NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 

Kỳ 18

(Tiếp theo kỳ trước)

….

       Sau vài tháng đầu tiên ổn định công ăn việc làm tại công ty, Khánh xin phép ông cậu cho vào ăn ở ngay tại khu tập thể công nhân của công ty. Công việc ca kíp, khi ca ngày bữa ca đêm lích kích thật phiền phức với sinh hoạt bình thường của một gia đình còn có trẻ theo học phổ thông. Ông cậu bà mợ ngần ngừ mãi mới chịu. Ông bà chỉ lo Khánh một thân một mình vất vả. Rồi mọi việc cũng ổn. Ông bà chỉ ra điều kiện, ít nhất tháng đôi lần vào ngày nghỉ, anh về nhà vui với ông bà và các em. Ăn bữa cơm đông đủ con cháu, hòa nhập với cuộc sống gia đình cho đỡ đơn côi. Khánh hứa sẽ thực hiện đúng vậy. Nhờ đó có những cuộc đi về quê ngoại, anh mới có điều kiện đi cùng. Quê quán đằng ngoại dần trở thành gắn bó ruột thịt hơn. Anh luôn coi những dịp về quê ngoại như một dịp để hương vong ba má theo mình về bái vọng tổ tiên....Cũng cần đến cả gần năm trời anh mới quen dần trở lại với thời tiết bốn mùa của miền bắc dù đã có cả hàng chục năm thời thơ ấu sống cùng ba má ngoài này. Cái nắng cũng khác, cái mưa phùn, mưa rào, "mưa ngâu" cũng khác...Và cái lạnh thì lại rất khác. Nhất là ở vùng cao Yên bái này. Đêm lạnh nhiệt độ xuống rất sâu, ngày tan sương rất muộn. Nhưng mãi rồi cũng quen, thậm chí anh còn thấy vui thích khi thấy mình "nhập cuộc" với khí hậu miền núi tây bắc dễ đến vậy...Bữa nay, thời tiết đã cuối xuân rồi mà đêm vẫn lạnh, sáng ra trời còn giăng màn sương sớm. Phía những ngọn núi mờ xa phía bắc, hình hài núi non nhìn giống như tranh thủy mạc, cứ mờ mờ ảo ảo.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 Kỳ 17

(Tiếp theo kỳ trước)

….

       Cuối những năm 60 đầu thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước, cùng vô số thanh niên, nam nữ vùng Quế võ, Bắc ninh ông Kỉnh hưởng ứng phong trào thanh niên tình nguyện lên miền núi khai hoang. Họ được đưa lên phía nam dãy Hoàng Liên Sơn thuộc vùng núi Tây bắc, rồi tham gia xây dựng nông trường chè Nghĩa lộ, huyện Văn chấn tỉnh Yên Bái. Sau mấy chục năm cần cù trồng chè và xây dựng nông trường, ông cũng có được một ngôi nhà giản dị, một mái ấm hạnh phúc với người đàn bà quê gốc Thái Bình cùng lên Tây bắc khai hoang. Hết tuổi lao động, ông bà chuyển cư về vùng đất ven ô thị xã Yên bái. Từ sau 1986, đất nước vào thời kỳ đổi mới gia đình ông được nhà nước giao đất, giao rừng và đổ công đổ sức vào vườn chè gần một hecta trên một ngọn đồi sau nhà. Cả mấy chục năm trôi qua, hàng năm đồi chè cho gia đình ông một mức thu nhập vừa đủ, dù không mấy khá giả, nhưng cũng duy trì cuộc sống bình thường với tổ ấm bốn miệng ăn, con cái đủ ăn đủ lớn theo học mỗi năm đu kỳ lên một lớp. Những nương chè xanh mướt hàng năm được giao khoán sản phẩm, cung cấp chè xanh cho thương nghiệp nhà nước thu mua, phần dư thừa chế biến thành chè khô bán ra thị trường cũng để ra được bát ăn bát để. Khi biết tin về người chị con bà bác lấy chồng miền nam tập kết mất đi, ông đã lặm lội tìm vào Quy nhơn. Có thể do niềm tin tục hệ huyết thống mách bảo, lại cũng có thể vì hồn thiêng của người đàn bà xa quê mách lối mà ông quyết tìm đến nơi bà nằm xuống để thắp vài thẻ hương bái biệt. Biết câu chuyện của đứa cháu côi cút cả mẹ lẫn cha, động đến lòng cảm thương ruột rà ông đã đưa ra lời khuyên để thằng cháu tìm về nguồn cội. Hai Khánh cảm nhận được vết dẫn này, sau nửa năm suy nghĩ, cân nhắc đã theo lời ông ra bắc. Rồi đây, ông Kỉnh tự giành lấy phần trách nhiệm của bậc bề trên để giúp đứa cháu gắn kết máu mủ, xây dựng cuộc sống và xây đắp tương lai. Chuyến đi "về nguồn" của Hai Khánh làm ông yên tâm vì đã thực hiện được lời khấn thầm kín trước mộ người chị họ năm nào, Khánh về Bắc được và ông cũng tự thấy yên lòng. Trong nhà, vợ ông hiểu được nỗi lòng xót thương đứa cháu phương xa của ông, lấy gia đình làm nơi bảo bọc nương tựa cho Hai Khánh. Bà thấy ông vui, ông hài lòng với quyết định của ông là bà thấy vững lòng. Người đàn ông như vậy, biết san sẻ yêu thương cùng gia đình, tộc hệ là người đàn ông có trách nhiệm. Con cháu rồi đây sẽ có được một tấm gương để noi theo, làm theo...