NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU
Hiển thị các bài đăng có nhãn CHUYỆN NHÀ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CHUYỆN NHÀ. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

NGHĨA TRANG NÀO ÔM GIỮ THÂN XÁC EM TÔI?!

           Lại một mùa tri ân anh hùng liệt sĩ nữa. Mùa thứ 68. Vậy mà em trai tôi, liệt sĩ Nguyễn Huy Lai cũng đã vĩnh viễn ra đi 43  năm rồi. Chú nó hy sinh tại mặt trận Quảng Trị, trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tháng 7 năm 1972.

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

CON TRẺ - VẾT DẤU CỦA KÝ ỨC NGƯỜI LỚN

          Từ ký ức riêng của mỗi người, chúng ta thường nhìn cuộc sống với trăm chiều soi chiếu. Người thì từ bóng dáng mẹ cha sinh thành, người thì từ mái nhà gốc cây ngọn cỏ quê hương, người thì nhớ lại tuổi trẻ từ bạn bè thân bằng cố hữu…Song còn một cách soi chiếu khác, đó là cách quy chiếu bản thân từ chính những đứa con của mình. Chúng ra đời, lớn khôn, học hành, yêu đương và đến lượt chúng, chúng lại có những đứa trẻ của riêng chúng. Đó phải chăng là cách quy chiếu quá khứ từ quan hệ cộng đồng, máu huyết, dòng giống…

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

NHÂN NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27 THÁNG 7 THẮP MỘT NÉN NHANG KÍNH VIẾNG HƯƠNG HỒN CÁC LIỆT SĨ HY SINH TẠI THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ SAU 81 NGÀY ĐÊM KHÓI LỬA MÙA HÈ NĂM 1972

           Một năm trước đây, những ngày này, gia đình chúng tôi rong ruổi trên dường vào Thành cổ Quảng Trị với hy vọng biết được nơi em trai tôi ngã xuống. 81 ngày đêm bom đạn khói lửa, em tôi và các đồng đội dũng cảm của chú ấy đã đem máu của mình nhuộm đỏ dòng sông Thạch Hãn. Khi đó, chắc không một ai trong những sinh linh trinh trắng ấy biết rằng, thân xác của họ để lại dưới dòng sông lạnh lẽo sau hơn bốn mươi năm lại mỗi lúc mỗi linh thiêng. Hàng triệu, hàng triệu lượt người đã đến bên dòng sông định mệnh ấy để khóc thương thân nhân của mình, để thả hoa thắp nến, đốt nén tâm nhang nghi ngút khói hương giữa trời xanh, sông nước Thạch Hãn. Để ngậm ngùi đọc bốn câu thơ hàm xúc của người lính Lê Bá Dương, người từng đứng cùng chiến hào đẫm máu năm nào viết cho những linh hồn đồng đội bất tử:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Dưới sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.


           Chuyến đi ấy, tôi đã kể lại trên trang Blog này dưới tiêu đề bài viết "Hương hồn em trai tôi bên bờ sông Thạch Hãn". Cho tới tận hôm nay, bài viết này đã được hàng nghìn lượt người truy cập, có cả địa chỉ từ các quốc gia xa xôi như: Sec, Canada, Mỹ…
          Giờ đây, xem lại những khuôn hình ghi lại những khoảnh khắc trĩu lòng cùng người thân đi kiếm tìm nơi em trai mình ngã xuống, tôi càng thấm thía hơn bốn mươi năm xa biệt thân xác em tôi giữa sóng nước xa vời Thạch Hãn. Nay tôi tập hợp lại những hình ảnh đó, đưa lên trang Blog này để trò chuyện với linh hồn em tôi, ngõ hầu từ dưới đáy lòng sông, em tôi nhận được niềm thương xót vô vàn của Bố, Mẹ (nay dù khuất xa ngót chục năm trời) và chúng tôi  anh chị em, con cháu trong nhà. Như một nén hương giữa vạn triệu nén hương các thân nhân gia đình liệt sĩ, những ngày này đang thành kính đốt lên để dẫn những linh hồn từ mờ xa gần lại với người thân.
          Chúng tôi xin mãi gửi máu xương và linh hồn Em tôi 
cho đất trời và bà con cô bác bên dòng Thạch Hãn chăm sóc. 
Xin trân trọng biết ơn. 


Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

HƯƠNG HỒN EM TÔI BÊN DÒNG SÔNG THẠCH HÃN


Gần đến ngày kỷ niệm 40 năm chiến công 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, linh hồn Em tôi nhập vào một cô gái trẻ và thông tin cho gia đình tôi biết về nơi hy sinh. Em tôi nhắn rằng "hãy tới bờ Bắc sông Thạch Hãn, khắc sẽ thấy, sẽ biết".
          Gia đình tôi gồm 8 người cả anh chị em, dâu rể, các cháu…lên đường vào Quảng trị. Xuất phát từ 9 giờ sáng ngày 25/07, chúng tôi đặt chân lên thị xã Quảng Trị vào trưa ngày 26. Chiều hôm đó, cả nhà vào thắp hương tại các nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 và đền thờ bờ Bắc sông Thạch Hãn. Ngôi đền mới hoàn thành, gồm nơi làm lễ dâng hương, bến thả hoa tưởng niệm liệt sĩ với cụm hành lễ trang trọng bên bờ sông gắn bia đá ghi bốn câu thơ nổi tiếng:
Đò lên Thạch Hãn ơi….chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
          Ngày 27/7, cả nhà lên đền thờ bờ Bắc thắp hương, đặt lễ chờ đợi. Nhìn dòng sông dập dờn sóng nước, chúng tôi rơi lệ nghĩ đến thân xác tuổi 18 của em trai mình nằm đó, cùng đồng đội lạnh lẽo bốn chục năm qua mà âm dương cách biệt.
          Cho mãi đến hơn 14 h 30, tôi gặp được một thương binh, cựu chiến binh từng chiến đấu ở nơi này. Anh nói: "Ảnh Em trai anh ngoài kia đẹp quá. Hồi đó, tôi là lính thông tin. Đơn vị tôi phải bảo đảm thông tin hữu tuyến qua dòng sông này. Tôi ở phía ngoài kia, nhưng đồng đội tôi trực kỹ thuật trên song này đã hy sinh như em trai anh vậy". Chuyện trò đôi hồi rồi anh đi ra. Đột nhiên, như có ai đó mách bảo, tôi đeo máy ảnh tiến đến phía hành lang phía nam nhìn xuống bến thả hoa. Bất chợt, tôi thấy một nhóm cựu chiến binh đang căng một tấm bạt màu đỏ, in chữ vàng. Biết họ đang chuẩn bị hành lễ, tôi nhào xuống, chụp ngay cảnh này. Trong ống kính, lộ rõ tấm bạt ghi dòng chữ: "Đoàn cựu chiến binh trung đoàn 101, sư 325, quân đoàn 2 Hải Phòng".
          Thấy tôi chụp ảnh, một đồng chí Trung tá tiến tới bắt tay và hỏi:"Đồng chí công tác ở cơ quan nào vậy?!". Tôi chỉ tay xuống dòng sông và đáp ngay:
          - Tôi có chú em hy sinh dưới dòng sông Thạch Hãn này, tôi cùng gia đình tới đây thắp hương cho Em tôi.
          - Thế liệt sĩ ở đơn vị nào vậy.
          - Em tôi cũng ở sư 325, trung đoàn 101 này. Quê Hải Dương.
          - Thế là đồng đội của chúng tôi đấy. Bọn tôi ở Hải Phòng. Trung đoàn chúng tôi có rất nhiều người quê Hải Hưng. Anh gặp đúng đồng đội của liệt sĩ rồi đó.
          Tôi vội gọi toàn thể anh chị em và các cháu trong gia đình lại, xin với đơn vị cho gia đình cùng dự lễ thắp hương tưởng niệm.
          Dưới chân tấm bia tưởng niệm, khói hương nghi ngút. Một hình nhân đồ mã mang quân phục, đầu đội mũ mềm gắn sao, vai đeo súng nằm sấp trên một bệ xốp màu xanh nước biển. Một bè hoa kết thành lá cờ đỏ sao vàng, hơn một chục đài hoa sen giấy hồng xếp thành hình trái tim xung quanh. Các cựu chiến binh, đồng đội của em tôi và con cháu họ xếp thành hai hàng chạy dài xuống bến nước. Vị trung tá đọc văn bản tưởng niệm. Hai hàng cựu chiến binh ngực lấp lánh huân huy chương nghiêm trang giơ tay ngang mũ chào. Lần lượt, từng cặp vợ chồng các đồng đội của em tôi lên dâng hương, gia đình tôi cũng theo chân họ thắp hương, cúi đầu trong nước mắt. Dâng hương xong, hai hàng quân nâng hình nhân và bè hoa hình cờ lên vai như nâng cữu đi theo lá cờ Mặt trận GPMNVN xuống thuyền. Một thuyền gồm các quân nhân đi theo làm đội quân danh dự. Một thuyền gồm các gia đình, người thân, trong đó có gia đình tôi đi theo chiếc thuyền cờ, hoa. Thuyền lễ đi ra giữa dòng sông, từ từ thả bè cờ hoa và hình nhân xuống sông. Trên các thuyền, các cựu chiến binh đưa tay lên mũ chào tiễn biệt, thân nhân các gia đình chắp tay vái biệt, thả hoa xuống dòng nước. Trời Thạch Hãn nặng màu xám, dòng sông vỗ nhẹ sóng đón nhận và đưa hoa, đưa người chiến sĩ trôi đi. Trên thuyền, tôi đứng trên tấm ván bắc ngang hai tay hai máy, một máy nhà một máy của đoàn cựu chiến binh bấm máy liên tục ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng đó. Mấy chiếc thuyền còn quyến luyến mãi bồng bền trên sông không muốn rời xa. Thuyền quay mũi vào bờ, mọi người trên ba chiếc thuyền máy giơ tay vẫy chào tiễn biệt linh hồn các liệt sĩ. Khi yên vị trên bến hoa, lại một lần nữa, các chai rượu thờ và hoa lại được rắc xuống sông. Hình ảnh xúc động đó, rồi đây mãi mãi sẽ đi theo gia đình tôi.
          Chúng tôi chắc chắn rằng, vong nhập về đã báo đúng. Gia đình tôi đã gặp được linh hồn người thân. Giờ đây trong cõi lòng chúng tôi, lòng sông Thạch Hãn là nấm mộ lớn bao chứa thân xác Em tôi và đồng đội của chú ấy.
          Đêm đó, tại bờ Nam sông Thạch Hãn sau khi chứng kiến buổi truyền hình trực tiếp "Quảng Trị sáng mãi niềm tin chiến thắng. Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ và 40 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị" của Đài truyền hình Việt nam. Tôi đã trả lời phóng viên Đài truyền hình Việt nam như sau:
          - Tôi thấy đây là một chương trình được dàn dựng công phu và hết sức xúc động. Gia đình tôi và nhiều gia đình, hàng ngàn gia đình có con em hy sinh tại dòng sông Thạch Hãn này không chỉ thấy tiếc thương mà còn tự hào vì con em mình đã anh dũng chiến đấu và hy sinh xương máu góp công vào chiến tích 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
          Chương trình VTV kết nối đã phát phóng sự này trên VTV1 vào hồi 23h00 ngày 31/07/2012 và 8h 00 ngày 01/08/2012; trên VTV3 vào hồi 9h00 cùng ngày. Tôi xin chọn một số hình ảnh cảm động bên bờ sông Thạch Hãn ngày 27/07/2012 đưa lên trang để bạn đọc cùng xem và chia sẻ với gia đình chúng tôi.






























01/08/2012