NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

THỜI GIAN NHƯ "BÓNG CÂU"

        Trong sinh hoạt đời thường của người cao tuổi, việc nhớ về những năm tháng đã qua luôn là một thách thức đối với kí ức và tuổi tác. Khi chưa có điểm tựa công nghệ, mọi lưu giữ về thời gian đã qua chỉ trông mong vào trí nhớ và những ghi chép chữ nghĩa. Tuổi càng cao, trí nhớ suy giảm thì kí ức của thời đã qua bị cản trở với thói tật "quên quên, nhớ nhớ". Con trẻ chỉ biết trông cậy vào năng lực hồi nhớ của người cao tuổi để biết về những dấu mốc…"ngày xưa" của cha ông mình. Thật may mắn khi thế giới hiện đại đã cho con người vô số công cụ hữu ích không chỉ hình ảnh mà còn cả âm thanh về những câu chuyện trước đó cả hàng chục năm nhờ vào công nghệ ghi chép văn tự, âm thanh, hình ảnh…Và nhờ thế, kí ức xưa cũ, kỉ niệm qua từng năm tháng… đã có nhiêu phương tiện kỹ thuật hỗ trợ giúp phục dựng lại những dấu ấn của thời gian đã qua. Nhưng cũng bởi vậy, sự tiếc nuối thời gian đã qua lại trở nên ngày càng sâu đậm, thách thức không chỉ với các sự kiện mà còn cả …với "sức khỏe tinh thần". Cá nhân con người không chỉ thấy tâm trạng 'bồi hồi" trước cảnh xưa người cũ, mà còn "day dứt khôn nguôi" khi thời gian trong "thế giới phẳng" được công nghệ hỗ trợ nhiều khi đến mức "nhẫn tâm", "dày vò" với những sự kiện, sự vật đã trôi qua bởi thời gian và tuổi tác. Và rồi càng hiểu rõ hơn quá khứ đã thách thức và rèn giũa đời sống con người, tâm trạng tình cảm đến đâu khi thấm thía câu "Thời gian như bóng câu ngoài cửa" (thời gian qua nhanh; thời gian như bóng câu qua khe cửa - thời gian qua nhanh như bạch mã lướt nhanh qua khe cửa).- (白驹过隙 Hán Việt: BẠCH CÂU QUÁ KHÍCH) (mời tra trên Google). Người Việt còn nói: “Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ”…Hoặc cảm thán đến mức "Chao ôi! Chỉ mới đó thôi! Vậy mà…". Tuổi càng cao, nỗi niềm này càng trở nên nặng nề trong tâm trí…
           Mười năm trước (từ ngày 26 - 28/11/2013), nhờ sự cố gằng của một số hội viên Hội sử học, Cựu nhà giáo, văn nghệ sĩ tỉnh Hải Dương; một chuyến thăm Hà Giang tới Công viên đá Đồng Văn - đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu), nhà cổ Vua Mèo Vương Chí Thành Dinh thự họ Vương xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang, và cột cờ Lũng Cú được tổ chức. Trong đoàn có cả những nhà giáo xấp xỉ tuổi tám mươi, ngoài bảy mươi đã cùng làm một chuyến du khảo mà với cá nhân người viết bài này đây là lần đầu tiên có cơ hội được tới những địa danh này. Chuyến đi thật ý nghĩa, tâm thế thật nhẹ nhàng bởi cách tổ chức và hoạt động thật đơn giản mà bảo đảm sức khỏe. mục tiên du khảo. Năm đó, hoạt động du lịch chưa rầm rộ như bây giờ, phong vật giản dị đơn sơ như vốn có, không màu mè thương mại như ngày nay. Đường sá vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, ghập ghềnh…Mọi thứ trên đường, cảnh vật dân dã và gần gũi thật hấp dẫn cuốn hút.
         Nay xem lại, mới thấy mười năm trước gần vậy mà vẫn thật xa, ký ức chưa thể mờ nhòa đã thấy tiếc nuối cảnh xưa, người cũ…Nhân trên Facebook, một thành viên trong đoàn (Ông Phạm Văn Tiếp) đưa lại vài tấm ảnh cũ, chợt thấy muốn lục tìm lại cảm giác xưa để nhận thấy hiện tại đã khác nhiều. Không chỉ là "bóng câu", mà đã là một động thái "chép miệng, thở dài". Đăng bài viết này lên để thay cho cảm giác hồi nhớ và nhìn lại những hình ảnh đã qua trên một tập hợp những tấm ảnh chụp đã lưu giữ lại năm đó…
          Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới đó mà mười năm đã trôi qua. Các Cụ tham gia chuyến đi "dựng ngược" trạng thái hồi nào vẫn sống vui vẻ, khỏe khoắn. Nay nhìn lại, với nhiều Cụ câu chuyện là "một thời tuổi trẻ" đầy cuốn hút đam mê.
        Từ chuyến đi cách nay mười năm, người viết bài này cho rằng câu chuyện thời gian với lớp người cao tuổi không chỉ là chỉ dấu vật lí. Đó còn là một dấu hiệu sinh học đáng kể. Phải chăng, với lớp người già từ ngoài "thất thập" trở ra, thời gian không chỉ mang giá trị Lý - Sinh mà còn là chỉ dấu TUỔI TÁC - SỨC KHỎE….Bạn hãy cùng xem những hình ảnh sống động này xem có phải vậy không nhé!!!































Hải dương, 25 tháng 2 năm 2022






Không có nhận xét nào: