NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

PHÚC PHẬN ĐÀN ÔNG (TRUYỆN – KỲ 8) BÌNH DƯƠNG

(Tiếp theo kỳ trước)
Mắt đã quen với cảnh tranh tối tranh sáng, Toàn dần nhận ra cảnh quan trong nhà. Căn nhà thấp nhỏ, chiều ngang dăm sáu bước chân, chiều sâu vài ba bước lủng củng những cột kèo lộ cộ, mảnh mai.
Nền đất nện đã lên màu nâu bóng đầy vết rạn lớn bé. Tường nhà giống mọi ngôi nhà vùng trung du, trình bằng đất núi dày dặn sần sùi. Chỗ bà cụ nằm phía chái nhà bên phải, nơi đặt tấm ván ngựa vừa hai người lớn nằm úp thìa. Giữa nhà kê một chiếc thồi gỗ, trên mặt bày một khúc vỏ đạn cối sáu mươi ly cao chừng gang tay, đế bằng gỗ tiện chứa cát sông. Bên trong lô xô một nắm chân hương. Cạnh đó một đĩa đèn dầu lạc đen kít thấy nhô lên đoạn bấc cháy nham nhở. Không thấy bài vị, ảnh thờ, hương nến gì. Chắc bàn thờ gia tiên cũng chỉ có vậy. Một góc khác của gian nhà chình ình tấm phên nứa quây tròn chắc để chứa thóc, bên trong lủng củng những nong nia dần sàng cái méo cái bung cạp, thóc lúa chỉ loáng thoáng vài thúng nhỏ chen giữa vô số sắn, khoai …Góc còn lại, thấy lổn nhổn vài cái cuôc cùn, cái vồ gỗ, nồi niêu…bên ba ông đầu rau bằng đất xếp giữa bãi tro nguội ngắt. 
- Vâng, cháu chào bà Bầm! Bà bầm ốm mệt ra sao! Thế mấy hôm cô Phúc vắng nhà sinh cháu thì ai lo cho bà…
- Bà nhà em hỏng mắt mù lòa cả chục năm nay rồi, tai thì nghễnh ngãng tiếng được tiếng mất. Dờ dẫm trong nhà vài bước rồi lại lần tường ra ngoài lẩn mẩn cà kê một mình trước cửa. Ốm đau nhì nhằng thế thôi, vài bữa lại khỏi! Được cái chưa bữa nào bệnh nặng. Em ở nhà thì khỏi nói, bữa nao đi đâu là phải gửi con cái Hơn góc đường kia thi thoảng nó sang đỡ cho. Bác ngồi tạm chỗ mấy cái đòn kê bên bếp kia để em thu xếp cho cháu nó nằm rồi mình xem cơm nước thế nào. Bác thông cảm hoàn cảnh nhà em nhá. Mấy khi được đón khách quý thế này…
- Cô để đấy tôi. Cứ lên vạt kia ngồi nghỉ với bà bầm cho thằng cháu đỡ mệt. Ta cứ làm tạm cái ổ rơm chỗ góc kia nha. Vài cái thúng mủng, nong nia kia tôi xếp ra góc này. Rồi đâu vào đó ngay thôi mà!
Miệng nói, tay xếp. Toàn nhanh chóng dọn được một khoảng trống trong góc nhà đối diện. Nhớ ra trên xe còn nguyên một tấm bạt cũ cất dưới bệ ghế buồng lái, Anh lấy vào nhà, tiện tay vơ gần chục tàu lá gồi lẻ cậu giữ kho nông sản Hà Giang quăng lên xe hôm trước "cho thêm ông anh mấy tấm này, đi đường nhỡ phải nằm qua đêm thì trải ra sàn xe mà nằm tạm!". Trải đám lá gồi xuống đất, phủ tấm vải bạt gấp làm đôi lên Toàn nhanh chóng làm được một chỗ nằm ấm áp rộng cỡ chiếc giường cá nhân. Ngắm "công trình dã chiến" vừa làm, anh thấy cũng tàm tạm. Lớp lá gồi lót dưới đất cộng với tấm bạt khá nặng cũng làm được một chỗ nằm cao ráo dày hơn hai chục phân, êm ái.
Căn nhà chợt bừng lên ấm áp khi Phúc nhóm lên bếp lửa. Không để Phúc phải băn khoăn cơm nước, Toàn ra xe ôm vào một túi. Nào gạo, nào thịt hộp, mắm muối, mì chính…Với đám lái xe tải, chuyện "ngã đâu là nhà, ngả đâu là giường" thì câu chuyện này chỉ là "chuyện nhỏ!!!". Họ lúc nào cũng sẵn sàng lam lũ, sẵn sàng xoay trở để sống mà không sợ đói, ngủ nghỉ mà không sợ rét dọc đường. Cái vận của đám lính lái là thế. Luôn thích ứng, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. Thói quen chiến trận, quen với thử thách trên từng cây số, những chuyện nhỏ nhặt về ăn nghỉ thế này họ thường dễ dàng vượt qua. Và thường là…"không thắng to, cũng thắng đậm". Khi hòa bình trở lại, các xí nghiệp vận tải cũng lo được cho đám lái xe nhiều thứ. Mỗi chuyến lên đường, họ đủ sức ăn nghỉ thảnh thơi giữa đường với đủ thứ lương thực, thực phẩm đem cùng. So với thời đạn bom, những tháng ngày sau hòa bình của dân vận tải Trường Sơn là …"tiên cảnh". Ăn uống vạ vật dọc đường kiểu này tuy vẫn là chuyện cơm bữa, nhưng còn sung sướng gấp vạn lần những đận nhịn đói mắt nổ hoa cà hoa cải đêm Trường Sơn…

(Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào: