NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

NHỮNG KỈ NIỆM, DI VẬT CỦA EM TÔI SAU 45 NĂM NẰM XUỐNG TRONG SÓNG NƯỚC SÔNG THẠCH HÃN

           Lại một dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng Bảy. Lần này là lần kỷ niệm thứ 70, cho các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến Trường Sa Hoàng Sa và cuộc chiến biên giới Trung Việt 1979 – 1983…Em trai tôi- Liệt sĩ chống Mỹ hy sinh tại chiến trường thành cổ Quảng Trị; cũng trải qua 45 lần giỗ.


             Nhiều gia đình có một, hai, ba thậm chí 6, 7 người con hy sinh trong các cuộc chiến trong suốt hơn 70 năm qua; song nỗi đau đều giống nhau. Nỗi đau của người thân, của cha mẹ già, anh chị và con em trong gia đình…Nhiều bậc sinh thành cũng đã “gặp được” con em mình nơi thế giới bên kia, song hương khói trên ban thờ mọi gia đình đều vậy; để tưởng nhớ đến người đã khuất luôn nhắc nhở người thân còn lại nỗi nhớ da diết về các vong linh mờ ảo sau làn khói hương giỗ tết.
          Cho đến tận bây giờ, tôi không thể quên được cảm giác khi biết tin em mình vĩnh viễn nằm xuống. Cuối năm 1971, Em tôi nhập ngũ lúc chỉ mới vừa hết tuổi 17, vừa mới học xong lớp 10 phổ thông, còn đang chờ giấy báo học đại học. Tôi thì mới vừa bắt đầu kỳ thực tập tốt nghiệp đại học. Nghe tin em nhập ngũ, tôi vội vàng từ Hà Nội đạp xe về nhà. Cùng người thân xuống tận nơi đóng quân tại huyện Chí Linh thì đơn vị vừa rời nơi tập kết chuyển đến vị trí huấn luyện. Hơn một tháng sau, tôi nhớ dịp đó gần ngày “ông công ông táo”, nhờ các gia đình có con em cùng nhập ngũ ở thị xã, tôi lần được nơi đóng quân huấn luyện. Tim đến được nơi em nó đóng quân, tôi đã “lén’ đón được chú ấy về ăn Tết vài ngày. Dọc đường từ Bến Tắm (Chí Linh) tôi đèo em vượt ngược lên Bắc Ninh qua đường Lương Tài về nhà, hai anh em chỉ lo bị “quân cảnh” chặn bắt lại. May mắn mỉm cười với hai anh em, chúng tôi về nhà trót lọt bằng hơn 6 tiếng đạp xe trên đường. Mồng 4 Tết, tôi lại đèo em về đơn vị. Sau dịp đó, khi nhận được tin đơn vị chuẩn bị vào chiến trường, tôi lại đạp xe đến thì nơi trú quân không còn ai nữa, họ đã chuyển quân đi từ đêm hôm trước. Hơn một tháng sau, gia đình mới nhận được thư viết vội trên đường vào khu Bốn. Đám tân binh viết thư trên tàu, gói cả tập ném xuống nhờ người dân ven đường gửi về theo đường bưu điện. Không biết bao nhiêu lá thư đã được bà con dọc đường tốt bụng bỏ bì thư gửi theo địa chỉ viết kèm. Chỉ một mảnh giấy nhỏ, vài dòng thông báo viết vội và những lời chia biệt đắng nghẹn gửi lại người thân. Vài tháng đóng quân hết Quảng Bình, Vĩnh Linh…gia đình chỉ nhận được một hai lá thư rồi mất liên lạc. Giữa năm 1972, một anh bạn cùng học với tôi, nhập ngũ năm 1966 khi đang cùng đơn vị hậu cần đóng quân tại Vĩnh Linh sau này gặp tôi kể lại, đã gặp chú ấy ở bên này bờ Bắc, dúi vội cho hộp sữa, cân đường, bộ quân phục mới hôm trước, hôm sau được tin phía trận địa bên Quảng Trị bom đạn đỏ trời biết rằng thằng em bạn mình đang ở đó mà không biết cụ thể thế nào…Tất cả những gì về chú ấy trước lúc lâm trận rồi hy sinh gia đình cũng chỉ biết vậy.
          Tháng 2 năm 1972, tôi ra trường rồi về Hải Dương nhận phân công công tác. Sau vài tháng cùng cơ quan sơ tán về Thanh Miện (sau vụ B52 đánh bom Hải Phòng), tháng tư năm 1973 cơ quan về lại thị xã. Một tối tháng 8/1973, khi tôi đang có việc cần làm ở cơ quan- thời đó, Thư viện mở cửa phục vụ cả buổi tối; có một cậu trạc tuổi em tôi tới tìm. Kéo tôi ra ngoài sân, chú ấy nói vội: “Em cùng đơn vị với cậu Lai, Lai nó hy sinh rồi. Trận thành cổ Quảng Trị. Bọn em đào hầm bên bờ Bắc, chuẩn bị chi viện cho bộ đội bảo vệ thành cổ thì quân Mỹ tháo nước sông Thạch Hãn, ném bom trận địa. Chúng em buộc phải nhoi lên, chết nhiều lắm. Em chỉ kịp nhìn thấy Lai nó ôm trung liên bắn lên trời rồi trúng đạn gục xuống. Đại đội em chết gần hết…Em về báo tin này cho anh rồi phải đi. Đừng tìm em, em không còn ở Hải Dương nữa!” Vội vàng như lúc đến, rồi vội vàng rời đi đến mức tôi không kịp hỏi tên tuổi, chỗ ở! Tôi vào phòng làm việc, ngồi gục ở đó không khóc nổi. Chỉ biết nỗi mất mát là quá lớn. Khi đó, gia đình tôi vẫn ở cùng cơ quan ông tôi công tác ở chỗ sơ tán, cách thị xã khoảng 3 cây số. Khi về đến nhà, tôi không dám nói lại với gia đình. Bố Mẹ tôi khi đó đã xấp xỉ 60 tuổi, anh cả công tác trên Hà Nội, cô em đang học đại học, chị gái ở cùng cơ quan trong thị xã, ở cùng với bố mẹ chỉ có tôi và chú út, khi đó mới 13 tuổi. Phải mất đến cả vài tháng trời, tôi mới nói chuyện này cho chị gái. Hai chị em bàn nhau giữ kín câu chuyện, không nói với bố mẹ một phần vì thời chiến, chưa biết tin tức chính xác đến đâu, mặt khác nếu hy sinh thật thì phải có báo tử của bên quân đôi. Vậy là hai chị em ôm nỗi đau mất mát, câm nín đến vài ba năm sau. Mãi tới tháng 6/1977, gia đình tôi mới nhận được giấy báo tử của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. 5 năm trời đằng đẵng. Địa phương tới tận gia đình làm lễ truy điệu. Giấy báo tử không thông báo chính xác nơi hy sinh, chỉ ghi chung chung "Hy sinh tại chiến trường phía nam". Mẹ tôi khóc vật vã, suy sụp hẳn. Cho đến lúc mất, năm 2006 khi đã 92 tuổi Bà vẫn còn tin rằng chắc Nhà nước báo tử nhầm, con Bà vẫn còn….
          45 năm đã qua, sau làn khói hương cúng giỗ chắc vong linh chú em tôi luôn gần gũi bên gia đình dù đã nhiều thay đổi qua đi. Bố mẹ tôi khuất xa cũng cả chục năm nay, các cụ chắc đã tìm được con nơi chín suối. Nay viết lại những dòng này trước kỷ niệm 27/7 để nhớ đến những kỷ niệm, biến cố 45 năm qua. Trong từng ấy năm, tôi và gia đình cố đi tìm nắm đất che chở cốt xương con em mình mà không thấy. Năm 2006, tôi và cô em gái đã tìm vào đến Quảng Trị, hỏi han đến tận quản trang nghĩa trang tỉnh Quảng Trị, trong danh sách hơn 400 người quy tập tại đây không có tên em tôi. Năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ thành cổ, được vong linh chú ấy mách bảo gia đình chúng tôi lại vào dự lễ, thắp hương tưởng niệm và gặp được Đoàn cựu chiến binh trung đoàn 101, sư 325, quân đoàn 2 Hải Phòng tới làm lễ dâng hương tại “bến hoa Thạch Hãn”, gia đình mới biết rằng nơi ôm giữ hồn cốt chú ấy là lòng sông Thạch Hãn.  Những chuyến đi qua nhiều nghĩa trang đã từng nuôi hy vọng tìm được tên người thân dẫu gì cũng không hoài phí. Chúng tôi dù gì thì cũng gặp được những đồng đội của chú ấy, tuổi tác có khác nhau, quê quán có khác nhau…nhưng đều nằm xuống sau những cuộc chiến ác liệt. Dòng sông Thạch Hãn cũng vậy, dưới thẳm sâu đất nước chú ấy vẫn có những người bạn của mình. Em ngã xuống, kỷ vật còn lại chỉ vài lá thư ít ỏi với nét chữ xiêu vẹo viết vội. Còn đó câu chữ"...Lạy Bố Mẹ, con ra đi vào cõi chết!..." như một lời nhắn lại...như một tiên lượng về thân phận của minh....
          Nhân ngày tưởng niệm anh hùng liệt sĩ thiêng liêng, kính thắp một nén tâm nhang gửi tới những người đã nằm xuống dưới làn tên mũi đạn. Cầu mong anh linh của các liệt sĩ luôn đồng hành với gia đình con cháu…





Không có nhận xét nào: