NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

NĂM MƯƠI NĂM BẠN BÈ ĐỒNG MÔN

Năm mươi năm trước, cũng khung thời gian này, chúng tôi vừa kết thúc hành trình 10 năm học phổ thông giữa không gian đáng sợ của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt nam bằng không quân của nước Mỹ. Tuổi trẻ non nớt đang còn trong vòng tay gia đình khi ấy đứng trước rất nhiều thách thức; thách thức của thân phận cá nhân trước tương lai không biết trước, của nghề nghiệp lập thân trước bước dấn thân vào trường đời…Quá nhiều thử thách, quá nhiều điều không biết rõ, quá nhiều xáo trộn đầu đời! Chúng tôi đã kết thúc tuổi học trò phổ thông trong tâm thế như vậy, với nỗi lo hành trang cuộc sống như vậy…

Với mỗi người chúng tôi, ý nghĩa của hai chữ “đồng môn” có rất nhiều cơn cớ. Không ít anh chị em là đồng môn vì sống cùng một không gian sống, cùng là học trò. Có nhóm anh chị em là đồng môn với nhau suốt tuổi học đường, từ vỡ lòng, tập chép, cấp một, cấp hai rồi cấp ba. Nghĩa đen là từ hồi “quần cộc, chân đất, guốc mộc, tóc đuôi gà”…Trong cái thị xã bé nhỏ thân thuộc, sự quen biết, rồi vui chơi học hành vậy là chuyện thường. Cũng có nhóm từ trường nam tiểu học Tô Hiệu, trường nữ tiểu học Võ Thị Sáu …nhờ có sự hòa trộn học hành mà trai gái biết nhau; rồi cũng nhờ lên cấp ba mà học sinh hai trường Trần Phú, Ngô Gia Tự thị xã Hải Dương …biết nhau, trở thành học sinh cùng khóa, cùng trường. Dưới khuôn trời yên tĩnh thân quen của một thị xã tỉnh lỵ, chúng tôi hầu như đã là đồng môn từ rất lâu, rất bền. Để tới lúc tựu trường cấp ba Hồng Quang tháng 9 năm 1964 khi sát cánh bên nhau trên sân trường, chúng tôi đã quen biết, thuộc mặt nhau rất nhiều. Do số trường cấp Ba trong tỉnh khi đó còn ít, một số anh chị em học sinh các xã gần thị xã Hải Dương thuộc các huyện Gia Lộc, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ…khi tốt nghiệp cấp Hai chọn trường cấp III Hồng Quang để học lên tạo cơ hội để chúng tôi có thêm nhiều bạn học ở các huyện lân cận trở thành bạn đồng môn cấp Ba.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Băc Việt nam bùng phát rồi leo thang. Tháng 11 năm 1965 (Chính xác là ngày 5 tháng 11) nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị máy bay Mỹ bắn phá, chiếc F8U của không quân Mỹ đầu tiên bị bắn rơi tại khu vực cầu Lai Vu – Kim Thành. Không khí chiến tranh, bom đạn đã thực sự chen vào cuộc sống bình yên của thị xã. Giống nhiều trường học và cơ quan nhà nước trên địa bàn, việc học hành của chúng tôi cũng chuyển trạng thái. Thay đổi giờ học, sơ tán trường lớp ra khỏi địa bàn thị xã. Chúng tôi theo lớp học về xã Việt Hòa, huyện Cẩm Giàng; giờ học bắt đầu từ rất sớm (4h00 sáng vào học, 8h30 – 8h45 kết thúc)…Nhiều bạn cùng gia đình sơ tán về các huyện lân cận như Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng…Trường tổ chức lại các lớp (giảm số lớp), sĩ số mỗi lớp cũng giảm nhiều. Chúng tôi đến lớp từ mờ sáng với mũ rơm, áo sẫm màu. Thậm chí mũ rơm còn to hơn người. Nơi học sơ tán có hầm hào tránh bom, nhiều thày cô, bạn học trọ tại nhà dân …Nhiều thày cô giáo cũng được phân công bổ sung về các huyện; các trường cấp 3 của các huyện trong tỉnh cũng tăng lên đủ mỗi huyện một trường, bạn bè cùng khóa sơ tán về các huyện đều có chỗ học tập. Đó cũng là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên khóa học chúng tôi xa nhau. Các năm học 1965 – 1966, 1966 - 1967 ngày càng khó khăn vì chiến tranh phá hoại leo thang, các lớp học nhiều lần chuyển chỗ để rồi năm học 1966 – 1967 số còn học cấp ba ở thị xã chuyển về Cương Xá, Bảo Thái xã Tân Hưng (Tứ Kỳ cũ). Những năm tháng này, trong số học sinh chúng tôi đã có người lên đường nhập ngũ tham gia cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Tại điểm học cuối cấp này, chúng tôi kết thúc 10 năm học phổ thông vào tháng 6 năm 1967. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cũng là sự kiện đánh dấu lần chia tay thứ hai của chúng tôi, số bạn học còn lại của khóa học 1964 – 1967 tại trường cấp III Hồng Quang.
Kết thúc phổ thông, chúng tôi thuộc lứa đầu của tuổi trẻ "Ba sẵn sàng", rồi sau đó nhiều anh chị em tham gia "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trên cương vị người lính, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, công nhân quốc phòng...Chẳng phải đó là lứa người trẻ bước thẳng vào những va đập khói lửa chiến tranh thời kháng chiến chống Mỹ đó sao?! Nay trong chúng tôi, có nhiều thày giáo, học trò là liệt sĩ, thương bệnh binh, cựu chiến binh. Tuổi trẻ thời đó là vậy. Nhiều anh chị em chúng tôi khi kết thúc việc học đã đi thẳng vào cuộc sống lao động kiếm sống, làm công nhân cầu đường, thợ đường dây, cơ khí, theo chân các đoàn địa chất, lái xe…Một bộ phận được tiếp tục đào tạo, học tập tại các trường đại học, trung cấp, cao đẳng…Một số bạn được cử đi học ở nước ngoài. Số đông học tập trong nước song cũng vất vả sơ tán rất xa tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Phú Thọ, Tuyên Quang… Giai đoạn 1970 – 1975, nhiều bạn bè của chúng tôi cũng không được duy trì việc học liên tục mà tham gia quân ngũ. Các bạn được đào tạo tiếp khi tốt nghiệp cũng công tác, sinh sống rải rác các miền trên đất nước. Đất nước thống nhất, kết thúc chiến tranh, chúng tôi ngậm ngùi biết tin về những người bạn đã nằm xuống dọc đường cuộc chiến (4 liệt sĩ)…để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, dòng họ và bạn bè thân thiết.
Cuộc sống trở lại trong hòa bình dựng xây, từng cá nhân chúng tôi hăng say lao động công tác, lập thân lập nghiệp rồi xây dựng gia đình tại nhiều địa phương, tỉnh thành. Dù không có điều kiện để gần gũi, song nhiều bạn bè đồng môn chúng tôi cũng cùng nhau có mặt trong rất nhiều ngày vui hạnh phúc của nhau, cùng dõi theo cuộc sống bình dị của bạn bè và vẫn luôn tìm kiếm cơ hội để có thể gặp gỡ. Những manh nha gặp mặt đồng môn cứ lớn dần. Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, việc này đã có lúc đẩy tới một vài cuộc gặp gỡ, tiền thân của ý tưởng thành lập Hội đồng môn cấp Ba Hồng Quang niên khóa 1964 – 1967. Lẻ tẻ đã có các cuộc gặp gỡ của các bạn cùng lớp trong các năm 1985 – 1995 …
Sau nhiều cố gắng, cộng với lòng nhiệt thành của một số bạn hữu, khóa học 1964 – 1967 chúng tôi cũng tập hợp được nhau để có cuộc gặp mặt đầu tiên dưới danh nghĩa tập thể đồng môn vào tháng 9 năm 2002 tại thành phố Hải Dương của hơn 30 bạn cùng 3 thày cô giáo …. Để rồi các năm tiếp sau, hàng năm chúng tôi gặp gỡ nhau năm sau số lượng đông hơn năm trước, hình thức gặp gỡ cũng đa dạng sinh động hơn. Những cuộc gặp gỡ kết hợp tham quan du lịch Côn Sơn Kiếp Bạc – Hải Dương, Điện Biên – Sơn La, Tam Đảo – Vĩnh Phúc, Sóc Sơn – Bát Tràng…các năm 2005, 2007, 2010, 2012, 2014, 2016….Đặc biệt, cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 45 năm tốt nghiệp cấp ba được tổ chức 5 năm trước (tháng 9/2012) tại Thành phố Hải Dương đã tập hợp hơn 70 bạn, từ nhiều vùng miền của cả nước. Hoạt động hội đồng môn gắn kết bạn bè, thăm hỏi sức khỏe gia đình, bạn hữu; tham gia các hoạt động hiếu hỉ con cháu, đưa tiễn các bậc sinh thành, anh em bạn bè lúc tang gia trên các địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng ngày càng thường xuyên…Những hoạt động đó thật thiết thực, tỏ rõ mối quan tâm đến cuộc sống, tình cảm gia đình, động viên tinh thần bạn bè người thân anh chị em …
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp phổ thông chúng tôi gặp mặt nhau đã thiếu vắng thêm một số khuôn mặt bạn bè thân thiết vì tuổi cao bệnh nặng.… Các anh chị ra đi đã mãi mãi để lại trong tâm khảm chúng tôi hình ảnh những người bạn cùng học đôn hậu, hiền lành, nhiệt huyết. Ở nơi xa, các thày cô, các bạn luôn có chúng tôi những người học trò, những bạn học thời tuổi trẻ tưởng nhớ đến.
*
*      *
Mới đó thôi, 50 năm bạn bè đã đi qua cuộc đời mỗi người chúng tôi. Tuổi tác nhiều lên, sức khỏe rồi sẽ suy giảm vì quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Nhiều bạn bè trong chúng tôi cũng không ít thì nhiều đang phải chống đỡ với bệnh tật, nỗi thiếu vắng gia đình chồng vợ, tuổi cao sức yếu…Song chúng ta luôn có nhau, luôn hướng về nhau bởi lẽ - dù ở phương trời nào, không gian thời gian nào chúng ta vẫn luôn là bạn bè của nhau.
          Có ai đó từng nói "đời người như bóng câu qua cửa sổ". Mới đó thôi, năm mươi năm đã trôi qua. Đời người dài đó mà cũng ngắn đó. Ngoái nhìn lại, dường như chỉ mới đó thôi.
          Gặp nhau khi tuổi đã bảy mươi, có người hơn bảy mươi. Trong vô số quan hệ xã hội, ngoại trừ mối thân tình ruột thịt, thân gia, thân quyến, nghĩa tình chồng vợ; tình thân bạn bè… chúng tôi luôn nhớ đến nhau vì chúng tôi là bạn học của nhau. Mãi mãi là vậy. Có được 50 năm làm bạn đồng môn với nhau; hỏi có quan hệ nào mà  đầy nhân duyên và bền lâu đến vậy không?!...











          Còn đây là bài hát "Hồng Quang mái trường thân yêu" do Thày giáo Nguyễn Huy Giao (em ruột cố nhạc sĩ Huy Du) soạn nhạc, Lời do thày Nguyễn Huy Giao và thày Nguyễn Cao Phương viết tặng Trường cấp III Hồng Quang vào năm 1962. Video thể hiện bài hát do tốp nam cựu học sinh trình bày nhân dịp "Họp mặt kỷ niệm 45 năm tốt nghiệp phổ thông" tại Thành phố Hải Dương, tháng 9/2012.




Hải Dương, ngày 12 tháng 9/2017.

Không có nhận xét nào: