NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

SẸO NHỤC (TRUYỆN VỪA) - BÌNH DƯƠNG

(Kỳ 17)
(Tiếp theo kỳ trước)
       .......
       La cà chơi chợ người Mông, Dao trở thành thú vui những ngày nghỉ ít ỏi hiếm hoi của bộ đội biên phòng miền Tây. Thung lũng phía xa xanh ngắt một màu xanh nương lúa nương ngô. Theo vận động của cán bộ và bộ đội biên phòng, người Mông nay đã trồng mận tam hoa và đào không hạt phủ kín nương đồi thay cho cây thuốc phiện xấu xa.

        Chợ phiên là nơi gặp gỡ, vui chơi của các tộc người Mông, Dao vùng biên. Đi chợ vui như đi hội. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong lòng cánh chiến sĩ biên phòng như dịu lại. Rủ nhau sà vào quán chợ, mấy anh em ăn uống vui vẻ với bà con dân bản. Hương rượu ngô chuyền quanh quyện dính cổ họng, những nắm xôi thơm nồng hương nếp nương. "Cái bộ đội hôm nay vui với chúng tao thật say mới về đấy! Không say không được đâu!".
       Ngất ngây vậy, nhưng đám lính biên phòng thừa sức ra về khi buổi chợ vắng dần người qua lại. Cậu y sĩ của đồn, quê vốn vùng rượu Làng Vân nổi tiếng Bắc Hà, từ lâu đã "gà" được cho họ cách uống rượu chống say với người Mông. Một trong mấy chiếc bi đông nước bên người là…một ít dầu ăn. Trước lúc vào chợ, họ đã tranh thủ tợp mỗi người một tớp. Rượu trôi xuống đến dạ dày cứ là "lênh phênh" không tới đáy, bám không dính nổi vách ruột, say sao được?! Cái mánh ấy trở thành "bửu bối" của đám lính trẻ khi đi chơi chợ phiên vùng cao. Cứ là "cười tươi" đến hết buổi chợ.
       Đường về đồn xa thế mà đi mãi cũng về đến nơi. Điểm danh tối xong, thằng Tĩnh không ngồi xem phim truyền hình. Nó tranh thủ viết thư cho bạn gái ở quê, kể về buổi chợ vùng biên đầy ắp sống áo đủ màu và tràn trề những rượu là rượu.
       Sáng sớm hôm sau, giấc ngủ đêm không mộng mị của thằng Tĩnh kết thúc khi tiếng kẻng trực ban vang lên. Tập thể dục, vệ sinh cá nhân xong, cùng tổ ba người gã lên đường tuần biên với trang phục, vũ khí gọn gàng. Trên đỉnh núi cao, sương vắt ngang trắng đục như dải lụa trắng giữa trời. Hơi thở như những đám khói mờ ngang mặt. Nhận nhiệm vụ và báo cáo trực ban xong, họ xuất phát.
       Sương đọng thành giọt trên cành lá bên đường, ngọn cỏ dưới chân. Cái cảm giác sương sớm ngái mùi rừng keo dọc đường biên rưng rưng trong mắt. Dưới thung, đâu đó giữa bản người Dao khói bếp như sợi chỉ trắng vắt vẻo giữa màu xanh mờ đất trời sương giăng rụt rè bốc lên cao. Người Mông, người Dao dậy thật là sớm. Họ nắm chút xôi, gói thêm miếng thịt khô muối đặt vào cơi (giỏ mây) buộc ngang dây lưng, tay cầm dao, lưng đeo gùi cứ vậy lên nương. Tổ tuần biên mỗi nhóm ba người, súng khoác vai lầm lũi bước. Dọc đường thi thoảng lại gặp một tốp đồng bào Mông đi làm nương. Thằng Tĩnh đi sau cùng của tổ ba người. Họ đã rời khỏi đồn hơn hai tiếng đồng hồ. Chợt nó nghe vẳng đâu đây dưới lòng khe vách đá lởm chởm cạnh đường có tiếng rên nặng nề, nghẹn nước. Nó hỏi với lên phía trước: "Các cậu có nghe tiếng gì không?" Giữa yên lặng cây rừng, mọi người dừng bước căng tai nghe ngóng. "Đó, tiếng rên phía dưới đó". Hùng, tiểu đội trưởng khẽ giọng, tiếng đanh chắc: "Rồi, nghe rồi! Cả nhóm dàn rộng, theo phương án tác chiến đã quy ước, chỉ khi thật cần thiết mới nổ súng. Đồng chí Tĩnh tiếp cận mục tiêu, chúng tôi yểm trợ." Không khí chợt căng lên như dây đàn, cả nhóm nhẹ nhàng từng người theo đội hình chiến đấu lom khom lần xuống. Lòng khe tối om ẩm ướt, nghe rõ tiếng nước óc ách. Càng đến gần mục tiêu, tiếng rên càng rõ dù rất yếu. Chợt thằng Tĩnh khựng lại, cách nó khoảng chừng mươi thước, thân một thanh niên người Mông nằm sấp sóng soài nửa chìm nửa nổi sát mép nước. Một vệt máu thẫm đen loang trên lưng áo màu chàm sẫm. Đầu người thanh niên gối lên hòn đá, mặt nghiêng về phía ba người. Mắt nhắm nghiền, đôi môi tái nhợt. Quanh khe suối không thấy dấu vết va chạm. Kẻ thủ sát đã theo lòng suối lội đi, không để lại dấu chân trên bờ. Trông tư thế người bị thương, có thể đoán anh ta bị chém hoặc đâm từ phía sau, thời gian bị sát hại ước khoảng hơn ba tiếng trước đầu giờ sáng. Thằng Tĩnh bước lại gần, tay vẫn nắm chặt khẩu tiểu liên AK-47 báng gập hướng về phía trước. Người bị nạn còn sống, tuổi mới xấp xỉ đôi mươi, nhưng chắc phải yếu lắm vì mất máu. Đưa mắt về phía đồng đội, gã ra hiệu tiếp tục yểm trợ rồi dùng cánh tay còn lại lật khẽ người bị nạn. Tấm thân mềm oặt trôi khẽ theo lực đẩy, hơi thở có vẻ yếu. Khoác vội súng lên vai, thằng Tĩnh ôm lấy ngang thân người con trai Mông, lấy hết sức bế lên bờ. Đám chiến sĩ sáp lại gần, mắt vẫn theo dõi cảnh giới xung quanh. Đặt khẽ khàng người thanh niên xuống lớp rêu ướt cạnh suối, thằng Tĩnh lấy khăn lau lớp máu bết quanh khóe miệng người bị nạn rồi nhanh chóng dùng dao ngắn xẻ lưng áo sơ cứu. Thấm đẫm một mớ gạc cho vết thương bả vai trái, thấy lộ rõ một vết chém, có lẽ bằng dao. Nhát chém với, không trực diện chỉ đủ  lật một lát phần mềm suốt từ bờ vai xuống lưng, chưa đủ chạm tới xương bả vai. Thân người bị nạn còn ấm, miệng khò khè thở yếu ớt. Băng vội vết thương cho anh ta bằng nguyên cả hai cuộn băng gạc lấy trong túi thuốc cá nhân. Với sự giúp đỡ của đồng đội, thằng Tĩnh vác tấm thân mềm nhũn nặng trịch lên lưng đưa người bị thương lên phía trên. Khe núi tuy hẹp, nhưng không thật sâu và dốc cũng vừa phải. Ba chiến sĩ biên phòng đưa được người thanh niên lên mặt đường. Bằng hai thân cây keo mới trồng cỡ bắp tay, họ lót tấm tăng che võng đem theo, buộc thành chiếc cáng thương. Tiêm một ống thuốc trợ sức và một mũi chống nhiễm trùng cho người bị nạn. Liên lạc qua bộ đàm với đơn vị cử người bảo vệ hiện trường và bàn giao lại cho an ninh địa phương, họ lên đường. Tiểu đội trưởng Hùng khoác hai cây súng, thằng Tĩnh và cậu Khương đặt chiếc cáng lên vai, cứ cắt rừng xuống thung, tiến về phía có hơn chục nóc nhà của một bản nhỏ người Mông cách đó chừng dăm cây số đường núi. Vừa tới nơi, từ cuối bản đã thấy có vài người dân ra đón. Họ nhận ra trai bản cùng thôn, chỉ cho các chiến sĩ gia đình người bị nạn. Các chiến sĩ được dẫn đến một ngôi nhà trệt tường trình cột gỗ rộng rãi. Từ gian giữa, một ông già người Mông dáng người đậm đạp bước ra. Không nói nhiều, ông bình tĩnh chỉ cho các chiến sĩ nơi đặt người bị thương xuống. Mời các chiến sĩ trở lại ngồi bên bếp lửa gian giữa, ông chậm rãi rót nước mời mọi người. Tiểu đội trưởng Hùng chỉ thằng Tĩnh: "Già Lừ à, đồng chí này tìm được thằng em bị thương dưới suối đó".
       - Ồ, thằng cháu tốt cái bụng quá! Tục người Mông ta, ai cứu người trong nhà, người đó là anh em rồi đó. Tao biết ơn cái bộ đội mà. Mai mốt tao tìm tới nơi mấy cán bộ, xin cho mày làm con cái người Mông, làm anh em kết chỉ.
       Nhìn ông già trạc tuổi bố mình, thằng Tĩnh thưa khẽ:
       - Nhiệm vụ của bộ đội biên phòng cả thôi, già à. Thấy thằng em vậy, ai chẳng muốn giúp đỡ. Các đồng chí của cháu đây giúp nhiều, chứ mình cháu sao đưa được thằng em về đây.
       Ông già cười hiền, cái cười trên khuôn mặt như không có tuổi. Góc trái trên trán một vết sẹo mờ kéo dài trượt xuống sát đuôi con mắt tinh anh. Giọng nói dù còn vương chút thổ ngữ, nhưng người già này nói tiếng Kinh rất sõi. Thoáng như nhớ ra điều gì, ông nói như dao chặt cột:
       - Hôm nay chúng mày đang đi tuần biên. Tao không giữ ở lại uống rượu được. Hôm khác ta lên đồn xin phép cán bộ, mấy đứa mày phải về bản uống rượu với già này đấy. Thằng Sồng Xeo Pử nhà tao trông mệt thế nhưng nó vốn khỏe lắm đấy. Chỉ ít bữa nữa là nó ngồi dậy thôi. Người Mông chúng tao, về được đến nhà là sống rồi. Trên rừng không thiếu lá thuốc, trong nhà không thiếu cách cứu người. Cám ơn cái bộ đội lắm. Tao không giữ chân chúng mày lâu được. Đi làm cái việc cán bộ nó giao cho đi. Thế nào cũng có bữa mấy đứa phải về nhà tao uống rượu đấy.
....
(Mời xem tiếp kỳ sau)


Không có nhận xét nào: