NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


(Tiếp theo)
       ……….
       Chờ đám nhân viên lục tục tản về phòng làm việc. Lão Phúc Kim mở cánh cửa ngách thông sang phòng Hiệu trưởng. Mở máy lạnh, lão ngả người trên chiếc ghế xoay gãi gãi đầu mỹ mãn. Nếu tiến độ công việc chạy được tốt, khu nhà bên kia xây xong, cũng vừa lúc còn được hơn hai tháng vẽ trò khai trương, khánh thành công trình thật xôm tụ trước lúc nhận quyết định nghỉ hưu là vừa. Nghiêng người về phía chiếc tủ gương, gã tự ngắm mình. "Ừ! Mà cái thằng bác sĩ nha khoa làm quá khéo, trông cái mặt mình có vẻ trẻ ra thật. Giá như không có…"
        Chương trình hội nghị do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức tại Nha Trang sau hơn hơn hai ngày thì kết thúc. Bữa chiều, Sở giáo dục Khánh Hòa chiêu đãi tiệc mừng hội nghị tại Công ty cổ phần khách sạn Nha Trang - Lầu 7, nằm trên đường Thống Nhất. Con đường buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố, có nhiều cửa hiệu nhà hàng sang trọng, ngon và hấp dẫn du khách có tiếng của Nha Trang. Phòng ăn được thuê đặt trên tầng cao nhất của ngôi nhà. Đứng từ đó, có thể ngắm toàn thành phố rực lên dưới ánh đèn đêm. Phía xa bức tượng Phật ngồi trên tòa sen màu trắng chùa Long Sơn cao ngang ngôi nhà năm tầng, sừng sững trong đêm hắt ánh sáng lade xanh mạ lên bầu trời. Phía biển, từng quầng sáng, quầng sáng tàu cá, tàu du lịch như trôi trong đêm. Vị Giám đốc sở Giáo dục Khánh Hòa nâng ly Chivas Rigan mở lời mời chào thực khách. Với danh nghĩa đơn vị đăng cai, ông ta đã cho gọi riêng mỗi bàn một chai Chivas để chúc sức khỏe các quan chức và đại biểu các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp các tỉnh thành ngồi dự tiệc. Cùng lúc, chức sắc các trường Đại học thủy sản, Cao đẳng Văn hóa Du lịch, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng nghề, Cao đẳng sư phạm….Nha Trang được bố trí ngồi với từng dãy bàn đồng loạt làm theo để chúc rượu hơn một trăm đại biểu về dự hội nghị toàn quốc của Bộ. Không khí bữa tiệc bừng lên, rộn tiếng chúc tụng, hỏi han, nói cười. Bóng nhân viên nhà hàng thướt tha giữa các dãy bàn phủ vải đỏ booc - đô. Trên bục sân khấu, các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn phục vụ trong tiếng nhạc nhẹ êm ái. Bữa tiệc kéo dài đến gần nửa đêm mới kết thúc. Khi thày trò Phúc Kim lên xe về tới khách sạn Hải Yến nằm trên đường Trần Phú thì đã hơn mười hai giờ đêm, đầu óc mấy thày trò đã "tây tây". Trước khi lên gường, lão Phúc Kim  còn tháo bộ răng giả nhựa gắn trong vòm miệng phía bên phải rửa cẩn thận bằng nước phích rồi ngâm vào chiếc cốc vại thủy tinh duy nhất có trên chiếc bàn ngủ đầu gường. Sáng sớm ra, khi mở mắt dậy, việc đầu tiên lão làm trong ngày là tìm bộ răng để lắp vào. Hôm nay, lão định rủ cậu lái xe của Sở đi chợ Đầm mua sắm, sau khi đưa sếp phó Sở đi thăm bạn ở Cao đẳng Văn hóa Du lịch bên Đồng Đế. Song lão không tin vào mắt mình khi tìm mãi mới nhìn thấy chiếc cốc cạn trơ đáy nằm chỏng trơ trong bàn gương toilet. Hoảng hồn, hỏi cậu lái xe, nó nói tỉnh queo: "Cái cốc nước bẩn trên bàn ngủ đầu gường bác chứ gì? em đổ nước bẩn trong trong cốc vào bồn cầu rồi. Đêm qua, khát quá mò dậy lấy nước uống, em thấy cốc chứa thứ gì lềnh phềnh, em đổ luôn rồi rửa sạch để lấy nước sạch uống. Uống xong em để cốc trong toilet mà!". "Chết dở, bộ răng của tao, thằng chết dẫm", lão chỉ muốn thét lên mắng nó mà miệng thì im thít không nói được tiếng nào. Mở nắp bồn cầu xem, đã có người xả nước đi từ bao giờ rồi. Trong vắt, chẳng còn gì. Dở khóc dở cười, lão đành bỏ dở cuộc đi, nói cậu lái xe cứ chở sếp đi chơi. "Hôm nay tớ thấy đau răng nhức đầu quá, nghỉ đã".
       Khi sếp sở và lái xe đi rồi, lão mới xuống quầy tiếp tân, nhờ nhân viên khách sạn chỉ chỗ và gọi xe giúp đến phòng khám nha khoa tư nhân. Tại đó, sau chút đắn đo, lão đồng ý làm tuốt cả hàm răng mới, làm cỏ luôn số răng lởm khởm còn lại từ thuở thiếu thời. Mất đúng bốn ngày. Ngày ngày, Sếp sở cứ đi chơi với cậu lái xe, tiện đâu ăn đấy. Còn lão, với chiếc khẩu trang bịt kín mồm đi làm hàm răng mới, đến bữa lại kiếm bát cháo ngao, cháo cá dằn bụng. Làm xong răng, ngắm hóa ra được, không đến nỗi nào. Mà cái thằng nha sĩ làm đến khéo. Răng sứ nhé, cứ là bóng mịn, sáng láng đào sâu chôn chặt. Không còn phải tháo ra tra vào nữa, rách việc. Đắt sắt ra miếng, mất toi chiếc nhẫn năm chỉ vàng. Lão liếc nhìn tấm ảnh ông bố đặt trên nóc tủ cùng chiếc bát hương nhỏ. Dù ở nhà đã đặt bàn thờ, song lão vẫn cứ đặt thêm một bát hương ở đây, những thầm muốn ông cụ tiếp tục đỡ cho mình hàng ngày.
       Ông Kính mất chỉ vài tháng sau khi thằng Đán chuyển ra từ phía nam. Trong những ngày quanh quẩn bên ông già, thằng Đán được ông kể lại gốc gác gia đình mình.
       Họ không phải là cư dân bản địa của vùng đất này. Họ vốn gốc ở bên Bắc Giang. Ông nội gã trước cũng chẳng làm quan nhiêu to tát gì, chỉ là tay trương tuần quèn chốn hương thôn. Mất đến gần ba quan tiền để mua lấy vai tiên chỉ lúc ngoại tứ tuần chẳng qua cũng để ne nẹt dân làng. Cách mạng tháng tám như gió cuốn bốc trôi đám hương hào bá lý, gia đình gã cùng họ hàng trôi dạt mỗi người mỗi xứ. Ông nội gã đem cả nhà sang ở phố núi bên này. Lớn lên, ông Kính lớ ngớ thế nào, đang học đệ tứ trường làng thì bị bắt đi lính. Tưởng mất xác ở Điện Biên Phủ thì Pháp thua trận, ông chạy thoát được về nhà. Việc tham gia dạy bình dân học vụ ở địa phương vài năm sau hòa bình như một cơ may để ông Kính được nhận một chân nhân viên cửa hàng sách huyện. Sau khi hoàn thành công tư hợp doanh, ông được giao phụ trách cửa hàng cho đến lúc nghỉ một cục. Một lý lịch không mấy sạch sẽ, công thêm hơn ba tháng "đi nhầm giày" khiến ông ta chẳng được cất nhắc gì đã đành mà cứ mỗi lần sắp xếp lại tổ chức, cơ quan phát hành sách tỉnh lại đưa ông vào danh sách cho dãn biên. Về được như ông cũng là quá may rồi.
       Ông Kính hoàn thành được việc lo chạy cho gã lên một cơ quan trên tỉnh xong thì chợt lăn ra ốm. Ông cụ mất vào một đêm trời chuyển gió mùa đông bắc. Trước lúc mất vài tiếng, ông chỉ nói được với thằng Đán: "Cẩn thận đấy! Cái mặt của nhà anh cả…". Bỏ dở câu nói ông thở dài. Đám ma ông diễn ra không ồn ào, số người đưa ông ra đồng cũng không đông. Ấy vậy mà mấy bà trong thôn cũng xì xầm.
       - Bà có trông thấy thằng cả Đán nhà ông lão không?
       - Tôi tìm mãi đâu thấy nó.
       - Bà này mắt mũi kèm nhèm, cái thằng có cái mặt nửa nọ nửa kia ấy chống gậy đi ngay sau cữu chứ đâu nữa.
       - Sao cái mặt nó trông là lạ thế nào ấy nhỉ?
       - Nó mất tiền chữa cái mặt sẹo từ hồi trong Sài Goòng kia. Nhưng nói thật chứ tôi nhìn cái mặt mới của nó cứ thấy sờ sợ thế nào ấy. Không giống với cái mặt người. Nó đơ đơ dài dại, mà bì bì thế nào ấy. Trông đểu cáng, ác ác là.
       Không chỉ mấy bà hàng xóm thấy thế mà ngay cả người nhà nó cũng thấy vậy. Bọn trẻ con thì sợ ra mặt. Nếu để bố nó vằn mắt lên thì đó là cái mặt đáng dùng để hù trẻ con. Thằng Đán lúc đầu không để ý lắm. Nhưng chỉ vài năm sau, tự gã cũng thấy cái mặt mình nó thế nào ấy. Bên mổ tái tạo trơ cứng dần đi. Khi có điều gì không vừa lòng, mặt nó bên đỏ bên tái, bên giật giật còn một bên cứ lì ra. Chỗ da cấy từ mông lên còn tệ hơn. Nó cứ như miếng da ngựa chứ không phải da người nữa. Lúc thâm, lúc đen, lúc xanh tái đến nó soi gương trông cũng thấy khó chịu nữa là người ngoài. Và cái cười thì thật là thảm. Mếu không ra mếu, cười không ra cười. Cái mặt ghép đã phản chủ. Nó biết, lão bác sĩ chỉ kéo đắp, dãn căng sẹo mà không cứu được các chân rễ thần kinh trên đó. Lúc nào cũng một cảm giác, nóng một bên và lì, lạnh một bên. Quen thì quen, mà lão không bao giờ điều khiển được nửa mặt bên phải.
.....
(Còn nữa)