Trở lại ĐÀI TƯỞNG NIỆM BẾN HOA bên dòng sông Thạch Hãn khi tuổi đã ngoài Bảy mươi, tôi muốn thêm một lần được thăm lại nơi Em trai tôi - Liệt sĩ Nguyễn Huy Lai (1954 - 1972) đã ngã xuống trong tư thế đối mặt với làn đạn quân thù để thực hiện vẻ vang nghĩa vụ chống Mỹ cứu nước của tuổi trẻ thế kỷ hai mươi trong trận chiến 81 ngày đêm tiến công giải phóng và bảo vệ thành cổ Quảng trị tháng 7 năm 1972. Mười năm trước, khi có mặt tại lễ tưởng niệm 40 năm chiến thắng Quảng trị, tôi đã từng được chứng kiến đồng đội Em làm lễ thả hoa ghi ơn và tưởng niệm đồng đội tại Bến hoa trên dòng Thạch Hãn ghi nhớ công ơn các Liệt sĩ đã nằm lại dưới lòng con sông máu trong trận chiến khốc liệt tháng 7/1972 này; dự chương trình nghệ thuật tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ giưa ngàn vạn đốm sáng hoa đăng thả sáng mặt sông đêm Thạch hãn theo sóng nước trôi xuống từ phía cây cầu sắt lịch sử, viếng nghĩa trang Liệt sĩ Trường sơn, nghĩa trang đường 9, và một vài nghĩa trang địa phương lân cận mong dò tìm ngày mất cụ thể của Em mình...Để rồi ngậm ngùi chấp nhận một thực tế về hài cốt người thân nằm lại dưới lòng sông, lấy ngày mất của hàng loạt nấm mộ có tên trên bờ đa số có ngày mất trùng với sự kiện bên dòng sông Thạch hãn ngày đó làm ngày giỗ chính thức cho con em mình.
Lần trở lại này sau mười năm
thăm địa điẻm xác tín nơi chôn dấu thân xác Em trai mình, cùng đi với vợ chồng tôi
ngoài chị gái, em gái còn có con gái lớn và cháu gái (gọi vợ tôi là dì ruột) với
niềm tin các cháu mãi ghi nhớ nơi ông Chú ruột đã nằm xuống để sau này biết chỗ
đến thắp cho hương hồn Ông chú nén nhang thơm cùa con cháu ruột thịt... So với
mười năm trước, giờ đường đất đi lại đã dễ dàng, khang trang thuận tiện hơn,
các công trình tưởng niệm trên Thành cổ, bến sông, đền đài cũng bề thế, xứng
đáng hơn với chiến công 81 ngày đêm thành cổ Quảng trị năm nào. Dù vậy, cũng
còn vài chục ngày nữa mới đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng Quảng trị, giữa không
khí chờ đợi một lễ tưởng niệm cấp nhà nước tương xứng...bầu không khí nơi này vẫn
trầm mặc, buồn vắng thưa thớt trong bối cảnh ồn ã sôi động nặng màu sắc đô thị
thành phố. Cơn đại dịch COVID19 vừa đi qua dù để lại không nhiều hệ lụy sinh tồn,
nhưng những sa sút về nhịp sống xã hội vẫn vương vất đâu đó với những tiếp xúc
dè dặt, những chuyến đi chưa nhiều và sinh hoạt đời sống kinh tế còn đó rất nhiều
những khó khăn trật chưỡng để bắt nhịp trở lại...
Không gian trận chiến nơi
khúc sông nhuốm màu khói lửa chiến dịch Thành cổ Quảng trị 1972 nay dù đã bình lặng trở lại, những con thuyền
vẫn vô tư lướt sòng phía trên mặt nước nhưng câu thơ của Lê Bá Dương khắc trên
đài tưởng tiệm "BẾN HOA" vẫn lặng lẽ nhắc nhớ người đương thời luôn nặng
một nỗi đau mãi mãi:
"Đò lên Thạch hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
LÊ BÁ
DƯƠNG.
Không dám nói trước một lời
hẹn với Em trai, mười năm nữa có dịp nào trở lại thăm Em và đồng đội, nhưng việc
đó ở dịp đi này tôi đã chuyển giao lại trách nhiệm cho các con cháu về nghĩa vụ
đối với Ông Chú...Nhưng ngay lúc này, tôi ước ao có một quy hoạch nào đó cho tương
lai khu vực Thành cổ - Bến hoa - Đền thờ bên dòng sông Thạch hãn mà các nhà quy
hoạch, kiến trúc, nghệ sĩ, các họa sĩ, điêu khắc...nên có sớm một ý tưởng mang
tầm thế kỷ cho nơi này. Ấy là đặt dấu mốc khu vực đoạn sông giới hạn giữa hai
chiếc cầu: cầu sắt vượt sông cũ và cầu beton ngày nay,,,hợp với Bến hoa, khu vực
Thành cổ, Đền thờ liệt sĩ...lấy đó làm CÔNG VIÊN TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG 81
NGÀY ĐÊM CHIẾN DỊCH THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 1972. Biến khu vực này thành nghĩa trang
liệt sĩ vĩnh cửu cho các thế hệ mai sau lấy đó làm nơi gây dựng lòng yêu nước,
thống nhất và bảo vệ bờ cõi Việt nam; coi đó là niềm tự hào của lứa tuổi Hai
mươi CMCN anh hùng...
Cuối bài viết, tôi đưa thêm
những hình ảnh (có xen lẫn giữa hai lần thăm viếng 2012 - 2022) để thay cho lời
khấn cầu hương hồn trinh nguyên của người Em trai thân thương ...trước thềm kỉ
niệm 50 năm chiến thắng Thành cổ Quảng trị (7/1972 -7/2022) như một nén hương
thơm, một nhành hoa huệ trắng gửi theo sóng nước Thạch hãn cho Em mình.
Lai ơi...! Mong Em mãi nằm
yên đó cùng đồng đội. Gia đình, con cháu luôn ghi nhớ và thương tiếc Em!
Hải dương, 28/5/2022
2 nhận xét:
" đất nước nghiêng mình" tưởng nhớ các liệt sỹ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc.
Rất ủng hộ ý tưởng của anh.
Mầu Đức Thịnh
Thật là tuyệt tác:một dấu ấn của lẽ đời. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác Hồ.QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH mà .Rất hoan hô ý nghĩ của anh
Đăng nhận xét