NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

PHÚC PHẬN ĐÀN ÔNG (TRUYỆN – KỲ 9) BÌNH DƯƠNG

(Tiếp theo kỳ trước)
- Tôi lận đận lắm bác tài ạ! Lấy chồng từ thuở mười lăm, sinh con Phúc mới được vài tháng thì ông ấy bỏ tôi ông ấy đi. Ngày ấy, con sông Lô chảy qua đất Lập Thạch này hung dữ lắm. Mùa mưa lũ, Hà Bá, Diêm vương bắt đi cả chục người.
      Ông nhà tôi, vốn khỏe mạnh vậm vạp nhất đám buôn bè trên nguồn kia cũng phải dăm ba bận vật đi vật lại Hà Bá mới giằng được ông ấy đi. Tôi ôm con thơ còn đỏ hỏn đi khắp triền sông tìm kiếm mà không biết ông ấy nằm đắm khúc nào. Ngày lần dờ tìm kiếm, đêm vạ vật nghỉ nhờ bà con chài lưới mom sông. Mãi rồi đành chịu, dừng lại ở đất này thì con đã gần đầy năm. Chỗ đất này do bà con làng này cắm cho, năm con Phúc ngót mười tuổi mới dựng lên cái nhà này. Mà cũng tuyền là nhờ vả bà con chòm xóm cả. Trước đó, hai mẹ con chỉ dựng tạm tấm lều cỏ ụp xụp ăn ở qua ngày. Tôi đi làm thuê khắp làng, con còn bé thì đeo địu trên lưng, con biết đi thì đi đâu nó lếch thếch theo đó. Những năm chiến tranh bom đạn, vùng này vốn xa đường lộ, xa xí nghiêp nhà máy…nên chỉ thấy ầm ì phía trên kia và khúc sông phía dưới. Bộ đội cũng qua lại nhiều, nhưng không ở lâu. Bà con lụi cụi cây lúa, gốc sắn, nương chè cũng sống tạm, nhưng đất này từ thời nảo thời nào đến giờ cũng không mấy người giầu có. Hòa bình, người có gan có sức rủ nhau đi làm ăn xa cả, trong làng giờ rặt người già và đàn bà con gái. Đến kiếm tấm chồng cũng khó…
Sau bữa cơm "rau dưa nhì nhằng", trời sập tối rất nhanh. Chiếc đèn dầu lạc tỏa vầng sáng vàng vọt yếu ớt không quá mấy bước chân trong gian nhà nhỏ. Đứa trẻ thi thoảng ọ ẹ, tiếng Phúc à ơi nựng con làm không khí trong nhà bớt quạnh. Ra xe ôm thêm tấm tăng võng vào nhà, thoáng chốc đã thấy Toàn thảnh thơi gác chân chéo kheo đung đưa cạnh cây cột góc tường. Tiếng bà cụ già rì rầm kể lể, Toàn nằm im nghe chuyện. Anh lắng nghe câu chuyện của người đàn bà vất vả từ trẻ đến già mà như nghe câu chuyện cổ xưa năm nảo năm nào nghe được dọc đường suốt cuộc chiến tranh từ những thân phận nghèo khó trải khắp dải đất miền trung năm xưa…
- Hơn năm trước, có đoàn công nhân làm đường đóng quân xóm này. Chẳng hiểu khôn dại thế nào mà một thằng nhỏ cứ xoắn lấy con cái Phúc nhà tôi. Chân chậm, mắt mờ dở mù dở lòa tôi cứ thấy cái thằng đó thậm thụt qua lại suốt. Đến mặt ngang mũi dọc, bé nhớn méo tròn của thằng trai ra sao tôi cũng không tường. Chúng cặp với nhau cỡ đâu nửa năm thì đám thợ nọ chuyển đi nơi khác. Tôi nghe con Phúc khang khác biết ngay có chuyện không hay rồi. Con bé hết khóc lóc lại nói sảng nói dại. Nghe mấy đứa trong làng mách có bữa nó định lội sông không thiết sống nữa. Tôi cũng nát cả lòng cả ruột, muốn mắng mỏ nó mà chẳng nỡ, nghĩ khéo rồi cái vận số nó lại như cái thân già này…Cuối cùng, đành khuyên con giữ lấy cái mạng đứa bé, giữ lấy cái mầm sống ông giời gán cho mình. Giữ lấy mà nuôi, sau này về già có chỗ mà dựa, nơi người khan của hiếm thế này trông ngó vào đâu?! Nó nghe tôi bình tâm lại, giờ đã đẻ ra là phải nuôi. Nhà có tiếng con trẻ cũng còn hơn chỉ trần trụi mẹ góa con côi…Nó mới kể lại tôi nghe hồi nãy. Bác thật là tốt bụng, gặp được bác kể như gặp bụt giữa đường. Nó vừa mới vượt cạn một lần mà được bác trông nom thế là cái số nó đỡ hờn. Người tốt trên đời này vậy là cũng còn nhiều con ạ, đừng vội trách móc oán thán gì nhiều. Giời phật có mắt cả! Tôi nghĩ sao nói vậy, bác nghe giúp vậy nha…
Toàn nằm im nghe bà cụ rì rầm kể lể. Phúc không tham gia vào câu chuyện, không phút nào cản ngăn dòng bộc bạch của mẹ về gia cảnh và câu chuyện của mình. Cô chỉ nhè nhẹ vỗ về đứa bé thi thoảng u ơ giữa nhịp ngủ, thức đòi bú mớm của nó. Giờ thì Toàn hiểu vì sao suốt mấy lần tiếp xúc không hề thấy người đàn bà trẻ nở nụ cười nào, cũng không thấy thổn thức điều gì mỗi khi có người hỏi han về gia cảnh cũng như quan hệ xã hội. Chắc cô đã chìm mãi trong buồn khổ, thất vọng và đã chấp nhận sự đời. Là người không mấy có quan hệ trai gái, cũng ít tiếp xúc với xã hội đời thường ngoài công việc nghề nghiệp Toàn chợt thấy sao có lắm người đàn bà gặp phải cám cảnh buồn bã éo le đến thế. Đêm xuống giữa tiết trời cuối thu vùng sơn cước, Toàn kéo tấm vải dù lên ngang cổ, đưa mình chìm dần vào giấc ngủ…

(Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào: