NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 Kỳ 17

(Tiếp theo kỳ trước)

….

       Cuối những năm 60 đầu thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước, cùng vô số thanh niên, nam nữ vùng Quế võ, Bắc ninh ông Kỉnh hưởng ứng phong trào thanh niên tình nguyện lên miền núi khai hoang. Họ được đưa lên phía nam dãy Hoàng Liên Sơn thuộc vùng núi Tây bắc, rồi tham gia xây dựng nông trường chè Nghĩa lộ, huyện Văn chấn tỉnh Yên Bái. Sau mấy chục năm cần cù trồng chè và xây dựng nông trường, ông cũng có được một ngôi nhà giản dị, một mái ấm hạnh phúc với người đàn bà quê gốc Thái Bình cùng lên Tây bắc khai hoang. Hết tuổi lao động, ông bà chuyển cư về vùng đất ven ô thị xã Yên bái. Từ sau 1986, đất nước vào thời kỳ đổi mới gia đình ông được nhà nước giao đất, giao rừng và đổ công đổ sức vào vườn chè gần một hecta trên một ngọn đồi sau nhà. Cả mấy chục năm trôi qua, hàng năm đồi chè cho gia đình ông một mức thu nhập vừa đủ, dù không mấy khá giả, nhưng cũng duy trì cuộc sống bình thường với tổ ấm bốn miệng ăn, con cái đủ ăn đủ lớn theo học mỗi năm đu kỳ lên một lớp. Những nương chè xanh mướt hàng năm được giao khoán sản phẩm, cung cấp chè xanh cho thương nghiệp nhà nước thu mua, phần dư thừa chế biến thành chè khô bán ra thị trường cũng để ra được bát ăn bát để. Khi biết tin về người chị con bà bác lấy chồng miền nam tập kết mất đi, ông đã lặm lội tìm vào Quy nhơn. Có thể do niềm tin tục hệ huyết thống mách bảo, lại cũng có thể vì hồn thiêng của người đàn bà xa quê mách lối mà ông quyết tìm đến nơi bà nằm xuống để thắp vài thẻ hương bái biệt. Biết câu chuyện của đứa cháu côi cút cả mẹ lẫn cha, động đến lòng cảm thương ruột rà ông đã đưa ra lời khuyên để thằng cháu tìm về nguồn cội. Hai Khánh cảm nhận được vết dẫn này, sau nửa năm suy nghĩ, cân nhắc đã theo lời ông ra bắc. Rồi đây, ông Kỉnh tự giành lấy phần trách nhiệm của bậc bề trên để giúp đứa cháu gắn kết máu mủ, xây dựng cuộc sống và xây đắp tương lai. Chuyến đi "về nguồn" của Hai Khánh làm ông yên tâm vì đã thực hiện được lời khấn thầm kín trước mộ người chị họ năm nào, Khánh về Bắc được và ông cũng tự thấy yên lòng. Trong nhà, vợ ông hiểu được nỗi lòng xót thương đứa cháu phương xa của ông, lấy gia đình làm nơi bảo bọc nương tựa cho Hai Khánh. Bà thấy ông vui, ông hài lòng với quyết định của ông là bà thấy vững lòng. Người đàn ông như vậy, biết san sẻ yêu thương cùng gia đình, tộc hệ là người đàn ông có trách nhiệm. Con cháu rồi đây sẽ có được một tấm gương để noi theo, làm theo...

       Mãi đến tầm trưa, khi bữa cơm đạm bạc gia đình được dọn ra, thì Hai Khánh mới bước ra phòng ngoài với khuôn mặt thư giãn khỏe khoắn. Lần đầu tiên sau vài năm đơn côi, anh có được một bữa ăn gia đình đúng nghĩa. Ông cậu, bà mợ và mấy đứa em thật gần gũi, thân thiện. Hai đứa trẻ làm quen với ông anh họ thật dễ, chúng tíu tít kể chuyện trường lớp, hai ông bà ân cần chăm sóc bữa ăn cho con cháu một cách bình dị. Hầu như không có sự ngăn cách, hầu như không có bất cứ cử chỉ khách sáo nào, điều đó làm Khánh hòa mình vào không khí gia đình nhà ông cậu thật mau mắn. Anh kể chuyện chuyến đi, chia vài phần quà ít ỏi, đơn sơ cho các em và biếu cậu mợ mỗi người một chút quà mọn.

       - Con chỉ xin cậu mợ giúp con tá túc ít bữa. Con có đem theo đây một bộ hồ sơ xin việc trong đó có một giấy giới thiệu của giám đốc công ty ở trỏng. Con hy vọng chỉ sau vài tuần, xí nghiệp cấp thoát nước thị xã chấp nhận đơn và giải quyết công việc cho con...

       - Anh cứ thư thả nghỉ ngơi. Việc rồi đâu có đó. Bữa trước nhận được tin anh có ý định chuyển ra, theo nguyện vọng của anh tôi đã nhờ người thăm dò công việc rồi. Nghề nghiệp của anh ngoài này đang thời hiếm người làm, chắc không khó thu xếp đâu. Thị xã đang có quy hoạch phát triển, lâu dài sẽ mở rộng đất đai, dân cư. Có tin đồn tỉnh có quy hoạch đưa thị xã lên thành phố trong vòng chục năm tới...Xí nghiệp cấp nước thị xã từng có nhu cầu tuyển người đã hai năm rồi mà số người đăng ký có mấy đâu, người được học hành, đào tạo kỹ thuật như anh không có nhiều. Khu phố bên kia có ông giám đốc sở xây dựng nghỉ hưu, bà vợ vốn thân thiết với mợ đây vì nghĩa đồng hương Thái bình có hứa sẽ nhờ ông ấy nói giúp ...Vài bữa nữa, mợ đưa anh sang chơi rồi nhờ cậy! 

       Hơn một tháng sau, Khánh đi làm buổi đầu tiên tại Công ty cấp thoát nước thị xã Yên bái. Ông giám đốc sở Xây dựng về hưu đã giúp anh có được công việc này, sau khi bà vợ ông nhận anh là cháu họ xa chuyển vùng ra bắc làm ăn. Tay trưởng phòng tổ chức của sở làm được việc giúp cho sếp cũ cũng hể hả vì có dịp bộc lộ sự hàm ơn từ ngót chục năm trước từng được sếp nâng nhấc. Trong số những vật dụng đem theo, chiếc radio catset hai cửa Sony gần hai chỉ vàng mới mua đem ra bắc định để dùng của anh được chuyển cho chủ mới. Hai cô con gái nhà bà giám đốc, người đang học năm hai cao đẳng sư phạm Tây Bắc, người đang học lớp mười một trường dân tộc nội trú rất thích thú với món quà của anh Khánh gửi tặng. Có chiếc đài, các cô vừa học được tiếng Anh nhanh gọn, lại vừa được nghe nhạc qua băng. Chuyện có trong tay một vật dụng đáng giá như vậy vào những năm này ở vùng cao Tây bắc là vật hiếm... Ông giám đốc nghỉ hưu thấy món quà to tiền vậy cau mày khẽ trách: "Thằng cháu định... "hối lộ" bà lão nhà tôi đấy à!". Khánh vội thưa:

       - Thưa chú, con đâu dám. Trong quê con, món quà này chỉ đơn giản là sự hàm ơn người đã ra tay giúp dập công việc. Cũng là một kỷ niệm để đánh dấu việc chú cô coi con như người thân trong nhà. Có chi đâu chú, các em là em con mà!...



(Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào: