NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

NHỮNG ĐỐM SÁNG TRONG ĐÊM.

         Từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Tôi được đào tạo và rồi bươn chải những gần… 40 năm với một lĩnh vực nghề nghiệp rất đỗi bình thường trong xã hội - nghề thư viện. Trong các tác phẩm văn chương, hình ảnh thường thấy của người làm nghề này là những bóng hồng lướt nhẹ giữa những giá sách cao, dài đầy ngồn ngộn. Bóng cô thủ thư nhỏ bé, ẩn mình và…đôi khi mang chút sắc mơ màng. 

         Cuộc sống căng thẳng lúc khói lửa chiến tranh, hay sôi động đầy tốc độ giữa thời bình sau này như dừng bước sau cánh cửa các kho sách thư viện. Không gian tĩnh lặng, đầy tính bác học, mỗi bước chân đều được nhắc nhở "đi nhẹ, nói khẽ"…Dưới con mắt người ngoài, thư viện là một môi trường đầy sắc thái nữ tính - Dù không hoàn toàn như vậy, nhiều nam giới cũng làm công việc này. Sống và làm việc trong môi trường như vậy, người làm nghề thư viện mang dáng dấp kiệm lời, nhỏ bé, khuất bóng. Người đọc đến các thư viện biết đến sách báo nhiều hơn người phục vụ mình; thậm chí người trong nghề còn thấy bản thân bị cách biệt, khó gần. Có chị em còn …gặp khó trong yêu đương, xây dựng gia đình. Họ cứ vậy, im lặng chấp nhận như một "rủi ro nghề nghiệp". Hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác nghề thư viện tồn tại giữa muôn nghề chỉ duy nhất với công năng như một chiếc "gạch nối" giữa người đọc, người yêu thích sách báo với hàng vạn, hàng triệu trang sách mang tri thức, niềm vui, niềm cảm hứng trải dài với thời gian. Người giữ thư viện, đơn giản như người "canh đền" thờ phụng niềm khao khát tìm nắm trí tuệ của con người trong xã hội. Họ - người giữ thư viện, sách báo, người đọc tạo nên một không gian sống rất riêng, không gian văn hóa đọc, một môi trường giáo dục ngoài nhà trường khó có thể thay thế. Ngày nay, dù đã biết thêm rất nhiều công cụ học tập khác, người biết đọc sách, ham đọc sách vẫn chỉ biết đến nơi đọc sách duy nhât có thể mang lại "không gian đọc", "văn hóa đọc" là các thư viện.  Với người được học hành, được giáo dục chu đáo thư viện là nơi gắn với quá trình tích lũy, sáng tạo hoặc đôi khi chỉ để thỏa mãn nhu cầu sống, nhu cầu giải trí một cách có văn hóa. Người sống trong xã hội ngày nay, chí ít cũng hơn một lần biết đến sách báo và thư viện, không từ thuở đến trường thì cũng từ công việc, từ nhu cầu cuộc sống…
          Nói đến câu chuyện nghề nghiệp trên những con chữ này bởi ngoài làm nghề, tôi còn có học trò để truyền nghề. Cũng bắt đầu từ rất sớm, đầu những năm 70, 80 của thế kỷ trước cho đến những năm sau này. Học trò đến từ các làng xã khi hệ thống thư viện đại chúng len lỏi về với vùng quê, trường học. Học trò có được từ các môi trường đào tạo chuyên nghiêp, các trường trung cấp văn hóa, cao đẳng sư phạm…Hoặc đôi khi, chỉ qua một "cua" đào tạo một thày một trò sử dụng công nghệ thông tin máy tính thư viện. Rải rác các tỉnh thành, vùng miền…nhiều lắm; có tới hàng trăm. Họ có mặt ở nhiều thư viện tỉnh thành phố, huyện thị xã, cơ quan trường học..v..v.  Có dịp, thày trò gặp nhau thân mật gần gũi. Đơn giản vì ngoài tình thày trò, chúng tôi là đồng nghiệp.
          Thế giới công nghệ phát triển, phổ cập hơn với môi trường Internet mang lại thêm nhiều tiện ích cho con người gần lại. "Thế giới phẳng" hiện thực ngay trên đầu ngón tay. Máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh…rất dễ tập hợp tình cảm, sở thích, thậm chí cả…yêu đương, hẹn hò cho người dùng. Facebook là một công cụ, một phương tiện như vậy.
          Một học trò của tôi, tìm được và "kết bạn" với thầy học chỉ đơn giản "phát hiện" được thầy đang lướt "net" gợi cho tôi những kỷ niệm đứng lớp hơn 10 năm về trước. Làm quà cho em, tôi "post" mấy tấm ảnh các em ngồi học trên lớp khi xưa lên mạng. Em thấy lại mình, thông tin cho bạn bè với bao lời lẽ thân thương, xúc động. Ngấp nghé bảy mươi rồi mà chợt thấy lòng mình mềm ấm. Tuổi già, sự xúc động là chỉ dấu tình cảm sâu lắng, là cốt cách văn hóa sống để tự động viên mình rằng cuộc sống tự thân còn giầu có, phong phú nhiều chiều. Không giờ (0h), rồi một, hai, ba…giờ sáng mặt màn hình chiếc điện thoại trong đêm cứ vài giây lại bật sáng trong đêm. Các học trò của tôi đấy! Họ nhắn qua nhắn lại cho nhau, gọi nhau vào mạng xem hình ảnh kỷ niệm thời đi học. Sau mười năm, các em mỗi người mỗi việc, mỗi cương vị xã hội…mỗi người một cuộc sống gia đình bên chồng con hạnh phúc. Ngày họ đi học, kể cả tôi - chúng tôi đâu có hình dung được điều này.
          Đấy, mặt màn hình chiếc điện thoại lại nhấp nháy sáng, nhấp nháy sáng... Trong đêm, ngỡ như ánh mắt trong veo ngày nào của các học trò hướng lên bục giảng. Đó cũng là niềm vui tuổi già chăng?! Cuộc sống còn biết bao điều mới mẻ, gắn kết.
Xuân Bính Thân
Tháng ba, 2016















Không có nhận xét nào: