Vào ngày Ông Công ông Táo 23 tháng chạp năm nay, Thư viện tỉnh Hải Dương lại tổ chức “Triển lãm Thư pháp Hán nôm” đồng thời với trưng bày báo Xuân 2024. Hoạt động này đã trở thành thông lệ hằng năm. Năm nay điều này trở thành một sự kiện đáng nhớ- cuộc Triển lãm thư pháp cán mốc hơn 25 năm tổ chức, thành lập Câu lạc bộ Thư pháp Hán nôm Hải Dương do Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội sử học tỉnh liên tục đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Trước khi nói về sự kiện này, cũng cần nhắc đến một sự kiện trước đó xuất hiện vào năm 1999. Đó là năm Nhóm biên soạn do các Ông bà Tăng Bá Hoành (chủ biên), Nguyễn Huy Thiêm, Nguyễn Thị Quế, Hà Trí ra mắt cuốn sách “Tiến sĩ Nho học Hải Dương”. Sách do Hội đồng biên soạn địa chí tỉnh Hải Dương xuất bản, 168 trang khổ 19x27, số lượng in 1500 cuốn. Bìa do Cố họa sĩ Phạm Trí Tuệ thiết kế. Cuốn sách giới thiệu 637 vị Tiến sĩ Nho học người Hải Dương được các nhà nước phong kiến Việt nam công nhận từ khoa thi tuyển chọn nhân tài đầu tiên năm 1075 đến khoa thi nho học cuối cùng vào năm 1919. Như lời giới thiệu cuốn sách khi xuất bản lần đầu năm 1999 thì “…Theo kết quả nghiên cứu hiện nay, từ khoa thi đầu tiên đến khoa thi cuối cùng, Hải Dương có số tiến sĩ nho học lớn nhất cả nước, tính theo đơn vị tỉnh, thành phố. Sau khi thi đỗ, hầu hết các vị đại khoa đều tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiều người làm nên sự nghiệp lớn, trở thành danh nhân, nêu gương sáng cho đời sau…”. Cuốn sách cũng là công trình tập hợp và diễn giải đầu tiên về sự nghiệp và quá trình cống hiến của các vị hiền tài xứ Đông trong suốt quá trình lịch sử đất nước thời phong kiến. Cuốn sách cũng kèm theo hàng loạt bảng tra cứu theo đơn vị làng, xã, huyện; theo học vị, theo hàm, chức; có cả danh sách các Tế tửu Quốc Tử Giám và thành viên Hội Tao đàn (Nhị thập bát tú) đời Lê Thánh Tông có các Tiến sĩ Nho học người Hải Dương tham gia; có Bảng tra xếp theo thứ tự họ tên theo vần chữ cái…cùng các ảnh chụp bia kí, chân dung, di tích lịch sử, bản đồ diễn giải mật độ Tiến sĩ Nho học Hải Dương (1075 - 1919) của 125/263 xã, phường, thị trấn có người đỗ tiến sĩ…Sự xuất hiện một cuốn sách được biên soạn công phu như vậy đáp ứng ngay lập tức sự mong đợi của các gia đình, tộc họ, cộng đồng làng xã và người nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục trong tỉnh. Và công trình nghiên cứu Tiến sĩ Nho học Hải Dương của nhóm tác giả đã được UBND tỉnh Hải Dương ghi nhận bằng Giải thưởng khoa học và công nghệ Côn Sơn lần thứ nhất (1996-2000) – Giải B (không có giải A) vào năm 2002. Những năm tiếp sau, nhiều họ tộc, nhà thờ họ đã căn cứ vào nội dung cuốn sách để vinh danh các tiến sĩ Nho học quê hương, lấy đó làm gương sáng để thúc đẩy phong trào khuyến học ở địa phương, gia đình, tộc họ…Năm 2011, Tác giả Nguyễn Huy Thiêm (một trong số người tham gia nhóm biên soạn cuốn sách) còn kết hợp với tạp chí “Khuyến học Hải Dương” – Hội Khuyến học Hải Dương đăng liên tục loạt bài “Người Hải Dương ứng thí và đỗ đạt qua các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt nam (1075-1919)” tập hợp tên tuổi, sự nghiệp các tiến sĩ Nho học chuyển soạn thành đơn vị huyện, thành phố cho 12 Huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương. Loạt bài đăng này bắt đầu ra mắt từ số 39 – Quý III/2011 đến số 56 - Quý III/2015 được các nhà trường, các chi hội Khuyến học trong tỉnh đón nhận như một cách bổ sung cho kết cấu xếp đặt hảnh chính cấp huyện mà cuốn “Tiến sĩ Nho học Hải Dương” chưa thực thi ở bản phát hành lần đầu.
Dù chưa hẳn việc xuất bản cuốn sách và Giải thưởng khoa học và công nghệ Côn Sơn lần thứ nhất (1996-2000) đã tạo nên dấu ấn hoặc sự thúc đẩy nào đó cho hoạt động thư pháp trong tỉnh, nhưng năm 2000, một sự phối kết hợp hết sức có ý nghĩa giữa Thư viện Hải Dương, Bảo tàng Hải Dương và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh - Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà nội đã tổ chức tại Thư viện tỉnh Hải Dương cuộc triển lãm thư pháp Hán Nôm đầu tiên, giới thiệu nhừng bức thư pháp do Bộ môn Hán nôm Khoa Văn học thu thập và quảng bá lần đầu tiên với công chúng Hải Dương. Những bức thư pháp đầy sức mê hoặc, những đường nét cứng cáp, mềm mại, nhã nhặn minh triết từ những ký tự Hán học như rồng bay phượng múa đem lại sự sang trọng, nghiêm cẩn giữa khuôn viên sân vườn Thư viện tỉnh tại 12 Nguyễn Du, Tp.Hải Dương đã đem lại những ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ, cuốn hút giới học thuật tỉnh nhà. Cuộc triển lãm do thầy trò PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh phô diễn sự huyền hoặc văn tài xưa cũ cùng mạch sống có tính lịch sử học vấn hàng trăm năm tại các trường thi hương, thi Hội, thi Đình, thi đại khoa xưa…với biết bao bia kí, mộc bản, đại tự, bình phong câu đối còn lấp lánh sắc vàng tại các di tích, chùa chiền, đến miếu, ẩn bóng giữa làng quê xanh mướt bóng tre…PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh nguyên là một cán bộ Thư viện lão làng của Thư viện Hải Hưng những năm 1969 – 1980. Sự đóng góp của PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh với sự hình thành và tạo nên một không khí nghệ thuật, học thuật thư pháp Hán nôm ở Hải Dương là một dấu ấn hết sức quan trọng. Ngay sau đó, như phát biểu tại Lễ khai mạc “Trưng bày báo Xuân Giáp Thìn và Triển lãm thư pháp Hán nôm” tại Thư viện tỉnh sáng ngày 02- 02- 2024 của Ông Tăng Bá Hoành – Chủ tịch Hội sử học tỉnh, Chủ nhiệm CLB Thư pháp Hán nôm HD: “…Kể từ Tết Canh Thìn, tức năm 2000, những nhà Hán học và thư pháp Hán Nôm địa phương, chủ yếu là Bảo tàng tỉnh cùng Khoa Hán Nôm Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày thư Pháp Hán Nôm đầu tiên sau 55 năm không có điều kiện thực hiện do chiến tranh và những điều kiện xã hội chưa cho phép. Đây là một truyền thống văn hóa dân tộc đã có hàng ngàn năm lịch sử. Từ Hán văn mà chúng ta có chữ Nôm và thư pháp Hán Nôm, ông cha ta không chỉ viết đúng mà còn viết một cách nghệ thuật để khuyên khích việc học tập của con cháu…”
Và “…Từ cuộc trưng bày thư pháp đầu tiên ấy, năm sau, năm 2001, Câu lạc bộ Hán Nôm được thành lập nhằm thực hiện 4 mục tiêu:
Sưu tầm di sản Hán Nôm.
Truyền thừa tri thức Hán Nôm.
Sáng tác bằng Hán Nôm.
Và phát huy truyền thống chơi chữ đầu xuân.
Phát triển thư pháp, khôi phục một truyền thống
văn hóa đã hình thành trong lịch sử, 24 năm qua, CLB đã thực hiện tốt 4 mục
tiêu nói trên thành công ở mức độ khác nhau.
Về sưu tầm, kết hợp với Bảo tàng và Thư viện, chúng ta đã phát hiện hàng nghìn tư liệu Hán Nôm, trong đó có hơn một nghìn mộc bản đang đề nghị nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia, dịch hàng trăm văn bia, in hàng nghìn trang sách Hán Nôm để phổ biến rộng rãi trong công chúng, sáng tác hàng nghìn câu đối, đại tự, bia ký; đặc biệt là đã viết hàng vạn chữ phục vụ nhân dân vào dịp tết…”
Vậy là đã rõ, CLB Thư pháp và người yêu nghệ thuật thư pháp Hán nôm Hải Dương đã tạo ra một tập quán mới mẻ mang màu sắc học thuật, nghệ thuật hết sức quý giá. Người viết bài này có thể mạnh dạn đưa ra một nhận xét rằng, không nhiều tỉnh thành, không nhiều cơ quan thư viện, bảo tàng trên đất nước ta có những hoạt động tương tự để có một bề dày đến 25 năm như ngành văn hóa, Thư viện tỉnh, Bảo tàng và CLB Thư pháp Hải Dương đã làm được cho đến hôm nay. Một tập quán đẹp, một sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng đầy sức cuốn hút lâu bền không chỉ đem đến sắc Xuân hàng năm cho công chúng, mà còn thúc đẩy tham vọng tạo ra một phong cách nghệ thuật thư pháp mang dấu ấn văn hóa xứ Đông cho người quan tâm đến Thư pháp Hán nôm. Hướng tới một mùa Xuân mới, chắc chắn chúng ta còn được thưởng lãm nghệ thuật thư pháp Hán nôm nhiều mùa Xuân nữa như một nét riêng của nền văn hóa nghệ thuật xứ Đông ta. Phát huy truyền thống đã có, chúng ta cùng đặt niềm tin vào sự phát triển của giai đoạn kế tiếp khi đất nước, tỉnh nhà đang có triển vọng vươn mình mạnh mẽ trong các thập niên tiếp theo…
25 tháng Chạp năm Quý Mão
Tp.Hải Dương, ngày 4 tháng 2 năm 2024.
H.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét