NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 

Kỳ 16

(Tiếp theo kỳ trước…)

       - Nhất bái...a...a..; nhị bái ...a....a...

      Theo tiếng nhạc bát âm, ông Khánh bước lên hai bước rồi hồi chân khuỵu gối, phủ phục. Trong bộ quần áo tế rộng rãi, áo thụng lụa xanh trước ngực và sau lưng có trang trí bố tử, quần lụa màu trắng chân đi hia đầu đội mũ hoa quan trông ông không khác mấy các thành viên tế quan trong hàng. Hai bàn tay chắp vào nhau thành kính, lúc giơ cao khi hạ xuống nhịp nhàng cung bái theo tiếng hô của vị chủ tế, vốn là người cháu trưởng của dòng họ.

       Ngồi trầm ngâm trên hàng ghế với các bậc trưởng lão, cụ Kỉnh - ông cậu đằng ngoại của ông mắt nhắm hờ lim dim gật gưỡng theo nhịp trống phách mở đầu lễ giỗ tổ. Tuổi đã ngoài 80, nhưng ngắm ông còn vượng lắm thậm chí có vẻ trẻ hơn so với độ tuổi. Tiếng đàn tam, tiếng sáo hòa nhịp với tiếng nhị hồ, thập lục...réo rắt. Không khí đượm mùi khói hương, mùi trầm thơm ấm nhẹ bay lên từ chiếc đỉnh đồng trên ban thờ phía trên. Chiếc ngai thờ sơn son thếp vàng phủ tấm vải đỏ trên lưng ghế nghiêm cẩn như hồn thiêng Cụ tổ từ trên cao nhìn xuống đàn cháu con đang cung kính bái lạy phía dưới. Nhà thờ họ năm nay mới được tôn tạo thêm, các ban thờ được bày thêm nhiều đồ thờ cúng do các chi họ tiến cúng bằng đồng thau bắt ánh sáng đèn thờ lấp lánh. Phía trên cùng, tấm cửa võng lộng lẫy bao lấy bức hoành cẩn bốn chữ vàng Hán tự "Đức lưu quang" lộng lẫy trên nền đen sơn mài viền quanh bởi cúc mai long phụng sơn son thếp vàng, toàn bộ các ban thờ chính cung tả hữu thảy đều rực rỡ đèn hương....Bộ binh khí bát bửu gồm: mác, đao, kích, thương, phủ việt (búa), cờ tiết mao và cặp bảng có chữ “Tĩnh Túc” và “Hồi Tị” đầy uy lực bày làm đôi hàng nơi gian giữa trước hương án. Khoảng trống giữa bộ bát khí là không gian hành lễ của đội tế. Hôm nay, con cháu dòng họ tấp nập tụ tập làm lễ giỗ tổ. Người vào hàng bậc con cháu đủ năm mươi tuổi giở lên như ông Khánh đến lượt được chọn sung vào đội tế nam. Đây là màn lễ cáo yết mà ông Khánh thường được tham dự với tư cách tế quan đã vài ba kỳ giỗ chạp. Người đề cử ông vào đội tế là ông cậu đằng ngoại, cụ Kỉnh. Từ Yên Bái, hai cậu cháu đã về Quế võ Bắc ninh từ cả tuần lễ để chuẩn bị. Sau nhiều buổi tập luyện các thức lễ dưới sự hướng dẫn chu đáo của các bậc bề trên, ông Khánh được theo hầu lễ cáo yết mở cửa từ đường mỗi kỳ giỗ tổ. Từng được dự nhiều lễ giỗ hàng năm từ ngày ra bắc, các thức lễ này cũng đã ngấm sâu vào tâm thức ông từ những năm ngoài ba mươi tuổi, khi mang theo những di vật của ba mẹ cùng nắm đất nơi chôn cất các bậc sinh thành ở mảnh đất phương nam về tụ lại quê nhà. Những vật máu thịt đó đang nằm trên một ngăn bậc xây sau bức tường hậu của chốn thiêng này, chung với nhiều di vật khác được các gia đình trong họ tộc gửi gắm nơi đây. Mỗi kỳ lễ giỗ thế này, gian hậu chứa những di vật xưa cũ lại được mở rộng cửa để con cháu dâng hương tưởng niệm. Lề lối này được Cụ trưởng tộc đặt thành lệ cách nay đã hàng chục năm trước, nay các thế thứ cứ vậy mà theo. Mỗi di vật do con cháu giữ gìn chọn đem gửi lên nhà thờ họ được chứa trong một hộp kính nhỏ, mỗi nhà không gửi quá ba thứ. Phía cánh hữu ban thờ, các bà các chị, các cháu chắt gái, dâu con...cũng đang cung kính quỳ lạy trên cả chục chiếc chiếu hoa viền điều trải xuống nền nhà thờ họ rộng rãi. Nếu tính cột gỗ trong nội tự, dễ có đến cả chục gian. Bà Thảo, vợ ông Khánh và cô con gái cũng đang ở đó. Chồng cô và đứa cháu trai bảy tuổi đang quỳ lạy cùng với các nam tử trong họ mạc trên cùng những chiếc chiếu hoa như vậy trải bên mấy gian cánh tả. Tục lệ thờ cúng của họ tộc nghiêm cẩn lắm. Chỉ có điều, so với hàng mấy chục năm trước, các bà các chị giờ đã được phép bước qua thềm cửa nhà thờ họ để tham gia lễ giỗ Tổ. Các bà các chị cũng có một đội tế nữ riêng, chiều nay bà Thảo cũng có mặt trong các lễ tế như vậy....Vùng quê Kinh Bắc vốn là nơi phát tích của vương triều nhà Lý xưa, từ những năm đổi mới đến nay vụt nổi lên như một trung tâm phục hồi lễ tục cổ. Nhiều di tích, đền chùa điện phủ thờ cúng thu hút hàng triệu lượt con nhang đệ tử, du khách bốn phương chiêm bái mỗi năm khi tết đến xuân về. Kèm theo đó hàng chục lễ hội cờ đèn kèn trống phô bày hương sắc đượm màu tín ngưỡng cứ vậy thức giấc, các dòng họ có điều kiện hưng công, tiến của từ con cháu cũng hối hả phục dựng việc giỗ chạp. Nhiều nhà thờ họ, nhiều nhà thờ chi, tộc, ngành đua chen phô bày việc thờ cúng, lễ bái. Họ tộc đằng ngoại Hai Khánh cũng vậy. Ông đắm chìm đặt niềm tin tín ngưỡng vào những lệ tục làng quê mình một cách thành kính như một cách tri ân, tưởng niệm hai bậc sinh thành. Giữa khoảng sân rộng rãi ngoài kia, lá cờ thần ngũ sắc nhẹ bay trong làn gió xuân thoảng mùi hoa đồng nội....

       Hơn hai mươi năm trước, Hai Khánh đặt chân tới sân ga Yên Bái sau chuyến tàu đêm, khi sang chuyến từ tàu nhanh Bắc nam lên. Năm đó, đi từ ga Diêu trì (Bình định) ra Hà nội mất đến ba mươi hai tiếng, sang đến ga Yên viên chờ và chuyển tàu đường sắt Hà nội - Lào cai để lên Yên bái mất mười tiếng. Ba giờ sáng tàu đến ga Yên bái, ngồi chờ trong phòng đợi tàu sơ sài, cũ kỹ vắng vẻ chỉ có Hai Khánh cùng vài hành khách ngồi gà gật đợi trời sáng. Mấy hàng ghế gỗ tróc lở sơn cũ kỹ vẹo vọ, nền nhà ga nhớp nhúa đất cát giữa mùa gió nồm nam cuối tháng ba, hàng hóa bị bọc đủ thứ đủ kiểu của hành khách đợi tàu xuôi ngược xếp ngổn ngang dưới sàn phòng đợi. Dưới ánh sáng vàng nhờ mờ mịt của mấy ngọn đèn trần, không khí thật ảm đạm. Mãi rồi cũng đến sáng, tiếng xe cộ tiếng rao mời gọi "Xôi a! Bánh hấp, bánh dợm a..." rộ lên dần theo những tia nắng ban mai. Ga Yên Bái thời đó nhỏ như mọi ga xép thời kỳ 80 - 90 thế kỷ trước. Con đường chạy qua cửa ga rải đất đồi bụi mờ mịt màu vàng nâu khi nắng và nhớp nháp văng vãi khi mưa. Phố phường nhỏ hẹp không phân định ranh giới rõ ràng với thưa thớt nhà cửa lúp xúp. Giữa những ngôi nhà mái ngói, mái bằng vẫn còn chen xen rất nhiều mái lá gồi nhà xây tường gạch mộc trát vữa vôi một mươi. Không khí buổi sáng se se lạnh lạ lẫm, sương sớm còn bảng lảng trên các ngọn đồi lô xô quanh tầm mắt. Sáu giờ sáng, bước ra khỏi phòng đợi nhà ga Khánh lấy được chiếc xe Cup 78 bên cửa nhận hành lý ký gửi theo tàu mà không phải chờ đợi. Vừa lúc, anh nghe tiếng cậu Kỉnh gọi lớn phía ngoài hàng rào nhà ga: "Cháu Khánh! Cháu Khánh...cậu đây!". Ông cậu đã có mặt đúng lúc, chú xe ôm chạy con  Simson S51 mô kích (Mokick) đỏ cóc cáy đèo ông Kỉnh chạy trước, Khánh chở chiếc hòm gỗ đựng quần áo, đồ vặt chạy theo. Chưa đầy mươi lăm phút chạy xe, ông Kỉnh đã đưa được Hai Khánh về nhà. Ngôi nhà nằm khiêm tốn trên sườn một ngọn đồi bên con đường ngoại ô, gần quanh chỉ có dăm ba nóc nhà hàng xóm. Ngôi nhà nấp dưới vòm cây thị xum xuê, một hàng rào dâm bụt lô xô phía trước, sau nhà là một vườn chè xanh mướt xếp lớp bậc thang lên đến ngang lưng quả đồi. Chuyến chuyển vùng ê a gần tuần lễ của Hai Khánh kết thúc. Giữa không khí xa lạ ẩm thấp buổi sớm, Hai Khánh mệt mỏi rửa ráy vệ sinh cá nhân. Ông cậu xếp cho thằng cháu một chỗ nghỉ bên gian chái ngôi nhà năm gian lợp lá gồi dày dặn. Ngoài ông, trong nhà chỉ có bà mợ và hai đứa em, một trai một gái. Chúng còn đang tuổi ăn học, đứa lớn lớp mười đầu cấp trung học phổ thông, đứa bé đang còn học lớp sáu trung học cơ sở. Khi Hai Khánh duỗi dài tấm thân mệt mỏi trên chiếc giường gỗ tạp một mét hai, cả hai đứa đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ đến trường. Ông bà chủ để thằng cháu ngủ bù, họ có việc với đồi chè của họ...

….



(Mời xem tiếp kỳ sau…)

Không có nhận xét nào: