NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

CẢM NHẬN SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY NAM BỘ SAU MỘT TOUR DU LỊCH GIA ĐÌNH (Bài đăng tiếp kỳ trước)

 (Tiếp theo)       

          Khi tham gia các chuyến đi xuyên Việt sau này vào các năm 2009, 2013…tôi cũng không có cơ hội lưu trú dài ngày ở các địa phương miền Tây, chủ yếu "trôi" qua Bạc liêu, Sóc trăng, Cà mau nhưng cảnh quan cũng chưa như bây giờ. Ngôi nhà "Công tử Bạc liêu" thời điểm đó chủ thể quản lí khi thì do cơ quan hành chính cấp tỉnh, khi thì do Sở Thương mại du lịch nắm giữ nên đã từng mang tên "Khách sạn Công tử Bạc liêu". Qua Sóc trăng thăm Chùa Dơi Khmmer, chùa Đất Sét… Tại Cà mau, các điểm đến khi đó nay cũng thay đổi nhiều, từ biểu tượng Mũi Cà mau, tọa độ số 001, công viên tràm Chim, Khu nhà sàn chủ tịch Hồ Chí Minh…Và nay cũng lại thay đổi quy hoạch, kết cấu khu vực Đất mũi khiến các điểm đến cứ như "làm mới" và ít nhất đối với tôi, nó trở nên lạ lẫm không dư dả cảm xúc "trở lại" vùng đất cũ năm nào…

          Nam Bộ nói chung, miền Tây nam bộ nói riêng vốn là vùng đất dung hợp nhiều dân tộc: người Kinh, người Chăm, người Khmer, người Hoa…Và nhiều tôn giáo Phật giáo, Khmer giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Đạo Hồi, Đạo Dừa, Đạo Hòa hảo…cùng tồn tại. Con người bản địa chân chất, hào sảng, sống gần gũi thiên nhiên, đậm đà lối sống sông nước "ăn sóng nói gió" tạo nên bản sắc văn hóa không thể trộn lẫn giữa các vùng miền. Ẩm thực được tạo nên từ vô số sản vật thiên nhiên với nguồn cung từ đất trời, sông nước; cư dân có lối sống và cách ứng xử bình dị gần gũi với cảnh quan môi trường tạo nên sức hút kì lạ với du khách. Ở thành phố Cần thơ các địa danh như Bến Ninh Kiều với tàu bè, chợ Nổi Cái Răng, Phố đi bộ Chợ đêm Ninh Kiều hàng đêm thu hút hàng nghìn lượt người qua lại chiêm ngưỡng, thưởng thức ẩm thực đường phố đa dạng. Sau ngót hai mươi năm từ thị xã, rồi thành phố thuộc tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương (2004-2024) Tp. Cần thơ quả xứng đáng với vị thế "Tây đô", tâm điểm sáng sủa của miền Tây nam bộ…

          Là cái nôi dung dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, người miền Tây làm du lịch cũng thật hài hòa trong quan hệ Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Phong cách làm du lịch đậm chất "tài tử" tung tẩy phóng túng. Người miền Tây dường như muốn "lôi kéo" thu hút người du lịch bốn phương đến chung sống với khí trời, sông nước, ẩm thực dân giã của mình. Các hoạt động du lịch cộng đồng đậm nét hòa đồng, với miệt vườn, cây trái, kinh rạch…Mọi thực phẩm, rau quả quanh nhà như bày sẵn trong các món ăn những cá kho tộ, canh chua cá lóc, bánh xèo, gỏi cuốn, hoa thiên lí, bông điên điển, bông súng, ngó sen…Không gian nào cũng lồng lộng khí trời, cảnh quan nào cũng đem lại niềm vui tìm kiếm háo hức. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy khách du lịch ngoài người nước ngoài, người đến từ các tỉnh thành phía Bắc còn có rất đông người nam bộ, các địa phương hàng xóm láng giềng, các tỉnh miền trung Tây nguyên…Họ - những công dân Nam bộ  về thăm các tỉnh miền Tây như về nhà mình thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Làm được như vậy quả không dễ dàng gì. Phải có sức hút mạnh mẽ lắm, phong cách đãi đằng gần gũi lắm mới có được hình thái du lịch vậy. Tôi tạm gọi đó là "vùng sinh thái du lịch riêng biệt" mà khu vực miền Tây nam bộ làm được một cách đáng tự hào.

          Tôi không phải là người có chuyên môn về lĩnh vực du lịch, tôi chỉ là người từng làm công tác văn hóa. Chuyến du lịch miền Tây, tuy không nhiều ngày song cũng cho tôi một cảm nhận đa chiều về lĩnh vực du lịch. Đúng là cần phải có quan niệm xác đáng cho lợi thế "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa" trong việc khai thác cảnh quan du lịch vùng miền. Trước khi mong du lịch trở thành nền kinh tế "không khói" như các quốc gia có thế mạnh về vấn đề này trước hết phải xây dựng được "phong cách du lịch" thuần Việt đã. Tôi từng tham gia các tua "Du lịch di sản miền Trung", Thăm các hang động "Phong nha - Kẻ bàng", Du lịch Hạ long - Bãi cháy - Tuần châu, Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà giang - Lũng cú, Các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc như Sơn la, Lai châu, Lào cai, Yên Bái, Lạng sơn, Bắc cạn, Cao bằng, Móng cái Quảng ninh …với nhu cầu tìm hiểu, đến với các địa danh nổi tiếng, các Di sản văn hóa quốc gia. Lại cũng từng tham dự các lễ hội văn hóa, tâm linh đình chùa miếu mạo  Côn sơn - Kiếp bạc, Tam Chúc - Bái Đính, Đền Hùng, Bà chúa kho, Đền Trần, Yên tử, Đền vua Đinh, Vương triều nhà Lý, Lam Kinh…Nhưng việc đến các các địa danh di tích danh thắng, các đền đài miếu mạo cũng chỉ khi có dịp và chưa phải là nhu cầu tự thân. Ở ta, khái niệm "Du lịch tâm linh" nặng về thờ cúng (không hoàn toàn là hành hương tôn giáo) đặt người dân - chủ thể, khách hàng của hoạt động du lịch vào trạng thái nghiêm cẩn, thiếu sự cởi mở vui chơi…Du lịch với tâm thể "hưởng lạc", rũ bỏ áp lực công việc, lánh xa nỗi lo cơm áo gạo tiền, mở mang quan hệ giao tiếp, để có cơ hội ăn tiêu, khám phá văn hóa, phong tục, ẩm thực quả là cần một tâm thế phù hợp. Những hoạt động du lịch như thế, tôi thấy được ở "Tour du lịch Miền tây" này và thỏa mãn với những thu nhận có được.

          Du lịch phải tạo ra không gian phù hợp cho việc "nhúng mình" vào một không gian văn hóa đặc trưng, gây ra sự tò mò khám phá, thỏa mãn đủ các giác quan tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ…khiến mình được tận hưởng, được hiểu biết, được khám phá…Tôi thấy ngại ngần khi so sánh các diễn xướng dân gian phía Bắc với lối chơi "đờn ca tài tử" ở vùng đất này. Thấy rõ những "sẩm chợ" bến bãi, chợ búa, gốc đa của đồng bằng sông Hồng sao không thấy Tour du lịch phía Bắc nào tổ chức?, việc nghe hát vài canh quan họ thâu đêm vùng Kinh bắc sao không có tour nào ở Bắc ninh, Bắc giang mà chỉ đến Hội Lim mới có hát quan họ "loa đài"? Chèo sân đình, những làn điệu dân ca ở chỗ nào trong các hoạt động du lịch nếu không vào rạp, vào nhà hát hộp…Xòe Thái, Tính tẩu sao chỉ có ở các lễ hội văn hóa mà không nằm chung trong lịch trình nghỉ ngơi ở các "Home Stay", các nhà sàn du lịch cộng đồng?…Nhiều lắm, nhiều thứ thuần Việt chúng ta không đụng đến lắm và chúng ta dường như đang làm du lịch, văn hóa nặng về truyền thông, lễ hội với phong cách "hàn lâm". Nhìn bà con miền Tây làm "Đờn ca tài tử" tới từng bàn khách du lịch ở Bạc liêu, Tiền giang mà cứ thấy tiếc cho nền diễn xướng dân gian phía Bắc. Người miền Tây tiếp khách đúng với phong cách "Khách đến chơi nhà". Không chỉ đờn ca, mà cây trái miệt vườn, bánh trái địa phương, kỳ khu dạy cá lóc biết "bay" cũng vậy. Đó đâu phải là "chiêu trò", đó là cuộc sống của người dân bản địa như bóc ra từ vỏ quả chôm chôm, trái dừa sáp, miếng đường Thốt nốt, bóc lá "bánh ít" mở lòng với du khách. Đó là văn hóa bản địa, cái nền để xây dựng phong cách du lịch, để bày tỏ năng lực sống, văn hóa ẩm thực, vui chơi, thậm chí có đôi chút "đua chen" với bè bạn bốn phương.

          Ngày nay cuộc sống thường ngày của mỗi lớp người, lứa tuổi, cộng đồng đang có những biến đổi đáng kinh ngạc về lối sống, nhịp điệu, phương tiện tần suất chuyển dịch, cơ sở hạ tầng công nghệ, thông tin viễn thông…v..v. Nhưng liệu chỉ cần làm du lịch với tâm thế "trao truyền văn hóa" cho các thế hệ kế tiếp giữ gìn khó đến vậy sao?. Trước khi "kiếm được tiền" từ văn hóa, du lịch phải chăng chúng ta nên đánh thức những tiềm năng giao tiếp xã hội xưa cũ của cha ông, những "miếng trầu làm đầu câu chuyện", những "tiếng lành đồn xa…", những phong cách "quan họ về, chúng em theo về" để làm cho cuộc sống ồn ã, pha trộn này "mềm" trở lại. Đó phải chăng cũng là điều nên làm đối với hoạt động du lịch, hãy thuyết phục nhau ngay từ "du lịch nội địa", từ "giao thoa văn hóa" vùng miền để lấy vốn cho một mơ ước có một nền "kinh tế không khói"!

          Kết thúc chuyến đi, toàn đoàn vui khỏe hào hởi. Người già "đo đếm" được sức lực, tinh thần thấy còn "dư sức đua chen", con cháu trong nhà phấn khởi vì "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", hứa sẽ tìm kiếm một "luồng tuyến" mới cho năm sau "hầu các cụ" "duy dưỡng" tuổi già.

          Chuyến đi ít ngày trong tầm mức gia đình cũng khẳng định một điều chắc chắn rằng, khi đã vào "tuổi xưa nay hiếm" việc cố kết tình thân trong nhà thật ấm áp, con cháu không cần phải "cung phụng báo hiếu" bằng vật chất to tát nhiều nhặn gì, hãy dứt mình khỏi bận rộn cuộc sống, áp lực công việc để "chăm sóc, tháp tùng" các cụ đi chơi đã đủ giải quyết nỗi lo "về già ngồi một chỗ thở vắn than dài" của người cao tuổi rồi. Đó âu cũng là một cách "trao truyền" tư cách ứng xử để các con cháu tiếp tục nối dài…

     Hãy cùng xem những hình ảnh chọn lọc từ chuyến đi Miền Tây vừa qua...

























































































































































Hải dương, ngày 14 tháng 6 năm 2023

HUY THIÊM

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tuyệt tác quá anh Thiêm ơi.Giá mà các nhà quản lý ngành du lịch đọc được và ngẫm kỹ nội dung bài viết của t/g thì cũng rất tốt nhỉ.Xin chúc phúc đại GĐ ta nhé...