Cách nay hơn một
năm, trên những trang viết trên Blog này tôi đã “khoe” về một tập thể có chung
một nỗi đam mê: “đam mê ca hát”. Mà không phải của người trẻ; người trẻ nói đến
hát xướng có vẻ là thừa, vì đó vốn là bản tính của lứa tuổi khi cuộc đời đang hồ
hởi nếm trải niềm vui sống, khát khao hạnh phúc, yêu thương và chia sẻ. Điều
tôi nói đến khi đó là niềm đam mê ca hát
của người có tuổi. Trong tập thể với một số ít người ngót ngét…bảy mươi ấy, đa
số đã ngoài lục tuần, số còn lại được cho là “trẻ” cũng hơn năm mươi cả rồi. Họ
tự nguyện tập hợp nhau lại, trên nền tảng một tổ chức từng có từ thời chống Mỹ
cứu nước: “Đội văn nghệ xung kích thành phố Hải Dương”. Đã có ý tưởng làm mới bằng
cách tự gọi mình là đội văn nghệ “Tiếng hát mãi xanh” hoặc “Nhóm nhạc Thời
gian”…Rồi ký ức tuổi trẻ lại thuyết phục họ lấy lại tên “Đội văn nghệ xung
kích” dù biết rằng, môi trường để tồn tại cái tên này…khó có thể quay lại được.
Dù sao, cái tên cũng không quan trọng bằng sự tập hợp có tổ chức, có sinh hoạt
định kỳ và có “mục tiêu hát” cụ thể. Hát để thỏa mãn niềm đam mê, hát để biết rằng
mình “còn trẻ, còn khỏe”; hát cho nhau nghe, hát với bạn bè và còn “hát cho đồng
bào tôi”…nghe được.
Cũng cần phải
“vân vi” đôi chút về ký ức cá nhân từ hàng chục năm đã qua. Tôi nhớ mình được học
nhạc lý từ những năm 1960 – 1961, khi trong chương trình học cấp hai khi đó dậy
lên “trào lưu” dạy nhạc, họa ngoại khóa cho học sinh (tất nhiên là người học tự
nguyện học ngoại khóa) của ngành giáo dục. Chỉ đơn giản là mấy chục tiết ký âm
phổ thông, mấy chục tiết học vẽ cơ bản. Ấy vậy nhưng lũ chúng tôi hồi đó, dù là
dân thành thị có đứa đi học còn mặc…quần đùi cũng ham vui theo sự hướng dẫn của
các thày cô giáo học nhạc, học vẽ, học hát, học múa và cả học…múa rối nữa. Đội
múa rối của trường chúng tôi- trường phổ thông cấp II Trần Phú thị xã Hải Dương
còn được vinh dự lên tận…Hà Nội tu nghiệp cả tuần lễ tại “Đoàn múa rối nhân dân
Trung ương”- Tên khởi đầu của “Nhà hát múa rối Trung ương” bây giờ. Chương
trình học được tổ chức bởi cô giáo Bùi
Thị Nha, giáo viên dạy sinh vật (phu nhân Thày Nguyễn Tự Phú- khi đó là phó ty
Giáo dục Hải Dương, sau giữ chức vụ Trưởng ty: trước khi nghỉ hưu Thày phụ
trách công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam). Học đến mức đem được cả một vở rối
tay “Con thỏ ngọc” về thị xã Hải Dương tham gia hội diễn văn nghệ thiếu niên,
nhi đồng. Trong cả nước khi ấy, ngoài đội Múa rối cung Thiếu nhi Hà Nội, cái đội
múa rối thiếu nhi bọn tôi thuộc cỡ hàng hiếm tỉnh lẻ. Cũng kiếm đất sét nặn vắt
làm cốt, bồi giấy báo làm hình nộm nhân vật rồi hì hục tô vẽ mắt mũi mồm miệng,
đám con gái hí húi may trang phục cho lũ rối tay…Những bước chập chững ban đầu ấy
cứ thế lôi tôi theo nghiệp …văn nghệ
nghiệp dư. Lên đến cấp III, vừa vào lớp tám, tôi theo một ông anh lớp trên học
sáo trúc. Ông thày dạy nhạc cụ đầu tiên ấy là Anh Nguyễn Văn Thắng, nay là
Lương y Giám đốc Công ty cổ phần Đông nam dược Đức Thắng- chính là “phu quân” một
đội viên của đội văn nghệ xung kích. Chiến
tranh phá hoại của giặc Mỹ lan đến cửa ngõ thị xã sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ
(5/8/1964), lúc đó tôi mới 15 tuổi theo các anh các chị thanh niên tham gia “Đội
ca nhạc thanh niên thị xã Hải Dương” do Thị Đoàn Thanh niên lao động (năm 1970
đoàn thanh niên mới mang tên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức. Đội
văn nghệ này do Anh Sái Văn Đồng (Anh đã mất khoảng năm 1999 - 2000 gì đó;
nguyên là Giám đốc Sở Thể thao Tỉnh Hưng Yên) là cán bộ Thị đoàn Hải Dương làm
đội trưởng. Tôi theo các anh các chị suốt, hết tham gia các chương trình văn
nghệ tại các tụ điểm, lại chia nhau hát phục vụ trước giờ chiếu phim ở hai rạp
chiếu phim “Hòa Binh” và Rạp chiếu phim Thiếu nhi thị xã – Rạp “Thống nhất”.
Vai của tôi là đệm sáo trúc cho các chị hát đơn ca, tốp ca. Nào là “Xuân chiến khu”, “Bài ca hy vọng”,
“Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Quảng Bình quê ta ơi”….Năm 1966, có chủ trương thành
lập các đội Thanh niên xung phong cơ sở, đội văn nghệ này được mang tên “Đội
thanh niên tuyên truyền xung phong chống Mỹ cứu nước”. Đội này được “đặc cách”
không phải đi sơ tán khỏi thị xã mà phục vụ các đơn vị trực chiến trong nội thị.
Tôi vẫn đi học một buổi và nhiệt tình tham gia với đội ngoài giờ học. Tháng 8
năm 1966, được Đoàn trường cấp III Hồng Quang cử tham gia lớp tập huấn văn nghệ
phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” do Ty Văn hóa Hải Dương tổ chức ở xã Hoàng
Diệu, huyện Gia Lộc. Lớp này do Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Vinh phụ trách. Nhạc sĩ Trọng Vinh khi đó dáng người mảnh khảnh,
trẻ trung, hiền hậu vui tính và rất quý lũ thanh niên bọn tôi. Chương trình học
là các bài hát và múa tập thể cho thanh niên. Lớp học được các cán bộ phòng Văn
nghệ Ty văn hóa và hai học sinh trường âm nhạc và múa Việt Nam hướng dẫn. Một
nam và một nữ. Người thanh niên có tên là Hứa và người con gái tên là Nhân. Tôi
làm quen và kết thân với cả hai. Anh Hứa có giọng nam trung vang và khỏe. Anh bảo
tôi: “Cậu có giọng, chịu khó luyện thanh thì hát nghe được đấy”. Anh bày tôi
cách lấy hơi (cái này thì tôi có cơ bản vì đã từng học sáo trúc) và tập luyện
thanh, cộng minh…Sau khóa học, tôi về trường và làm bạn bè cùng lớp (lớp 9)
tròn mắt khi chẳng những vẫn độc tấu sáo trúc bài “Lý hoài nam”, “Anh vẫn hành
quân”… mà còn hát khá chững chạc những “Ta lại đào công sự”, “Em bé Bảo Ninh”...
Thày Huy Giao (em ruột nhạc sĩ Huy Du) dạy sử trường Hồng Quang bảo tôi: “Em
hát còn hay hơn thổi sáo, cứ hát thôi”. Thế
là tôi “chỉ hát thôi” và theo học ghi ta một anh học sinh lớp trên - Anh
Ngọc Quang, vốn là kiều bào Việt Nam ở Thái Lan về nước. Anh Quang chơi ghi ta
Clasic rất giỏi. Học kỳ một năm lớp 10, cùng với các anh chị lớp trên và bạn bè
cùng khóa, bọn tôi có cả một chương trình ca nhạc được thu thanh tại Đài truyền
thanh Tỉnh Hải Dương, khi đó còn nằm dưới tầng hầm căn nhà kiểu biệt thự do Pháp
xây của cơ quan tỉnh ủy Hải Dương bây giờ. Hết cấp ba, tôi đi học đại học. Tháng
5 năm 1968 đội văn nghệ xung kích chống Mỹ cứu nước thị xã Hải Dương chính thức
được thành lập do phòng thông tin thị xã quản lý. Anh Nguyễn Trung Đoàn, khi đó
vừa tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh Hà Nội thay mặt phòng Văn hóa Thông tin
thị xã theo dõi hoạt động của đội. Nhân một buổi về thăm nhà ngày nghỉ lễ (năm
1969), tôi ghé qua dự một buổi sinh hoạt của đội rồi tình nguyện hàng tuần “vác
đàn” về cùng hướng dẫn, dựng bài với các anh chị em. Bài hát “Ca ngợi Tổ quốc”
do đội hát, và nay là bài “tủ” của đội được hướng dẫn và dựng vào thời kỳ này.
Tôi còn “bạo gan” soạn biến tấu bài hát “Vũ khúc Tây Nguyên” (không biết tác giả
là ai, nhưng năm 1964 từng được Trường cấp ba Hồng Quang mời người dựng hoạt cảnh
múa) thành…nhạc múa dựng cho tiết mục múa “Vũ khúc Tây nguyên” cho đội. Nhạc đệm
ban đầu chỉ có mỗi cây ghi-ta của tôi và chiếc Acoocdeon của Anh Nguyễn Minh Chính.
Hoạt cảnh múa này được tốp múa của đội biểu diễn suốt các năm 1969 – 1972. Cùng
lúc và một năm sau đó, tiết mục múa này còn được dựng cho tốp múa Lớp Cây lương
thực 12 A- Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và tốp múa lớp Đại học Thư viện khóa 5
– Đại học Văn hóa Hà Nội. Ở cả hai môi trường đại học này, tiết mục khi tham
gia Hội diễn sinh viên đều đạt giải cao.
Sau hơn bốn mươi
năm, “Đội văn nghệ xung kích” tập hợp trở lại vào tháng Tư năm 2012 (chuyện đã
được đăng tại bài viết “Mùa thu và sự trở lại niềm đam mê” – lên trang blog này
vào ngày 8 tháng 5 năm 2012) với cốt cán là một số đội viên năm xưa. Hai năm
qua, đội đã có 22 thành viên. Bình quân một tuần tập 2 buổi, khi gần ngày biểu
diễn hoặc giao lưu tập đến bốn buổi một tuần. Số buổi tập tính đến nay cũng
ngót 150 buổi. 18 ca khúc được tập luyện, dàn dựng – chỉ tính hợp ca, tốp ca;
hơn 20 tiết mục đơn ca song ca…Đội đã tham gia 16 buổi biểu diễn giao lưu nhân
dịp các ngày lễ lớn; Tết dương lịch, Tết nguyên đán…trong các năm 2012 – 2013; phục
vụ Họp mặt truyền thống Cựu chiến binh trung đoàn 2 Quân khu 3, tham gia biểu
diễn “Giao lưu nghệ thuật Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII”
do Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương tổ chức…
Ngoài hoạt động
văn nghệ, đội còn tổ chức dã ngoại du lịch sinh thái; thăm hỏi động viên đội
viên và gia đình ốm đau, tang hiếu. Từ ngày thành lập trong những năm kháng chiến
chống Mỹ đến giai đoạn đất nước đổi mới một số đội viên, nhạc công đã qua đời. Liên
tiếp hai năm qua, những người Anh lớn tuổi của Đội như Anh Nguyễn Trung Đoàn,
Anh Nguyễn Minh Chính cũng từ giã gia đình và bạn bè đi vào cõi vĩnh hằng để lại
bao tiếc thương cho các thành viên trẻ…
Khi ngồi bên
nhau, chúng tôi thường hàn huyên lại bao kỷ niệm xưa, tâm sự với nhau chuyện
mình, chuyện đời và chợt nhận thấy rằng chúng tôi đã hát “trước nhất là cho nhau nghe”.
Điều đó bao hàm sự chia sẻ tình cảm, sự nương tựa tinh thần – điều mà người cao
tuổi cần hơn cả. Sức khỏe tinh thần, sự dựa đỡ nhau vượt lên mọi khó khăn, thậm
chí bệnh tật và những nỗi niềm thiếu thốn tình cảm. Ngoài gia đình, tập thể người
hát “tuổi cao, chí càng cao” ngày mỗi bền chặt. Dù chỉ là những người hát nghiệp
dư, trưởng thành từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” năm nào và sinh hoạt
văn nghệ “Làng, Khu dân cư văn hóa” hiện nay thì họ cũng xứng đáng nhận được sự
đón nhận hào hứng của cộng đồng dân cư. Đằng sau tuổi tác, họ là những người có
tâm hồn thật trẻ với niềm đam mê dường như muốn mãi đem theo suốt đời. Họ vẫn
hát với nhiệt tình cháy bỏng, như hát về tuổi trẻ của chính mình. Có lần, tôi
đã thốt lên thật lòng với họ: “Tôi yêu tất cả các bạn!”.
Họ đây, hãy cùng ngắm
xem. Rất đẹp, rất vui và trẻ trung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét