NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Đang là mùa hạ những năm giữa thập kỷ tám mươi, thế kỷ hai mươi. Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc mới được ngót mười năm. Đất nước lại vừa trải qua hai cuộc chiến biên giới phía Bắc và Tây nam. Mọi thứ còn rất khó khăn. Cán bộ nhà nước vẫn gạo sổ, tem phiếu thực phẩm. Hàng hóa công nghệ phẩm hiếm hoi, ít ỏi và phải thực hiện chế độ phân phối ngặt nghèo mới đến tay số ít người tiêu dùng chọn lọc. Các cơ quan nhà nước vẫn phân cho cán bộ nhân viên từng bộ săm lốp, từng chục chiếc đũa xe đạp, từng chiếc vỏ hay mền chăn bông. Vật dụng sinh hoạt nhà nào khá giả thì có thêm chiếc quạt tai voi, chiếc nồi áp suất Liên Xô, chiếc vô tuyến truyền hình Neptuyn phân phối đen trắng. Hoặc chiếc Ri-gon-da do lưu học sinh Liên Xô đem về, hay chiếc tivi Nationa, Sanyo, Sony…Các thứ đài điện tử bán dẫn, máy quay đĩa, đầu ghi âm băng cối Teac, Sony, Toshiba……mua lại của đám cán bộ, bộ đội đem từ phía nam ra. Nhà nào vừa vừa thì có chiếc quạt "con cóc" ba mươi lăm đồng, chiếc đài bán dẫn Orionton, Vef 12, chiếc quạt Điện cơ Thống Nhất. Các cơ quan xí nghiệp có nơi mỗi năm phát động tự túc lương thực hai tháng, ba tháng. Bữa cơm ngoài độn bột mì, mì sợi, độn khoai, sắn nay còn thêm cả hạt bo bo. Trẻ con người lớn gặp cảm cúm, ho hoắng viêm nhiễm ốm đau mà được dùng thuốc kháng sinh là rất hiếm khi. Vài viên xuyên tâm liên, cảm đông y nhì nhằng chung cho rất nhiều thứ bệnh thường gặp. Chợ búa nghèo kiệt hàng hóa. Xà phòng kem lổn nhổn khét mùi vôi tôi, xà phòng bánh đen thui thủi chắc chỉ để dùng cho bảo hộ lao động, cho công nhân cơ khí lắp máy…chà đến đau tay mới rịn ra chút bọt. Thậm chí đến cả muối, nước mắm cũng hiếm. Chăn bông, áo bông rặt chỉ có bông tái sinh xanh xanh đỏ đỏ vón thành cục. Nhiều gia đình phải bật lại từng chiếc chăn bông cũ, san ra cho đủ số người trong nhà dùng. Người mỗi lúc sinh sôi nhiều thêm, đông thêm mà vật chất tối thiểu chỉ có hạn. Nhà nước đã phải lên kế hoạch tiết giảm dân số, vận động sinh đẻ ít con.
       Đoàn tàu khách Thống Nhất đông nghẹt người nặng nhọc chuyển bánh sau tiếng hụ..hụ.. mệt mỏi của chiếc đầu kéo chạy dầu. Bỏ ga Đà Nẵng lại đằng sau, con tàu tiếp tục hành trình Bắc Nam bảy mươi hai tiếng đồng hồ. Trên tàu, lúc lỉu trên các toa khách những là bị bọc, ba lô, bao tải, thúng mủng, túi xắc, túi lưới. Giờ có lúc người ta gọi vui với nhau rằng, tàu Bắc Nam là cái chợ có bánh xe. Cũng phải thôi. Trong nam ngoài bắc qua lại trên con đường sắt cả ngàn cây số này chen chúc với hành khách đi tàu là hàng hóa. Bất kể thứ gì, từ trái trứng, quả dừa, cá khô, lọ mắm nêm, chai nước mắm đến xoong nồi đồ nhôm, rổ rá xô chậu đồ nhựa tất tật đều được trung chuyển giữa hai miền bằng tàu khách. Lẫn trong đó, hành khách thật sự của tuyến giao thông huyết mạch nhường nhịn nhau từng xangtimet ghế ngồi, ghế nằm, thậm chí cả sàn tàu. Các toa tàu ứ nghẹn người, nhân viên nhà tàu phải lách từng bàn chân di chuyển qua các toa. Nơi thì giành giật cãi vã ồn ào chỉ vì chút chỗ mắc võng ghé lên giàn hành lý, đong đưa phát khiếp trên đầu trên cổ người ngồi phía dưới. Chỗ khác lại ôn hòa thu xếp với nhau nhường chỗ cho người già, trẻ thơ. Cái xã hội thu nhỏ trên toa tàu bắc nam phản ánh rất trung thực hình ảnh cuộc sống vừa mới chuyển từ thời chiến qua thời bình, chật vật tìm cách sống sao cho đủ cơm ăn áo mặc, giấy vở học hành. Qua các miền đất nghèo Nghệ Tĩnh, miền trung trung bộ nhìn ngoài cửa sổ toa tàu là những cánh đồng sơ xác lúa ngô, khoai sắn nhìn cũng biết thu hoạch lương thực chẳng nhiều nhặn gì. Chen lẫn vào đó là từng vùng cát trắng ngút mắt đầy gió mà vắng ngắt nhà cửa. Từng tốp trẻ con, đông thì cả chục, ít thì dăm ba đứa vai khoác bao dứa, mặt mũi đen nhẻm tóc vàng sơ vì nắng gió tay nhăm nhăm thuốn sắt đi tìm kiếm sắt vụn, vỏ bom mìn, đồ thải loại chiến tranh còn lấp sâu trong lòng cát trắng. Không thấy mấy nhà cửa sầm uất, nếu không lướt qua những vùng đô thị nhấp nhô mái tôn nghèo. Những Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cũ kỹ lướt qua. Những bát cơm, bát bún, bát cháo ăn vội trên sân ga không đủ lấp đầy dạ dày bao con người trên đường di chuyển. Người ta hối hả đi, hối hả ăn uống, í ới gọi con, chen chúc thét gọi tên nhau, tìm người già trên tàu, dưới ga. Đám hàng hóa vụn bên đường, chủ yếu là bánh kẹo gia công, đường phèn đường cát, đồ ăn nhanh mì hai tôm, ba tôm bám lấy đường tàu. Rồi mẹt, rồi vỏ hộp bìa cac tông bầy dăm củ khoai khúc sắn, dép tông đổ bộ từ dưới ga lên con tàu vội vàng. Để rồi, gặp nhân viên nhà tàu, gặp bóng công an đường sắt lại nháo nhào xô đẩy, nhảy như sung rụng xuống tàu giữa đêm vắng. Thi thoảng, đợt khách này xuống, đợt khách kia lên lại ngậu xị om xòm mất cả tiếng để giành kiếm lấy một chỗ ngồi, chỗ dựa lưng ít ỏi giữa đám người nhễ nhại mồ hôi, nồng khét mùi người lâu ngày không được tắm gội. Không khí đặc quánh mùi thuốc lào, thuốc lá, mùi dầu gió hăng xì. Thi thoảng, len lỏi qua đám người, đám ghế ngồi chút ít gió hiếm hoi lọt qua khe cửa sổ, nhưng lại quyện nồng mùi nước tiểu từ phòng vệ sinh cuối toa hắt lại. Giữa cả trăm, cả chục con người, đi liên tục mấy ngày đêm trên tàu, tranh được cốc nước đánh răng, bát nước rửa mặt trên phòng vệ sinh cuối toa cũng đủ được khen là người xông xáo. Người chậm chân, lành hiền chen được vào những việc đó chỉ có thua. Đành bóp bụng mua chậu nước sạch dưới đường tàu, bất biết là nước giếng, nước máy hay nước sông đánh phèn, san san bớt bớt để dành cốt khắc phục tàm tạm cái nhu cầu vệ sinh răng miệng và lau rửa tối thiểu. Những ga lớn giữa chặng như Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng…còn có nhà tắm dịch vụ, xếp hàng rồng rắn nghịt người, tắm chưa đủ sạch đã vội vội vàng vàng chạy đuổi theo tàu, đu đại lên, ôm víu bất cứ thứ gì hai bàn tay có thể bám được để trèo vào toa. Và những chi tiêu dè sẻn của khách đi tàu, chỉ cố gắng tiêu dùng vào những nhu cầu tối thiểu ăn, uống, tắm, rửa… cũng vắt móp kha khá hầu bao ít ỏi của họ. Biết làm sao được, giữa thời buổi như thế này, làm sao mà đáp ứng được cho hết nhu cầu hàng ngày của cả triệu vạn hành khách qua lại trên cặp đường ray mỏng manh gầy guộc này của đường sắt bắc nam?!.
       Giữa đám người hỗn độn lúc nào cũng muốn sôi lên ấy, thằng Đán khéo lắm mới ngả được tấm lưng mệt mỏi xuống tấm vải mưa lót vội dưới sàn tàu. Chân không thể duỗi thẳng được, mà bảo rằng co lại thì cũng đâu có được thoải mái. Đầu kẹt giữa một bên là hai cái đầu gối tròn bự của một bà buôn dáng ục ịch. Vai ghé được một bên lại va phải cạnh xương hông khẳng khiu của một cụ già cỡ gần bảy mươi. Còn chung quanh ư, đó là một đám lổn nhổn kẻ nằm người ngồi, ba lô túi xách bọc bị kẹt cứng. Trẻ con có đứa chưa đầy tuổi tôi còn được các bà mẹ đẩy gọn cả vào gầm ghế để chúng bớt phải chịu chen vai thúc cánh với người lớn. Chuyến đi này là chuyến công tác vào nam đầu tiên của thằng Đán, và có thể sẽ còn kéo dài vài năm. Xí nghiệp cần mở rộng việc tiêu thụ sản phẩm ở Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Phải lập một trạm đại lý tiêu thụ hàng hóa trong đó. Đội hình chính đã theo xe hàng vào rồi. Nó đi sau vì còn vướng công việc lao động tiền lương dở dang phải bàn giao cho người khác. Lên tàu ở Hà Nội cách đây hơn một ngày, mãi đến giờ này gã mới tạm gọi là quen quen với cảnh đi tàu bắc nam. Nghĩa là biết ăn theo người khác, ăn vội ăn vàng kiểu tàu xe nhếu nháo. Biết mua bán những vật dụng sinh hoạt tối thiểu. Biết tiêu tiền vào mấy khoản nước rửa, nước uống, cơm đĩa cơm phần hàng ngày trên tàu. Đương nhiên còn phải mắt trước mắt sau giữ cho bằng được chiếc ba lô quần áo tư trang giữa muôn người nhộn nhạo này. Đêm xuống, cả toa tàu chỉ có hai ngọn đèn bé tí, không đủ tỏa hết được chút ánh sáng vàng quạch, yếu xìu tới mọi ngõ ngách trên toa. Cứ sau một ga lẻ có người lên xuống, không góc này cũng góc khác trên toa ồn lên những tiếng kêu thất thanh vì mất tiền, mất đồ. Đi tàu kiểu này, thân ai nấy lo giữ. Không biết, không quen chớ có hào hứng thật thà nhờ vả hay giúp đỡ vặt. Biết đâu đấy. "Phải vạ thì má đã sưng".
       Ga Quảng Ngãi rồi. Tiếng ồn ào từ dưới sân ga dội lên ngay từ khi chuyến tàu vừa mới vào khu vực đầu ghi. "Đường thẻ đây!" "Gà luộc nguyên con đây!" "Hủ tíu nam vang! Bún bò à! Mì Quảng đây!" "Bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ú đây!" "Nước nào! Nước sôi đổ bình thủy, nước nguội, nước đá đây!", "Cà phê! Trà đá! Trà bắc đây! Uống mau kẻo hết nào", "Chè thập cẩm, chè trái cây, chè bưởi á!", "Kẹo cao su, kẹo đường phèn không! Nhíp đánh răng, lược nhựa, cây ngoáy tai, kềm cắt móng, dép Thái đơi!" …..Người lao tới vội vàng, người lách xuống, kẻ chen lên, người nhoài xuống nháo nhào. Tiếng la hét, có cả tiếng chửi thề, gắt gỏng. Tất cả ồn lên cỡ gần hai chục phút. Đoàn tàu cựa mình đi trong chút ánh sáng yếu ớt của ngày chuyển qua tối, bỏ lại dưới sân ga đám người mưu sinh dọc đường tàu vón thành một đám mệt mỏi, nhễ nhại. Theo lời ông già nằm cạnh, thằng Đán nghiêng người một bên lấy chỗ trống cho ông khách mới lên. Dưới vành chiếc mũ lá gồi, trong ánh sáng cuối chiều nhập nhoạng, một khuôn mặt râu ria quai nón sợi đen sợi bạc ngang tàng khỏe mạnh. Trông có vẻ quen quen, thằng Đán nhắm vội mắt.
       - Ơ này, đất trời va nhau hay sao thế này. Thằng Đán đây mà, có phải không? Anh Thông mày đây.
       - Xin lỗi bác, bác nhầm em với người khác rồi. Bác cứ xích vào chút nữa cho thoải mái.
       Cố nghiêng phía mặt nhăn nhúm sẹo về phía người đối thoại, thằng Đán khẽ giọng, tiếng méo méo.
       - Thôi chết, có lẽ tôi nhầm người. Chú em tha lỗi cho nhé, già cả lẩm cẩm thế đấy. Nhập nhoạng thế này, mắt mũi kèm nhèm. Tôi chỉ xin ghé nhờ nửa người thôi. Ga sau, ga Diêu Trì tôi xuống rồi.
       Đôi mắt người đàn ông có tuổi như mờ dại hẳn đi. Khổ sở chép miệng, ông ngồi xây lưng quay vội mặt đi chỗ khác rồi úp cái mũ lá xuống mặt ngồi im. Lát sau đã thấy tiếng ông thầm thì với người kế bên, giọng trầm xuống.
       - Tôi có thằng cháu đóng quân ở trường lục quân Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định. Một đứa con gái theo chồng là cán bộ miền Nam tập kết, thống nhất theo về Quảng Ngãi quê chồng. Thằng cháu viết thư vận động gia đình tôi vào trong này sinh sống. Tôi đi chuyến này xem sao rồi ra đón bà ấy và thằng út vào. Mấy hôm trước, tôi còn ghé nhà con cháu chơi mấy ngày với hai thằng cháu ngoại. Ngoài quê tôi, người vào xây dựng kinh tế mới ở trong này cũng kha khá. Thôi thì, rồi cũng theo mấy đứa nó thôi! Ở đâu cứ dễ sống là được. Bỏ quê bỏ quán, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn thân thuộc cũng thấy nặng lòng lắm.
       - Ông tính thế phải đấy. Tôi vốn ở Quỳnh Phụ Thái Bình, vào trong nam này cũng được vài năm rồi. Trồng cao su, nuôi lợn ở Đồng Nai cũng được lắm ông ạ! Việc tuy lam lũ vất vả thật, nhưng thu nhập cũng tạm đủ ăn. Trong này trăm người mười làng, kiếm cho có miếng ăn cũng không mấy khó khăn.
       Thằng Đán nhắm mắt vờ ngủ nghe hai người già nói chuyện. Gã thậm chí còn không dám cựa mạnh. Cố ép người nằm nguyên tư thế vậy đến đau cả một nửa người. Hơn sáu tiếng đồng hồ trôi qua. Gần sáng, con tàu tới ga Diêu Trì. Gã cảm thấy ánh mắt ngại ngần của người đàn ông một lần nữa lướt qua mặt. Không còn lời chào hỏi hồ hởi ồn ã lúc mới lên tàu, người đàn ông khẽ giọng chia tay các hành khách còn nửa thức nửa ngủ bên cạnh. Ông rời tàu rồi, thằng Đán lúc ấy mới thấy người mềm ra. Hú vía. Đây là lần đầu tiên, hay không biết còn lần nào nữa đây, việc gặp những đồng nghiệp chiếu bóng bãi ngày nào khiến gã phải lo lắng? Hắn không thể bịn rịn với quá khứ được. Hắn đang cố là người khác. Xin được theo vào công tác trong này, tránh phía Bắc xa ra một bước cũng là một nước cờ mà ông Kính- bố hắn tính toán cho.
….

(Còn tiếp)