........
Rời phố núi. Câu chuyện như gió đổi mùa
ùa ập đến quá nhanh ngoài cả sức tưởng tượng của thằng Đán. Sự biến đổi nhanh
chóng ấy quả có làm cho thằng Đán ngợp cả người hàng tháng trời khi mới rời nhà
"đi thoát ly". Gã bây giờ oách lắm nhé. Bộ dạng ngó ra hình ra nét
hẳn. Đi công nhân, có nghĩa là ngày có hai bữa ăn chắc bụng với tiêu chuẩn mười
tám ký gạo mỗi tháng. Là có lương tháng hẳn hoi, những hai mươi bốn đồng bạc
với một năm hai bộ quần áo bảo hộ lao động. Một cái "túi dết" đeo
chéo vai đủ đựng cuốn sổ tay, cây bút máy Trường Sơn đen, tấm vải nhựa xanh
nhạt và cây đèn pin Trung Quốc mạ kền sáng loáng. Trước mắt, gã mới chỉ làm cái
anh thợ học việc. Mà học việc cũng đồng nghĩa với cái vai phu phen bốc vác,
xăng xái dẹp người lớn trẻ con, chăng dây dọn bãi giữ trật tự trong buổi chiếu.
Đội của gã có sáu người, gồm bốn thằng trai đinh dưới quyền điều khiển của hai
thợ máy chiếu trung tuổi. Là người được tuyển vào đội muộn nhất, lại không được
đào tạo gì, có mong được làm thợ máy nổ, máy chiếu hay thuyết minh cũng còn sơi
mới tới lượt gã. Cái vai của thằng Đán được giao gắn với chiếc xe bò kéo chuyên
chở toàn bộ cơ ngơi của đội. Cũng lỉnh kỉnh ra phết. Hai bộ máy chiếu, chiếc
máy nổ công suất nhỏ bảy mã lực Liên Xô nặng trịch, bộ màn ảnh bằng vải một mặt
trắng một mặt xanh công nhân. Chung quanh viền vải xanh to tổ bố cỡ tám chiếc
chiếu đại ghép lại luồn hai đầu hai ống tre lên nước bóng láng. Non chục gọng
tre căng cột, vài cuộn dây chão, chiếc tăng âm màu đen có nắp đậy như chiếc va
li quân sự cộng với đôi loa nén miệng bằng chiếc rổ cái vớt bèo trông có hơi
móp méo nhưng khi phát ra thì to mồm. Vài thứ nồi niêu xoong chảo, xô chậu,
chiếc ruột tượng đựng hơn chục bò gạo để nấu nướng xì xụp vài ba ngày một đợt
đi xã. Và không thể thiếu ít thì hơn chục, nhiều thì hai, ba chục chiếc hộp
đựng phim, vỏ hộp màu trắng trong chứa những cuộn phim đen quánh nặng trịch mà
mỗi khi mở nắp ra lại tỏa ra mùi hăng hắc, cay cay như mùi mấy viên băng phiến
gã thấy trên mẹt hàng của các mẹ hàng xén phố huyện.
Buổi đi chiếu bóng lưu động đầu tiên
trong đời bên chiếc xe bò kéo đối với thằng Đán là một dấu ấn đến già nó không
sao quên được. Nhận chiếc xe kéo bánh hơi, tròng con bò cái già vào đôi càng,
gã lên đường trong tâm trạng lâng lâng đến ngộp thở khiến anh Thông
"béo" thợ máy nổ khi nhìn thấy bộ dạng nó cũng tò mò không hiểu thằng
khỉ này hôm nay có "ấm đầu" không? Mắt nó mọng lên như chỉ chực khóc,
quần áo chĩnh chiện. Chiếc mũ lưỡi trai mềm cỏ úa bạc màu xin được của ông chú họ
xa là sĩ quan hậu cần chuyển ngành, đội xếch nghiêng có chút điệu đà khiến cái vẻ
ngoài làng nhàng của gã chững chạc hẳn. Tay nhăm nhăm chiếc roi tre cong và dài
như chiếc cần câu cá rô, đầu buộc vài dải vải xanh đỏ, hắn lên đường long trọng
như người ra mặt trận. Ngất ngưởng nằm trên mấy chiếc thùng đựng máy chiếu, sau
cả chục phút ngạc nhiên về nó, anh Thông "béo" thản nhiên úp cái nón
lên mặt ngủ gà gật, mặc nó cứng người tay hua roi tre đi cạnh càng xe
"vặt, diệt" chị bò cái lững thững bước một cách lười biếng trên
đường. Mới đầu giờ chiều, cái nắng chênh gắt trên đầu như nóng thêm mỗi khi
trên con đường rải đá liên huyện rung lên đám xe quân sự ào qua. Cái thì chở
đạn, chiếc thì kéo theo súng cao xạ, súng thượng liên cài đầy cành lá ngụy
trang ngóc mũi lên trời. Cũng có những chiếc chở toàn lính trẻ, áo mũ mới coong
vụt đi như cơn lốc hắt lại đám bụi mù mịt trắng xóa lên đầu lên cổ thằng Đán.
Nó lững thững đi bên con bò cái, đầu óc phiêu diêu phởn chí. Đôi dép cao su đen
tám quai dưới chân nó mới coong, đầu giờ còn nhún nhảy sau một hai tiếng đã
thấy nằng nặng. Bất chợt, trên không
trung có tiếng rít căng nghe như xé vải. Rhet……rhet….goai..rrrrr!!! Anh Thông
"béo" nhanh như sóc nhảy xuống, miệng hét thằng Đán "Dẹp ngay xe
vào bụi tre bên đường kia, muốn vỡ gáo à?". Thằng Đán quýnh quáng hối hả
kéo căng sợi dây mũi, con bò ậm ạch kéo theo cái xe dạt sang vệ đường. Chưa kịp
biết điều gì sẽ xảy ra, thằng Đán quăng đại người sụp xuống đoạn mương cạn.
Trên đầu, tốp máy bay "thần sấm" vọt qua, chứng tỏ chúng chẳng thừa
hơi mà nhòm ngó chiếc xe bò trên đường. Thế nhưng mặt thằng Đán thì xanh ngoét,
miệng méo xệch như mếu, ánh mắt thất thần lạc dại hẳn đi. Bợp tai nó một cái,
anh Thông béo mắng nó: "Cái thằng này trông vậy mà nhát gan quá thỏ đế. Đã
vãi đái ra quần chưa mà trông mày thảm hại thế! Mày kém thua hơn cả con bò cái
này. Trông thử nó xem, nó có đến nỗi như mày không?"
Quả thật nhìn con bò cái vẫn vênh váo như
chẳng có biểu hiện dao động gì. Trông nó thật lười biếng nhàn tản, mõm dũi giựt
đám cỏ ven đường, hàm trệu trạo nhai lơ đãng như chẳng có gì đáng phải quan
tâm. Chỉ có thằng Đán là chưa hết tim đập, chân run. Tay roi rung bần bật. Trong
đôi ống quần bộ bảo hộ bê bết bùn đất, hai đầu gối gã cũng rung theo như không
sao giữ yên được. Cặp mắt sụm xuống nhìn anh Thông vẻ khẩn khoản thảm hại của
người biết lỗi, thoạt nhìn cũng biết gã còn chưa qua được cơn sợ hú hồn. Ở nhà,
chẳng khi nào nó được mắt thấy tai nghe máy bay Mỹ bay thấp và rú rít to như
thế. Phố núi nhà nó như nắm xôi bé tẹo trên đường bay rút ra biển của đám giặc
lái, chẳng đáng cho lũ máy bay để ý làm gì. Song bên này lại là một bầu trời
khác. Trời cao xanh ngăn ngắt. Ba bề bốn bên những sông nước cầu cống phà đò,
đất đai phẳng lì trải rộng ngút mắt, đến cái búi tre vệ đê trông có vẻ cũng
"tầm cỡ" hơn ở quê nhà gã. Ruộng đất rặt một màu nâu phù sa nhìn đến
sướng con mắt. Chả bù cho mấy mảnh ruộng trông như bị băm vụn ở quê gã, rặt một
thứ đất đá lổn nhổn gan gà. Nơi đây bờ xôi ruộng mật, cây cỏ trông cũng mướt lá
như khoe. Song cũng thật đáng sợ mỗi khi có máy bay Mỹ quần đảo trên trời.
Không biết dúi dụi vào đâu cả, lúc nào cũng thấy như phơi lộ thân xác giữa
đồng, giá trong đám máy bay có thằng nào chơi ngang xà thấp xuống, không khéo
sức gió đem theo dám lột hết áo sống đám người bé nhỏ dưới đồng chứ chả chơi.
Ấy vậy mà ở đây mọi người cứ bình chân như vại. Gấp gáp thì trú xuống hầm phòng
không nhan nhản bên đường cái hoặc bờ đê. Thư thả thì nép tạm dưới những bụi
tre chắn sóng kết dày, hoặc đơn giản hơn có thể nằm ép cạnh bờ ruộng. Dân núi như
hắn xuống đồng bằng cứ như cá phơi mình trên thớt, hãi lắm. Mãi cho đến khi
cùng chiếc xe bò tiếp tục rong ruổi lên đường, trống ngực thằng Đán mới thấy
dịu lại. Nó ngượng ngập, thèm muốn trước cái dáng phong trần của anh Thông.
Ngoái ngược lại phía sau, dưới vành nón đậy ngang mặt, tiếng ngáy kho kho của
anh ấy nghe lại đã đều đều. Sướng thế! Hình như đám "thần sấm" vừa
rồi chẳng là cái thá gì đối với sự vô tư của anh ấy cả. Đêm qua, sau buổi họp
nhanh của đội trưởng Thành, tướng Thông cùng đám trẻ chúi đầu chúi cổ chơi
"tú" bôi râu dễ đến quá nửa đêm. Thằng Đán tuy không dám mon men chầu
rìa bên chiếu như mọi lần, song nghĩ đến chuyến đi ngày mai cũng không ngủ
được. Thế mà, chuyến đi xã đầu tiên này của gã lại phải bữa hồn xiêu phách lạc
đến thế. Cho đến tận sau này, mỗi khi nhớ đến nỗi sợ hãi bom đạn ấy, gã lại
giật mình. Nỗi sợ cứ như một ám ảnh tiền định cứ lẵng nhẵng bám theo hắn suốt
đời, kể cả những lúc phải đối đầu với những thay đổi bất thường trong cuộc
sống.
...
...
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét