.....(Tiếp theo kỳ trước)
Thằng Tĩnh
vốn là cái
kết quả có phần hối hận của bố nó sau cái vụ đánh vợ làm
trụy đi cái thai đầu năm nào. Cái sự cố trời đánh ấy của
thằng Đán làm
cho ông Kính, bố gã sau đó bệnh mất mấy tháng trời.
Mặt mũi hóp xuống, lúc nào cũng thấy ôm ngực vuốt lên vuốt xuống như muốn nuốt
trôi cục máu "thất đức" mà thằng con mất dạy gây nên cho cái sinh
linh bé nhỏ mới nhú mầm phải oan ức không có ngày thành hình hài cho dòng họ
gia tộc này. Dễ có đến nửa năm, thằng Đán mới mò về vái lạy ông già tha tội, và sang bên ông bà nhạc đón con
Xoan về dưỡng thuốc. Suốt mấy tháng trời tự hành hạ bằng công việc đập đá hùng
hục, gã về nhà vào một buổi chiều nhập nhoạng tối. Đôi tay đầy chai, sần sẹo. Khuôn mặt dãi dầu
nắng gió trông như quắt lại, má hõm sâu với vết sẹo khủng khiếp trông dị dạng hẳn. Đôi mắt tối
sẫm, miệng mím chặt lí nhí gã xin bố tha lỗi, hứa sẽ đối xử với vợ con tử tế, đúng phận. Từ nay, gã thi thoảng sẽ về thăm nhà, bằng lòng với công việc vất
vả đã chọn, mong có được một công việc khả dĩ với chút lương đủ ăn, khỏi cái
tiếng ăn bám váy vợ và mâm cơm của bà mẹ hàng ngày. Dù rất giận thằng con khùng
dại, ông Kính cũng lại không nói không rằng, chỉ thắp thêm nén nhang trên bàn
thờ có ý xin lỗi tổ tiên vì đã không dạy dỗ nó được như mong muốn. Nửa năm sau,
vợ thằng Đán mang bầu lại. Chuyện đẻ đái của vợ thằng Đán xuôi chèo mát mái.
Ông Kính có đứa cháu đích tôn, thái độ đối với thằng con nhờ thế bớt đi phần
nào chút ghẻ lạnh. Ông không về nhà thưa thớt như trước, mà có vẻ siêng năng đi
về hơn. Thằng cháu có vẻ làm cho ông nó vui lên đôi chút.
Công việc tại mỏ đá làm cho thằng Đán đàn
ông hơn so với những ngày tháng vật vờ bên chiếc máy may của vợ. Ngày lại ngày,
chỉ một búa một choòng cùng đám công nhân khai thác đá, gã cố gắng mãi cũng
thành quen với chỉ tiêu mỗi ngày công nửa khối đá hộc mà xí nghiệp khoán cho.
Đêm xuống, hết một ngày làm việc hùng hục, gã lăn ra ngủ mê mệt như mọi người.
Lán trại công nhân khai thác đá cũng đơn sơ. Hai hàng sạp tre chạy dài theo vách
lán làm giường, chỉ có phân biệt người nằm bằng từng chiếc chiếu giăng màn cá
nhân do xí nghiệp cấp phát. Đầu chiếu mỗi người sang thì hòm sắt, xoàng thì hòm
gỗ tạp, không hòm xiểng thì ba lô, tay đẫy…chứa đồ dùng cá nhân tối thiểu. Quần
áo bảo hộ mỗi năm hai bộ, kèm theo là chiếc mũ cứng và đôi găng tay dày cộp.
Hồi mới làm, thằng Đán còn cất giữ áo quần tính bán bớt lấy tiền, sau rồi nắng
rát, mưa lạnh quá cũng đem ra mặc tất. Bộ quần áo nào cũng mồ hôi đóng muối
trắng xóa, dày cộp. Bụi đá vụn thành bột ngày ngày ngấm theo mồ hôi bết trên da
xám ngoét. Tay chân hồi đầu còn tướp da, chằng chịt vết cắt xước rướm máu, lâu
dần thành sẹo thành chai trông gã cũng lam lũ như mọi người. Lương tháng bốn mươi
hai đồng, gạo ăn hai mốt cân, khéo lắm cũng chỉ dư được gần chục bạc tiêu vặt.
Gã cũng không tiêu pha mấy, chỉ lo găm tiền giắt thắt lưng. Mà cái chốn thâm
sơn cùng cốc của mỏ đá này có chợ búa gì đâu mà mua sắm. Từ xí nghiệp tới chợ
huyện còn xa gần gấp đôi đường về nhà gã. Vài ba tháng về thăm vợ con một bữa,
gã cũng có đôi chục bạc giúi cho vợ thêm cặp tiêu pha. Bạn bè ở nơi làm việc
cùng thằng Đán cũng không có quan hệ nhiều. Gã sống khép kín, lầm lì, im lặng.
Trong đám công nhân cùng xí nghiệp, cũng có vài tay từng đi chiến trường. Song
người thì giải ngũ do bệnh tật, người thì lạc đơn vị rồi không được thu dung để
ghép với các phiên hiệu mới được thu gom tại các chiến trường nên cho giải ngũ
về địa phương, có người tình nguyện chuyển ngành về làm công nhân khai thác đá.
Số còn lại, đa phần không đủ điều kiện sức khỏe nhập ngũ, hoặc có bệnh kinh niên
mãn tính hay thành phần lý lịch không thích hợp. Trong cái tập thể ấy, chẳng ai
tò mò dò hỏi ai điều gì về cá nhân nên thằng Đán cũng không mấy bị quấy rầy,
hỏi han. Gã yên tâm vì điều đó và ngày lại ngày vắt mồ hôi đổi lấy đồng lương
ăn đấu làm khoán, chí ít cũng nuôi đủ cái thân gã.
Đến khi thằng Tĩnh - đứa cháu đích tôn
tròn ba tuổi, ông Kính lại một lần nữa lo "chạy" được cho gã chuyển
việc đến một xí nghiệp gốm, thủy tinh của tỉnh đóng tại một huyện khác, cách
nhà gần bốn chục cây số. Lần này, thằng Đán không còn phải vật vã lao động chân
tay nữa, nó được ông lo cho một chân trong phòng hành chính của xí nghiệp, làm
nhân viên lao động tiền lương. Ba tháng học nghề mới, cuộc đời thằng Đán có vẻ
bước ngoặt vào một ngã rẽ khác. Lần đầu tiên kể từ khi cho thằng con đi thoát
li lần đầu, ông Kính có một buổi ngồi với con. Ông truyền cho nó những mưu cao
kế sâu của người từng trải việc chạy chọt các cửa mà ông đã ngậm răng làm cho
nó. Không biết hai bố con nói với nhau những gì, vợ thằng Đán chỉ thoảng nghe được
câu cuối: "Từ nay, phận nhà anh, anh lo. Tôi chỉ làm được đến thế thôi
đấy. Năm nay anh cũng hơn ba chục tuổi đầu rồi, "tam thập nhi lập"
các cụ ngày xưa từng dạy thế. Liều liệu mà tính, không ai sống thay cho nhà anh
mãi được". Điều mà thằng Đán mãi sau này mới biết, là hồ sơ lý lịch của nó
đã được ông Kính lo có người "sửa lỗi" cho cũng sạch sẽ hẳn. Thậm
chí, đến khai sinh cũng sửa được, nó "trẻ thêm" được những… 4 tuổi.
........
(Còn tiếp)
*
* *