NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Những ngày sau đó, thằng Đán dần lại sức. Tuy chưa trò chuyện gì được nhiều, nhưng nó đã có thể ậm à thành tiếng trong cổ họng. Ăn uống đã chủ động nuốt được, dù còn trệu trạo và chỉ ăn thức ăn nát, mềm. Gò má bên phải cứ mỗi ngày được đắp lá thuốc một lần, bắt đầu có cảm giác râm ran của vết thương lành miệng. Seo Lừ, người bạn đồng hành của nó mà nó dần biết được tên, là người dân tộc Mông. Nó bảo, tuyệt đối kiêng cử động miệng nhiều, dù đôi môi đã hết sưng, đang mềm mại trở lại. Có vậy vết thương mới mau lành da mà không kéo sẹo quá nhăn nhúm, ghớm ghiếc.
       - Tao đang học năm thứ ba trường Đại học sư phạm Vinh, Nghệ An. Khoa Dân tộc nội trú. Hơn một năm học dự bị đại học, đủ để học bù thêm cho hết bậc phổ thông trước đó. Vậy mà học cũng được gần năm năm rồi cơ đấy. Họ Sồng nhà tao sống khắp nơi dọc biên giới phía Bắc giáp Trung Hoa, biên giới phía Tây giáp Lào. Với người Mông ở Nghệ Tĩnh, tao được học thế là nhiều lắm đấy. Sau này học xong, tao về bản dạy cái chữ, dạy văn hóa cho bà con người Mông. Ông già nhà tao là thày cúng. Thày cúng được dân bản quý lắm, trọng lắm. Tao nói tiếng Kinh với mày lúc này, chứ mỗi lần về với bản thăm ông bà già, tao chỉ nói tiếng Mông thôi. Nói tiếng Mông mới tìm được họ hàng, tộc bản người Mông. Giữ được tiếng Mông là giữ được cộng đồng dân tộc Mông mà. Người Mông tao sống trong rừng không sợ chết đâu, bệnh tật đã có cái lá rừng, còn gặp phải thú dữ cũng biết cách tránh. Tao tình nguyện đi bộ đội cũng mãi mới được giải quyết. Theo chính sách động viên, tuyển quân, người dân tộc ít người được miễn nghĩa vụ quân sự. Phải đề nghị mãi, cơ quan tuyển quân mới nhận đấy. Cả khoa tao học, có hàng chục lá đơn tình nguyện mà chỉ được giải quyết có hai thằng.
       Mà thằng Seo Lừ cũng giỏi thật. Sáng sớm ra đã thấy nó đeo súng vào sâu trong rừng hái lá thuốc, kiếm cái ăn, có hôm lội cả suối để bắt cá. Hôm trước, thằng Lừ còn vác về cả con hoẵng con bẫy bằng cách đào hố, chăng gài dây rừng. Nó hì hụi làm thịt con hoẵng bằng con dao găm của Mỹ hẳn hoi, thứ dao chuyên dụng của bọn biệt động quân, lấy được từ xác một thằng thám báo ngụy. Trông cái cách nó làm, thằng Đán cứ phục lăn. Trong vòng chưa đầy buổi trưa, nó đã gọn gàng lóc thịt rồi đào nhanh một cái bếp Hoàng Cầm nhỏ để nướng chín khô toàn bộ số thịt cỡ khoảng hơn chục cân. Giã nát một đám lá rừng mà thằng Đán không gọi được tên, nó ướp toàn bộ số thịt vào năm chiếc ống luồng to tướng. Khéo léo kết dây mây rừng làm cữ, nó làm như đan kết năm chiếc ống với nhau, lại có cả dây đeo. Nó bảo: "Làm thế này để hôm nào bắt đầu lên đường được, chỉ cần đeo như đeo gùi là đem theo gọn gàng". Mấy bữa sau ăn thử, miếng thịt hoẵng vừa mềm vừa thơm, vừa đậm đà như được ngâm tẩm đồ gia vị. Từ trong thực tế chiến trận thằng Lừ nhận biết rất nhanh dấu vết của những hố, hốc bí mật dọc đường hành quân của các đơn vị đã đi qua. Nó thì thào kể cho thằng Đán: "Bộ đội mình có rất nhiều tuyến hành quân qua rừng già. Họ thường bớt lại một số quân lương, thuốc men lấp xuống hố phòng khi lạc rừng hoặc mất liên lạc với đơn vị. Từ những dấu hiệu đặc biệt truyền lại cho nhau, rất nhiều đồng đội bị thương hoặc lạc ngũ sau các trận đánh được nuôi sống, chữa thương bằng những đồ dự trữ đó trong rừng". Chính một trung đội trưởng kỳ cựu của đơn vị thằng Lừ đã truyền lại kinh nghiệm tìm kiếm đồ ăn, thuốc chữa bệnh do những đồng đội vô danh để lại trên đường vào hoặc đường ra chiến tuyến cho nó. Thằng Đán chỉ biết vậy, mỗi khi thằng Lừ lẳng lặng đem về lúc thì thùng lương khô, lúc thì vài hộp thịt, hộp cá, đựng dầy túi lớn, túi bé hai chiếc ba lô con cóc của hai đứa. Hai đứa bảo nhau tiết kiệm, tích cóp trước lấy một ít quân lương. Khi thằng Đán khỏe lại hẳn mới lên đường.
       Có dễ phải chục ngày sau, thằng Đán mới nhúc nhắc đi lại được. Tuy còn yếu, nhưng nhờ thuốc thang, ăn uống chu đáo nên nó khỏe lại nhiều. Thằng Lừ hướng dẫn thằng Đán cách nhận biết và tìm kiếm lá thuốc đắp lên vết thương. Gã đã có thể tự mình làm thuốc, băng lại vết thương bằng hai cặp băng gạc cứng quèo xanh màu lá rừng sau nhiều lần giặt giũ. Trên người thằng Đán, không có vết thương nào đáng kể ngoài một số nốt bầm tím dần cũng hồi lại màu da. Cảm giác nhớ lại về tai nạn gã chỉ còn nhớ mang máng. Gã trôi theo dòng suối chảy siết một lúc thì lần sờ buộc chặt hai dây bên của chiếc ba lô ngang bụng. Xoay ngược chiếc ba lô trở thành cái phao trước ngực, gã ôm chặt lấy và để mặc sức nước gầm réo của dòng suối cuốn đi, đầu óc hoảng loạn chỉ biết cầu ông bà tổ tiên phù hộ không va đập vào các tảng đá dọc đường. Trôi như thế được một ngày một đêm thì gần sáng, trong cái cảm giác lơ mơ nửa ngủ nửa thức, nó bỗng thấy đầu mình đập mạnh vào một vật gì rất mạnh. Chiếc mũ cối đã cứu mạng sống của nó, nhưng ngay lập tức, một cảm giác đau đớn xói thẳng từ má lên óc. Gã chợt thấy người nhẹ bẫng như bay trong không trung. Trước khi cảm nhận được cú va đập thứ hai thì đầu óc nó đen đặc lại, không biết gì nữa, nó đã bị dòng nước hất văng lên bờ cùng một khúc cây tươm nát tua tủa. Nghe thằng Lừ kể lại, nó gặp gã nằm bất tỉnh bên bờ suối, chiếc ba lô còn nguyên trên người, nhưng má phải bị một nhánh cành cụt xóc thẳng vào. Khi rút được cành cụt ra khỏi mặt nó, thằng Lừ kinh hoàng thấy khuôn mặt rách nát, ngâm nước đã bợt trắng đi của nó. May mà cành cây sau khi phá hàm bên phải, vướng phải hàm răng còn lại bên trái thì hết lực, không xuyên đi tiếp nữa, mà cũng chẳng xoay ngang vào hầu, họng, không làm rách lưỡi. Thằng thanh niên mặc nguyên bộ quân phục rách nát chỉ còn thoi thóp. Cái chết đã bất chợt lướt qua kẻ bị nạn. Sơ cứu vội vàng cho nó, thằng Lừ vác nguyên cả thằng Đán cùng chiếc ba lô lên chiếc hang gần đó, nơi mới chỉ trước đó nửa ngày, thằng Lừ phát hiện ra khi từ suối tìm cá đi lên. Chiếc hang nhỏ thôi, nhưng cây mọc che cửa hang khá kín đáo, đủ đứng thẳng người và rộng cỡ gần nửa gian nhà. Lên tới nơi, phải vất vả lắm thằng Lừ mới moi được hàng răng hàm phải vụn nát trong miệng nó ra, thực hiện sơ cứu bằng một mũi thuốc kháng sinh và chống nhiễm trùng. Bằng kinh nghiệm đi rừng, thằng Lừ đã cứu sống thằng Đán bằng cả thuôc tây lẫn lá thuốc nhai nát đắp lên vết thương. Không nhiễm trùng, tránh được hoại thư, gã như được sinh ra lần thứ hai. Nghe chuyện người đồng đội không quen biết cứu sống mình, cánh mũi thằng Đán cay sực lên, nó không biết phải chịu ơn thằng bạn trên trời rơi xuống này thế nào cho đủ đây. Về  phía thằng Lừ, việc cứu người như cái lý người Mông phải thế. Nó còn vui lên vì rồi sẽ có bạn đồng hành. Trở nên thân thiết sau cơn hoạn nạn, hai thằng quấn quýt như anh em suốt ngày. Thằng Lừ ngày nào cũng vào rừng, đem về khi thì ít củ mài, khi thì rau rừng, cá suối. Thằng Đán ở nhà, vịn thành hang tập đi cho sớm lại người.
       Sáng nay, thằng Đán đã dò dẫm được xuống suối. Thằng Lừ đi được một lúc thì thằng Đán kéo chiếc ba lô của thằng Tiệm ra xem. Đồ đạc trong ba lô còn nguyên, được bọc cẩn thận trong tấm tăng màu xám. Hai bộ quân trang, một hộp thuốc cá nhân, vài ba đồ dùng lặt vặt. Giữa các lớp quần áo, thằng Đán tìm thấy một chiếc hộp sắt nhỏ, trước chắc là hộp thuốc tây. Trong đó, một gói nhỏ bằng giấy mìn Clây - mo gấp kín sáu tờ bạc Mười đồng, tờ bạc mà cánh thợ chiếu bóng gọi lóng là tờ "Cụ mượt" màu nâu hồng còn khá mới. Chiếc lọ Penixilin chứa một miếng giấy bạc bao thuốc lá Thăng Long. Mở ra, thằng Đán đọc thấy mấy hàng chữ nắn nót rất đẹp: Chu Quang Tiệm, sinh ngày 14 tháng sáu năm 1948. Địa chỉ: đội Bốn làng Chàng Sơn, Thôn Phú Hòa (Làng Ra) xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Tên bố: Chu Văn Sơn, 56 tuổi. Tên mẹ: Phan Thị Ràng, 52 tuổi.
       Tay nắm chặt chiếc lọ thủy tinh trong túi, thằng Đán bước xuống suối, vung tay đập nát chiếc lọ vào tảng đá nhô ra bên bờ. Chiếc lọ vỡ vụn, mảnh rơi lõm tõm xuống nước, cuộn giấy bạc văng xuống dòng suối chảy siết mất hút. Trong lòng, gã thầm khấn thằng Tiệm phù hộ cho chuyến đi trước mắt của mình. Giữa không trung đầy ắp tiếng nước chảy rì rào, nó như thấy thằng Tiệm đứng đó, cao lớn, im lặng. Chợt thấy tiếc đã đập vỡ chiếc lọ, giá cứ để dành đấy để gài mảnh giấy nhân thân mình vào, lỡ có làm sao…Nó lắc đầu dứt khoát không muốn nghĩ tiếp nữa, gì thì việc cũng đã rồi… Vội quay người, nó đi gắng thật nhanh về hang, đầu óc trống rỗng.
       Tối hôm đó, trong lúc chuẩn bị đồ đoàn để lên đường sớm mai, dưới ánh sáng leo lét từ ngọn lửa đốt bằng hạt dầu gai thằng Lừ khoe thằng Đán chiếc dây đeo có chiếc nanh cọp nạm bạc, sau lớp ngực áo quân phục: "Này Đán! Tao với mày từ bây giờ sẽ sống chết có nhau như anh em một nhà. Chiếc nanh cọp này là vật thiêng giữ mạng của chúng minh." Miệng nói, tay làm, nó lấy mũi chiếc dao Mỹ khắc lên mặt sau chiếc nanh hai chữ cái "Đ" và "L" bé xíu đứng cạnh nhau. Thằng Đán nín lặng cảm động, thật không ngờ nó lại được ông trời mang tới một người bạn đồng ngũ quý hóa như thế trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm chết người như thế này.
*
*      *

(Còn tiếp)