NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


       …..
       (Tiếp theo)
       - Hôm nay tao mời cái bộ đội đến nhà mà vui cái bụng lắm. Mày và thằng Pử phải uống rượu kết nghĩa làm anh em thôi. Cái lý người Mông tao là thế. Biết ơn người cứu sống mình là phải xin làm người anh em bằng được. Nào nâng bát lên, uống đi thằng cháu! Tao không bắt mày uống say không về được, cái cán bộ nó buồn. Nhưng uống được đến đâu cứ uống, nếu thấy cái đầu say say thì tao giải rượu cho.
       Tĩnh đỡ bát rượu từ tay già Sồng Seo Lừ, miệng khẽ "vâng". Hôm nay dư thời gian để nhìn ngắm, nó thấy ông gìa người Mông trông cũng hiền hiền. Khuôn mặt thật dễ gần, cái miệng cười cười lành khô. Cặp mắt thật đen, ẩn sau đôi lông mày rậm, chạy cắt ngang vầng trán vuông vức cho thấy là người có bản lĩnh. Đuôi lông mày thật dài, nhiều sợi cong vươn ra ngoài lúc cười còn rung rung nhẹ.
       - Ngày xưa, hồi còn trai trẻ, tao cũng đi bộ đội đấy, nhưng sao đỏ chứ không xanh như trên cổ áo mày. Đánh Mỹ đang hăng thì bị thương, phải ra ngoài Bắc dưỡng thương rồi không đi giải phóng được nữa. Giờ được tiêu chuẩn thương tật, cái vết thương dưới thắt lưng này không phạm vào đâu cả, không phá được người tao. Bom đạn giặc giã cả đấy.
       Giọng ông già thật cởi mở. Chỉ tay cho thằng Tĩnh thấy, trên gian giữa có khung treo Quyết định khen thưởng huân chương chống Mỹ, ông cười vui: "Cái cán bộ địa phương bảo tao là người có công đấy. Cựu chiến binh, thương binh hai trên bốn mà. Cán bộ đồn biên phòng quý tao lắm. Cứ có dịp lại ghé qua cho quà, tao vui cái bụng lắm".
       Thằng Xeo Pử hôm nay trông tinh nhanh lên nhiều, dù da mặt còn xanh tái. Tay gắp thịt rừng tiếp thằng Tĩnh, tay rót rượu không để bát vơi, nó chỉ cười góp chuyện với Bố. Chuyện về lần bị nạn giữa rừng, nó chỉ nói, lỡ gặp phải bọn xấu phá rừng, đang chuyển gỗ ra bờ suối thì bị thằng Pử trông thấy. Một thằng giả vờ hỏi thăm đường, khăn quấn ngang trán che gần khuất khuôn mặt. Chưa biết trả lời bọn chúng thế nào thì thằng Pử nghe cú đập chí mạng ngang vai, đổ vật xuống không còn biết trời đất gì nữa. Được các chiến sĩ biên phòng đưa về nhà, còn nằm không đụng cựa, hay biết gì mất đến gần hai ngày nữa mới mở mắt được. Nó khoe: "Ông già nhà Pử giỏi thuốc lắm. Vác dao vào rừng non nửa ngày trời kiếm thuốc lo cho Em, Em mới được thế này đấy."
       - Người Mông chúng tao nằm trên núi thuốc trong rừng, có bị tai nạn, kể cả beo rừng vồ, gấu vật rơi xuống khe cũng không chết ngay mà. Thằng Pử bữa đó gặp được các con bộ đội là gặp vía Giàng đỡ cho đấy.
       Cuối bữa rượu, già A Lừ bước qua gian trái, móc dưới các phiến lá gỗ Pơmu mỏng lợp trên mái, gỡ xuống một chiếc túi vải gai nhuộm đen. Lấy từ túi ra một vòng dây đeo cổ, ông thành kính đặt lên bàn thờ. Thằng Xeo Pử không biết lấy ra từ đâu một con gà trống đen. Tay túm chéo cánh gà, tay rút nhanh từ thắt lưng ra con dao tay lưỡi cong mỏng như lá lúa, siết ngang cổ gà. Một tia máu bắn mạnh vào bát rượu trắng. Nhanh chóng chuyển sang màu hồng, bát rượu được thằng Pử chuyển sang tay già Seo Lừ. Nâng chén rượu ngang trước trán, ông hướng lên bàn thờ. Bàn thờ của người Mông được đặt ở vách hậu gian giữa dùng để thờ cúng quanh năm. Trên đặt ba ống tre để cắm hương: ống giữa thờ ông bà tổ tiên, ống bên phải thờ thần linh trông coi gia đình, ống bên trái thờ thần chăm sóc sức khoẻ mọi người trong nhà. Sau khi khấn vái, già Lừ quay lại phía hai thằng con trai đứng phía sau:
       - Hôm nay, tao khấn ông trời cho hai đứa mày kết làm anh em. Làm anh em để sống chết có nhau, luôn luôn vì nhau. Còn chiếc dây nanh cọp này, tao đeo cho cái bộ đội biên phòng để làm vật thiêng giữ mạng. Xưa, nó cứu tao một lần thời kháng chiến đánh thằng Mỹ - Ngụy đấy.
       Thằng Tĩnh cúi đầu, già Lừ đeo cho nó vòng dây lên cổ. Đó là một vòng dây bện bằng sợi lanh, đen nhánh đính một miếng bạc hình mặt cọp miệng ngậm chiếc nanh vàng ngà đã ngả màu thổ hoàng bóng mịn. Chiếc răng cọp cỡ ngón tay út trông thật oai linh. Thằng Tĩnh miệng cảm ơn, tay đỡ bát rượu tiết gà từ tay thằng Pử, dốc cạn vào miệng phần còn lại. Hai đứa vòng tay ôm vai nhau, tay vỗ vỗ nhẹ phía sau lưng. Thế là chúng, thằng Tĩnh và thằng Pử, từ nay là anh em kết nghĩa. Giữa buổi chiều, bố con già Seo Lừ tiễn thằng Tĩnh tới tận chân núi đầu bản. Hào hởi, vui vẻ, già Lừ oang oang: "Thằng con bộ đội về đơn vị nhé. Thỉnh thoảng ghé qua nhà chơi. Có lễ cúng nào trọng, tao khiến thằng em Pử lên đồn xin cán bộ cho về ăn cơm cúng."
       Đêm đến, trước khi cất chiếc dây vào đáy chiếc ba lô, thằng Tĩnh ngắm kỹ chiếc nanh cọp. Phía mặt sau chiếc nanh, nó thấy có hai nét chữ khắc mờ bằng mũi dao. Chữ "Đ" và chữ "L" đứng cạnh nhau. Định bụng sẽ hỏi ông già Seo Lừ khi có dịp. Giữa chập chờn cơn buồn ngủ sau một ngày cơm rượu và leo núi, nó thiếp đi giữa hình ảnh ông già Seo Lừ cười hiền lành nhìn nó.
       Ấy vậy nhưng, vốn bản tính hời hợt, nó cũng chẳng mặn mà lâu gì với người anh em người Mông của nó. Trong thâm tâm, đôi lúc nó nghĩ về chiếc răng cọp hộ mệnh như một thứ bùa ngải. Bố nó chẳng bảo: "Người dân tộc khó hiểu lắm, coi chừng họ đổ bùa mê thuốc lú cho mà không biết đấy!" Cho đến hơn một năm sau đó, trước khi rời quân ngũ chuyển sang lực lượng kiểm lâm, nó chỉ qua lại gia đình già Sồng Seo Lừ đâu có đôi ba lần, phần lớn do Seo Pử xuống tận đồn mời về. Quan hệ xa hẳn khi thằng Tĩnh chuyển sang hạt kiểm lâm Quỳ Châu, Nghệ An cách nơi đóng quân cũ thời bộ đội biên phòng của nó cả trăm cây số đường núi. Chiếc răng cọp gói trong tấm vải lanh nằm kỹ nơi đáy ba lô, dường như không mấy được thằng Tĩnh quan tâm đến.

*
*       *

(Còn tiếp)