NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

CẢM NHẬN SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY NAM BỘ SAU MỘT TOUR DU LỊCH GIA ĐÌNH

        Cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2022, nhân một chuyến thăm và dâng hương cùng các anh chị em, con cháu tại bến hoa bên dòng Thạch hãn - Quảng trị, nơi dòng sông vẫn ôm giữ thân xác chú Em tôi hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, rồi sau đó di chuyển về nghỉ ngơi tại thành phố Huế (tôi đã ghi lại chuyến đi trên trang Blog này ngày 1/6/2022) đôi ba ngày. Tôi đã nói với các chị em, con cháu trong nhà ý tưởng "từ năm nay trở đi, tuổi các ông bà trong nhà đã cao rồi không nên đi xa cùng các hội, đoàn nữa. Muốn đi, cả nhà cùng đi có các con cháu cùng đi chăm lo việc đi lại, sinh hoạt, sức khỏe cho các cụ, vậy cho yên tâm". Việc này được cô con gái lớn ủng hộ, xin đảm nhận và anh chị em trong nhà đồng thuận. Và năm nay, ngay từ đầu năm một chuyến đi du lịch gia đình được "gầy sòng", hướng tuyến chọn là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Mọi giao dịch, đặt chỗ, liên hệ với công ty du lịch cô con gái lớn đã thực hiện với Công ty Lữ hành Vietluxtour Cần thơ. Hành trình bắt đầu từ ngày 06 - 11/6/2023 (6 ngày 5 đêm), số người cùng đi là 8 người; người lớn tuổi nhất là bà chị gái 78 tuổi, rồi lần lượt 75, 74 và 64 cùng cô con gái lớn , hai mẹ con cháu gái gọi bà xã nhà tôi là Dì ruột. Phương tiện gồm máy bay khứ hồi Hà nội - Cần thơ, ô tô, tàu thủy…Các địa phương đi qua trong lịch trình là Cần thơ - Sóc trăng - Bạc liêu - Cà mau - Tiền giang - An giang.

          Nhân viên lữ hành Vietluxtour đưa đón chúng tôi tại sân bay Cần thơ bằng một chiếc  xe Ford Transit 16 chỗ cho đoàn khách tám người, bố trí ăn nghỉ tại 2 khách sạn 4 sao tại Tp.Cần thơ, Tp. Cà mau. Toàn bộ hành trình theo nhật trình gồm:

          Ngày thứ nhất:  Khu sinh thái Cồn sơn bên dòng sông Hậu, thăm Bè cá Bảy Bon, trải nghiệm và thưởng thức các loại bánh dân gian Nam bộ, tham quan và thưởng thức trái cây tại nhà vườn, xem biểu diễn "cá lóc bay" của nông dân sông Hậu, nghe đờn ca tài tử…

          Ngày thứ hai: Thăm chùa Somrong Sóc trăng, nơi có quần thể kiến trúc Khmer huyền bí, có tượng Phật thích ca nhập niết bàn dài 63 met…; Tới thành phố Bạc liêu thăm Nhà công tử Bạc liêu được một kiến trúc sư người Pháp thiết kế thi công năm 1919, ngôi nhà to nhất Nam kỳ lục tỉnh vào thời đó…

          Ngày thứ ba: Thăm Cà mau qua các huyện Cái nước, Năm căn, Ngọc Hiển. Thăm vườn quốc gia Mũi Cà mau, cột mốc tọa độ GPS 0001, biểu tượng Mũi Cà mau, điểm cuối đường Hồ Chí Minh, cột cờ Hà nội, rừng đước Cà mau…Tối tham quan thành phố, Bến Ninh Kiều, Đường đi bộ, Chợ đêm Ninh Kiều…

          Ngày thứ tư: Hành trình Cần thơ - Vĩnh long - Tiền giang. Xuống Bến tàu du lịch Mỹ Tho đi du thuyền trên sông Tiền ngắm cảnh Tứ linh: Long - Lân - Quy - Phụng và các sinh hoạt sông nước miền Tây, các làng cá bè, lên Cù lao Thái Sơn thăm trại nuôi ong, trải nghiệm xuồng ba lá len lỏi kênh rạch…Xuôi dòng sông Tiền đến Cồn Phụng - Bến tre (Cồn Đạo Dừa) với các kiến trúc Đạo Dừa, nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật, bảo tàng Dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thân cây dừa, cơ sở sản xuất kẹo dừa thăm vườn hoa Tứ linh "Long - Lân - Quy - Phụng", trại nuôi cá sấu và trưng bày sản phẩm từ da cá sấu…

          Ngày thứ năm: Từ Cần thơ đi An Giang, đến thành phố Long Xuyên, qua Châu Đốc tham quan Miếu Bà chúa Xứ, qua Tri tôn với những cánh đồng mẫu lớn, những cánh đồng Thốt nốt đậm nét văn hóa Khmer nam bộ… Thăm Rừng Tràm Trà Sư với hệ sinh thái rừng ngập nước đặc trưng Đồng bằng sông Cửu long, lên "tắc ráng" len lỏi giữa những dầm sen, nơi hàng ngàn cò, vạc làm tổ và sinh sôi..

          Ngày thứ sáu: Thăm chợ nổi Cái Răng. Xuống tàu từ Bến tàu Ninh Kiều từ 5 giờ sáng xuôi dòng cùng tàu bè tấp nập đưa khách thăm Chợ với ghe xuồng nông sản hàng hóa, sản vật miền Tây. Một điểm sáng của du lịch miền Tây được hàng ngàn khách du lịc trong, ngoài nước quan tâm, vào rạch Rau răm lên Hủ tiếu Nhà Bè trải nghiệm công đoạn làm Hủ tiếu truyền thống, thưởng thức "Piza hủ tiếu"…

Thăm Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh của Thành phố Cần thơ trong không gian xanh, nơi phô diễn các trò chơi dân gian sông nước, trưng bày nhà cửa vật dụng sinh hoạt thường ngày của cư dân nam bộ, những nếp nhà truyền thống của người Kinh, người Khmer, người Chăm, người Hoa…

          Sự trải nghiệm từ chuyến đi thật gần gũi, đậm nét sông nước miền Tây. Trong qua trình sinh sống và làm việc, tôi từng có được những chuyến đi làm việc, hội họp, tham quan xuyên Việt không dưới vài ba lần. Nhưng dừng nghỉ, khám phá nét sinh hoạt Nam bộ nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng như dịp đi này mới chỉ có một.

          Tôi từng có mặt ở thị xã Cà mau vào năm 1991, nhân một cuộc họp mặt các cán bộ quản lý thư viện miền Nam do thư viện Quốc gia II (sau này là thư viện KHTH Tp.Hồ Chí Minh tổ chức). Vào thời điểm đó, thị xã Cà mau còn thưa thớt nhà cửa, nơi họp là hội trường UBND thị xã nhỏ bé (nơi vốn là cơ quan hành chính của chính quyền cũ trước năm 1975). Cuộc họp mặt đó chỉ chưa đầy hai chục người (kể cả phó chủ tịch Thị xã, trưởng phòng văn hóa, giám đốc thư viện tỉnh Cà mau) tham dự. Với tấm ảnh còn giữ lại từ này đó, các khuôn mặt Chị Thu - GĐ thư viện QGII (người thay thế Ts. Nguyễn Thế Đức- người có mặt nhận bàn giao Thư viện Sài gòn thời điểm 1975, sau về Hà nội làm GĐTV Quốc gia Việt nam; nay đã mất); Chị Hải GĐ Thư viện KHXHVN khu vực phía Nam; anh Hoàng Lý- Thư viện Hải Phú, Phú Yên (nay đã mất); các bạn Hiếu - GĐ Thư viện An giang, Định - GĐ thư viện Vũng tàu Côn đảo; Cung - GĐ thư viện Tiền giang, Tài - GĐ thư viện Long An, Chị Ngọc - GĐ thư viện Đồng nai…và một số bạn khác nay không nhớ được tên tuổi nữa. Tôi tham dự cuộc họp mặt này với tư cách đại diện cho Ban giám đốc thư viện tỉnh Khánh hòa. Chuyến đi đó chúng tôi không được ra đất Mũi (khi đó vùng này do Quân khu 9 quản lí) chỉ tới thăm Năm Căn, Ngọc Hiển nơi mới chỉ lưa thưa dân cư; nhưng lại được một cơ hội hiếm hoi (mà đến nay chưa từng được lặp lại) ra thăm đảo Hòn Khoai, nơi có ngọn đèn biển độc đáo ở chót cùng đất nước, từ tháp đèn nhìn về phía đất mũi còn nguyên dáng hình mũi đất của tổ quốc Việt nam hình chữ S (lúc đó chưa bị xói lở như bây giờ), vui với anh em chiến sĩ Đồn biên phòng Hòn Khoai một đêm lửa trại thật yên bình…Sau đó chúng tôi cũng di chuyển về lại Sài gòn qua các tỉnh Sóc trăng, An giang, Tiền giang, Vĩnh long, Cần thơ, Hậu giang.. còn chưa mở rộng, nhà cửa xưa cũ, mái tôn vách lá…

NHỮNG HÌNH ẢNH XƯA CŨ (GIAI ĐOẠN 1991 - 2009)



















(Còn tiếp)...


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Năm 1997 đoàn sở VHTT Hải Hưng đã đến thị xã Cà Mâu và ra đất mũi; đồng nghiệp tỉnh Cà Mâu bảo các bạn là đoàn thứ 3 của miền Bắc ra đây sau đoàn Hà Giang và Hà Nội.
Đứng ở đất mũi lòng xao cuyến vô cùng cứ nghĩ như mình được đi cùng đoàn với ông "Magenlang" vòng quanh thế giới ngày xưa. Trên đường từ đất mũi về thị xã bằng thuyền ( ngày ấy chưa có đường như bây giờ) nhạc sỹ Trần Minh nằm ngửa trên mui thuyền sáng tác bài hát "Gửi Cà Mâu" - là 1 bài trong bộ ba tác phẩm nổi tiếng của tác giả.
Kỷ niệm về các chuyến đi lúc nào cũng sâu sắc. Chúc bạn và gia đình an khang để có những chuyến tiếp theo.
Xin chúc mừng!