NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Chuyện của 30 năm trước: ĐI DỰ KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP THƯ VIỆN KẾT NGHĨA HẢI PHÚ (Bài đăng tiếp kỳ trước)

……
Chiều hôm đó, gần năm giờ lễ tân nhà khách báo Anh Bảy đợi tôi dưới sảnh. Tôi vội xuống, lên xe. Dọc đường, tôi dè dặt nói với Anh Bảy về tâm trạng lúng túng khi dự một cuộc tiếp cơm như thế này. Anh Bảy cười lớn, giọng thân tình: "Thằng Ba này sao mà nhát vậy! Chuyện cũng thường thôi, cha Văn Công hễ nói đến sách báo, thơ văn là vui nổ trời. Nhân có chuyện chú Em vào, Ổng muốn gặp gỡ bạn văn, thơ. Lâu lâu, tụi mình lại ngồi nhậu với nhau một bữa thế này. Lát nữa chú em biết ngay thôi. À mà Anh nói chú biết nhé. Hồi trên cứ, thằng Bảy này là ông Mai của vợ chồng Văn Công đó. Bữa làm lễ, tao vừa làm Mai vừa làm chủ hôn, lại vừa thay mặt cả hai gia đình đó!" Thảo nào? - tôi nghĩ bụng khi nghĩ đến lối nói Anh Văn Công dùng bữa trước "Tôi được Anh Bảy phôn cho..." một cách thân mật. Xe đưa chúng tôi đến phố Phan Chu Trinh, rồi giảm tốc độ rẽ vào một khu khách sạn bề thế. Tôi đọc tấm biển trên cột cổng " Khách sạn giao tế Thắng Lợi- Hotel relattion Thang Loi ". Bên dưới dòng tiếng Anh còn một dòng tiếng Nga nữa. Chúng tôi được tiếp viên khách sạn đưa đến một phòng ăn nhỏ, trong đó chỉ có dăm bảy người. Anh Văn Công chào lớn: "Anh Bảy tới rồi, ngồi đi, ngồi đi!" Anh Bảy xếp tôi ngồi cạnh Anh. Anh lần lượt giới thiệu thực khách để tôi chào hỏi. Người ngồi cạnh tôi, có dáng người nhỏ nhắn, trán cao hơi hói và đôi mắt tinh nhanh sau cặp kính là...nhà thơ Giang Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Tôi ngẩn người, tròn mắt. Anh Giang Nam cười lớn: "Lạ lắm hả, biết bài thơ nào của tui không?" Tác giả của bài thơ "Quê hương" nổi tiếng là vậy đó, quảng giao và vui vẻ. Tôi đứng dậy chào Anh, Anh Văn Công cười: "Cứ ngồi, cứ ngồi. Bất ngờ hả?". Rồi lần lượt các Anh: Bằng Tín - Phó Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, Anh Đỗ Như Phước- Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô tỉnh Phú Khánh, Anh Đặng Ngọc Thiết - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, Nhà văn Nguyên Hồ, nhà thơ Đào Xuân Quý.....và một vài khuôn mặt khác không nhớ hết tên. Bữa ăn không thật thịnh soạn và cấp "nhà nước" như tôi nghĩ. Đơn giản, nhẹ nhàng song đầm ấm và rất vui. Các Anh thay nhau đọc thơ, đàm luận đôi lúc còn "dọn vườn" thơ của nhau khiến bàn tiệc lúc lúc lại rộn lên. Tôi thú thật với Anh Giang Nam rằng mình chỉ biết "giữ sách" chứ văn chương không rành, Anh nói vui: "Thế thì cậu cứ nghe, khi nào thấy chán thì bảo mình. Mà nếu nghe không vào thì "chiêu" mấy ngụm bia cho đã!" Anh Bảy cũng động viên tôi: "Đây là "tiệc thơ", ai có thơ cứ đọc, ai không thích uống thơ thì...uống bia". Tôi thấy thoải mái dần, khi nhỏ nhẹ chuyện với người này, khi nhỏ nhẹ với người khác. Bỗng Anh Văn Công gọi: "Thiêm nè, mình có việc muốn nhờ cậu đó". Tôi hướng về phía Anh, lắng nghe. "Hồi trên cứ, mình viết được khá nhiều thơ. Thơ được đăng trên báo Liên khu Năm có, thơ được Văn nghệ miền in, được Nhà xuất bản Giải phóng in cũng có. Thế nhưng hồi đó, có thơ đăng, thơ in nhưng có được biếu sách mấy đâu. Nhưng mình biết, các thư viện miền Bắc thế nào cũng có. Nhân đây, nếu có thể giúp được, Ông tìm giúp lại cho mình vài tập. Cứ gửi qua đường Bưu điện là mình nhận được". Anh Giang Nam cũng góp thêm: "Việc đó mấy vị "giữ đền" này làm được đấy. Thiêm, Em hứa cái rụp đi cho Ảnh yên lòng!" Chưa biết sẽ tìm và bằng cách gì để có mấy tập thơ đó, nhưng tôi cũng thưa: "Em sẽ gắng, có được Em xin gửi vào cho Anh". Nói vậy nhưng bụng cũng ...lo. Cuộc vui kéo mãi đến hơn tám giờ tối, để lại một không khí quần tụ, ấm cúng và hết sức thân thiết trong tôi. Chia tay với các Anh, tôi cũng nói lời chào tạm biệt và hứa nếu có dịp trở lại xin được đến thăm các Anh. Anh Văn Công nắm tay tôi thật chặt, nói thêm: "Tìm được hay không tìm được mấy cuốn sách cho mình không quan trọng, đừng vì thế mà mất quá nhiều công. Biết có sách ngoài đó là được rồi. Đi đường khoẻ mạnh nghen, cho gửi lời thăm mấy Anh và gia đình ngoài đó. Có dịp ra ngoải công tác, qua Hải Dương mình sẽ ghé vô!" Anh Thiết - Phó Chánh văn phòng UBND vội ghé tai tôi: "Gắng tìm cho Ảnh, Ảnh lo kiếm mãi không được đó!" Tôi bắt tay Anh, nói nước đôi: "Sẽ cố gắng. Khi nào tìm được tôi sẽ báo tin để các Anh biết."(Năm 1986, theo sự điều động của Tổng cục Thống kê, nhà tôi và các cháu chuyển vùng vào Phú Khánh công tác. Tôi đã gửi được qua nhà tôi hai cuốn "Tiếng hát miền Nam" và "Bất khuất" cho Anh. Có được hai tập sách đó là nhờ sự giúp đỡ của Anh Long - Trưởng phòng Lưu chiểu Thư viện Quốc gia Việt Nam (Anh đã mất năm 1988 - 1989 gì đó).