….Thuở nhỏ, thằng cu Đớn - ấy là cái tên
cúng cơm của lão Đán- vốn đen đủi, bị ông bố ghét bỏ nhất trong đám trẻ con
trong nhà. Ông Kính - bố thằng Đớn, không chỉ ghét nó bởi cái tính lươn lẹo,
dối trá, lớn đầu mà lại sinh tật thó vặt bất kể thứ gì từ của trong nhà đến của
nhà người. Bố nó còn thậm ghét nó ở cái tội hèn. Chính ông từng chứng kiến nó chịu
nhục chui qua gấu váy con mẹ bán bánh đúc ngoài chợ khi bị bắt quả tang thó của
bà ta mấy hào lẻ giắt lưng. Sợ bị bà ta túm gáy đưa về giao cho bố mẹ, rêu rao
khắp xóm thằng Đán vội vã van lạy xin tha và chấp nhận làm cái việc thối tha đó
bên gốc đa mé chợ. Bất chợt vừa về tới ngã rẽ, nhìn người đàn bà đứng chống
nạnh xoạc chân bắt thằng ôn con lổm ngổm bò giữa hai chân, ông Kính lặng đi đến
mụ cả người. Thay vì đến xin với người đàn bà nanh nọc kia tha cho thằng con hư
hỗng, ông lại tránh đi lối khác để mặc thây nó chịu cái sự nhục nhã cho nó biết
thân biết phận. Chẳng bao giờ thằng cu Đớn biết được điều đó. Nhưng có dễ đến
cả nửa năm sau đó, ông Kính không buồn nhìn vào cái mặt hèn của thằng con lâu
quá một phút. Của đáng tội, dù ông từng nghĩ thầm trong bụng rằng, nếu kể tội
nó ra, đánh cho nó một trận đòn thừa sống thiếu chết đi nữa thì cũng chẳng thể
xóa được cái cảnh huống nhục nhã mà ông đã đích mục sở thị. Kẻ có chút học hành
như ông cứ nghĩ đến cái bản mặt đần ra của thằng con dưới gầm váy mụ đàn bà là
cảm thấy như mặt mình có nhọ. Việc duy nhất mà ông ban cho nó là sửa tên nó
thành thằng Đán. Sửa cái tên thằng con có vẻ là việc dễ làm nhất mà ông chọn để
vơi được nỗi đau trong lòng. Biết vậy cũng là hèn đấy, nhưng biết làm sao đây!
Cái tên cũ của thằng bé cứ như quả tạ đeo trước trán ông vậy.
Đang là một anh nhân viên quèn cho một
cửa hàng vật phẩm văn hóa trên phố huyện, cách nhà chỉ hơn chục cây số đường
núi vậy nhưng thi thoảng cả tháng ông Kính mới tạt về nhà, có khi vài ba tháng
một lần. Không phải ông bỏ bê vợ con gì, nhưng vài ba đồng lương còm thời gạo
sổ, chút thực phẩm tất tật bằng tem phiếu kiểu “cơm tập thể, giường cá nhân”
thì cái sự đi về thăm nom nhà cửa bằng chiếc xe đạp cà tàng có vẻ là hơi vẽ sự.
Vợ ông, yên phận thường dân làm xã viên hợp tác ngày ngày bán mặt cho đất, bán
lưng cho trời gắng đổi lấy vài chục ngày công đủ sống nuôi bản thân, việc ăn
học của con cái và giữ yên cái "hậu
phương" cho ông chồng cán bộ đâu cũng dễ dàng gì. Hễ cứ ăn bớt được chút giờ
công sản xuất hợp tác nào là mụ lại bươn bả với mảnh đất phần trăm hòng thêm
cặp chút thóc gạo chăn đàn con lóc nhóc. Mà cũng thật lạ, ăn tiêu chả biết thế
nào là đủ mà lũ trẻ cứ ngồng ngỗng tự lớn kiểu củ khoai cái tấm. Đứa nào học
được cứ học, đứa nào khó quá cho đứt ngang luôn, ở nhà chăn trâu cắt cỏ cho hợp
tác kiếm lấy chút công điểm. Ấy vậy cho nên, tuy là đứa lớn trong nhà mà thằng
Đán lại được học hành lâu hơn mọi đứa khác. Nó chẳng phải nhường nhịn cái sự
học cho đứa nào cả, chung quy chỉ vì nó học cũng làng nhàng, mỗi năm đủ lên
được một lớp dù không giỏi giang xuất sắc gì. Ở nơi phố núi này, học hành được
như cu Đán đâu có nhiều. Mỗi tuổi mỗi lớn, cái mà nó vỡ vạc được thêm ra lại là
cái điều rằng làm cái thằng hèn, muốn yên thân phải biết thêm cái phận lụy. Thằng
Đán biết lụy mọi thứ, nhũn như chi chi trước bất cứ đứa lớn hơn hoặc có sức
vóc, khôn lanh hơn. Biết bợ đỡ người có uy hơn mình và chịu luồn cúi trước
người có quyền. Lúc ấy, người có quyền đối với nó là mấy ông thày có chức sắc
trong trường, từ ông hiệu trưởng hiệu phó, ông giáo chủ nhiệm đến đám nhóc con
lớp phó lớp trưởng, chi đội thiếu niên, tổ trưởng nhóm trưởng… tất tật những ai
mà trước cặp mắt ngơ ngáo của nó “biết lườm, biết nẹt” cái thân hèn của nó là
nó tự biết cúi gằm cái bản mặt nó xuống. Ở tuổi nó, như vậy cũng đáng kể là vọc
vạch biết khôn. Thằng Đán không có bạn, ở đâu cũng thấy nó đơn lẻ và luôn lẽo
đẽo theo sau chúng bạn cùng trang lứa. Bọn trẻ con phố núi lúc đầu thường trêu
chọc, bắt nạt nó. Nhưng mãi rồi thấy nó hèn kém quá đâm chẳng buồn đụng đến nữa
vì cũng thấy quá ngán cho cái thân nó, đùa cợt bắt nạt mãi cũng thành nhàm, thà
kiếm trò chơi khác còn hơn. Ở trường đã vậy, còn ở nhà thì nó lại lì lợm. Có
khi nổi cơn lên, do vất vả khó khăn cũng có mà do bận mọn đau ốm sinh bực mình
cục tính cũng có, mẹ nó cứ đòn gánh quất cả lũ. Đám em nó đứa thì lu loa, đứa
thì khóc hậm hụi chứ riêng thằng Đán thì tuyệt không; không la hét, không xin
xỏ, đến nhăn mặt nhăn mũi, mếu máo cũng không nốt. Nó cứ lì ra, mặt mũi không hề
biểu lộ chút dấu hiệu khổ sở oán hận gì. Duy có đôi mắt thằng Đán, nếu để ý kỹ
sẽ thấy thoáng chút tia sắc lạnh hắt lên, một chút thôi như cái dấu chéo đánh
dấu nỗi hẩm hiu, nhục nhã của riêng nó. Vì thế thuở bé, nhắc đến nó, người lớn
thường xem nó là đứa trẻ lì lợm, hèn hạ. Ngữ ấy lớn lên không hiểu làm được cái
trò trống gì. Song người lớn đâu có biết, trong cái đầu bé nhỏ của nó, nó cũng
có những ham muốn của riêng nó mà cùng với năm tháng những dấu hiệu tưởng như
lặn kỹ trong gan ruột nó mới dần xuất lộ theo cái kiểu riêng của thằng bé, lì
lợm thì đến hết mức mà lạnh lùng, bạc ác, bất chấp cũng thành tinh. Âu đó cũng
là cái chất người của thằng cu Đán chăng? Chỉ biết rằng, dù cái sự học của nó
có suôn sẻ hơn lũ trẻ trong nhà thì cũng chỉ đến hết lớp bảy là kịch. Bố mẹ nó
không thể để nó học thêm được vì nếu lên cấp ba, thằng bé phải khăn gói sang
huyện bạn cách nhà cả ngày đường mới có trường mà học. Lấy tiền đâu, gạo đâu mà
theo được. Thời đó, hết lớp bảy cũng đã là có học lắm rồi, đi công nhân hoặc chạy
cái chân cán sự mèng cũng "oách" chán. Trên phố huyện chẳng có khối
ông bà cán bộ văn hóa chỉ lớp ba lớp bốn, “bổ túc công nông nhảy chồm chồm” mà
cũng nên ông nên bà cả đó sao. Cứ trông cái lão cửa hàng trưởng cửa hàng thực
phẩm mặt mũi béo nhờn hay con mẹ trưởng cửa hàng bách hóa huyện với dáng đi
khạng nang thì khắc biết. Chỉ có điều, nếu vươn được đến thế thì gia đình thằng
Đán chưa biết nhờ cửa nào, mà chắc cũng đâu có dám mơ. Thực ra thì, cái thân nó
cho đến lúc đó học đến thế biết thế, cha mẹ nó cũng chẳng ai ước mong kỳ vọng
gì. Mà kỳ vọng gì ở nơi xóm núi heo hút ấy kia chứ. Lớn lên cứ cái cày theo đít
con trâu vẫn chẳng là cái sự chọn lựa như nhiên của khối con cái nhà nông trong
làng, như rất nhiều thân thuộc họ hàng, của anh em nhà thằng Đán đó sao? Nó đâu
có phải là ngoại lệ?
*
* *