Quê tôi
vốn không phải ở Hải Dương. Quê nội tôi ở Làng Mọc Hạ Đình (nay thuộc quận
Thanh Xuân, Hà Nội), quê ngoại ở Khả Lạc, xã Đồng Tân, huyện Ưng Hòa tỉnh Hà
Đông xưa, nay cũng thuộc thành phố Hà Nội. Anh cả, và bà chị tôi được sinh ra ở
làng Mọc. Một cuộc chuyển cư ngắn do công ăn việc làm của ông thân tôi vào năm
1947 đưa gia đình tôi về sống ở thị xã Hải Dương. Tôi và cô em gái được sinh ra
ở Hải Dương. Cuối năm 1952, cả nhà lại về lại Hà Nội. Chú em tôi sinh vào năm
1954 tại đó (nay thì em nó không còn nữa, chú ấy hy sinh tại thành cổ Quảng Trị
năm 1972…).
Tôi vẫn còn nhớ ngôi nhà ba tầng gia đình tôi thuê ở trên phố Trần
Nhật Duật - Hà Nội những năm đó. Ngôi nhà nhìn ra "Cột đồng hồ" phía
trước mặt. Nay thì địa điểm này không còn, khi Hà Nội xây dựng cầu vượt lên cầu
Chương Dương cuối những năm 90 thế kỷ trước. "…Con phố dài Trần Nhật Duật trước đây dân gọi là phố
Bờ Sông vì chạy dọc quãng đê sông Hồng từ bến Long Biên đến đầu phố Hàng Muối,
đi qua đất bãi của mấy thôn Nguyên Khiết (Thượng và Hạ), Trừng Thanh (Trung và
Hạ), Hương Bài, thuộc tổng Tả Túc (sau đổi thành tổng Phúc Lâm), huyện Thọ
Xương cũ…"; "…Nửa đầu phố từng gọi là phố Hàng Nâu, đi từ chỗ phố
Hàng Đậu giáp Bến Nứa qua gầm cầu Long Biên và các phố Hàng Khoai, Cao Thắng
tới phố Ô Quan Chưởng. Nửa cuối phố đi từ Chợ Gạo đến phố Trần Quang Khải,
ngang qua nơi xưa kia gọi là bãi Cột Đồng Hồ, giáp các phố Hàng Chĩnh, Lương
Ngọc Quyến, Hàng Muối và Nguyễn Hữu Huân bây giờ. Gần chỗ đó vào thời Lê có cửa
ô Mỹ Lộc mở ra bãi sông và bến Cầu Cháy, nơi đỗ đò ngang qua dòng Nhị Hà…."
(Phố Trần Nhật Duật - 2011-2016 HA NOI
360°); "…Người Pháp đã dựng cây cột này (cột Đồng hồ-Người trích) vào những năm đầu của thế kỷ trước. Cây
cột được đúc bằng gang mang từ Pháp sang, được trang trí hoa văn, họa tiết khá
đẹp, trên đỉnh được lắp một cái đồng hồ, người dân quen gọi là cột đồng hồ…Từ
cột đồng hồ này, ngày xưa mọi người dễ dàng đi vào các phố cổ: Mã Mây, Hàng
Giầy, Hàng Buồm, Hàng Mắm, Hàng Bạc, để đến các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, ra hồ
Hoàn Kiếm… Hoặc từ cột đồng hồ đi chếch phía bờ sông Hồng là bến tầu thuỷ neo
đậu. Thời ấy, khu vực này chưa có đê, nên việc đi lại từ trung tâm phố cổ qua
cột đồng hồ đến bến tàu thủy rất thuận tiện…." (Cầu Chương Dương và ký ức về cây cột đồng hồ - Báo Giao thông điện tử,
Thứ 3, 27/12/2016).
…."Ngày 11/4/2001 tại
lễ thông nút giao, ông Tạ Đình Bẩy, Giám đốc công ty cầu 12 đã báo cáo với Chủ
Tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên và Bộ trường Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn cùng
toàn thể bà con nhân dân chứng kiến lễ thông xe nút giao Chương Dương rằng: Khi
thi công cầu Chương Dương, cây cột đồng hồ có từ thời Pháp, đã được Công ty
mang về cất giữ bảo quản nguyên vẹn, nay hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
Hà Nội, tại công trình lịch sử này, Công ty Cầu 12 xin bàn giao lại cây cột
đồng hồ cổ cho Thành phố và đặt lại cột đồng hồ ngày xưa tại vị trí giao nhau
giữa cầu và nút giao thông. Việc đặt lại cột đồng hồ về nơi đây, là thể hiện
tấm lòng của những người thợ cầu của ngành GTVT Việt Nam với Thủ đô thân yêu.
Khi dựng lại cột và lắp
đồng hồ, đã có nhiều người dân đã đến đây mân mê ngắm nghiá cây cột xưa, tưởng
đã vĩnh viễn đi vào quên lãng, nay được trả về nơi nó tồn tại bao nhiêu năm,
làm cho mọi người dân nơi đây xúc động bởi cột đồng hồ, một thời gắn bó với nhiều
người Hà Nội, cả trong chiến tranh và trong thời bình."…(Chuyện xây cầu Chương Dương và cây cột đồng
hồ. Bài đã được đăng trên Tạp chí cầu đường năm 2011.Trang web: cau duong
online đăng tải vào năm 2012, tại mục diễn đàn cầu đường: http://www.cauduongonline.com.vn/archive/index.php/t-541.html)
Trong ký ức còn lại khi còn là cậu bé
5 tuổi tôi vẫn nhớ hình ảnh những người lính Pháp Âu - Phi đi qua cửa sắt nhà
mình, qua cây cột đồng hồ khi họ rút ra khỏi Hà Nội vào ngày 9-10-1954.
Cuộc
chuyển cư ngắn ngủi từ 1949 đến 1952 về thị xã Hải Dương hóa ra lại là khởi đầu
cho một quá trình định cư rất dài, bắt đầu từ năm 1956 khi cha tôi chính thức
chuyển cả gia đình, cùng các em (chú, cô ruột tôi) từ Hà Nội về sinh sống ở nơi
này cho đến tận bây giờ. Dù là định cư, song gia đình tôi sống tại 5 - 6 ngôi
nhà khác nhau. Thoạt đầu ở nhờ tại nhà Cụ Hợp Lợi - Số nhà 11 Phố Nguyễn Văn Tố
bây giờ, rồi mua lại một phần ở phía phố Đông Giàng (nay là nhà số 71 phố Quang
Trung). Rồi lại chuyển đến phố 11 Nguyễn Du, trước cửa Câu lạc bộ công chức Hải
Dương cũ sau là Thư viện Tỉnh Hải Dương- 12 Nguyễn Du. Khi khu vực này chuyển
thành kho Nông sản (năm 1957 - 1958), gia đình tôi lại chuyển đến 12 phố Quang
Trung. Năm 1959, lại chuyển nhà một lần nữa, về 36 phố Hàng Lọng. Năm 1960, mẹ
tôi lại sinh thêm chú út. Vậy là một nửa anh chị em chúng tôi sinh ra tại Hà
Nội, một nửa sinh ra tại Hải Dương. Chiến tranh phá hoại, năm 1967 ngôi nhà ở
phố Hàng Lọng (sau 1960 đổi tên thành phố Tuy An - một địa danh của tỉnh Phú
Yên kết nghĩa) bị xô ngói sau một trận oanh tạc trận địa tên lửa tại Sân vận
động thị xã, khi đó cả nhà ở nơi sơ tán cả. Những năm sơ tán (từ 1965 đến 1970)
cả nhà theo cơ quan ông thân tôi đi khắp Cẩm Giàng, Tứ Kỳ…Ngôi nhà bị trưng
dụng cùng nhà của bảy gia đình khác bị hư hại sau trận bom để xây dựng UBND thị
xã Hải Dương. Sống cùng tập thể cơ quan sơ tán ở ngoại thị giai đoạn 1969 -
1972, mãi tới 1977 gia đình tôi mới được cấp một căn hộ 26 m2 tại một khu tập
thể 5 tầng - Khu B1 tập thể Bình Minh theo tiêu chuẩn "chiến sĩ thi đua"
nhiều năm của ông thân tôi; được coi là công trình khang trang nhất khi đó sau
thời kỳ hậu chiến 1975. Rồi thì gia đình cũng chỉ ở nơi này cho đến năm 1998,
sau ở đó lại chuyển về khu Hồ Máy sứ, nhà số 8 Mai Hắc Đế...Cả hai ông bà thân
sinh ra anh em chúng tôi đều ra đi ở đây. Nay thì con cháu đã chuyển nhà tới nơi
ở mới.
Riêng
tôi, khi xây dựng gia đình năm 1978, chúng tôi cũng chỉ sống ở Hải Dương cho
đến năm 1986. Mười năm tiếp theo, chúng tôi chuyển vùng sinh sống tại thành phố
biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tới năm 1995, cả nhà tôi lại chuyển về Hải
Dương. Giờ thì chỉ còn ba gia đình anh chị em chúng tôi sinh sống ở nơi này.
Một phần anh chị em trong gia đình còn lại sinh sống tại Hà Nội.
Câu
chuyện này bắt đầu bằng những ký ức vụn vặt vậy xuất phát bởi tâm trạng của
người một chốn đôi quê. Dù ở nơi "chôn nhau" Hải Dương, nhưng cứ về
Hà Nội vài ngày là tôi sống với tâm trạng người Hà Nội. Khi về nhà ở Hải Dương,
tôi lại sống trong tâm thế thân thuộc đến mức gần như "dân gốc". Một
phần do sự gắn bó máu thịt, tuổi thơ, nơi chốn học hành, và cả sự trưởng thành,
công việc, gây dựng gia đình nuôi dạy con cái…Lối sống, quan hệ và cả vì chuyện
khói hương thờ cúng người thân (Ông bà thân sinh, chú cô ruột thịt theo ông
thân tôi về sinh sống lập thân ở Hải Dương…khi mất đều được an táng nơi này)
làm cho địa danh này không thể tách rời khỏi cuộc sống gia đình. Chúng tôi
không chỉ cư ngụ mà đã bén gốc, sinh cành nơi mảnh đất nhỏ bé, lành hiền này.
Nhiều
người khi đi qua Hải Dương, thậm chí tá túc ít ngày ở đây thường có tâm trạng
ngờ vực không khí "thành phố" của nơi này. Thành phố hạng hai, đang
phấn đấu lên hạng một gì mà phố sá nhỏ hẹp, tối xuống chưa tới 21- 22 giờ mà
đường thưa vắng người xe, nhà nhà đóng cửa muốn ngủ sớm?!…Lối sinh hoạt như thế
là có thật. Tôi, người có đến gần hết cuộc đời sống ở nơi này vẫn…chưa thể quen
với mỹ danh "thành phố". Không hiểu có phải do hoài cổ hay không mà
tôi vẫn quen nếp nghĩ, cư dân nơi này sống quen với lối sống thị xã nghe thân
thuộc hơn. Những tên phố xưa Hàng Đồng, Hàng Bạc, Hàng Lọng, Đông Kiều, Đông
Giàng, Đông Thị, Bờ Sông, Kho Bạc, Chợ Lớn, Chợ Con, Hào Thành…; những địa danh
xưa như Máy Chai, Sở Rượu, Cổng Trông, Bến Bè, Hồ Bơi, vườn hoa Con Cóc, vườn
hoa Đu đủ, vườn hoa Độc Lập…vẫn cứ lẩn quất đâu đó trong dáng phố nhỏ nhắn, cây
bàng chen tán dưới bóng nắng hè. Và đêm xuống, ánh vàng mờ đèn đường xưa cũ vẫn
lãng đãng trong tâm trí tuổi thơ xưa. Đến nỗi, những ngày sinh sống ở Nha Trang
cách nay 30 năm cái cảm giác phố sá Nha Trang khi đó từa tựa như thị xã Hải
Dương ở cái dáng vóc bé nhỏ của nó khiến tôi dễ quen ngay vì không mấy xa lạ.
Không chỉ riêng tôi. Bạn
bè cùng lứa, đang sinh sống khắp mọi miền đất nước: Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang,
Đà Lạt, Vũng Tàu…cũng nhớ về Hải Dương với nỗi nhớ rất… "thị xã" chỉ
bởi vì không thể mỗi lúc mỗi quên cái bầu không khí thân quen thuở nào. Họ,
cũng như tôi cứ xa một chút lại nhớ thêm một chút những đường phố nhỏ hẹp, những
bến sông, cây cầu, ngõ phố….Hay thị xã xưa nằm trong tư chất "chân quê"
của người Hải Dương, nói đúng hơn là của người "thị xã" chúng tôi
chăng?!
Tp. Hải Dương, đêm cuối năm 2016.
|
Bãi Cột đồng hồ dưới đường dẫn lên cầu Chương Dương. (Ảnh trên mạng Internet) |
|
Cầu Phú Lương xưa. (Ảnh trên mạng Internet) |
|
Cột đồng hồ ở vị trí mới trên cầu dẫn lên cầu Chương Dương. (Ảnh trên mạng Internet) |
|
Đêm rằm chùa Phong Hanh Tp.Hải Dương. |
|
Cầu Phú Lương (cầu sắt) ngày nay. |
|
Gác chuông chùa Phong Hanh. |
|
Đêm xuống trên phố Quang Trung. |
|
Đường ven hồ Bạch Đằng buổi tối. |
|
Một góc công viên Hồ Bạch Đằng buổi sớm. |
|
Ngã tư Đông Thị ngày nay. |
|
Nhà Bưu diện khi đêm xuống. |
|
Cuối phố Canh Nông. |
|
Sương sớm. |
|
Thủy đình chùa Phong Hanh. |
|
Đi bộ buổi tối ven hồ Bạch Đằng.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét