NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

CÂY CẦU VÀ ẤN TƯỢNG TUỔI THƠ

            Tuổi thơ ấu, khái niệm "xa" và "to lớn" thường không cần sự tách bạch. Cái gì quá to, quá đồ sộ cũng được hình dung tương đương nhau như độ…dài quá, xa qúa. Cây cột điện cũng là "to", là "dài". Cây cầu cũng vậy, đã "to" là…dài. Chả thế, nói đến sự to và dài thường đám trẻ con thời chúng tôi thường thách nhau: "Đố chúng mày lên cầu Phú Lương đấy!?". Vâng, dân thị xã Hải Dương chúng tôi thời đó từ bé chí nhớn không ai không biết đến cái địa danh và cây cầu to vật này. Có điều, hiểu tường tận về nó thì lại là việc khác.

          Trong một bài viết cho cuốn sách "Tình thày, nghĩa bạn, tình trường không phai" được xuất bản nhân dịp "Kỉ niệm 58 năm thành lập, 55 năm nhà trường mang tên Trần Phú" của Trường PTCS Trần Phú thành phố Hải Dương tháng tư vừa qua, tôi có viết một đoạn thế này:
…" Đám trẻ con chúng tôi thời đó - Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, chắc trông phải "lơ ngơ" lắm nếu không nói quá lên rằng rất ..."thộn" so với trẻ con ngày nay.… Ngày đó, với chúng tôi đi ra khỏi nhà mà dám ra những chỗ như thế này là bạo lắm, bố mẹ biết là có thể "ăn roi" như bỡn. Ấy là ra tới "cổng Trông" gần bến xe khách Thị xã, nay là Khu Triển lãm, trước cửa Máy Sứ; ra đến vườn hoa "Con Cóc", nơi có bốn hay sáu con cóc ngồi quanh bồn nước phun chụm vào một tiểu cảnh- kiểu như vườn hoa nằm đối diện với Nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ), một bên là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một bên là Khách sạn Metroponle- Hà Nội ngày nay; hoặc qua chiếc cầu gỗ sang chơi gốc cây Si già trên đảo đất giữa Hồ Bơi - nơi đang là khu đảo giao thông giữa trục đường Tam Giang - Bạch Đằng - Trần Hưng Đạo - Đường Thanh niên ngày nay. Lứa chúng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh chiếc Cầu Cất mở lên mỗi lúc có tàu thuyền đi qua....Những bữa trốn mẹ đi tắm sông (chỗ đền Bờ sông- trông chéo sang bến đò Gốc Mít) trước cửa Ngân hàng nhà nước bây giờ. Những chuyến đi đầu trần chân đất ngất ngơ lên tận chân dốc cầu Phú Lương nhặt quả "tanh tách", thứ quả hai đầu nhọn hoắt có màu nâu nhấm tí nước bọt rồi lén bỏ vào sau cổ bọn con gái ...dọa. Hoặc nhặt "quả ké" một loại quả dại có nhiều gai, bỏ lên tóc nhau vò chơi. Mấy trò trẻ con ngày ấy chỉ quanh quanh vậy thôi cũng đủ để vui đùa hết ngày này qua tháng khác."…
"Vườn hoa Con Cóc", "Cầu gỗ hồ Bơi", "Cầu Cất", "đền Bờ Sông", bến đò "Gốc Mít" xưa…nay không còn nữa. Nhưng cầu Phú Lương thì…vẫn còn, không phải là một chiếc mà những…hai chiếc, cầu Phú Lương cũ cầu Phú Lương mới! Một cái bằng sắt, một cái bằng beton dự ứng lực. Song, ngay cả cây cầu bằng sắt thép bây giờ cũng không phải là cây cầu của tuổi thơ chúng tôi.
          Cầu Phú Lương thời đó (những năm 60) có năm nhịp dầm thép hình vành lược- có dáng tựa như cầu Trường Tiền (hay Tràng Tiền) bắc qua sông Hương cố đô Huế. Đi bộ qua cầu trên phần dành cho xe thô sơ và người đi bộ là một thách thức ngoài sức chịu đựng của đám trẻ con. Có đứa, đi được một quãng hãi quá chạy ù trở lại. Tôi thì dứt khoát, chỉ đứng xem bọn bạn thách nhau chứ chẳng có dám theo. Vì…"kinh" lắm! Tôi chỉ dám qua cầu cùng người lớn, ngồi sau xe đạp tay bám thật chặt vào yên xe hoặc ôm ghì lưng người lớn, qua được chỉ phần ba cầu là mắt nhắm tít lại…Cây cầu này trong chiến tranh phá hoại đã bị bom Mỹ phá sập, tàu hỏa qua sông phải đi trên cầu tạm kiểu như cầu phao mãi. Tới đầu tháng 4/1973 ngành giao thông mới khởi công xây dựng lại cầu Phú Lương và để lại hình hài như bây giờ. Tới cuối những năm 90 của thế kỷ trước khoảng năm 1997 - 1998 thêm một cây cầu Phú Lương ở thành phố Hải Dương đã được khởi công xây dựng mới, tách khỏi vị trí cầu cũ chạy chung với đường sắt; có khẩu độ thông thuyền 120 mét, chiều dài cầu 490.7(m), khổ cầu 2x10.5(m).
          Như thế, nay thì trên dòng sông Thái Bình đoạn chảy qua thành phố Hải Dương có 2 cây cầu cùng mang tên Phú Lương, một cũ một mới - một bằng thép và một bằng beton. Hai cây cầu sóng đôi trên cùng một đoạn sông qua địa bàn thành phố tạo nên hai cảm xúc khác nhau với người xa quê hương. Một anh bạn tôi sống ở Nha Trang, nói về cảm xúc hồi nhớ cây cầu xưa như thế này: "Nhớ cầu Phú Lương xưa hồi còn học cấp I, mỗi lần qua cầu nhìn xuống dưới sông thấy chênh vênh, run mãi đến tận bây giờ"…
          Và đây là những hình ảnh của cả hai cây cầu, mọi người cùng xem…
Cau Phu Luong cu - 1921-1935 (Nguồn Intenet)

Cầu Phú Lương (sửa năm 1973):







Cầu Phú Lương beton dự ứng lực (xây mới1997 - 2000)




Tháng 7/2015

Không có nhận xét nào: