Bất chợt lần giở lại những sưu tập
âm thanh, hình ảnh lưu trữ tôi xem lại đĩa hình "Tiếng hát mãi xanh"-
Sản phẩm chương trình văn nghệ cùng tên do Ban văn nghệ Đài Phát thanh truyền
hình (PTTH) tỉnh Hải Dương xây dựng và phát sóng tháng 4/2012.
Đây là chương
trình phóng sự văn nghệ của Đài PTTH Hải Dương nói về một tổ chức văn nghệ
tuyên truyền xung phong của thanh niên thị xã Hải Dương giai đoạn 1968 - 1975,
trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thời kỳ đó. Những chàng trai, cô
gái TNXP cơ sở ở lại thị xã tham gia lực lượng dân quân tự vệ trực chiến chống
chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ- vừa tham gia phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu
quả chiến sự vừa làm công tác thông tin tuyên truyền, văn nghệ động viên tinh
thần lực lượng bộ đội phòng không, dân quân tự vệ, bảo đảm giao thông, san lấp hố
bom, thu dọn chiến trường sau mỗi đợt ném bom phá hoại nhà cửa đường phố trong
nội thị…Dù chỉ tồn tại chưa đầy mười năm, nhưng Đội văn nghệ xung kích CMCN -
tên của tổ chức này giai đoạn đó cũng đủ in dấu ấn văn hóa "Tiếng hát át
tiếng bom" của tuổi trẻ đường phố năm nào. Năm 2012 là năm Trung tâm Văn
hóa Tp.Hải Dương cùng những cựu thành viên còn lại của Đội tổ chức kỷ niệm 45
năm ngày thành lập. Phóng sự văn nghệ phục vụ cho sự kiện này, ngoài việc nhắc
lại quá trình thành lập, hoạt động còn ghi hình 12 ca khúc do các cựu đội viên
và một số hạt nhân văn nghệ các phường xã của thành phố biểu diễn. Đĩa hình "Tiếng
hát mãi xanh" vừa là sản phẩm văn hóa
văn nghệ, vừa là nội dung phát sóng của Đài PTTH Hải Dương trong chương
trình ca nhạc phục vụ kỷ niệm 37 năm chiến thắng 30/4/1975.
Tham
gia chương trình chỉ có 13 anh chị em, người nhiều tuổi nhất đã ngấp nghé tám
mươi, người nhỏ tuổi nhất cũng ngoài năm mươi; số đông trên dưới sáu mươi tuổi.
Chương trình phát sóng của Đài PTTH Hải Dương được dư luận khen ngợi. Dù chất
lượng nghệ thuật chưa cao, nhưng ý nghĩa nội dung của chương trình đạt được yêu
cầu đề ra.
Sau
sự kiện đó, hoạt động văn hóa văn nghệ của đội được hồi sinh, cuốn hút thêm nhiều
hạt nhân văn nghệ các xã phường trong thành phố tham gia. Rất nhiều chương
trình biểu diễn, giao lưu, ghi hình phát sóng PTTH được thực hiện. Chất lượng
nghệ thuật ngày một nâng lên, có nhiều tiến bộ.
Mới
đó mà đã 5 năm trôi qua. Hai thành viên cao tuổi- ngót 80 tuổi, gạo cội nhất của
Đội: Nhạc sĩ Nguyễn Chính, ông Nguyễn Trung Đoàn - nguyên phó phòng VHTT Thị xã
Hải Dương người trước người sau vĩnh biệt người thân, gia đình và đồng đội ra
đi để lại biết bao sự tiếc thương, xa nhớ cho người ở lại…
Với
tôi, người vốn từng có mặt gần như đồng thời với sự kiện thành lập đội những
năm 1967 - 1969; sự hồi sinh và hoạt động của Đội như một sự đánh thức lòng say
mê văn nghệ. Tham gia với anh chị em sau mấy năm nghỉ chế độ, tôi lập tức tìm lại
được nhịp độ làm việc nghề nghiệp. Cùng với công việc xây dựng tiết mục, chương
trình, làm mới những ca khúc tập thể "đi cùng năm tháng"…niềm hứng khởi,
những tình cảm quan hệ mới mẻ giúp tôi thêm động lực sáng tạo. Tham gia viết
sách với các tổ chức xã hội nghề nghiệp, viết kịch bản tổ chức sự kiện, làm
phim truyền thống…với bạn bè, đồng nghiệp, đồng môn. Những sản phẩm nhỏ hẹp
thôi, chỉ vừa với không gian văn hóa nghệ thuật nghiệp dư song cũng đem lại biết
bao niềm vui cho cá nhân và bạn bè. Tất nhiên, cũng gặp phải những va chạm, đôi
lúc cũng tổn thương…nhưng tuổi tác vậy, cũng chẳng lấy làm điều.
Cũng
chỉ một một hai tuổi nữa là tôi sẽ bước vào hàng "thất thập". Câu chuyện của thập niên đầu tiên nếm trải “Lão
giả an chi” (người già nên ở yên) vậy là cũng có chút "trà dư, tửu hậu".
Không nên giữ một mình điều cần chia sẻ, viết những dòng này tặng cho bạn bè…
Tháng 8, năm 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét