguyên mới, nhiều bạn bè cộng đồng mạng xã hội nhắc đến những vần thơ về quê hương đất nước của các nhà thơ nổi tiếng. Nào là “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên); và “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người” (Đỗ Trung Quân)…để nói về cảm xúc trước sự thay đổi quá lớn. Trong bối cảnh này, tôi nghiêng về tứ thơ của Đỗ Trung Quân nhiều hơn vì đó gắn với kí ức máu thịt. Mất đi quê hương bản quán là mất tư cách làm người. Đó là nhân tính, là cốt cách nhân văn…Quê hương gắn với kí ức làm người, tạo nên niềm tin, niềm tự hào, tình yêu quê hương sâu sắc. Chắc sẽ còn rất lâu, rất lâu hoặc nhiều năm nữa việc hòa nhập trong danh xưng mới giữa hai vùng đất mới tạo ra niềm tin, sự cố kết như đã có.

Vài “tự cảm” trước một thời đoạn mới của xã hội từ cá nhân một người già tầm tuổi U80, liệu có tìm được sự đồng điệu?!...”Cũ càng là cũ càng ơi” đó là tâm tư của người đã tự coi Hải Dương như quê hương máu thịt với gia đình mình sau hơn 70 năm ngụ cư trên mảnh đất này. Tôi là như vậy đấy. Thuộc hàng “người xưa cũ’ chăng?!

        

        


        

        




















Hải Dương, 02/07/2025.

H.T

Không có nhận xét nào: