NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

SẸO NHỤC (TRUYỆN VỪA) - BÌNH DƯƠNG

(Kỳ 24)
(Tiếp theo kỳ trước)
       .......
       Họ rời khỏi chiếc hang bên suối đã được hơn mười ngày. Thằng Đán với chiếc ba lô của Lừ chứa đồ đạc tư trang của hai đứa, thắt lưng đeo chiếc bi đông nước. Thằng Lừ đi phía trước, tay cầm chặt con dao rừng không biết đã lấy được ở đâu và chuẩn bị từ bao giờ. Chiếc ba lô của thằng Thao - từ sau cú lao đầu xuống suối chạy trốn nỗi sợ hãi chết chóc đã là của thằng Đán, chứa mọi thứ đồ ăn, hai cơ số đạn, cộng với bốn quả lựu đạn đeo gọn trước bụng. Hỏa lực như thế xem ra cũng tạm ổn. So với trọng lượng đồ đoàn thằng Đán đang đeo trên mình, chiếc ba lô thằng Lừ trước bụng, gùi thịt sấy cõng sau lưng, có lẽ phải nặng gần gấp ba.
     
       Thằng Đán lúc đầu cứ đòi san bớt ra cho nó mang, song thằng Lừ không chịu: "Mày sao khỏe được bằng tao. Cứ đeo vậy đi, số thịt chỉ còn ngót chục cân ngày qua ngày sẽ vơi đi dần. Khi nào sức mày khá hơn, tao sẽ san bớt sang, đừng có ngại" Thế là, với khẩu CKC báng gập đeo vai phải, tay trái nắm con dao rừng nó đi trước mở đường. Họ bỏ mọi thứ đường mòn, và tự mở lấy đường xuyên qua khu rừng già. Đi đến đâu, thằng Đán đi sau lại kéo một cành cây rậm lá xóa dấu vết, làm đúng theo cái cách đi rừng của người Mông mà thằng Lừ hướng dẫn cho. Cho đến lúc này, sức nó đã khá hơn mấy hôm trước rất nhiều. Vận động vừa phải và ăn uống có chất đã giúp nó mau hồi sức. Riêng vết thương trên mặt, nó vẫn phải tiếp tục dưỡng thương bằng cách đắp lá, cứ vài bữa lại thay loại lá khác hoặc bớt đi lá này, thêm lá kia theo chỉ dẫn của thằng bạn đồng hành. Lừ bảo: "Mày kiêng được càng lâu, chịu khó đắp thuốc được càng nhiều thì vết thương càng lành lặn một cách chắc chắn. Việc này không vội được". Thằng Đán tăm tắp nghe theo và của đáng tội, mỗi lần thay băng, tranh thủ soi khuôn mặt lên vũng nước dưới chân, nó công nhận rằng phải từ từ. Trông một bên mặt của nó vẫn còn khiếp lắm, đến nó còn thấy hãi nữa là người khác. Duy có điều làm nó đỡ đi một chút là hai hàm trên và dưới bên phải bị mất đến hai phần ba số răng đã không còn tấy đỏ, đau chói. Nhai bằng lợi trệu trạo không còn thấy khó ăn như những ngày đầu. Việc ăn uống nhờ vậy mà đỡ hơn nhiều. Công bằng mà nói, sức vóc nó hồi phục được tới hơn tám phần so với hơn mười ngày trước. Số lương khô và thịt hoẵng giúp hai đứa giữ được sức, thêm được sự dẻo bền, song thằng Lừ vẫn không yên tâm. Nó bảo: "Khi nào số lương ăn này vơi non nửa, ta sẽ phải đi lệch hướng đi đôi chút để tìm kiếm thêm đồ ăn dự phòng". Vẫn theo cái cách đã làm trước đây, nghĩa là phải dành thời gian tìm kiếm các kho chứa bí mật giữa rừng mà bộ đội ta găm lại trên đường hành quân. Phía Tây được thằng Lừ xác định bằng cảm quan sống trong rừng từ bé của nó, ngoài định hướng bằng ánh sáng mặt trời, còn bằng cả dáng cây, những bướu lồi, bướu cụt trên thân cây lâu năm, rồi vòm lá, đường đi của thú hoang…Họ đi trong yên lặng, đầu óc và mọi giác quan căng lên cảnh giác. Ngoài tiếng dao phát cành mở lối gọn sắc của thằng Lừ ra, hai đứa không trao đổi gì nhiều. Cần thì dừng lại, thì thào to nhỏ lại đi tiếp. Cứ thế ngày đi, đêm trèo lên tán cây rừng nghỉ. Với cái cách đi như thế, mỗi ngày chúng chỉ dành được tám chín tiếng đồng hồ là cùng cho việc tiến về phía trước. Họ cũng không cần phải vội vàng, vì sự cảnh giác va chạm địch cũng có mà vì để dành sức đi nhiều ngày cũng có. Việc ăn uống thì khỏi phải nói, nhanh gọn, dè sẻn và vừa bụng. Nước uống thì rất dư dật. Thằng Lừ biết rất nhiều nguồn nước tự nhiên trên các búi dây leo chằng chịt, trên các hốc cây đọng sương đêm hoặc nước mưa dọc đường. Chiếc bi đông cứ vơi đi lại đầy. Chỉ vất vả với lũ vắt. Cứ mỗi khi phải vượt qua rừng khộp hoặc tre luồng là vắt theo rào rào như dơi, sóc chuyền cành. Đầu, cổ, tay chân, bất cứ chỗ nào hở lộ da thịt là quay đi ngoảnh lại đã thấy chúng bám vào. Thằng Lừ phải vận hết kinh nghiệm chống vắt, kiếm nhựa lá rừng thích hợp bôi lên da thịt mới hạn chế bớt được vắt cắn. Thàng Đán thì vất vả hơn, vì ngoài việc băng mặt không kín được, lại không thể bôi sát những lá cây lạ như thằng Lừ. Có thứ lá nó bắt chước bạn sát lên da là ngứa rát không chịu được, từ bé nó đã là đứa dữ da nên đành chịu trận. Cứ thấy vắt bám vào da chỗ nào là gạt chỗ đó, không kịp thì tự lũ vắt ngậm no máu rồi nhả ra. May mà, những trận chạm vắt như thế không nhiều và không thường xuyên. Con đường hai đứa mở ra ít nhiều cũng không vướng vào những khu vực như vậy. Phần lớn rừng già Trường Sơn là cây lâu năm, nào gõ, nào máu chó, trám, lim vạm vỡ, rậm rạp. Vả lại, mưa rừng đã bớt hẳn mấy ngày nay, trời có vẻ  khô nóng hơn khi tiến về phía Tây.
       - Im lặng!
        Thằng Lừ gắt khẽ, tay kéo thằng Đán nằm xuống. Chưa kịp quan sát kỹ, thằng Đán đã thấy thằng Lừ dán chặt người xuống đất, trườn nhanh về bên gốc cây gõ cỡ hơn vòng tay ôm bên trái. Rồi rất nhanh, nó leo lên phía trên, tay ngoắc ra hiệu cho thằng Đán lên theo. Cái tai thính tiếng rừng già của thằng Lừ quả rất lợi hại. Từ hai chạc cây trên cao, nấp kỹ trong đám lá rậm rạp, thằng Đán nhìn thấy phía xa, cách vị trí hai thằng đang nấp kín trên cây cỡ tám chín trăm mét có mấy bóng áo rằn ri đụng đậy. Bốn thằng. Phía sau, chắc còn nữa. Bọn thám báo! Thằng Lừ nhăn mặt ra hiệu nằm im, không được để lộ vị trí. Phía dưới đằng xa, bọn thám báo dò dẫm từng bước. Chính chúng cũng ngại chạm mặt đối phương. Để ý kỹ, có một thằng lưng đeo máy thông tin, chiếc cáp nghe gắn chặt hai bên tai nó và miệng thì mấp máy liên tục. Bọn này là bọn đi tiền trạm. Bọn phía sau mới nguy hiểm. Bỗng dưng, mấy thằng đứng quây lại, áp lưng chĩa AR15 ra bốn phía. Có tiếng động đằng xa, một con nai rừng phóng vọt qua, chạy như tên bắn trước mấy mũi súng. Không thấy chúng phát hỏa. Chỉ thấy cả bọn chuyển qua hướng đông bắc, từ từ chuyển dịch. Trên cành cao, hai đứa bọn thằng Đán áo xanh lẫn trong màu lá, im phắc. Trời đã cuối chiều, chắc mấy thằng thám báo nhận được lệnh tập kết, rút quân. Thằng Lừ nhẹ nhàng trườn đến bên thằng Đán, lúc này mặt mũi trắng bệch, hai bàn tay bấu chặt đến đỏ cả đầu ngón tay lên cành ngang. "Không xuống bây giờ. Nằm yên đấy, nghỉ luôn trên này qua đêm. Chờ chúng rút xa, vận động lên phía trên cao kia, giăng võng nghỉ!" Thằng Đán nhìn Lừ bằng đôi mắt đã chực dại đi, lập bập gật đầu ra ý hiểu. Nỗi sợ hãi súng đạn lại ngự trị trong lòng nó. Sau sự cố bất ngờ ấy, hai đứa không gặp thêm bất cứ tình huống nào nghiêm trọng. Chiến trường im tiếng súng phía trước như nén chặt lại chờ cuộc chiến trở lại gay gắt trên chiến trường B5.    
       Đã cuối mùa mưa, trở ngại thời tiết phần nào cũng không mấy gây khó cho cuộc tìm kiếm đường về đơn vị của hai con người tình cờ gặp nhau giữa chiến trường. Đông xuân bảy mươi hai, bảy ba chiến trận có phần tạm hạ nhiệt do Hiệp định Pa ri vừa được ký kết. Nhờ thế, họ đi được nhiều hơn, nhanh hơn. Chuyến đi bắt đầu từ hơn một tháng rồi, cảm giác về con đường vận tải Trường Sơn Tây đã gần hơn với họ. Lương ăn không còn mấy nữa, thằng Lừ vận dụng hết khả năng tìm kiếm cũng chỉ nhỏ giọt thêm được thêm vài ba ngày ăn. Cái đói có thể đến bất cứ lúc nào. Hai đôi giày đã nát tươm và được thay bằng hai đôi dép lốp đúc dự phòng, vết thương trên mặt thằng Đán ăn da non râm ran. Dấu hiệu này cho thấy, rồi đây có thể khuôn mặt nó khi lành trông sẽ bớt khủng khiếp hơn. Thằng Lừ có lần đã leo lên chót vót ngọn cây bên đường, phóng tầm mắt hướng về phía trước. Khi xuống đến gốc cây, nó tươi tỉnh bảo thằng Đán: "Chỉ hơn hai ngày đường nữa là bọn mình gặp đường vận tải Tây Trường Sơn!" Quả thật, trong một đêm nằm dài trên chạc ba cây bằng lăng vạm vỡ giữa rừng già, cả hai chợt nghe thấy ầm ì tiếng động cơ từ phía xa vẳng lại. Vậy là thằng Lừ đã chọn chính xác đường tuyến. Tuyến đường vận tải Tây Trường sơn đang ở rất gần. Chặng đường vất vả, khó khăn dài dằng dặc và đơn độc hai đứa vừa vất vả vượt qua chợt như lùi đi rất xa, đồng đội của họ đã ở đâu đó phía trước. Sức khỏe của thằng Đán đã hoàn toàn hồi phục, các thứ mang vác lại đã vơi vợi đi rất nhiều. Tuy thế, chiếc ba lô của thằng Lừ mà thằng Đán đang đeo vẫn nhẹ hơn rất nhiều so với chiếc ba lô đựng đồ ăn còn lại và những đạn dược, lựu đạn mà hai đứa có được. Mặt mũi hai thằng giãn ra, cũng bõ công chuyến xuyên rừng, vượt suối. Cái cô độc, cái lo chết mất xác dọc đường không còn nữa. Thằng Lừ có vẻ hứng chí, những va đập chiến trường và ước muốn tham gia chiến trận của nó thu hút tâm trí nó còn nhiều hơn cả sức tưởng tượng của thằng Đán. Tuy cũng phấn khích theo, nhưng thằng Đán bụng bảo dạ: "Thôi thì thế nào cũng phải theo. Đây là chiến trường". Hình ảnh thân xác nát bấy của thằng Thao lại quẩn quanh trong tâm trí. Dẫu sao, những tháng ngày vừa qua, nó cũng có bạn đường, và lạy giời… vẫn còn sống.
....
(Mời xem tiếp kỳ sau)


Không có nhận xét nào: