Kỳ 15
(Tiếp theo kỳ
trước…)
…..
Dù vậy, Dì Ba cũng không sống lâu cùng mẹ con Hai Quang. Thằng Quang càng lớn càng đẹp dáng. Nó cao lớn tầm mét sáu mét bảy, khuôn mặt vuông vức, đôi mắt sâu và đen dưới đôi lông mày rậm. Vừa học xong trung học phổ thông, thằng Quang được tuyển đặc cách vào đại học thì Dì Ba qua đời.
Bệnh đến khi nào không ai hay, chỉ biết khi được chẩn bệnh thì khối u đã hình thành cỡ đến vài ba năm rồi. Dì Ba vất vả cầm cự, bác sĩ nói chỉ có cắt bỏ thôi. Vài tháng sau đó Dì được phẫu thuật ở bệnh viện đa khoa trên mãi thành phố Cần Thơ. Thằng Quang đang học năm nhất trên đó cùng với Út Thương chăm lo cho Bà. Nhưng rồi hơn nửa năm sau ngày cắt bỏ u xơ dạ con thì người đàn bà không chồng con, không một lần sinh nở ấy đổ bệnh. Những ngày bà nằm bệnh, con Thương lăn lộn đêm ngày bên bà đến héo quắt cả người. Nhìn nó vậy, Dì Ba xót ruột xót gan. Bà thương con nhỏ lắm. Bà an ủi nó: "Con đừng quá lo lắng, để sức đó còn chăm lo cho thằng nhỏ. Giống đàn bà, có cái dạ con cũng như treo cái tổ kén trong người. Có trứng, có vật sống trú ở đó thì nó giúp ươm mầm, kết nụ. Không có sinh có ấp, nó héo hắt đi là cái chuyện thường...." Có bữa, thấy con Thương cứ ủ rũ, nước mắt ngắn nước mắt dài thì chính Dì lại yên ủi nó: "Đàn bà ai cũng cần cái dạ con để ươm mầm, sinh nở. Như cái tổ chim trên cây, có con chim nở ra, sinh sôi trên đó thì nó còn đó. Không có cái chi để chứa thì rồi nó cũng quắt queo rụng xuống, lay lắt như cỏ rác vô dụng. Phải cắt bỏ nó khỏi người thì có đáng lo làm chi..." Rồi sau đó vài tháng người Dì cứ héo khô từng ngày, da dẻ bợt bạt. Bác sĩ nói bà mắc ung thư giai đoạn cuối rồi. Bệnh viện trả bà về. Bà mất cũng nhẹ nhàng, không biết có phải chịu cơn đau đớn nào không, nhưng có thể bà đã gắng chịu đựng, không để lũ con cháu lo lắng nhiều. Cuộc đời bà, chẳng có lúc từng gan cùng mình đó đó sao?! Hôm bà mất, cặp môi khô nẻ mấp máy thều thào khẽ nhắn gọi gì đấy, bàn tay vời vời hướng đến hai mẹ con Út Thương đang túc trực bên giường rồi buông nhẹ bàn tay, duỗi dài mấy ngón tay vốn co quắp hàng tháng trời khi đau bệnh, nhẹ nhắm đôi mắt mệt mỏi ra đi. Út Thương khóc ngất, thằng Quang bậm chặt đôi môi mỏng đến hằn máu nắm chặt bàn tay lạnh dần của bà, miệng lắp bắp: "Ngoại...Ngoại ơi, ngoại tính bỏ con sao...?!" Có đến cả đôi ba năm sau đó, Út Thương mới nguôi ngoai được nỗi
mất mát đối với Dì Ba, người mẹ nuôi đã bảo bọc mình theo suốt hàng chục năm.
Dù không chút máu mủ ruột thịt nhưng bà đã sống cho mẹ con cô hết năm này qua
năm khác, nắm chặt tay cô no đói có nhau trên con đường lặm lội vất vả, trôi nổi
của mình. Hàng đêm, nằm lặng ngắm di ảnh Bà trên tủ thờ cô nhớ đến từng chuỗi
ngày được sống bên bà mà thấy mình may mắn, may mắn được nương nhờ bóng Dì mà lớn
lên, trưởng thành. Nhờ Bà chăm nom mà cô cũng có gia đình, con cái dù không thật
trọn vẹn. Nửa năm sau ngày bà mất, con Thương dần hồi sức trở lại. Da dẻ đỏ đắn,
hông ngực nở nang ngắm đẹp gái hẳn lên kiểu "gái một con, nhắm mòn con mắt".
Ấy nhưng nó như người đã tạnh lòng, đàn ông đàn ang sán đến gần muốn kết bạn mà
nó chẳng đoái đến ai. Nhớ ngày Dì Ba còn sống, khi biết mình mang thai với Hai
Khánh mà người đàn ông không trở lại, nó đã từng sụp xuống. Lo nó không giữ nổi
cái thai, Dì Ba đêm đêm ôm ngang hông nó rủ rỉ: "Con à, người đàn bà mang bầu như ươm ấp nụ hoa rồi có lúc có thời
cũng phải nở. Đó là cái phước trời cho. Như Dì vậy, chẳng mang nặng đẻ đau gì
mà cũng được giời thương cho con đến sống với mình cả mấy chục năm rồi đó... Thâm
tâm Dì luôn thành kính cám ơn trời phật đã đưa con đến với Dì. Dì con mình yên ấm
từng ấy năm bên nhau tuy không có người đàn ông bên cạnh nhưng đã có nhau con à! Nay ông giời đem đến cho con một mầm sống, đó cũng là mệnh giời. Rồi dì con,
cháu chắt sớm tối bên nhau không phải đã đủ sao?!". Nhớ đến Dì Ba, đêm đêm ngắm nhìn Hai Quang yên ngủ giường
bên, cô khấn thầm Dì Ba khôn thiêng phù hộ độ trì thằng nhỏ. So với cuộc đời của Dì, cô còn may mắn hơn nhiều, còn
mang nặng đẻ đau, có con rồi chăm chút dõi theo mỗi ngày mỗi lúc nó lớn. Hết
tháng này nó trở lại Đại học Cần thơ theo học năm ba, ngôi nhà lại chỉ còn mình
cô với chiếc tủ thờ nhỏ chứa di ảnh của Dì cùng bát hương ngày ngày quyện khói
hương... Trong đêm, ánh mắt của người đàn bà sông nước đã khuất trìu mến nhìn
ngắm hai mẹ con cô trong yên ả. "Dì ơi! Con muốn mãi được Dì dõi theo, mãi
được Dì răn bảo chăm lo. Hết đêm, ngày lại sáng cuộc đời vẫn vậy phải không Dì?!" Cô thầm thì rủ rỉ chuyện trò với người Mẹ ơn nghĩa của
đời mình như vậy...Đâu đó, hình ảnh đêm nào trước ngày mất vài ba hôm, có lúc tỉnh
táo, dì đã nhắn nhủ cô: "Rồi có lúc, có nơi con phải nói rõ cho thằng Hai
biết ba nó là ai. Nếu theo được, còn phải dắt díu nó tìm kiếm ba nó...Dì biết
mình không sống lâu được với con với cháu, dì mong con đừng lãng quên việc đó,
dẫu có là việc phải làm suốt đời..." Ngắt quãng giữa từng nhịp thở khó
khăn, giọng nói mờ đục của bà vẫn rót từng tiếng bên tai cô. Cô tự hứa sẽ vâng
theo và làm được như lời bà để lại...
Hai Quang sau ngày Ngoại mất cũng hồi dần tâm trạng trở lại.
Nó chủ động xin má cho chút tiền lên thành phố mua lại chiếc Honda 67. Ngày
ngày, cứ ngoài giờ lên giảng đường, nó lại chạy xe ôm tại bến Ninh Kiều. Mấy
chú bác thấy thằng bé còn nhỏ tuổi mà ham học ham làm nên thương lắm. Có bữa,
khách chẳng có được bao lăm mà các chú các bác cứ nháy nhau dồn lốt cho thằng
bé. Thường thì tám chín giờ tối thằng nhỏ mới về đến ký túc. Ngày ngày, nó chạy
xe chở người, chở hàng có cuốc xe tới ngót trăm cây vừa đi vừa về. Đêm đến, lại chong
đèn học chẳng để dồn bài, dồn tiết bao giờ. Sau mỗi ngày vừa lên lớp vừa chạy xe
ôm vào giờ trống tiết, ngày nghỉ lại lui cui đếm đếm vuốt vuốt vài trăm bạc kiếm
được hồi chiều, chừa lại đôi chút đóng tiền ăn tiền học, số còn dư nó lại nhét
vô con heo đất để đó. Cuối kỳ học mỗi năm, nó lại ôm cả con heo đất về nhà khoe
với má. Hai má con châu đầu hè nhau đập heo, tích lại vô số tiền để má gửi tín
dụng cho nó. Ba bốn năm liền như thế, thói quen ăn tiêu dè sẻn giắt lai quần của
thằng Quang cũng giúp hai má con khối việc. Tốt nghiệp ra trường, nó đỗ bằng
ưu. Bữa nhận bằng tốt nghiệp, thằng bé đã có một việc làm đám các chú, các bác
xe ôm bạn nghề của nó ở bến Ninh Kiều nhớ mãi. Mặc nguyên bộ đồ "cử
nhân" thuê của nhà trường, nó chạy thẳng xe ra khoảnh đất bãi xe ôm với cả
một giỏ xách hoa mừng bảo vệ tốt nghiệp của bạn bè. Cả của nó lẫn của vài thằng bạn
ruột. Nó trịnh trọng trao hoa cho từng bác lái: "Con mong các Chú, bác vui
cùng con! Con tốt nghiệp rồi. Không có các chú, bác...con đâu có được kết quả vầy.
Đây là lời cảm ơn của con, con mong các chú các bác nhận giúp...". Và sau đó là bữa nhậu rượu đế với xoài ròn mắm trộn. Đám các
bác tài xe ôm cảm động lắm. Họ chưa từng chứng kiến hoặc được hưởng một bữa
"nhậu bông" lớn đến vậy. Câu chuyện Hai Quang cám ơn các "bạn
nghề" lớn tuổi còn ồn ã có đến vài tháng sau....
Bữa về nhà, việc đầu tiên Hai Quang làm là hối má làm mâm cơm
cúng Ngoại: "Mình làm mâm cơm cúng ngoại để con thưa chuyện học hành với
ngoại má à...." Út Thương vội làm theo rồi hai má con líu ríu ra nghĩa
trang thắp nhang mời Bà về thưởng cơm. Hai Quang trịnh trọng thắp ba thẻ nhang,
đặt tấm bằng tốt nghiệp lên một chiếc đĩa hoa quả bầy bên mâm cơm cúng, chắp
tay khấn ngoại: "Con Quang xin cúi đầu thưa Ngoại! Con học hành toại nguyện
rồi. Con xin kính cẩn thưa chuyện với ngoại. Đứa cháu bé bỏng của ngoại ngày
nào, nhờ công chăm bẵm dạy dỗ của ngoại, của má con nay đã học hành xong. Con hứa
với Ngoại, rồi đây con sẽ gắng gỏi hơn nữa, xứng đáng hơn nữa để Ngoại, để má
con yên lòng...!" Miệng khấn mà nước mắt nó cứ chảy dài trên khuôn mặt. Đứng
bên con, Út Thương cúi đầu nước mắt cũng tuôn rơi. Thầm khấn: "Con thưa
Dì, cháu Quang xong việc học hành, chúng con không bao giờ quên công ơn của Dì.
Dù không mang nặng đẻ đau, nhưng Dì đã cho chúng con cuộc sống, cuộc đời an
yên, hạnh phúc gia đình dài lâu. Má của lòng con, con chỉ biết nói lời biết ơn
Dì mãi mãi... "
*
* *
...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét