NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


       …..
       (Tiếp theo)
       Gọi là nói chuyện chứ họ phải gào lên với nhau mới nghe được rõ lời trong sủng xẻng sắt thép và hào hển động cơ. Sẩm tối, chiếc xe dừng lại ở binh trạm Khe Gát, nơi vào ra Trường Sơn của mọi lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tính ra từ lúc xuất phát, đã hơn ba ngày giời trôi qua. Đi liên tục, chỉ nghỉ hai ba tiếng dọc đường. Lần đầu tiên sau hơn tháng trời lặm lội rừng già, thằng Đán biết đến hột cơm và miếng thịt kho mặn. Lần đầu tiên kể từ khi bước vào trận chiến, nó được tắm táp thỏa thuê mà không lo sợ tên bay đạn lạc, mìn bom chết người. Anh Tưởng còn đích thân đưa gã đến hầm bệnh viện dã chiến để rửa và thay băng vết thương. Tay quân y sĩ tròn mắt nhìn thấy vết thương trên mặt thằng Đán. Đó không phải là vết thương do đạn nổ "Nếu đạn nổ thế này thì thằng cu này chết là cái chắc! Nhưng bảo rằng đó là vết tự thương để biến khỏi chiến trường thì không thể tin được vì nó ngoài sức tưởng tượng". Nghĩ bụng vậy thôi, chứ người y sĩ mặt trận chỉ im lặng cần mẫn, chậm rãi rửa ráy, dùng dao tiểu phẫu trích cắt bớt những chờm lấn dư thừa da thịt vá víu quanh vết thương. Khéo léo khâu nhanh những vệt rách hở chưa kịp liền, làm sạch vết thương rồi băng gạc lại cho thằng Đán với một lớp thuốc mỡ chống bội nhiễm lên vết thương. Trông có thể gớm ghiếc đấy, nhưng nếu được phẫu thuật tái tạo tốt, cũng không khó để có được một khuôn mặt dễ nhìn. Riêng hàm răng, cũng phải trồng vào đấy kha khá răng giả, nếu không nói rằng cần phải làm lại toàn bộ hai hàm răng mới hòng tái thẩm mỹ. Khuôn mặt thằng Đán trắng toát băng gạc, chỉ hở đôi mắt và mồm miệng, hai cánh mũi mốc mác. Trông nó khác đến nỗi ông Tưởng suýt xoa khen tay y sĩ: "Này, cậu xứng đáng là thợ dao kéo cao cấp đấy! Hôm mới gặp nó, anh cứ tưởng ma hiện hình đấy". Số thuốc được cấp phát cho thằng Đán có lẽ cũng tương đương với ba cơ số thuốc cá nhân được trang bị khi vào chiến trường. Lủng củng cả thuốc tiêm, sê ranh, ô xy già, cồn y tế, thuốc uống, thuốc bôi. Lại còn cả một gói tướng băng gạc nữa.
       Đêm đó, cả hai mắc võng bên nhau trên bãi khách, nói thêm dăm ba câu chuyện rồi ngủ trong mê mệt dầm dề. Đêm cửa ngõ Trường Sơn không yên tĩnh trong tiếng ầm ì xe pháo và lao xao tiếng người vào ra. Nhưng chiến trường bom đạn lại bỗng như lùi ra xa, rất xa. Cũng là lần đầu tiên cả mấy tháng trời nay, giấc ngủ đến với thằng Đán nhẹ nhàng, không chút nơm nớp lo lắng, dật dờ.
       Sáng ra, vừa mở mắt chưa kịp tỉnh ngủ hẳn thằng Đán đã thấy ông Tưởng hớt hải từ đâu chạy gằn về, mồm hét toáng lên: "Này Đán ơi! Tớ với cậu lại nửa đường đứt gánh rồi! Tớ phải để cục sắt này lại ở trạm để đám cơ công nó tháo ra lấy máy móc, phụ tùng. Tớ sẽ theo xe vào lại trong đó bổ sung cho đoàn vừa bị thiệt hại quân số hôm trước, xe còn mà người không còn.". Thằng Đán chỉ biết há hốc mồm:
       - Thế…thế Em thì thế nào đây. Nằm chết dí ở trạm này sao, hay lại chờ phiên chế…
       - Thằng nỡm, phiên chế đếch gì cái thứ phế phẩm như cậu. Tớ bàn giao được cậu cho cánh lái xe của đoàn vận tải dân sự Cẩm Phả  góc bãi xe kia rồi. Họ đưa thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào, nay đón đám hết hạn phục vụ và thương tật đi ra. Tay này ngày xưa từng vào đoàn xe quốc doanh tớ để giao hàng mãi rồi biết nhau. Tướng tá hơi nghiêm nhưng được cái tốt bụng. Cậu theo hắn đi ra tớ cũng yên tâm. Không vào quân y 7 trạm Ninh Bình thì về trạm quân y 7 Hòn Gai. Đâu chẳng tiếp nhận thương bệnh binh. Thôi, không dài dòng văn tự nữa. Thu xếp tăng võng đồ đoàn rồi theo tớ, tớ bàn giao cậu cho lão ấy ngay cho kịp chuyến. Lão đang chờ đấy.
       Thằng Đán tưởng như chết đuối vớ được cọc, líu ríu dọn dẹp thu xếp. Khi nó ra chiếc IFA mui bạt kín mít góc bãi xe, thì trên thùng đã lố nhố đầy người. Ông lái xe cỡ tuổi cha chú nó đang chờ bên cửa buồng lái. "Ưu tiên cậu thương binh này lên ca bin. Để chú mày ngồi lên thùng xe, đám con gái thanh niên xung phong nó xơi tái chú mày mất!". Quáng quàng ôm vai anh Tưởng, nó ngân ngấn nước mắt nhận trên tay vị cứu tinh mấy ngày qua của nó một bọc đồ tướng gói trong miếng dù pháo sáng.
       - Trong này có một ít lương khô, hai bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh cũ. Trong chiến trường tớ dùng quần áo lính quen rồi, chả cần đến nữa. Cố gắng giữ gìn sức khỏe, chịu khó điều trị. Biết đâu, khi chú mày vào lại chiến trường được, anh em mình lại gặp nhau. Tạm biệt "chú lính chì"… vỡ mặt!
       Miệng nói tào lao vậy, nhưng tiếng anh Tưởng có vẻ nghèn nghẹn. Họ đã đi với nhau cả một quãng đường vài trăm cây số nghiêng ngả Trường Sơn. Dẫu sao, cũng có cái tình thân, tình thân lính chiến trường sống chết có nhau. Anh im lặng quay vội đi, không để thằng Đán kịp nhìn thấy đôi mắt buồn tiễn biệt của mình. Những phút như thế, giữa chốn bom đạn giống như sự chia tay trước khi bước vào giữa cái sống cái chết không báo trước. Bên cạnh gã, người lính lái xe già khẽ nuốt tiếng thở dài. Ông giục: "Thôi, lên xe đi. Xuất phát thôi!". Chung quanh họ tiếng động cơ các loại của xe pháo chợt ồn lên. Đoàn xe lần lượt rời khỏi bãi, ngắc ngư chuyển động hướng ra phía Bắc. Dọc đường, cánh lái xe bóp còi chào nhau, đoàn vào, đoàn ra í ới. Chuyến đi trở lại nơi không có tiếng bom đạn đã trở nên thật rõ ràng với thằng Đán. Nó tự véo bắp tay mình. Không phải giấc mơ hão! Đây là sự thật một trăm phần trăm, nó đang trên đường trở ra miền Bắc hậu phương yên bình. Hơn ba ngày sau đó, khi xe ra tới địa phận huyện Đông Triều nằm trên đường mười tám, nó chia tay với bác lái xe già ít nói. Không đôi hồi bịn rịn, gã cuốc bộ về phố núi. Vượt gần ba chục cây số đường núi, gã về đến cửa nhà vừa nửa đêm. Nặng nhọc gục xuống bên thềm đất quen thuộc, gã lịm đi.
       Sáng sớm, ông Kính tá hỏa khi mở cửa ra sân thấy thân hình một người đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh nằm trên góc thềm lên xuống, chiếc ba lô lính kềnh càng bên cạnh. Lật thân hình nằm nghiêng co quắp lại, ông hét lên không thành tiếng. Thằng Đán, nó đấy! Không thể nhầm lẫn được, với khuôn mặt quấn đầy băng trắng nằm đó, đôi mắt mở trừng trừng. Ông ngất đi. Người nhà vội đưa hai ông con vào nhà.
       Phải đến vài tháng trời nằm giấu mặt trong nhà, thằng Đán mới ra đến ngoài. Hàng xóm chỉ biết rằng, nó được thoái ngũ do không đủ sức khỏe tiếp tục chiến đấu. Vết thương trên mặt không còn dăn dúm ghê sợ nhiều lắm được giải thích do khẩu súng cướp cò, văng quy lát trở lại phá hỏng. Vậy thôi.
       Nửa năm sau, đám cưới thằng Đán diễn ra. Nó cùng vợ con ăn ở chung với bố mẹ. Ông Kính vẫn đi lại hơn hai chục cây số giữa cơ quan và xóm núi. Trông ông già đi hẳn và càng ngày càng lầm lì, ít nói, ít giao tiếp.
       Cuộc chiến chống Mỹ, sau những bom đạn, hy sinh, sao bao năm miệt mài "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" cũng đến ngày nở hoa chiến thắng. Đất nước, quê hương thống nhất. Sau hàng chục năm chiến tranh, những người lính thắng trận trở về. Phố xá, làng quê rộn tiếng cười vui, đầm ấm trong sum họp. Nơi quê nhà, ông Kính lặng lẽ nghỉ việc cơ quan sau chủ trương sắp xếp tinh giản biên chế, song lại nghe nói ông tự nguyện xin về hưu sớm. Người làng không mấy khi thấy ông ra khỏi ngôi nhà nấp dưới bóng hàng cây găng già nua. Thằng Đán nghe chừng lần này nghe lời cha, chí thú công tác nơi xí nghiệp thủy tinh. Duy có điều, nó cũng không mấy khi về thăm nhà như trước. Nếu có về, cũng chớp nhảo đủ để hú hí với vợ con. Chỉ trong gần chục năm, ba đứa trẻ nữa ra đời dưới mái nhà phố núi, ba thế hệ sống cùng nhau trong im lặng, không mấy giao tiếp với bên ngoài. Ở đất quê, đó cũng là cái sự lạ. Nhưng rồi, thiên hạ mải lo sống chung với những khó khăn sau cuộc chiến, không có ai để tâm đến việc đó làm gì. Gia đình ông Kính xưa nay sống trong làng vẫn thế, cán bộ thoát ly mà.
*
*     *

(Còn tiếp)