NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Gần hai ngày sau, thằng Đán đặt chân xuống sân ga Hòa Hưng vào tầm bốn giờ sáng. Moi cuộn tiền lẻ giắt trong chiếc túi nhỏ dưới thắt lưng chiếc quần bộ đội bạc màu được vợ gã khâu cho trước chuyến đi, gã trả tiền người lái xe ôm mau mồm mau miệng. Dừng trước cửa địa điểm xí nghiệp thuê làm đại lý tiêu thụ sản phẩm, hắn bấm chuông. Đường phố đã bắt đầu lác đác xe máy, xe đạp, xe lam đi làm. Gánh hủ tiếu, gánh phở đêm vội bán những bát đồ ăn cuối cùng. Thành phố sắp cựa mình thức dậy. Người bảo vệ già ngái ngủ ra mở chiếc cửa sắt kéo nặng trĩu ở tầng trệt, hướng dẫn hắn lên một căn phòng nhỏ tầng trên. Quăng tấm thân rã rời xuống chiếc giường cá nhân trơ trọi trong phòng, gã để cả quần áo, ngủ vùi. Ngủ đã, ăn uống tắm táp sau, mặc cái bụng có vẻ muốn sôi réo đòi hỏi. Chuyến đi hai ngày, ba đêm lăn lóc trên tàu khách Bắc Nam đã hành xác hắn nhừ tử. Mà hắn cũng cần một giấc ngủ no nê để quên đi cuộc gặp bất thình lình với ông Thông trên tàu. Bánh xà phòng thơm năm nào nhận vội trước giờ lên đường ra tiền tuyến mòn ngót bé tẹo giữa đám bọt trắng xóa trong tâm trí gã. Kỷ niệm đã lùi quá xa và không còn mấy ý nghĩa với cuộc đời gã lúc này. Nặng lòng với quá khứ khó sống lắm.
*
*      *
       Trạm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp thủy tinh "Làng Tre" được thuê làm trụ sở là căn nhà một lầu, một trệt tọa lạc ngay gần khu Chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. Mặt tiền khá rộng rãi, gần tám mét. Tầng trệt được bố trí dành phần lớn làm quầy giới thiệu sản phẩm. Dưới đó còn có phòng Giao dịch, phòng Kế toán, kho vận, bộ phận bảo vệ ở phía trong. Trên lầu, ngoài phòng làm việc kiêm chỗ ở của Trạm trưởng còn có phòng Nghiệp vụ, phòng Hành chính. Bốn gian phòng còn lại của tầng lầu là nơi ăn chốn ở của ngót chục cán bộ, nhân viên. Thằng Đán làm nhân viên văn phòng, trực điện thoại, làm kế toán ghi chép xuất nhập hàng vào kho. Quanh đây vốn trước là khu gia binh của sỹ quan và binh lính ngụy khu vực giáp sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đây đi bộ đến phi trường Tân Sơn Nhất khoảng hơn hai cây số mất cỡ ba chục phút. Tới Ngã tư Bảy Hiền chỉ hơn sáu cây số một chút, đi bộ hết một giờ đồng hồ. Vị trí như vậy là khá thuận cho việc đi lại, vận chuyển và giao dịch. Sau giải phóng, chung quanh khu vực chợ Hoàng Hoa Thám phần lớn là doanh trại bộ đội, nhà ở gia đình quân nhân và cán bộ, chiến sĩ đã hết hạn phục vụ quân đội và định cư ở lại thành phố Hồ Chí Minh. Đa số nhà ống cũ một tầng, mái tôn. Đôi ba chiếc nhà tầng, cái lớn hai lầu một trệt, còn đa số hai tầng, một lầu một trệt. Chả vậy, nếu để ý kỹ sẽ thấy khu vực này có khá nhiều quán ăn, tiệm phở Bắc. Đặc biệt nhiều cửa hàng thịt chó với vô số biển nhớn, biển bé "Cầy tơ bảy món" "Cờ tây khoái khẩu" hoặc "Đặc biệt cầy tơ". Có quán chỉ vẽ tấm quảng cáo với hình một chú mực nhe răng, ngồi toác miệng cười và đeo toong teng trên cổ một củ riềng tướng. Phia dưới hạ độc hàng chữ "Mộc tồn" hài hước…Thực khách chủ yếu là người Bắc, bộ đội, cán bộ biệt phái công tác phía Nam. Người Sài Gòn những năm này không có mấy người ăn thịt chó. Thằng Đán nghe đám đồng nghiệp, bạn bè kháo nhau rằng, trong này bà con theo đạo Phật rất nhiều, họ kiêng dùng. Lại có người bảo rằng, sau rất nhiều năm sinh sống cùng với người ngoại quốc, người Sài Gòn cũng không quen dùng thịt chó nữa, vì các chú khuyển vốn được coi là con vật hết sức thân thiết của người phương Tây. Mà thịt chó thì khá rẻ. Các chủ quán đổi bảy tám ký gạo được một chú khuyển vừa độ ngon thịt. Thậm chí, có thể thuê người bắt chó hoang đầy rẫy phố sá. Vậy nên, bước chân vào các quán thịt chó ở khu Hoàng Hoa Thám này, người Bắc có cảm giác như ở quê mình vậy. Không khí đượm nét đồng quê. Đến cả mắm tôm, húng quế, lá mơ, giềng mẻ, rượu gạo cũng được chuyển từ Bắc vào. Vẫn kiểu ăn giải chiếu, xếp bằng quen thuộc. Mâm là những chiếc bàn gỗ tạp, tre, nứa chân thấp hai ba chục phân. Vẫn kè kè cạnh bàn rượu những "khẩu ba dô ca", chiếc bằng ống nhôm, duya - ra, chiếc bằng ống tre, ống nứa "quốc hồn quốc túy" xếp ngay cạnh chiếu nhậu. Nếu có khác,  thì đó lẫn giữa những chai rượu gạo miền Bắc nút lá chuối, có cả "lade - bia cọp" và rượu đế Gò Vấp. Tất nhiên, thế nào cũng phải có một xô đá lạnh tướng bên cạnh.
       - Ê! Đán. Mày vô được vài ba năm rồi đấy nhỉ. Về thăm bà xã được mấy kỳ rồi.
       - Phải, tao vào cũng được từng ấy thời gian rồi mà về thăm mẹ đĩ có được mỗn một lần. Đi lại từ đây về nhà nhiêu khê bỏ mẹ, lấy tiền đâu mà đi ra đi vào lắm thế được. Đi kiểu gì cũng mấy ngày mấy đêm, vất vưởng mãi dọc đường mới ra được Hà Nội. Lại đổi tàu, đổi xe lên xuống đủ nhoài người rồi. Ở được dăm bữa, nửa tháng, nghĩ đến đường vào ngại bỏ mẹ.
       Thằng Đán nhấc chén rượu đổ gọn vào miệng. Cũng chẳng biết vì đâu mà vào trong này, nó lại "tự dưng" chai rượu đến thế. Cứ uống vào từ chén thứ tư trở đi thì mặt nó tái hẳn. Nó uống được, mà phải nói là "uống bạo". Chưa bao giờ "cho chó ăn chè" cả. Bữa nào uống quá, tạt quán bà Bẩy Sang bên kia đường làm một vại tướng chanh muối đá là êm. Rượu vào, nó ăn nói hoạt khẩu hơn thường ngày. Cái mặt với đám sẹo bên má phải càng ngấm rượu càng tím ngắt giữa mặt, làm người mới gặp nhìn cũng nể nể, nghĩ bụng khéo gặp phải thằng có máu "dữ". Mâm thịt chó bảy món lần này do trưởng trạm hứng chí gọi thết đãi anh em nhân ngày nghỉ cuối tuần. Ngồi quanh mâm toàn anh em cán bộ nhân viên trong trạm. Song đám thằng Đán biết cả, bữa thịt cầy này là để "bôi trơn" thuộc cấp của "thủ trưởng" Diên. Lão cũng kiếm được kha khá với các chuyến chuyển đổi hàng Bắc Nam. Kiếm từ tiền xăng xe, phí vận chuyển, từ chênh lệch hàng hóa, giấy tờ hóa đơn. Cũng có cả tiếng "sột soạt" tiền nong dư dôi nhờ việc "lại quả" của các đối tác làm ăn phía Nam dồn cho khi thực hiện hàng đổi hàng. Từ phía Bắc, ngoài sản phẩm thủy tinh, gạch chịu lửa còn rất nhiều ấm chén bát đĩa hàng sứ Hải Dương, thứ mà thị trường thành thị phía Nam đang chuộng. Hàng ra thì nào là phụ tùng xe đạp, săm lốp Đồng Nai, nước mắm Phan Thiết, thậm chí có chuyến xe chở đến cả trăm trái dừa, hàng tạ đường cát, đường phèn, đường thẻ. Rồi nào đậu xanh, đậu phộng (lạc), đậu nành…"Một vốn bốn lời", "một công đôi việc". Xí nghiệp chấp nhận đổi sản phẩm làm ra với hàng hóa công nghệ phía Nam, mở ra một kiểu buôn bán hàng đổi hàng nhằm cứu lấy công ăn việc làm và thu nhập cho công nhân. So với phía Bắc, việc làm ăn, quan hệ trao đổi ở phía Nam này thoáng hơn nhiều. Nhờ thế, cái trạm bé xíu lọt thỏm giữa khu chợ Hoàng Hoa Thám này của bọn thằng Đán mới tồn tại và ăn ra làm nên vài năm nay. Sống với một thủ lĩnh như vậy, đám nhân viên như thằng Đán cũng dần biết cách xà xẻo, "làm mánh" kiếm tiền riêng.
       Sống trong này, thằng Đán quen dần với việc ồn ã quanh mình tiếng Nam Bộ nằng nặng. Con gái Sài Gòn giọng dìu dịu êm nhẹ, con gái miền Tây sông nước giọng thoảng ngân nga điệu hò điệu lý, con gái miền Đông giọng gọn mà sang sảng. Đàn ông ăn to nói lớn, việc gì cũng muốn thẳng tuột, chúa ghét thót "ba sầm, ba sạo". Phụ nữ thành  phố Sài Gòn hễ ra đường là ăn vận chỉn chu, đầu tóc bới chải kỹ càng, cấm có thấy bà nào quần ngủ, áo trong nhà, quần ngắn áo cộc ra đường bao giờ. Trẻ con đi học trai áo bỏ trong quần, gái áo trắng dài quần trắng ngang ống chân líu ríu. Ngoài đường cơ man nào là xe pháo. Xe lôi, xích lô máy, xe lam ầm ào tung khói mù mịt. Xe Honda đam, Honda sáu bảy, xe tay ga, lambeta, vetspa chạy vèo vèo trên phố. Ô tô rặt những Ford, những Dog, những Hino kềnh càng, ống xả cao ngất ngưởng. Chỉ cần dừng xe trước cột đèn xanh đèn đỏ dăm mươi phút là thấy ngã tư, ngã năm, ngã bảy xanh mù khói xe. Thằng Đán đi khỏi khu chợ là không dám đi bộ. Cứ xe ôm thuê chạy. Tốn kém chút chút đấy nhưng "giữ được giò". Giờ thì nó nói cũng đa đá dăm tiếng nam bộ rồi. Cũng "dô", cũng "xạo", cũng "dư sức", "sức mấy" "ổng, bả" chen lẫn tiếng Bắc nghe ngồ ngộ.
       - Mày đã biết tiếng lão Ba Tàu tướng số nơi Ngã tư Bảy Hiền chưa?
       - Tao có nghe nói, nhưng chưa tới "ổng" bao giờ?
       - Tới đi. Ổng phán hay lắm đó. Tiền vận, hậu vận cứ là vanh vách. Mắt sáng chứ không đui mù như mấy lão thày bói ngoài Bắc đâu. Nghe đâu, cứ trước mỗi chuyến hàng vào ra là bố Diên đều mang lễ ra xin quẻ, xin ngày cả đấy. Tao đây này, ba tháng trước bám chân thằng Thực ra xem ghé, ổng bảo nhìn cái mặt tao có vía hạn, bụng không thực tin gì. Sang tháng sau, y như rằng ông già ở quê đổ bệnh, nhoài được ra thăm bố được một tuần lễ. Thấy ổng đỡ đỡ, đi vào. Ai ngờ, vừa xuống tàu về tới trạm đây thì nhận được điện báo ông cụ mất. Ra cũng không kịp, kiếm vội bơ gạo thắp nắm nhang dặt lên nóc tủ cá nhân, bấm bụng dành tiền trăm ngày ra xin ông tha tội. Ở xa gia đình thế này, sơ sẩy nhiều việc bất ưng lắm. Biết việc thì chuyện đã rồi, Mày nên ra lão thầy Tàu đó xem.
       - Ừ, mày nói phải đấy. Bữa nào rảnh thế nào tao cũng ghé lão.
       Một tuần sau, cũng vào sáng chủ nhật, thằng Đán tìm ra ngã tư Bảy Hiền. Ngôi nhà kiểu Tàu với tấm biển vẽ bàn tay năm ngón xòe rộng cùng dăm chữ Tàu khó hiểu treo cột cửa. Mặt tiền chạy dài, cửa ván bưng trổ lẫn hàng song gỗ tiện. Ngôi nhà nằm trong con hẻm hẹp, mái ngói âm dương võng xuống với đầu kèo chạm trổ tựa trên hàng cột gỗ nâu đỏ bí hiểm. Gã rụt rè bước qua cửa. Người dẫn đường áo cánh đen, khuy vải cài sóng hàng hai trước bụng nhẹ nhàng đưa lão vào gian trong. Đèn đóm lờ nhờ, tranh tối tranh sáng. Bước qua tấm mành cửa, một người đàn ông đội mũ quả dưa, áo dài đen ngồi sau tấm bàn la liệt sách giấy bản chữ tàu. Đôi mắt đen sẫm sâu nhìn thẳng vào gã:
       - Thế cái nị muốn ngộ xem cái zgì, pắt tướng hay ngó chỉ tai đai.
       Chưa kịp mở mồm nói câu gì. Thằng Đán nghe cha Ba Tàu sổ ra một hơi.
       -  Pà thôi. Ngó cái mạt nị ngộ đã khôông muốn them rồi. Cái pản mạt của nị kinh qúa dza. Nị pải xàm lai cái mạt đi. Với cái pản mạt nài nị pải tốn cỡ cay hai mới chám lại tược nghe khôông. Về lo piền li dzồi pén đai, ngộ sỉ chỗ sửa cho.
       Nói rồi, lão bỏ vào nhà trong, chẳng nói chẳng rằng.
       Người giúp việc đứng phía sau nói tiếng bắc rành rọt:
       - Cụ chủ nói rằng cái mặt ông sứt sẹo thế kia xem tướng sao được. Phải làm lại cái mặt. Mất kha khá đấy, phải cây hai vàng chín mới làm lại được. Ổng nói chú về lo tiền đi. Bao giờ có lại đây, ông chỉ chỗ làm cho. Ở lâu với ông, tôi biết. Ổng biết chỗ làm lại được. Có chú lính cộng hòa - ông khẽ giọng - mất nguyên hàm dưới qua đây ổng còn chỉ chỗ cho tái tạo lại được đấy. Tin tôi đi.
       Hoang mang, thằng Đán ra về. Hắn biết ông già nói cái gì. Cái khuôn mặt sứt sẹo lồi lõm này báo hại gã rồi. Nếu không sửa lại, đừng nói gì đến vận hạn, tướng số. Tự cái khuôn mặt xấu xí đã làm hỏng tướng tá con người rồi. Nhưng lấy tiền đâu ra bây giờ. Những cây hai vàng. Giờ gã mới biết thấm thía một cái bản mặt dị dạng sẽ báo hại thế nào cho kẻ định mang nó theo mình suốt đời.

*

*      *
(Còn nữa)