NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU
Hiển thị các bài đăng có nhãn KỶ NIỆM CỦA TÔI - TUỔI TRẺ CỦA TÔI. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn KỶ NIỆM CỦA TÔI - TUỔI TRẺ CỦA TÔI. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

NƠI CHỐN VÀ CON NGƯỜI - NHỮNG DẤU ẤN KỶ NIỆM

         Theo năm tháng, cuộc sống mỗi cá nhân ngoài sự trưởng thành ẩn dưới tuổi tác và những nếp nhăn già dặn luôn mang trong ký ức những kỷ niệm và trải nghiệm về con người, nơi chốn. Đối với những người từng trải qua những di dời nơi sinh sống thì điều đó càng sâu nặng. Sâu nặng đến mức máu thịt, nặng lòng.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA TÔI.

Cách nay hơn một năm, trên những trang viết trên Blog này tôi đã “khoe” về một tập thể có chung một nỗi đam mê: “đam mê ca hát”. Mà không phải của người trẻ; người trẻ nói đến hát xướng có vẻ là thừa, vì đó vốn là bản tính của lứa tuổi khi cuộc đời đang hồ hởi nếm trải niềm vui sống, khát khao hạnh phúc, yêu thương và chia sẻ. Điều tôi nói đến khi  đó là niềm đam mê ca hát của người có tuổi. Trong tập thể với một số ít người ngót ngét…bảy mươi ấy, đa số đã ngoài lục tuần, số còn lại được cho là “trẻ” cũng hơn năm mươi cả rồi. Họ tự nguyện tập hợp nhau lại, trên nền tảng một tổ chức từng có từ thời chống Mỹ cứu nước: “Đội văn nghệ xung kích thành phố Hải Dương”. Đã có ý tưởng làm mới bằng cách tự gọi mình là đội văn nghệ “Tiếng hát mãi xanh” hoặc “Nhóm nhạc Thời gian”…Rồi ký ức tuổi trẻ lại thuyết phục họ lấy lại tên “Đội văn nghệ xung kích” dù biết rằng, môi trường để tồn tại cái tên này…khó có thể quay lại được. Dù sao, cái tên cũng không quan trọng bằng sự tập hợp có tổ chức, có sinh hoạt định kỳ và có “mục tiêu hát” cụ thể. Hát để thỏa mãn niềm đam mê, hát để biết rằng mình “còn trẻ, còn khỏe”; hát cho nhau nghe, hát với bạn bè và còn “hát cho đồng bào tôi”…nghe được.


Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

MÙA THU VÀ SỰ TRỞ LẠI NIỀM ĐAM MÊ

  CHỈ NHƯ MỚI ĐÓ THÔI….
        Mới đó thôi…Đó là câu thường nghe được từ người có tâm trạng hồi nhớ việc xưa. Cách nay khoảng gần một năm, khi cùng chơi với đứa cháu ngoại ngoài công viên, tôi tình cờ gặp một cô bạn, em của một người bạn cùng học thời cấp hai. Vồn vã chào hỏi, cô bạn mời tôi: "Anh còn nhớ đội văn nghệ xung kích ngày nào của bọn mình không? Chúng em vẫn cùng nhau sinh hoạt đấy. Anh tới sinh hoạt với bọn em cho vui, rồi lại dàn dựng lại cho bọn Em những bài hát kháng chiến chống Mỹ cứu nước hồi xưa bọn mình từng hát nhé…"  Chia tay cô bạn, tôi không chắc sẽ tham gia được ngay vì…không biết sẽ sinh hoạt với họ vào dịp nào. Ấy vậy nhưng người bạn gái đó vẫn nhớ lời. Trước kỷ niệm Ngày giải phóng miền nam 30/4 năm nay khoảng gần 3 tuần, cô tìm tới tận nhà, lại còn "lễ phép" đề xuất với bà xã tôi rằng: "cho bọn em "mượn" Anh ít ngày để chuẩn bị dựng chương trình kỷ niệm "45 năm thành lập Đội văn nghệ thanh niên xung kích thị xã Hải Dương".
          Và thế là chúng tôi lại có dịp gặp lại nhau. Họ cũng như tôi, không còn trẻ nữa. Người ít tuổi nhất đã 58 - 60. Người cao tuổi nhất- vị nhạc trưởng thời đó, nay đã …81, tóc bạc như cước. Một lịch tập dượt quy mô được thông qua và 14 bài hát được chọn để thu âm, thu hình. Đài truyền hình địa phương vào cuộc. Một lễ kỷ niệm khá hoành tráng tại Trung tâm văn hóa Thành phố được tổ chức dưới sự bảo trợ của cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Lại còn một buổi biểu diễn vào đêm 30/4 tại tiền sảnh Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Rực rỡ dưới ánh sáng sân khấu các U60 - 80 cũng nữ thướt tha quần trắng áo dài, nam áo trắng quần âu, cổ thắt Cravat đủ màu sang trọng đứng đó say sưa hát. Nào hợp ca "Ca ngợi Tổ quốc" (Hồ Bắc); tốp nam "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" (Trần Chung), "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" (Doãn Nho); tốp nữ "Qua sông" (Phạm Minh Tuấn), "Hát về Hải Dương" (Trần Minh); song ca nữ "Quê Em" (Nguyễn Đức Toàn), tam ca nữ "Đảm đang cô gái Hải Dương" (Đức Minh); đơn nam "Bài ca Trườngơn" (Trần Chung), "Đoàn Vệ quốc quân" (Phan Huỳnh Điểu), "Đất nước trọn niềm vui" (Hoàng Hà); đơn nữ "Đường chúng ta đi" (Huy Du), "Bóng cây Kơ-nia" (Phan Huỳnh Điểu)…vang lên giữa trời đêm lộng gió. Phía dưới, nhiều khán giả cảm động hướng lên sàn diễn vỗ tay nhẩm hát theo. Chúng tôi đứng đó, những mái đầu bạc trắng ngẩng cao, miệng hát mà lòng rưng rưng nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ. Ngày nào, giữa thị xã Hải Dương thời chiến sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vắng ngắt bóng người, chúng tôi đi sát bên nhau theo hướng dẫn của đơn vị trực chiến tới hát phục vụ các trận địa pháo phòng không. Bộ đội mũ sắt áo xanh, mặt mũi sạm đen khói súng mắt sáng long lanh trên từng ụ súng lắng nghe đám thanh niên văn nghệ xung kích hát giữa trận địa. Chúng tôi hát như chưa từng có lúc được hát như thế. Bộ đội trẻ, thanh niên văn nghệ xung kích cũng trẻ gặp nhau trên bệ pháo. Chia tay nhau chỉ kịp trao cho nhau nụ cười tin tưởng, vẫy vội tấm khăn dù chào nhau mong cho ngày chiến thắng tới gần. Ngày qua ngày, giữa các trận đánh bom khốc liệt của máy bay Mỹ, chúng tôi tới hết trận địa phòng không này tới trận địa tên lửa khác. Bây giờ, những chàng trai rắn rỏi bên nòng súng cao xạ trên trận địa phòng không ven đô, bên những bệ phóng tên lửa đặt giữa sân vận động thị xã ngày ấy chắc nếu vượt qua được khốc liệt chiến tranh cũng tóc bạc, da mồi như bọn tôi giờ này. Các Anh, các Bạn chắc cũng không có thể quên những ngày khói lửa chiến tranh, từng được nghe những thanh niên văn nghệ xung kích mang tiếng hát tới động viên mình ngày nào chắc tay súng bảo vệ vùng trời quê hương tôi. Cuộc sống trôi qua đến nhanh, mới đó thôi mà 45 năm đã trôi qua. Đêm hát mừng 37 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4 bằng giọng hát đã "già" theo thời gian kéo chúng tôi sát lại bên nhau, tự hào rưng rưng. Tuổi trẻ của chúng tôi, kỷ niệm của chúng tôi đó. Một thời không thể quên.


          Khi tham gia đội văn nghệ xung kích thanh niên thị xã Hải Dương lúc đó, tôi cùng bạn bè mới mười tám đôi mươi. Thoáng vậy mà…đã ngót một đời người.