NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

VỀ THĂM QUÊ NGOẠI.

Dễ đến hơn bốn chục năm, tôi mới có dịp về quê ngoại. Quang cảnh làng quê xưa nay đã khác nhiều lắm. Thân mẫu tôi sinh ra ở làng quê nghèo thôn Khả Lạc, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Đông cũ) nay thuộc thành phố Hà Nội. Cha mẹ mất sớm, ba anh chị em người mất vì bệnh, người làm dâu thiên hạ, người ly hương…
      Cho đến những năm cuối đời, Bà vẫn còn đau đáu bởi nỗi không thể tìm được mộ phần hai đấng sinh thành. Ly loạn, chiến tranh rồi đất đai cày xới làng xóm di dời, mồ mả người thân thất tán…Về những người thân thuộc của Bà, tôi có được cái may mắn tuổi thiếu thời từng theo mẹ đi tìm Bác cả mãi trên Bắc Cạn, rồi Thái Nguyên. Những hình ảnh mờ nhạt xưa cũ trong tôi vẫn còn cảm giác lếch thếch bên mẹ giữa rừng xanh đại ngàn của chiến khu Việt Bắc, bước thấp bước cao chiều tối muộn, đêm xuống xin ngủ nhờ bà con người dân tộc bên đường tìm đến nơi Bác tôi làm việc tại một xưởng quân giới kháng chiến…Nếu không có chuyến đi ấy, chắc mãi mãi anh em lạc mất nhau. Hòa bình lập lại, Bác tôi cùng gia đình sinh sống tại Thái Nguyên. Lại một lần nữa, mới mười một tuổi (năm 1960) tôi lại một thân một mình theo lời mẹ lên tàu Hà Nội – Thái Nguyên thăm Bác. Lên Hà Nội, bác cả nhà tôi khi đó đang tập trung huấn luyện bóng đá tại trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Hà Nội (1960 – 1965) đưa ra ga Hàng Cỏ, mua vé cho em và gửi một hành khách trên tàu nhờ trông nom và đưa xuống ga Thái Nguyên. Dù đã thoát ly gia đình rất sớm lên Hà Nội, anh tôi vẫn chỉ biết làm vậy mà không biết rằng, ga Thái Nguyên khi đó chỉ đi đến …Khu gang thép Thái Nguyên, còn ga tôi phải xuống là ga…Đồng Hỷ, bến đỗ cuối lúc đó của cuối tuyến đường sắt là thị xã Thái Nguyên. Một thân một mình, tôi ngơ ngác giữa nhà ga rồi theo chân khách xuống tàu lạc giữa Nhà máy gang thép. Đầu óc bé tẹo trẻ con của tôi cũng còn may mà nhớ được tên bà chị họ con ông Bác. Cứ thế, các bà chị tên là Oanh – công nhân cơ khí mấy phân xưởng, xí nghiệp chuyền tay “cưu mang” tôi dễ đến cả tháng trời. La tha suốt ngày, tới bữa các chị cho ăn, tắm táp cho, tối cứ nằm ghép với các chị trên chiếc giường cá nhân trong các lán trại tập thể nữ. Các chị cho ăn, chăm nom rồi đưa tin đến các xưởng khác, cứ có chị nào tên là Oanh là sang tay tìm tiếp. May phúc, sau hơn ba tuần, tôi mới đến được với bà chị họ thật của mình. Chị tôi từng về Hải Dương ở với gia đình tôi những năm 1956 – 1958 nhận được thằng em, mừng hú! Thời đó, đâu có điện thoại như bây giờ?! Không mất người là đại phúc rồi. Tôi còn nhớ, khi chị đưa tôi vào bệnh viện thăm Bác – bác vào viện vì xuất huyết dạ dày phải cắt bỏ một phần, giở bọc quà mẹ tôi gói ghém gửi lên hai hộp sữa con chim móp méo, còn cân ruốc thịt, cân hạt sen đã…mốc xanh cả. Bác tôi cứ ôm lấy tôi mà khóc. Gia đình Mẹ tôi chỉ còn vậy, còn có hai anh em thôi. Cho mãi tận bây giờ, khi tuổi đã ngót nghét bảy mươi, cái cảm giác về chuyến đi Thái Nguyên hồi đó vẫn không phai nhạt trong tôi…
Về quê, gặp được các anh chị trong họ dù hàng chục năm rồi nhưng các bác vẫn nhắc nhớ đến Bà. Trong ký ức của họ, Bà vốn vất vả từ tấm bé. Đi lấy chồng xa, Ông thân tôi ở mãi bên này, làng Mọc Hạ Đình (nay là Quận Thanh Xuân, Hà Nội) người đầu tỉnh, người cuối tỉnh Hà Đông xưa, có việc chỉ gánh gồng đi bộ. Buôn bán tần tảo, chồng đi làm xa (có thời gian Ông làm tận trên Lạng Sơn). Bà gửi con về quê, gánh gồng mua bán các vị thuốc bắc từ miền ngược về. Cứ đường tắt, đường mòn ngược xuôi. Cho đến tận những năm sáu mươi (1960 – 1969), dù là gia đình công chức nghèo Bà vẫn hì hụi khi xe tơ, khi bện thừng (thừng giang)…nuôi đám tàu há mồm sáu anh chị em lốc nhốc bọn tôi ăn học. Khi tôi lập gia đình, ở chung với bố mẹ và chú út, ông tôi đã nghỉ hưu lương có 58 đồng, hai vợ chồng tôi lương gộp lại hơn trăm bạc, nhà bảy tám miệng ăn. Lại một lần nữa, Bà hết bện thừng lại làm giá đỗ ngồi chợ bán phụ thêm đồng ra đồng vào. Đám trẻ nhà tôi lớn lên từ những đồng bạc nhỏ như vậy.
Dù chỉ ở quê được đôi ba ngày, tôi vẫn thấy thấp thoáng đâu đấy hình bóng Bà. Người đàn bà rất đỗi chân quê ấy, dù chỉ học vừa đủ xóa nạn mù chữ những năm 1958 – 1960 lại ẩn chứa trong lòng tình cảm da diết với quê hương bản quán. Bà đinh ninh rằng, dù làm dâu thiên hạ song phải gửi một đứa con về làm dâu quê nhà để giữ lối về quê. Cô em gái tôi đã nghe lời Mẹ để thực hiện ước mong ấy. Khi ấy Bà mừng lắm. Chính vì vậy, giờ đây chúng tôi mới vẫn có dịp về thăm quê ngoại thế này.
          Thân mẫu tôi giờ này còn sống thì Bà đã tròn trăm tuổi. Mẹ ơi! Sao Mẹ nhân hậu đến thế, sâu sắc và nhân văn đến thế!












Hải Dương, 28/11/2016

Không có nhận xét nào: