NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

TRỞ LẠI CAO BẰNG

           Gọi là sự "trở lại", nhưng với tôi độ dài giữa hai lần có mặt này ở Cao Bằng có tới…ngót 50 năm! Khi tôi có mặt ở đó lần đầu, tôi mới tròn 18 tuổi vừa bước vào cuộc hành trình trưởng thành bắt đầu từ sự học hành bậc đại học.  Và sự học hành ấy cũng ngổn ngang sự kiện.

          Tháng 6 năm 1967, tôi tốt nghiệp cấp III. Thời đó, sau quá trình học phổ thông, chúng tôi chờ đợi sự phân bố của nhà nước đối với quá trình đào tạo nghề nghiệp tương lai của mình. Vốn học khá về lĩnh vực xã hội, chẳng riêng tôi nhiều bạn bè cùng lớp đinh ninh tôi sẽ được gọi đi học một trường đại học hoặc văn, hoặc sử gì đó? Cho đến khi có tới 40% bạn học trong diện được gọi tập trung học các trường đại học thì tôi và gia đình nhận được giấy báo tập trung lên "Trường Lý luận và nghiệp vụ Bộ Văn hóa", ngành…Thư viện; một cái tên quá lạ, quá bất ngờ chẳng biết đại học, cao đẳng hay…trung cấp, địa điểm tại Đê La Thành, Ô Chợ Dừa- Hà Nội. Phải tự ép mình, kể cả chịu sự thúc ép từ gia đình để chấp thuận việc học hành. Tôi là người đầu tiên và duy nhất khi đó, trong gia đình sáu người con được gọi đi học đại học. Đó là vinh dự gia đình, rất lớn chứ đâu có bé nhỏ gì?! Rốt cuộc, dù muốn dù không tôi vẫn phải có mặt tựu trường vào ngày 17/8/1967. Bác cả nhà tôi sống và làm việc ở Hà Nội, tôi được phép ngoại trú. Những ngày tiếp sau, qua bạn bè cùng trường, tôi mới biết trường chuyên đào tạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ các ngành Bảo tàng, Phát hành sách, Văn hóa quần chúng, Thư viện. Khi đó duy nhất ngành Thư viện là đào tạo bậc đại học. Sáng ngày 25/8, có lệnh tập trung đoàn. Khóa chúng tôi được đào tạo Thư viện chuyên ngành, sinh viên được cử đi học chuyên ngành 3 năm tại 10 trường đại học khác nhau; sau về trường học thêm gần 2 năm chuyên môn thư viện - khóa trước bọn tôi chỉ gửi sang 6 trường…Đoàn tôi 10 người được phiên chế để gửi sang trường Đại học Bách khoa, khoa Vô tuyến điện tử, 2 giờ chiều tập trung di chuyển sang Đại học Bách khoa. Đúng 2 giờ, chúng tôi có mặt. Trước khi lên xe, phòng giáo vụ lại công bố, đoàn chúng tôi sẽ sang…Đại học Nông nghiệp I vì kế hoạch gửi sang Bách khoa chưa hoàn chỉnh; đoàn được thành lập rồi phải sang Gia Lâm cho kịp với kế hoạch gửi đào tạo bên đó. Thôi, đành vậy! Chẳng đứa nào trong đoàn kịp phản ứng. Mà phản ứng gì nữa, đã gọi là gửi đào tạo chuyên ngành thì đằng nào mà chả làm…thư viện. Cứ thế lên xe và…hơn 30 phút sau, đổ bộ xuống Trâu Quỳ, Gia Lâm. Mười đứa học trò vừa tốt nghiệp phổ thông lơ ngơ - 7 nữ, 3 nam, được bố trí ở hai phòng ký túc xá…Ở Trâu Quỳ đến 4g30 chiều ngày 3/10/1967, chúng tôi lên xe cùng một đoàn sinh viên khóa 12 Đại học Nông nghiệp I lên khu Chiến Thắng, mật danh của cơ sở sơ tán ở Cao Bằng. Đoàn sinh viên Thư viện rụng mất một nữ, bỏ học. Chuyến đi vất vả, hai ngày một đêm vượt hơn ba trăm cây số. Chuyến đi có một dấu ấn không thể quên được. Đó là vào lúc hơn 10 giờ sáng ngày 4/10/1967, khi chuẩn bị vượt cầu Bằng Giang, chúng tôi đã chứng kiến một tốp 2 máy bay F4 của không quân Mỹ bắn phá sập cầu. May mà đoàn mấy chiếc xe chở sinh viên kịp táp lại cách cầu hơn 3 km, tránh được cuộc oanh tạc. Đoàn chúng tôi phải đi vòng vượt sông bằng cầu ngầm. Chuyến đi chỉ dừng lại ở Bản Nà Pheo, cách thị trấn Quảng Uyên, huyện Hà Quảng 10 cây số. Tôi và một người trong đoàn Thư viện được phân về khoa Cây lương thực, lớp 12B chuyên về Lúa…Và cuộc sống sinh viên Nông nghiệp của tôi bắt đầu từ đó, với một năm sống và học tập ở Cao Bằng. Trong một truyện vừa, viết mà chưa có điều kiện xuất bản, tôi đã mượn lời một nhân vật trong truyện kể về cuộc sống sinh viên năm thứ nhất này như sau:
…." Bỏ lại đằng sau cánh rừng rậm rạp, các chiến sĩ đã rời khỏi bãi khách được bốn tiếng đồng hồ. Trận mưa hồi đêm vừa dứt để lại một bầu trời xám đặc hơi nước. Mặt trời ở đâu đó giữa những khối mây màu chì thi thoảng để lọt ra vài tia nắng yếu ớt. Không gian se lạnh nhưng ngột ngạt. Bước chân của các chiến sĩ đặt lên bãi lau lác sũng ướt, quần áo giày tất ướt nhèm. Đến giữa trưa, cái oi nồng từ vạt rừng sũng nước bốc lên khiến cho đám chiến sĩ càng thêm mệt mỏi. Trưởng nhóm phát hiệu lệnh, mọi người dừng nghỉ, giở lương khô ra ăn. Theo chỉ dẫn của binh trạm, đường đến kho quân lương còn đi tiếp khoảng hai tiếng đồng hồ nữa. Vượt qua ngọn núi trước mặt kia, họ sẽ tới nơi.
          - Tiệm này, trước khi vào bộ đội, cậu ở đâu.
          - Tớ đang học năm thứ ba Đại học nông nghiệp I. Khóa tớ đi khá đông, cả trường cỡ vài trăm sinh viên. Phần lớn là sinh viên năm thứ ba. Năm thứ tư cũng có, nhưng chỉ nhận người có đơn tình nguyện nhập ngũ, được lọc chọn một cách khắt khe. Ấy vậy nhưng bên quân đội cũng chỉ lấy sinh viên năm thứ tư của hai khoa cơ khí và nông hóa, dược thú y đi thôi. Bọn cơ khí sau khi nhập ngũ đều phiên chế bổ sung vào các đơn vị xe tăng, thiết giáp, quân giới hoặc vận tải quân sự. Bọn nông hóa, hóa dược thú y được đưa vào các đơn vị khí tài, hóa học và một phần vào các đơn vị quân y dược. Riêng đám năm thứ tư này được công nhận tốt nghiệp đặc cách, và được Bộ quốc phòng sử dụng ngay có hàm bậc hẳn hoi. Cuộc chiến tranh này, bọn Mỹ Ngụy đã sử dụng đến chất độc hóa học rồi, cần người thuộc các chuyên ngành này tham gia.
          - Thế nghĩ thế nào mà cậu lại đi học nông nghiệp. Nghề nông thì có cái quái gì đáng học cao đến thế đâu.
          - Cậu đúng là "mít đặc". Nghề nào mà chả cần có học thức, học càng cao càng tốt chứ sao. Hồi đầu mới vào, bọn này "u tì quốc" lắm, tưởng vào nông nghiệp là sẽ được ăn no đẫy diều. Ăn có hơn ở nhà thật, mười sáu ký đấy. Nhưng làm thì chí chết. Mỗi năm hai tháng lao động tự túc lương thực. Nhà trường có hàng chục hec - ta đất ruộng, chuồng trại. Mỗi học kỳ dành một tháng vừa học vừa làm. Cũng cày cấy, gặt hái, vãi phân, phun thuốc. Cứ là tám tiếng một ngày. Có đứa dân thành phố, vào học nông nghiệp tưởng ngon, chỉ đến năm thứ ba đã cầm cày giỏi như thợ cày "lão nông tri điền"..
          - Khiếp thế cơ á? Ngày trước, học hết cấp hai trường làng, tớ không thi chuyển cấp được, cũng tay vặt, tay diệt sau đít trâu mãi. Thế hóa ra đi học đại học như cậu cũng chỉ có thế thôi à.
          - Cái thằng này, đầu óc vớ vẩn. Để đi cày như cậu thì học ngay ở làng cũng xong. Đây này, học xong, bọn tớ là kỹ sư. Kỹ sư biết chưa?! Thế cậu không biết cái nhà ông Lương Định Của còn là nhà nông học đấy à, nhà bác học về nông nghiệp đấy. Không học sao được như vậy, học hơn bốn năm trời để thành "thợ cày đại học" thì nhà nước đào tạo đại học làm cái quái gì? Nói chuyện với cậu chán chết.
          Thằng Đán nín thít. Học lên đến cấp ba chưa bao giờ là ước mơ của gã. Còn học đại học, quả là chuyện "trên trời" thật. Nó nhìn thằng Tiệm thèm muốn. Ở người thanh niên này, mọi sự đều toát lên sự mạnh mẽ, học vấn. Khuôn mặt vuông vắn, mũi cao, trán rộng. Da ngăm ngăm đậm chất phong trần. Đôi lông mày rậm nằm vắt ngang, xanh rậm đầu hơi giao nhau khiến gốc mũi của cậu ta trông như thấp hẳn xuống. Cánh mũi nở rộng, thơ thới. Đôi môi dày vừa phải, lúc nào cũng mủm mỉm, vành môi phải nói là khá đẹp đối với một thằng đàn ông. Hàm răng chắc khỏe, đều đặn trắng bốc, chiếc cằm đầy đặn với vết chẻ đôi mờ mờ khiến nụ cười lúc nào cũng cởi mở dễ mến.
          - Hồi mới nhập học, bọn tớ chỉ được ở Trâu Quỳ có "nhõn" ba tuần. Quê tớ ở Thạch Thất, Hà Tây. Cách trường có vài chục cây số mà chưa kịp đáo về thăm bố mẹ lần nào thì đã bị "bốc" đi. Trường có cơ sở sơ tán ở tận mãi trên Cao Bằng, mật danh là khu "Chiến thắng". Sinh viên năm thứ nhất phải lên đó học. Năm thứ hai, thứ ba chuyển về Hành Lạc, Tiền Tiến, Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên. Năm thứ tư học nốt khoa học chuyên ngành, thực tập cuối khóa và chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp ở Trâu Quỳ rồi thi tốt nghiệp. Toàn bộ thời gian đào tạo cỡ hơn bốn năm. Cơ sở Cao Bằng cách Hà Nội gần bốn trăm cây số, giáp biên giới với Trung Quốc. Hết đường về nhà. Ô tô chở bọn tớ phải mất ba ngày, ngày đi đêm nghỉ nhờ nhà dân mới tới nơi. Vượt qua cả thị xã Cao Bằng. Khi đó là tháng mười năm sáu mươi bảy, trời đầu đông se lạnh. Tớ nhớ nhất tiếng bom oanh tạc cuối cùng được nghe thấy là bữa xe vừa đổ dốc chực xuống cầu Bằng Giang. Ba chiếc "Ep Bốn" ở đâu không biết ào tới quất xuống cầu một chùm bom. Không biết đám giặc lái Mỹ định đánh mấy chiếc xe chở sinh viên bọn mình hay đánh cầu. Chỉ biết có một nhịp giữa cầu văng xuống sông ngay trước mắt bọn tớ, lúc đang "mắt lợn mắt quạ" nháo nhào tóa xuống hào giao thông ven đường. May mà đoàn xe ba chiếc chở bọn mình không bị dính bom. Nằm bên cầu gần nửa ngày lại quay ra, tìm đường qua ngầm vượt sông do công binh làm dự phòng khi cầu bị oanh tạc. Đêm gần sáng bọn mình mới tới nơi. Bản Nà Pheo, xã Quảng Hòa là nơi khoa Cây lương thực bọn tớ đóng quân, cách thị trấn Quảng Uyên mười cây số. Nhà lá, vách nứa như ở quê, giường sạp tre hai dãy. Lớp học lưng chừng dốc núi. Sáng lên lớp, chiều tối cũng lên lớp tự học, tự nghiên cứu. Năm thứ nhất bọn tớ học khoa học cơ bản. Rồi nào học chính trị, sinh hoạt đoàn thanh niên, học tập quân sự. Chủ nhật nghỉ học thì đi lên rừng chặt củi cho nhà bếp. Mỗi định suất một khối. Ngày thường, bất kể mưa nắng các lớp luân phiên cắt cử người đi chăn bò. Khoa bọn tớ nuôi gần bảy chục con, mỗi ngày đến tổ nào, tổ đó phân công bốn đứa, cả trai lẫn gái dắt bò lên núi. Không có thời gian mà nhớ nhà nữa. Mùa đông rét tái người. Có thằng chịu rét không nổi, lên giảng đường với cả một chiếc màn một quấn quanh người mà tay viết cóng lóng ngóng tới mức không cầm nổi bút viết. Có bữa, tớ nhớ là sau Tết, đang tháng học quân sự, tớ phải một đêm trực nấu ngô bung ăn sáng cho lớp. Thằng Hiệp quê Đức Thọ, Hà Tĩnh sai mình ra giếng lấy nước đổ thêm vào chảo nấu giữa đêm. Ngoài trời giá rét buốt người. Vừa từ bếp nhà ăn bước ra sân, tới giếng buông gàu xuống nghe đánh xoảng một tiếng. Mình chạy vào hét toáng lên: "Giếng cạn hết sạch nước rồi!". Thằng Hiệp cầm đèn bão ra theo, lúc vào mắng mình một chập vì cái tội "ngu lâu": "Thằng thộn, sao mà hết nước được, giếng đóng một lớp băng trên mặt rồi". Hôm sau, cô giáo phụ trách phòng thí nghiệm hóa vô cơ cho bọn tớ biết, đêm hôm ấy, ngoài trời rét tới âm hai độ. Khiếp chưa!..."
          Sống một năm trời ở Cao Bằng giai đoạn 1967-1968, chúng tôi chỉ biết học trong nỗi vất vả, nhớ nhà trong hoàn cảnh "Rừng núi âm u, thày u kính mến!" đến nỗi đến lúc rời khỏi nơi sơ tán về học năm thứ hai ở Hà Nội mới thấy tiếc vì không ngấm được vẻ hùng vĩ, ngút ngàn cây rừng của vùng đất biên ải.
          Trở lại Cao Bằng lần này, chuyến đi ngày 21/04/2016; cũng mạch đường 50 năm trước Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng ngả đèo Mã Phục, khi về theo đèo Colia, huyện Nguyên Bình về Lạng Sơn…Tôi lần lượt đi qua những địa danh Thị xã Cao Bằng, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hà Quảng…với bao đổi thay. Nhà cửa khang trang, đường sá đẹp đẽ, con người hiện đại bên đây đó thi thoảng nhà mái ngói âm dương, vách đất giữa thung sâu với lò sấy thuốc lá thủ công. Kỷ niệm xưa cũ thức dậy, nhắc nhớ…Lần trở lại này, tôi biết thêm Thác Bản Giốc, Hang Cốc Bó với những hình ảnh ghi được. Hai chuyến đi cách xa nhau cả một đời người, đâu có dễ lặp đi lặp lại khi tuổi ngót nghét 70. Thế mới biết, kỷ niệm theo suốt đời người luôn sinh động, mãnh liệt…
Tháng 4, 2016















Không có nhận xét nào: