HÀ NỘI VÀ TÔI
Tôi xin mượn tên bài hát “Hà nội và
tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh làm tiêu đề cho bài viết của mình trên Blog cá nhân “Tự
khúc thu” (https://665bacson.blogspot.com) nhân sự kiện kỉ niệm 70 năm ngày Giải
phóng Thủ đô Hà nội (10/10/1954 – 10/10/2024) để bộc bạch đôi điều nỗi niềm của
mình trước sự kiện nổi tiếng này.
Hà nội vốn là quê hương của tôi – cả quê
nội lẫn quê ngoại. Ông thân tôi là người làng Mọc, Hạ Đình (nay thuộc quận
Thanh Xuân, Hà nội). Thân mẫu tôi là người xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa (Hà đông
xưa nay thuộc về Hà nội). Trước ngày Giải phóng thủ đô 10/10/1954 gia đình tôi cư
trú tại số nhà 161 Trần Nhật Duật, có hướng trông ra cột đồng hồ giữa ngã ba
tuyến đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật tại điểm giao cắt với các phố Hàng
Muối, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Chĩnh. Nơi ấy, dưới chân chiếc cột đồng hồ, Tôi – một
cậu bé năm tuổi bé nhách thường bám chân các anh chị lớn hơn tối muộn còn loanh
quanh bắt cà cuống đem về cho các Mẹ ngâm nước mắm cà cuống mà giờ đây vẫn có không
ít người còn chưa từng biết đến hương vị đặc biệt của nó. Bữa các đơn vị quân
Pháp rút khỏi thành phố hồi 16 giờ ngày 9 tháng 10 năm 1954 lên cầu Long Biên,
qua chấn song cửa sắt kéo tầng một, ngôi nhà 161 Trần Nhật Duật, cũng cậu bé 5
tuổi đó cùng lũ trẻ con cùng nhà túm tụm chen nhau bám từ phía trong chiếc cửa
sắt kéo ngó ra nhìn những người lính lê dương da đen lầm lũi đi trên phố rút lên
cầu Long Biên ra khỏi thành phố…Hà nội trong tôi không chỉ có vậy. Trên người
tôi còn in dấu hai vết sẹo không thể xóa khi sinh sống trong ngôi nhà này. Một
do cú trượt chân ngã sấp mặt từ lối xuống trên chiếc cầu thang sắt trên sân thượng
xuống chiếu nghỉ tầng kế tiếp – ngôi nhà có ba tầng. Cú ngã dẫn đến việc tôi phải
nằm nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện hữu nghị Việt Đức) hơn một tháng trời
điều trị và để lại một vết sẹo dài trên mi mắt trái. Cũng tại ngôi nhà đó, trong
một bữa cùng cô em gái “chầu hẫu” chờ một bác thợ nấu đường phên làm nước màu
chế thêm vào nước mắm – nhà bà chủ nhà có cửa hiệu bán nước mắm Nghệ ở tầng một;
kiếm muỗng mạch nha mà bị một giọt đường nóng bắn lên mu bàn chân bị bỏng. Vết
bỏng để lại thêm vết sẹo nữa bằng đồng bạc hoa xòe lại cũng nằm bên chân trái
cùng phía với vết sẹo phía trên…Năm 1956, vì công ăn việc làm của Bố tôi, gia
đình tôi chuyển cả theo về Hải Dương sinh sống. Nhưng Hà Nội luôn là gốc gác của
tôi. Khi trưởng thành, hơn bốn năm học Đại học (1967 – 1972) tôi cũng thường la
cà khắp phố ở Hà Nội. Và dù đã chuyển cả gia đình về Hải Dương sinh sống làm ăn
từ 1956 Ông bà tôi vẫn dựng vợ gả chồng cho hai trong số sáu đứa con sống ở Hà
Nội - ông anh cả và cô em gái kế tôi cho gần …quê. Hơn 4 năm ăn học ở Hà nôi, kể
cả sau này khi làm nghiên cứu sinh cao học ở Hà Nội tôi vẫn ở với bạn bè trong
kí túc xá Đại học nông nghiêp I (Châu Quỳ Gia lâm), Đại học Văn hóa (Đê La
thành, Ô chợ Dừa) – Hà nội. Những năm sau này, do công việc yêu cầu, lúc tham
gia các Hội nghị, hội thảo của ngành tại Hà Nội…tôi vẫn coi Hà Nội là nhà. Đến
cả hiện nay, khi các cháu trong nhà lập gia đình các cháu lại cũng làm dâu người
Hà Nội. Nói vậy để biết, gốc gác dây dẫn Hà Nội trong tôi “hơi nhiêu”.
Từ Hải Dương, suốt trong ngót 40 năm
công tác cứ mỗi dịp trở về Hà nội đôi ba bữa, có khi cả tháng trời, tôi luôn
mang tâm trạng an bình, dễ chịu dù Hà nội mỗi năm mỗi khác, mỗi thời mỗi khác.
Tâm trạng này khác hẳn trạng thái “làm khách” nếu qua lại, ăn ở, sinh hoạt mỗi
khi dừng nghỉ ở địa phương khác trên dải đất hình chữ S này. Công tác ở lĩnh vực
Văn hóa tôi từng làm nghề Thư viện, làm giảng viên trường trung học văn hóa nghệ
thuật của tỉnh, làm Quản lí một lĩnh vực hẹp về Nếp sống văn hóa, Lễ hội và Gia
đình của Sở VHTT&DL. Nhớ lại những năm làm công tác bổ sung sách cho kho
sách Thư viện Hải Hưng (1972 – 1980) hầu như cứ vài ba tháng tôi lại có dịp về
Hà nội “tác nghiệp”. Cũng là một trong số ít cán bộ bổ sung kho sách của các
thư viện “đeo đuổi” xu hướng bổ sung sách ngoài hệ thống phát hành nhằm làm
phong phú thêm vốn sách Thư viện. Cơ quan nào (Vụ, Viện các Bộ, các cơ quan
Trung ương, các trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu, các cơ quan thông tấn…)
có tài liệu xuất bản nội bộ là tôi đến tận nơi. Chính vì thế, trong kho sách thư
viện Hải Hưng giai đoạn 1970 – 1980 có khá nhiều những tên sách, tài liệu quý
hiếm mà không phải thư viện nào cũng đem về được cho vốn tài liệu nội bộ trong
kho sách của mình. Từng có các cán bộ bổ sung sách của vài ba thư viện tỉnh
thành “ăn dầm nằm dề” vài ba tháng, một năm ở Hà nội chỉ để săn chọn tài liệu nội
bộ và sách chuyên đề phát hành ngoài hệ thống phát hành sách báo nhà nước. Tôi
là người có ưu thế hơn hẳn họ do ăn ở sinh hoạt khi ở nhà Bà cô ruột, khi bên
bác gái gọi Bà thân sinh ra tôi là Dì ruột, khi lại “lãng đãng” tá túc bên nhà
Bác trưởng của tôi. Đơn cử như các tài liệu nội bộ (đọc hạn chế) của VNTTX, bộ
Bản đồ Địa chất, khí hậu Việt nam của Đài Khí tượng thủy văn TƯ thuộc Cục Địa
chất bản đồ, các tài liệu về nông lâm nghiệp, chăn nuôi thú y của các cơ quan
nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiêp, Tổng cục lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Viện
Chăn nuôi Thú y, Viện giống cây trồng, Viện giống gia súc…; các tài liệu khoa học
của Viện nghiên cứu khoa học Nghĩa Đô, về Y dược học của các cơ quan nghiên cứu
chuyên ngành thuộc Bộ y tế, Hội Y – Dược nhọc, tài liệu sách in nội bộ của Viện
văn học, Viện sử học, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Triết học, UBKH xã hội,
UBKHKT nhà nước, Ủy ban Kế hoạch nhà nước, một số Bộ ban ngành khác, các trường
Đại học Tổng hơp, Bách khoa, Trường Y, Trường dược, Đại học Mỏ địa chất, Trường
Đại học nông nghiệp I, II; các trường quân sự thuộc Bộ quốc phòng, trường cảnh
sát công an…v..v. Thậm chí có cả các tài liệu đọc hạn chế. Cơ sở tài liệu này
giúp Thư viện Hải Hưng giai đoạn đó là một trong số ít Thư viện tỉnh đi đầu
trong hệ thống Thư viện công cộng nhà nước sớm xây dựng được các Kho chuyên đề
như kho Sách tra cứu, Kho đọc Địa chí, Kho dọc sách nghiên cứu. Thậm chí cả đến
sách Ngoại văn (chủ yếu là tiếng Nga, Trung, Pháp) mua trực tiếp hoặc đặt mua từ
các nhà xuất bản Ngoại văn, đặt mua qua hệ thống phát hành sách ngoại văn, các
cơ quan được phép mua bán trao đổi sách nước ngoai…So với một số Thư viện TW, Thư
viện chuyên ngành kho sách tiếng nước ngoài của thư viện Hải Hưng cũng thuộc
hàng “đáo để”. Tất tần tật các thứ đó được thanh toán qua hệ thống ngân hàng nhà
nước Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Từ Liêm…qua Séc chuyển khoản hoặc
Bảo chi…Thời chưa có tài khoản thứ cấp, kế toán cấp cơ sở các đơn vị hành chính
sự nghiệp trực thuộc các Ty, Sở ban ngành; tôi được phép lên dự toán, giao tiếp
nhận lệnh chi chuyển khoản với Kế toán trưởng của Ty, Sở…Rồi cả tạ sách báo tài
liệu ấy mua được trên Hà Nội mỗi đợt khi thì theo chân tôi lên các toa tàu hỏa
thời bao cấp lèn chặt người và hàng hóa đủ mùi, lên chính chiếc xe đạp mỏng mảnh
thời “đi xe cố vấn, đũa săm lốp bốc thăm phân phối” lỉnh kỉnh “cà tịch cà tang”
từ Hà nội trở về Hải Dương. Nghĩa là vừa làm chủ hàng, vừa kiêm “bốc vác” lên
xuống các ga tàu, bến xe; hoặc xe khách, xe tải theo đường sắt tàu chậm, đường
5 thời chỗ cấp phối đất đá, chỗ rải nhựa đường từ thười thuộc Pháp về cơ quan.
Nếu thồ hàng theo đường bộ về nhà thì luôn có bốn chặng Như Quỳnh, Phố Nối.
Quán Gỏi, Lai cách dừng chân uống nước nghỉ ngơi. Những ông bà bán quán dọc đường
nơi dừng nghỉ thậm chí còn thuộc mặt “cán bộ lữ hành” thồ sách gầy gò, đen nhẻm,
thậm chí rất dễ nhớ vì luôn đội mũ lá, quần áo lúc như bộ đội phục viên, lúc bảo
hộ xanh công nhân “như thợ cơ khí, điện
lực, rải dây thông tin” thồ cả đống sách
hơn nhiều cơ quan liên hệ sách báo… Có vài ba các cụ, các bà bán quán
ven đường thậm chí còn thuận miệng gọi tôi là “Ông (Bác, chú…) lái sách” nghe
đã cả ruột; Nghỉ ngơi đôi chút, chỉ uống vội chén nước, “bắn” vội bi thuốc lào,
lau vội khuôn mặt đẫm mồ hôi rồi ì ạch nhờ các cụ, các bác, các ông các bà giúp
dìu đỡ phương tiện chuyên chở để lên xe tiếp tục hành nghiệp đường trường. Ấy
là chưa kể bữa nắng gắt, buổi mưa dầm, gió bấc giữa đường xa… Cũng nhờ công việc
giao tiếp với “các cơ quan trên Trung ương” ở Hà Nội của tôi mà giai đoạn những
năm 1970 – 1980, từ việc tìm kiếm sưu tầm và bổ sung những tài liệu phát hành hẹp
này mà tôi góp phần giúp hàng ngũ bạn đọc trong tỉnh có cơ hội tiếp cận với các
nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu hàng đầu quốc gia qua các buổi nói chuyện
chuyên đề, giới thiệu tác giả tác phẩm, sinh hoạt học thuật khoa học cứ vài ba
tháng lại được tổ chức tại Thư viện, nhiều khi có điều kiện còn tổ chức cho các
huyện lân cận trong tỉnh. Đó là các nhà
văn Xuân Diệu, Tế Hanh, Lê Lựu, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Hiến
(nguyên tùy viên văn hóa Đại sứ Việt nam tại Trung quốc), Trần Cư…; Các nhà
nghiên cứu văn học Hà Minh Đức, Hoàng Thiếu Sơn, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh…;
các nhà sử học Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Văn Tạo, Phan Huy Lê,Trần Quốc Vượng,
Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc; Các bác sĩ giáo sư Lương Định Của, Bùi Huy Đáp, Nguyễn
Tài Thu, Trần Xuân Bách, Nguyễn Lân, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn
Lân Cường …Nhiều kỉ niệm trong tiếp xúc, đưa đi đón về các tên tuổi nổi tiếng
trên lộ trình Hà nội – Hải dương và ngược lại vẫn còn đọng lại trong tâm trí
tôi….
Trong khuôn khổ những hoạt động văn
hóa nghệ thuật kỉ niệm 70 ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) Truyền
hình Việt nam đang giới thiệu công chiếu loạt phim truyện, phim tài liệu về thủ
đo Hà nội. Trong đó có những thước phim tư liệu về Hà Nội hết sức quý gía và
mang lại thật nhiều cảm xúc và hoài niệm cho mỗi người dân Hà nội và cả nước. Đặc
biệt Bộ phim “Hà nội trong mắt ai”của tác giả, đạo diễn, nhà làm phim Trần Văn
Thủy luôn được coi là một tác phẩm điện ảnh đẫm chất “chính luận” “Sử thi” có
thể sánh ngang những tựa phim tài liệu “Việt nam trên đường thắng lợi”, “Hà Nội
12 ngày đêm”, “Chuyện tử tế”(sản phẩm cũng của tác giả, đạo diễn Trần văn Thủy)…
Tôi được xem phim “Hà nội trong mắt
ai” lần đầu tiên vào năm 1983 ngay sau khi được phát hành - nhưng dưới dạng
“công chiếu hẹp”. Nay khi được xem lại cùng seri trong “Tuần phim tài liệu về
Hà nội” càng thấm hiểu những ánh sắc Hà nội được tác giả Trần Văn Thủy đem đến
cho người xem. Đó là một Hà nội dung dị, khiêm nhường, “cõng cả lịch sử quốc
gia, văn chương sử lược Thăng long hào hùng” mà yên bình ngay cả khi bom đạn
chiến tranh hàng ngày đe dọa cuộc sống từng con người trong các ngõ phố con đường,
đền đình miếu mạo thân thuộc tôi từng đi qua, ngắm nghía khi tuổi còn trẻ của
mình. Tác giả đặt trước người xem một phương cách nhìn nhận con người, cảnh sắc,
tiến trình lịch sử về Hà nội; không chỉ với người đương thời mà còn cả với các
thế hệ kế tiếp. “Hà nội trong mắt ai” không chỉ dừng lại ở cách dùng câu chữ ngôn
từ mà đòi hỏi một thái độ ứng xử hẳn hoi trước và với Hà nội khi đó – Tôi, bạn,
ông bà, anh chị nghĩ gì về Hà Nội, hiểu về Hà nội ra sao? Đến đâu? Và mong đợi
gì ở mảnh đât do cha ông chúng ta để lại?! Liệu những trăn trở mong muốn ấy có
chỉ ở hình ảnh người nghệ sĩ mù từng sống với Hà Nội giữa những sắc thiêng
Thăng long xưa, vang vọng âm thanh và sự nhắn gửi từ lịch sử ba mươi sáu phố
phường?!; Hay mong chờ một tương lai sống động, ồn ã hơn như từ các phương trời
khác xa vọng?! Giữa những danh lam thắng cảnh xưa an nhiên thật khác với những
tô đắp, màu mè mời gọi nay đang được nhấn nhá ở chính nơi những Đền đài miếu mạo
giữ hồn cốt lịch sử văn hóa Đại Việt xưa?!. Riêng tôi, tôi vẫn thèm được ngắm
nhìn những bức tường, mái ngói rêu xanh,
những vạt cỏ khiêm nhường, những dáng cổ thụ vạm vỡ xanh ngát bên những lối mòn
nền đất thâm nâu nơi Phủ Tây hồ, Chùa Trấn
quốc, Đền Bà Kiệu, chùa Ngọc sơn, Văn miếu Quốc Tử Giám xưa….Còn được cái xưa
cũ ấy mới thấy sự lớn mạnh, đồ sộ hiện đại nay đã từng được đổi bằng trí tuệ công
sức, máu xương hàng trăm năm xưa của các bậc tiền nhân, của cha ông ta thuở
mang gươm dựng nước, mở cõi tiên rồng với mong muốn mãi tự hào là con Hồng cháu
Lạc! Hà nội trong tôi nên vậy chăng?!
Một bài viết của tác giả Hoàng Nguyên
đăng trên “Nhân dân hàng tháng” điện tử, tháng 1/2023 đã cho ta những dòng bàn
luận dưới đây:
Từ bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt
ai năm 1982 cho tới giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vào tháng
10/2022 vừa qua, những thăng trầm thời cuộc đã theo đuổi đạo diễn, NSND Trần
Văn Thủy (ảnh bên) trong suốt cung đường bốn thập niên và đưa ông chạm tới đủ
"ái ố hỉ nộ" của đời người.
Chính tác giả, đạo diến , nhà làm phim từng tâm sự về “Hà nội trong mắt
ai” – đứa con tinh thần trước, trong khi và sống với người xem đương đại như thế
này:
…” Hà Nội trong mắt ai được thực hiện không theo phong cách chính luận
đương thời, cũng không có sự khoa trương, tự hào về những gì đang có. Đó là một
Hà Nội mang âm hưởng tha thiết, trong sáng và có chút ngậm ngùi từ tình yêu
dành cho nó của nhạc sĩ mù Văn Vượng và danh họa Bùi Xuân Phái. Là một Hà Nội với
vẻ đẹp về chiều sâu tư tưởng, về cách trị nước yên dân trong quá khứ. Với một Tổng
đốc Hoàng Diệu đặt văn bia ở Ô Quan Chưởng để cấm các chức quan sách nhiễu dân
lành. Một đền thờ Nguyễn Trãi - người để lại lời nhắn nhủ "mến người có
nhân là dân, mà người chở thuyền lật thuyền cũng là dân". Một chùa Bộc đặt
tượng Vua Quang Trung - trên đầu không thờ chữ Dũng, chữ Vũ hay chữ Uy, chữ
Linh mà chỉ có một chữ Tâm rực rỡ...”
Và…
…”Cười buồn, ông Thủy kể mình cũng không hình dung nổi việc để cảnh một
nhạc sĩ mù mở đầu và khép lại bộ phim có thể dẫn dắt tới những quy chụp nặng nề
sau đó. Cũng như chữ "ai" trong tên phim được phát hiện rằng không chỉ
là một đại từ nhân xưng, mà còn mang nghĩa ai oán, bi ai. Cũng như, mấy chữ
"thời phong kiến xưa" trong lời bình khiến ông khốn khổ trước câu hỏi:
Tại sao không phải chỉ là "thời phong kiến"? Nói vậy là có cả thời
phong kiến nay?...
Trở về nơi mình lớn lên, tưởng nhớ tiền nhân, lần về nội tâm nguyên sơ -
những điều ấy với Trần Văn Thủy là thứ quan trọng nhất để neo mình vào cuộc đời.
Giống như tới thăm nhà, mọi người thường ngạc nhiên khi thấy ông luôn thắp
hương trước khi trò chuyện. Ông kể, bàn thờ gia tiên đặt ở phòng khách là để tiền
nhân chứng kiến những điều mọi người nói và làm với nhau: Không giả dối và đối
đãi chân thành.
"Hà Nội đẹp và thiêng liêng bởi chiều sâu văn hóa lịch sử mà tiền
nhân để lại, chứ không hề có thứ bùa phép nào buộc người ta dành cho nó một
tình yêu lớn lao đến như thế" - ông nói. "Đến giờ, tôi vẫn luôn thấy
mình có lỗi vì từng không ý thức được rằng cha ông ta đã dày công, đã hoài vọng
với hậu thế đến mức nào...". Nhiều người tán đồng và thấu hiểu nội dung,
nghệ thuật, tư duy sáng tạo của Ông.
(Trích bài viết “Hà Nội trong mắt... Trần Văn Thủy của nhà báo Hoàng Nguyền
đăng trên “Nhân dân điện tử hàng tháng”.- Thứ năm, ngày 12/01/2023 - 11:20)
Hà nội sẽ còn thay đổi vóc dáng, to
cao lớn rộng trong tương lai và mai sau. Những câu từ được đặt để trong phim
“Hà nội trong mắt ai” rồi vẫn còn trong vài thập kỉ, vài thế hệ nữa. Con cháu
chúng ta sẽ còn cơ hội soi chiếu Hà Nội theo chỗ đứng của chúng, ven theo lịch
sử tạo lập, phát sinh, hình thành và phát triển của địa danh thiêng liêng này.
Giá không đang nhịp tuổi U80 như hiện nay, chắc chắn tôi sẽ hòa mình vào dòng
người Thủ đô những ngày này để thêm một lần “sống với Hà nội”, tựa ký ức của
mình vào từng con đường, ngõ phố Hà nội xưa và nay trong không gian hòa bình và
phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Từ bao kỉ niệm xưa cũ, “cảm xúc tháng
Mười” còn đó, tôi mong được chứng kiến một Hà Nội không dễ quên lãng không chỉ
lúc chuyển mùa, chuyển tiết, chuyển niên, chuyển thế hệ…
Để kết thúc những dòng tâm sự riêng
này, tôi lại xin mượn ca từ của ca khúc “Hà nội và tôi” của Nhạc sĩ Lê Vinh, âm
hưởng và cảm xúc đồng vọng với ngôn từ, mầu sắc, giai điệu của hàng trăm, hàng
ngàn bài ca, tứ thơ, tác phẩm âm nhạc, hội họa xin để kết thuc bài viết ngẫu hứng
của MỘT NGƯỜI MANG GỐC GÁC HÀ NỘI…
Nơi tôi sinh Hà Nội.
Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy.
Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó.
Đêm lặng nghe trong gió
Tiếng sông Hồng thở than.
Những ngày tôi lang thang,
Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội.
Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi.
Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi.
Tuổi thơ đã đi qua không trở lại.
Cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi.
Hà Nội ơi! Hà Nội ơi !
Cái ngày tôi chia xa Hà Nội,
Giờ ra đi mới thấy lòng tiếc nuối.
Những kỷ niệm một thời nông nổi,
Cứ thôi thúc hoài, khắc khoải nơi trái tim.
Hà Nội ơi ! Hà Nội ơi!
Khát vọng trong tôi, tình yêu trong tôi.
Thời gian có bao giờ phôi phai.
Như nước Hồ Gươm xanh vời vợi,
Như hương hoa sữa nồng nàn đắm đuối.
Bước chân tôi qua bao nẻo đường.
Vẫn mong một ngày trở về quê hương.
Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó.
Trong giấc mơ tôi vẫn thầm mơ.
Đêm tháng MƯỜI…
CÙNG NHỚ VỀ HÀ NỘI.
NGUYỄN HUY THIÊM
Tp,Hải Dương, 05 / 10/ 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét