Phải đến tận lúc này, khi ngồi gõ
những con chữ nhỏ lên bàn phím Laptop tôi mới ngấm thấm hết những kỷ niệm xưa
cũ về người bạn gái cùng học thuở nào. Cô là người bạn gái đầu tiên tôi kết
thân trong môi trường đại học những năm cuối thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước.
Là
sinh viên của Đại học Văn hóa gửi sang Đại học Nông nghiệp I, từ môi trường học
tập, đến tập thể bạn bè cùng học với tôi kể từ tháng 10 năm 1967 trở đi là hoàn
toàn mới tinh. Cũng phải qua mấy tháng đầu năm thứ nhất tôi mới dần làm quen được
với họ, những chàng trai cô gái đến từ hàng chục tỉnh thành bỗng qua một đêm,
cùng nhau "hành quân" lên tận bản Nà Pheo, thị trấn Quảng Uyên, huyện
Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng lại trở thành bạn cùng học trên con đường học tập đại học.
Trong số những người bạn mới, tôi được làm quen với hai bạn gái người miền Nam.
Nói đến học sinh miền nam tập kết cùng học trong lớp, chúng tôi có bốn người bạn.
Hai bạn nam Thọ, Lại ăn ở cùng lán ở tập thể bọn con trai; hai bạn gái Nga, Quế
ăn ở bên lán tập thể sinh viên nữ. Quế người Quảng Nam lớn tuổi hơn, Nga người
Khánh Hòa và trạc tuổi tôi…Ấy là biết vậy vì mãi đến sau này, khi thân nhau rồi
mới biết quê quán các bạn. Chứ khi đó, chỉ biết các bạn là học sinh miền nam tập
kết. Hết năm thứ nhất, tôi và vài bạn
trai trong lớp kết với Nga - Quế thành một nhóm khá thân nhau. Thân đến mức,
nghỉ tết năm thứ hai cả đám đưa nhau về chơi thăm gia đình bạn bè mình. Tôi đưa
họ về tận thị xã Hải Dương. Khi đó, năm 1968 - 1969 chiến tranh phá hoại bom đạn
còn ùng oàng. Gia đình tôi sau một trận ném bom của máy bay Mỹ vào giữa năm
1967, còn đang dở sập, dở xô. Cha tôi
theo cơ quan đi sơ tán, ở nhà chỉ có bà cụ sang ở tạm bên bà bạn để tiện trông
nom, dọn dẹp dần đống đổ vỡ của ngôi nhà mình ở phố cạnh bên. Cho đến mãi tận
sau này, tôi vẫn không quên được sự ngỡ ngàng của bà cụ khi thấy tôi một lúc bỗng
dưng đưa cả một đám giai gái bạn bè về chơi giữa lúc tên đạn ùng oàng, gạo nước
tem phiếu thực phẩm chỉ cấp cho người…ở nhà còn cỡ như tôi là…cắt khẩu. Sự vô
tư rất là học trò ấy mãi sau này khi có gia đình, nghĩ lại mới thấy sự khó xử của
gia chủ đo bằng…cấp nào. Cũng ăn ở một
đêm một ngày sau rồi lại lũ lượt kéo nhau đi Hải Phòng, nơi ba Quế đang ở cùng
với cơ quan. Ăn bữa cơm tập thể với ông rồi lại…hành quân tiếp đi Thái Thụy.
Cũng "lội" biển Hồng Châu đến ngang ngực rồi lội vào, cũng ê a chơi bời
một ngày đêm. Và điều thật quý giá đối với đám "học trò" dở tỉnh dở
quê bọn tôi là được ăn một bữa canh "don" vùng biển mà vị ngọt của
món ăn đến tận bây giờ tôi vẫn chưa sao quên được. Sau đó cả đám lại kéo nhau
lên Bắc Ninh thăm gia đình một bạn nữa rồi mới về Hà nội giải tán. Đó là bữa
tôi được biết về gia đình Nga. Nhà Nga có hoàn cảnh khá đặc biệt, ba ở lại nằm
vùng rồi hy sinh, má đưa các con ra Bắc tập kết và tục huyền với một cán bộ miền
nam công tác ở Hà Nội. Anh lớn bị dị tật vận động từ nhỏ, em gái được cử đi học
nước ngoài, má Nga công tác tại một cửa hàng lương thực. Nơi bà công tác, sau
này vào khoảng năm 1972 tôi có ghé qua hỏi thăm về Nga ở góc cuối đường Ngọc Hà
nay là bãi đỗ xe cho khách vào tham quan lăng Bác…Anh Thành, anh trai Nga hiền
lắm mà rất dễ gần. Tôi đã đến ngôi nhà ở 33 ngõ Thông Phong, phố Hàng Bột (nay
là đường Tôn Đức Thắng) này rất nhiều lần, trong các năm 1969, 1970, 1971. Sang
năm học thứ ba (năm 1971) dù đã về Đình Bảng, Tiên Sơn Bắc Ninh học với các bạn
cùng khóa bên Đại học Văn hóa nhưng hễ cứ có mặt ở Hà nội khi học năm thứ tư hoặc
thực tập tốt nghiệp ở Thư viện Quốc gia là tôi lại ghé qua thăm gia đình, dù
Nga đã ra trường theo các chương trình nghề nghiệp của Bộ Nông nghiệp khi đó. Sau
giải phóng miền nam, nhân một chuyến công tác ở Hà nội tôi nhớ có quay lại ngôi
nhà này một lần, nhưng cả gia đình đã không còn ở đó nữa, chắc họ đã về miền nam
sinh sống. Nhìn lại suốt những năm cùng học,
tình bạn của chúng tôi thật là gần gũi, tình cảm trong sáng, vui buồn có nhau.
Nhớ những ngày đông rét lạnh Cao Bằng, nhớ những kỳ thi hết môn, thi học kỳ,
thi hết năm cả đám bạn túm tụm học hành bên nhau, lo lắng theo dõi bạn trả bài
thi từng môn…
Ra
trường, bỗng nhiên tôi mất liên hệ với bạn bè trong lớp thật dài phải tới cả chục
năm. Trong lớp, người tôi gặp lại đầu tiên là anh Vũ Đình Đông khi anh theo học
phân hiệu V Nguyễn Ái Quốc tại Hải Dương vào khoảng năm 1977, 1978…Cùng gặp với
anh là Nguyễn Đình Phòng (lớp Giống 12), Phòng còn cầm của tôi một cuốn sách kỹ
thuật nhân giống của…thư viện tỉnh mà tôi mượn giúp cậu ấy để đọc khi học khóa chính trị cùng anh
Đông. Người gặp được tiếp sau anh Đông là cậu Tuất (Thanh Hóa) cũng học Nguyên Ái
Quốc, thấy bảo được học vì …cơ cấu huyện ủy viên. Nhưng Cấp, Bảo, Hiển, Lan,
Ký, Cư, Lưu Nga, Quang, Thảo, Hùng, Hạ, Hồng, Vọng, Xu…mãi đến tận những năm cuối
thập kỷ 90, đầu những năm 2000 tôi mới có dịp được gặp và kết nối lại. Còn Trực,
Truyền, Tiệm, Bường… thì mãi tới gần đây 2017 mới kết nối được. Riêng Nga, Quế
thì tôi không gặp được lần nào.
Với
Quế, tôi có một kỷ niệm không thể quên được. Đó là năm 1971, khi đang thực tập
tốt nghiệp ở huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) không nhớ được từ nguồn
nào mà tôi biết và đến dự được đám cưới Quế. Đám cưới được tổ chức tại một xí
nghiệp cơ khí vận tải cuối đường La Thành, đoạn giáp với ngã ba Láng, cầu Giấy.
Tôi đạp xe đến đám cưới, giầy đen áo trắng, cavat hẳn hoi, lại còn ôm theo cả cây
đàn ghita nữa. Tại đám cưới, tôi còn đứng lên tự đệm đàn hát tặng hội hôn bài
hát "Trống cơm" lời mới. Chẳng
biết có hiệu quả gì không, vì đám cưới ồn lắm. Thời ấy, có mấy đám cưới hội trường
có được trang âm đâu, cứ hát …vo thôi. Hát xong, dự hết cuộc vui, tôi đạp xuống
trạm Trôi, nơi đang thực tập tại thư viện huyện Hoài Đức.
Còn
Nga, ngay sau khi hết năm thứ ba, rồi ra trường tôi không còn gặp được Nga lần
nào. Năm 1986, khi chuyển vùng vào Nha Trang, ngay tuần đầu tiên tôi tìm đến Sở
Nông nghiệp Phú Khánh ở đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang (khi đó Phú Yên và
Khánh Hòa còn đang sáp nhập làm một tỉnh). Vào thẳng văn phòng Sở, tôi hỏi thăm
một cán bộ nam tầm tuổi ngoài 40 về người có tên là Nga, kỹ sư nông nghiệp tốt
nghiệp khóa 12 Cây lương thực, Đại học nông nghiệp 1. Anh này cho biết Sở không
có cán bộ nào như vậy cả. Tôi nghĩ mình rồi khó mà tìm lại bạn bè. Công tác được
hơn nửa năm, tình cờ khi hỏi chuyện một chị bạn cùng cơ quan, vốn cũng là học
sinh miền nam tập kết học ở Hải Phòng, chị lại cho tôi một thông tin thật bất
ngờ. Chị nói chị là hàng xóm của Nga ở Ngõ Thông Phong, Hàng Bột, Hà nội và biết
cả gia đình khá rõ. Chị bảo: "Sau giải phóng, Nga vào công tác trong này,
có ở sở Nông nghiệp một vài năm nhưng rồi chuyển vào Sài Gòn cùng chồng vào khoảng
năm 1982 – 1983 gì đó. Chồng nó làm ở Vosco Sài gòn mà!" Chị bảo cũng lâu
hai chị em không có liên lạc gì. Vậy là
cuối cùng, ở nơi đất lạ, tôi lại có chút thông tin về Nga mà lại chẳng nhiều nhặn
gì.
Năm
1995, tôi chuyển vùng lại về Hải Dương và như nói ở trên, lần lượt gặp lại các
bạn cùng học lớp Cây lương thực 12B, bắt đầu từ cuộc gặp ở Phú Thọ với các bạn
trên đó. Năm 2008, nhân chuyến đi cùng một Phó giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương dự một
cuộc hội nghị của Cục Văn hóa thông tin cơ sở ở Nam Định, tình cờ - vâng lại tình
cờ tôi tìm gặp được Nga. Không gặp trực tiếp mà qua …điện thoại. Số là trước đó một tuần nhờ một cơ hội hiếm
hoi, tôi được một người bạn cùng lớp CLT12B cung cấp cho số điện thoại gia đình
Nga. Đêm nghỉ tại khách sạn Vị Hoàng, lúc hơn 9 giờ tối tôi giở điện thoại di động
gọi đến số máy này. Nhớ lời dặn của bạn: "Chồng Nga khó tính lắm đấy, gọi
điện để ý hoàn cảnh nhé…" tôi bấm máy. Đầu dây phía bên kia có giọng người
đàn ông khẽ khàng hỏi: "Giờ này mà ai gọi điện đó". Tôi vội trả lời:
"Tôi là cán bộ cùng công tác với bà nhà, ông cho tôi xin gặp bà Nga có
chút việc". "Ông cảm phiền cầm máy chờ, để tôi gọi nhà tôi…". Thế
là chúng tôi gặp được nhau, như trong mơ. Nga thấy tôi xưng tên, nhận ra ngay.
Chúng tôi chuyện với nhau đủ chuyện, về gia đình, về sức khỏe, về …mọi chuyện.
Tôi nhắc lại những kỷ niệm xưa và việc tìm Nga suốt tuần đầu khi chuyển vùng
vào Nha Trang…Chúng tôi nói chuyện mãi đến khi nghe có tiếng chồng Nga nhắc,
"Thôi bà nó ơi, khuya rồi này…!" mới chịu dứt chuyện. Không ngờ, lần
đó là lần duy nhất, lại cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp được và chuyện trò
với nhau. Mới năm ngoái, năm kia thôi khi có bạn cho tôi biết tin Nga không còn
sống cùng chồng con và bạn bè nữa mà tôi vẫn không thể tin được. Mới đó thôi
mà, mới đó chúng tôi còn nghe được tiếng nói của nhau…
50
năm đã qua, kể từ ngày cùng học với nhau, mười năm đã qua khi cuộc nói chuyện
cuối cùng của chúng tôi giữa hai miền đất nước qua hệ thống thông tin liên lạc.
Vừa nãy, mới hơn hai tiếng đồng hồ trước tôi còn tần ngần đứng giữa con ngõ
mang tên "Thông Phong". Con ngõ không còn như cũ nữa, nó đã được mở rộng
ra rất nhiều. Cư dân sống ở đó cũng không còn người của những năm 60 - 70 thế kỷ
trước nữa, nhà cửa cũng không còn lúp súp nhỏ bé với các số nhà xưa. Số lẻ giờ
chuyển sang bên trái, số chẵn giờ ở bên phải…mọi thứ đã thay đổi hết rồi…Tôi chỉ
còn biết chụp lấy tấm biển tên đầu ngõ, chụp lấy một số nhà nhắc nhớ dấu nhà
xưa và cũng để nhắc mình, mình luôn có một người bạn gái miền nam hiền lành dịu
dàng dễ mến; lớp mình đã có một người bạn cùng với một số bạn cũng đã ra đi như
vậy nhưng vẫn luôn nằm trong sĩ số của lớp, lớp CLT12B. Chúng tôi luôn nhớ tới
bạn, mãi nhớ tới các bạn.
Đâu
đó bên tai tôi còn giọng nói nhỏ nhẹ thân quen của NGA. Đâu đó vẳng lại câu
suýt xoa của cậu lái xe nghỉ cùng phòng mười năm trước: "Cháu chưa từng chứng
kiến ai gọi điện di động lâu như chú, nói chuyện rủ rỉ tình cảm lâu như chú. Chắc
chú phải có được người bạn thân thiết lắm mới vậy…" Nếu có thể nói thêm điều
gì nữa, tôi muốn nói về cảm hứng từ một cặp múa "duo"chị em đã thôi
thúc tôi - một khả năng âm nhạc mới chỉ biết đến ký xướng âm… sơ cấp
"dám" liều lĩnh viết nên một tổ khúc nhạc múa cho một hoạt cảnh
"Vũ khúc Tây nguyên" năm nào mà 8 bạn gái của lớp đã mạnh dạn cùng
tôi trình diễn trên sân diễn liên hoan văn nghệ của Đại học nông nghiệp 1 năm
nào. Khi đó dàn nhạc chỉ gồm một tay ghita là tôi và một bộ gõ trống Jaz của một
anh lớp cơ khí 11 năm nào - tay trống đó cũng lại là một học sinh miền nam tập
kết; hình như tên là Thảnh thì phải. Cặp múa "duo" đó là linh hồn của
cả đội múa, hai bạn Nga - Hạ thật đáng nể, không thể quên được.
Nga
ơi! Ở nơi xa thật xa, Nga có nghe thấy chúng tôi nhắc nhớ đến bạn thật nhiều
không?! Người bạn gái hiền lành, dễ thương. Người bạn đã để lại không chỉ với
riêng tôi mà với rất nhiều người bạn cùng học một niềm thương mến với rất nhiều hoài niệm sâu sắc đến chừng
nào?!
Hà nội, ngày 16 tháng 1 năm 2018.
19 h 45.
BÌNH DƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét