NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

THANH ÂM HOÀI NIỆM

Cuộc sống cá nhân nào cũng có những điểm nhấn ký ức sâu sắc. Vui có, buồn có. Câu chuyện tôi nói đến dưới đây liên quan đến những cuộc gặp gỡ bè bạn. Mà không phải là chuyện thường thấy, đây là câu chuyện hiếm gặp.

Những người bạn học của tôi, phổ thông cấp một, cấp hai, cấp ba đều có cả. Và thường tụ hợp được với danh nghĩa "Hội đồng môn" với nhau rất sớm. Chỉ sau mười lăm, hai mươi năm là tập hợp được nhau. Đơn giản bởi số đông cùng không gian sống, xuất thân cùng một vùng quê, có cùng sự thôi thúc tìm gặp. Không vì quan hệ công việc, thì cũng vì quan hệ bạn hữu. Sự thôi thúc tìm kiếm nhau nhiều khi khởi phát bởi nhu cầu rất thường nhật: chuyện hiếu hỉ, chuyện thăm nom, chuyện hội hè…Song chuyện tìm gặp nhau của các đồng môn đại học thì …vất vả hơn nhiều, chẳng hàng chục năm thì cũng vài mươi năm. Hội bạn bè cùng học đại học của tôi thì những… ngót năm mươi năm. Đơn giản bởi không gian sống quá rộng, trải khắp các vùng miền …
Mãi gần đây, mới có một cuộc gặp giữa bạn bè chúng tôi, có thể gọi là chính thức lập "Hội" khi các thành viên đã ở tuổi xưa nay hiếm. Câu chuyện không phải xa biệt đến mức "không thể gặp nhau"; đôi ba thành viên, có cả những nhóm thành viên…từng có quan hệ thường niên được ít ra cũng cả chục năm; nhưng chính thức dưới danh nghĩa "tập thể lớp" thì đây mới là lần đầu. "Người phát ngôn" chính thức của tập thể lớp dĩ nhiên là "cụ lớp trưởng" – nay vừa tròn …bát thập. Và hẹn nhau từ  nay sẽ "gặp gỡ hàng năm", có nghĩa là có…hội hè khi các hội viên đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Mừng vì sự gặp gỡ, mừng vì lại có cơ hội trẻ hóa tình cảm, hồi nhớ những năm tháng học hành, trưởng thành.
Tập thể lớp "Cây lương thực 12B – Đại học nông nghiệp I Hà nội" (CLT12B – DHNN I HN) chúng tôi chính thức hình thành khi cùng "lắc lư" trên xe hành quân từ Trâu Quỳ - Gia Lâm lên "Khu chiến thắng" – cơ sở sơ tán chiến tranh phá hoại của Đại học nông nghiệp I ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng vào ngày 03/10/1967. Chỉ đến khi nhận lán ở, họp mặt lần đầu, chúng tôi mới thực sự biết nhau – dù chưa thuộc tên bạn bè. Ba anh chị em chúng tôi  (lẽ ra là bốn, nhưng bỏ học mất một người trước khi lên Cao Bằng) vốn là "quân" của Đại học văn hóa Hà nội là…"thành viên ký gửi" sang  Đại học nông nghiệp I đào tạo theo sự thỏa thuận của hai nhà trường, hai bộ Đại học và trung học chuyên nghệp với Bộ Văn hóa. Nghề định danh của chúng tôi là Thư viện, nhưng có hai khóa – khóa trước và khóa bọn tôi – được đào tạo theo chủ trương Thư viện đa ngành khoa học nên được gửi sang các trường bạn học tập. Khóa trước gửi sang những 10 trường, khóa tôi chỉ gửi sang có 4 trường: Bách khoa, Tổng hợp, Thủy lợi, Nông nghiệp…Một phần cuộc sống, học tập bên trường bạn tôi đã viết trên bài “Trở lại Cao Bằng” cũng trên Blog này hơn một năm trước. Ba năm học cùng với các bạn sinh viên Đại học nông nghiệp là ba năm ngụ ba nơi khác nhau. Năm thứ nhất học ở Cao Bằng, năm thứ hai về Trâu Quỳ Gia Lâm, năm thứ ba học ở xã Hành Lạc - huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cũng là năm cuối cùng trong quá trình được đào tạo tại Đại học nông nghiệp I. Nghĩa là được học làm kỹ sư nông nghiệp “đến mang tai” thì về Đại học Văn hóa học tiếp.
Cuối năm thứ ba (tháng 6 năm 1970), lớp chúng tôi cùng sinh viên một số trường đại học khác tham gia lao động đắp đê Văn Giang. Địa điểm cụ thể tại thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Những ngày lao động vất vả kiểu “thợ đấu” (thợ đào đất - đào đắp, mang vác đất; theo "Từ điển.com") suốt hai tháng trên công trường lại là những ngày cuối cùng trước khi mấy đứa Thư viện chúng tôi chia tay bạn bè cùng học lớp Cây lương thực 12B trở về trường Đại học Văn hóa học tiếp. Chính trong chuỗi ngày đáng nhớ ấy, tôi viết tặng lớp một ca khúc và đã nghẹn ngào trình bày trong buổi họp mặt chia tay cuối cùng. Chỉ ba năm thôi, nhưng là cả một chặng dài học tập bên những người bạn cùng học đã để lại trong tôi biết bao kỉ niệm, bao tình cảm thân thương…Đến nỗi, sau này khi đã ra công tác, tình cảm bạn bè sâu sắc khi cùng học Đại học tôi vẫn nhớ đến các bạn bên Đại học nông nghiệp nhiều hơn các bạn cùng lớp Thư viện bên Đại học Văn hóa, bởi thời gian cùng sống và học hành chiếm đến 3/4 quá trình đào tạo đại học.
Năm mươi năm đã qua đi, hơn 50 con người của lớp CLT12B giờ mới tập hợp, gặp gỡ được ngót hai chục người trong lần gặp gỡ đầu tiên với danh nghĩa “Tập thể lớp” khi những con người tuổi trẻ mười tám đôi mươi ngày nào nay đã ở ngưỡng “xưa nay hiếm”. Cũng gần chục cựu sinh viên đã bước sang “thế giới người hiền”, nhưng quyết tâm “tái lập” tập thể lớp những năm tiếp theo cũng là một cố gắng đáng nể, dù có thể mất nhiều năm.
Từ trong vốn tư liệu sách vở lưu trữ, tôi tìm được cuốn "Nhật ký" những năm 60 – 70 thế kỷ trước. Trước mắt tôi là trang nhật ký được viết vào ngày chia tay bạn bè, ngày 28 tháng 7 năm 1970, là bản ký âm ca khúc tôi viết tặng tập thể lớp. Năm mươi năm, qua bao biến động chiến tranh, lao động, xây dựng gia đình, nuôi bọn trẻ khôn lớn…tôi vẫn đem theo những kỷ niệm này kể cả “lên rừng xuống biển”, “vào nam ra bắc”. Có thể coi đây là “trầm tích tuổi xanh giảng đường” không nhỉ, khi nó là một phần sâu nặng của cuộc đời. Trên trang Facebook của nhóm “CLT12B – DHNNI Ha Noi” được lập ra nhân dịp tập thể lớp hội ngộ, một người bạn cùng học đã có hai câu thơ thế này:
“…Nhớ hồi đắp đê Văn Giang
Bọn mình vác đất, Thiêm đang chơi đàn”
Những câu thơ mộc mạc vậy đã thôi thúc tôi viết nên những dòng này bày tỏ tình cảm gắn bó với tập thể lớp CLT12B.
Tôi tặng lại những kỉ niệm sâu sắc này cho các bạn tôi, những cựu sinh viên lớp CLT12B – Đại học nông nghiệp I Hà nội. Mong sẽ có lúc, những âm thanh nhạc điệu, những ca từ của ca khúc này lại được vang lên một lần nữa khi chúng ta kỉ niệm 50 năm tốt nghiệp Đại học, năm 2021.


Hải Dương, ngày 19 tháng 10 năm 2017.

 





Không có nhận xét nào: