Năm Tân Sửu (2021) đang chậm rãi chuyển vận những giờ khắc cuối cùng trước khi "chuyển trạng thái" cho năm Nhâm Dần (2022). Tôi chắc còn nhiều con dân Việt khác đều chưa /không thể quen với khái niệm "bình thường mới" của Tết Việt. Mạch chảy truyền thống văn hóa Việt chắc cũng không tiếp nhận khái niệm này, dù lịch sử đã từng chuyển qua rất nhiều cung bậc trạng thái khác nhau: chiến tranh, hòa bình, giữ nước, dựng nước, rồi...đổi mới, hội nhập. Người Việt chỉ có một khái niệm "Tết" với "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Người già lo giữ nếp nhà, phong tục; người trẻ lo học hành, tu thân nuôi ước mơ phương trưởng, thành đạt... Khái niệm "bình thường mới" không nằm trong màu sắc hoa đào, hoa mai; trong văn hóa ẩm thực, mâm ngũ quả, tục thờ cúng gia tiên trước thềm năm mới....Hai năm liên tục, dịch bệnh có thể gây xáo trộn cuộc sống thường nhật, đe dọa tới sinh mệnh hàng triệu con người, gây bất ổn trong kiếm kế sinh nhai, gây tổn hại nặng nề cho thu nhập cá nhân, lãi lời buôn bán, thậm chí có thể đình đốn kinh tế...nhưng không thể làm "mất Tết" của người Việt. Tết vẫn là Tết, chỉ có thể to lên hay bé đi, vui nhiều vui ít, háo hức chờ đón hay "phập phồng" lo ngại. Vậy thôi. Xưa vào thời binh đao khói lửa, bom đạn cày xới chẳng thấy người Việt "hoãn Tết, bỏ Tết" bao giờ. Bởi tục lệ xưa vẫn còn đó, thóí quen "người già, con trẻ" thêm tuổi được mừng...vẫn vậy!