NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

NGHĨA TRANG NÀO ÔM GIỮ THÂN XÁC EM TÔI?!

           Lại một mùa tri ân anh hùng liệt sĩ nữa. Mùa thứ 68. Vậy mà em trai tôi, liệt sĩ Nguyễn Huy Lai cũng đã vĩnh viễn ra đi 43  năm rồi. Chú nó hy sinh tại mặt trận Quảng Trị, trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tháng 7 năm 1972.

     Em tôi nhập ngũ khi tuổi chưa tròn 18, đã không kịp nhận giấy báo nhập học đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông. Vào chiến trường được nửa năm, nếu không có một người đồng đội thoát chết trở về tìm tới gặp tôi vội vã thông tin về cái chết của chú ấy trên chiến trường Quảng Trị thì mãi mãi gia đình chúng tôi cũng không thể biết chú ấy hy sinh thế nào, ở nơi đâu…Sau lần nhận hung tin ấy, hơn bốn mươi năm rồi tôi vẫn không gặp lại người đồng đội ấy của em tôi. Không tin tức, không dấu vết đến nỗi tôi cũng tin rằng chú ấy cũng lại hy sinh ở một mặt trận nào khác…Mãi tới năm 1977, gia đình được nhận từ các cơ quan có trách nhiệm Giấy báo tử và một tấm bằng Tổ quốc ghi công công nhận em tôi là Liệt sĩ vì "đã hy sinh tại mặt trận phía Nam" sau lúc con em mình đã ngã xuống gần… 5 năm trời. Cũng chừng ấy năm, tôi nuốt nỗi đau mất mát trong lòng mà không dám nói lại với bố mẹ và người thân. Khi nhận được tin báo tử, Mẹ tôi như hóa đá và chẳng chịu tin đó là sự thật. Chiến tranh kết thúc hàng chục năm, cho tới lúc lìa đời, năm 2006 - gần ba chục năm sau, chắc Bà vẫn còn tin một ngày nào đó con trai mình trở về…
          Giữa mịt mù tin tức, gia đình tôi chẳng thể hỏi ai, cũng chẳng thể tìm kiếm…như nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ khác. Tôi và anh chị em trong gia đình chỉ biết mò mẫm mỗi khi có dịp qua lại các nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị…dõi đọc các hàng tên trên bia đá ghi tên liệt sĩ tìm em. Cho đến một dịp may bất chợt, nhờ tìm đến một cuộc tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 40 năm chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 2012 - tôi và anh chị em trong gia đình mới thực sự tin rằng thân xác con em mình đã được dòng sông Thạch Hãn bảo bọc hàng chục năm nay. Chúng tôi đã cùng Đoàn Cựu chiến binh trung đoàn 101, sư đoàn 325 kính cẩn thắp hương, thả hoa tại đài tưởng niệm và bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn cầu mong linh hồn chú ấy cùng đồng đội siêu thoát. Câu chuyện này, tôi đã thuật lại trên những trang Blog này không chỉ dưới một lần…
          Đất nước sau khói lửa chiến tranh nơi đâu cũng gặp Nghĩa trang liệt sĩ, những nghĩa trang lớp lớp bia mộ như Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, Nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn…. ngút ngàn hương hoa. Duy chỉ nơi chú em tôi và đồng đội nằm xuống dưới mây gió sóng xô Thạch Hãn là không có bia mộ, không có đài hương…
          Tôi luôn ước ao một điều rằng, đoạn sông Thạch Hãn đỏ máu cả ngàn chiến binh ngã xuống trong chiến dịch 81 ngày đêm Quảng Trị năm nào không chỉ có đài kỷ niệm, bến hoa bên bờ mà giữa dòng con sông ấy sẽ sừng sững một đài hương, một kiến trúc xứng đáng để chúng tôi, cũng như thân nhân hàng ngàn liệt sỹ đã nằm mãi dưới lòng sông sâu thấy được một nghĩa trang riêng cho những thân xác trẻ trung ấy yên lòng, để khói hương ngút trời đưa tải linh hồn họ về với cố hương…

          Tại Bảo tàng thành cổ Quảng trị còn lưu trữ bức thư giản dị của một người lính, trong đó có đoạn: " “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh... Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”.

          Cứ như lời lẽ bức thư, người lính trẻ ấy còn có cơ hội chỉ dẫn cho người thân tìm đến nơi mình ngã xuống. Còn em tôi, đâu có được sự may mắn ấy?!

Hải Dương, 26 tháng 7 năm 2015































Không có nhận xét nào: