NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 Kỳ 13 - 14

(Tiếp theo kỳ trước…)

Tắm táp gột rửa bụi đường sau chuyến đi, Hai Khánh lấy xe máy chạy ra nhà nghỉ Bình Minh, đường “2 tháng Tư”. Vừa hỏi tên người khách nghỉ có tên là Kỉnh, anh đã thấy một người đàn ông có tuổi đang ngồi đọc báo bên chiếc bàn nước cạnh quầy lễ tân góc cửa đứng vội dậy bước tới.

-        Tôi đây, Kỉnh đây. Anh là cháu Khánh?!....

- Dạ... Con chào Cậu, Cậu chờ con mấy hôm rày sao?! ...

Thay vì câu trả lời, người đàn ông ôm nhẹ bờ vai Khánh nghẹn giọng:

- Cậu chia sẻ chân thành với cháu về việc Bố mẹ của cháu ra đi vài năm vừa qua. Tình cảnh của cháu thật là đau buồn. Từ sau ngày mẹ cháu lấy chồng rồi theo chồng trở lại trong này, cậu và họ mạc không duy trì được liên lạc thường xuyên nữa. Cậu là con dì đằng ngoại của cháu, theo gia đình lên khai hoang Tây Bắc từ những năm sáu mươi thế kỷ trước. Làm ăn sinh sống ở đó rồi định cư ở thị xã Yên bái đến tận giờ. Mấy tháng trước, nhân về thăm quê dự giỗ tổ, xây nhà thờ họ cậu mới biết rõ chuyện gia đình cháu. Nhân vào đây có việc, nhờ tìm qua cơ quan cũ của ba cháu mà cậu mới tìm được đến nhà. Lên trên phòng nghỉ trên kia, cậu cháu mình chuyện với nhau một lát...

Trong vòng hơn tiếng đồng hồ gặp gỡ, dần dà Khánh được hiểu rõ thêm về gia cảnh và gốc rễ đằng mẹ của mình. Người làng quê miền Bắc thường có câu: “Con gái là con người ta”, khi bước chân đi lấy chồng là một lòng một dạ theo chồng. Sống ở gần còn có quan hệ qua lại, sống ở nơi xa đành chịu phận làm dâu xứ người thậm chí chết chôn nơi đất người. Có lẽ điều đó đúng với câu chuyện của ba má và Hai Khánh. Chuyện gặp gỡ người đằng họ mẹ như một tiếng gọi từ nơi chôn nhau cắt rốn nặng tình mẫu tử đã đánh thức những quan hệ ruột rà tục hệ. Sáng hôm sau, Khánh lại tới đưa ông cậu lên thăm mộ ba má, Khánh lặng người nhìn người đàn ông ngót sáu mươi tuổi gục người ôm quàng lấy phần mộ má run rẩy khóc không thành tiếng. Không biết ông thì thầm nhắn nhủ với người chị đã khuất của mình những gì giữa nghĩa trang vắng vẻ giờ đó. Xong xả, Hai Khánh đưa ông cậu về thăm nhà. Thành kính thắp thêm mấy nén nhang cắm vô hai bát hương nằm kề bên nhau, hai cậu cháu lặng nhìn khung cảnh quạnh quẽ trong gian phòng ngủ của hai ông bà. Run run mở cánh cửa tủ đồ của ba má, Hai Khánh chỉ cho ông cậu chiếc ba lô con cóc bạc màu của ba, chiếc tay nải màu nâu gụ cũ kỹ của má. Trong chiếc tay đẫy, chỉ chứa duy nhất một chiếc hộp gỗ dẹp sờn cũ kích cỡ bằng cuốn sổ tay không còn rõ màu sơn. Mở ra, chỉ thấy một khúc ống vải màu mỡ gà. một vuông khăn lụa đen nằm gọn đó. Ông cậu ứa nước mắt nghẹn giọng giảng giải cho thằng cháu nguồn gốc từng món:

- Đoạn ống vải tơ tằm màu mỡ gà này vốn là chiếc ruột tượng các bà các cô người Kinh Bắc xưa thắt ngang lưng chiếc váy sồng. Còn vuông vải lụa đen này là phần còn lại của tấm khăn mỏ quạ chùm đầu phủ vành khăn quấn tóc đuôi gà. Hai món đồ là kỷ vật xưa chắc của cụ ngoại cho bà khi cất bước làm dâu thiên hạ...

Hai cậu cháu cứ vậy lặng ngắm những di vật ít ỏi của người thân. Buổi chiều, khi chia tay đứa cháu tại bến xe Quy nhơn ông chỉ để lại một lời nhắn gửi thật máu mủ: “Cháu về cứ suy nghĩ thêm, cậu chỉ mong đứa cháu duy nhất đằng ngoại của mình tìm về quê quán, sống với gia tộc, họ hàng để giữ gìn rường mối quê hương. Ở trong này, ngoài ba cháu, đằng nội không có liên hệ gì. Về lâu dài khi cơ nhỡ già yếu liệu biết dựa vào đâu?! Lúc nào cũng được, bao giờ cũng được họ hàng luôn mong chờ cháu về sống với làng quê để họ tộc có được đứa cháu luôn gần gụi bên mình...Đó âu cũng là nghĩa cử tuy có muộn màng với bà đôi chút song vẫn còn hơn câu chuyện không rõ máu mủ ruột rà của tộc họ vương vãi nơi đâu?!...Đây là địa chỉ của Cậu. Có gì cháu cứ liên lạc, cậu mợ và các em chờ tin cháu! “...

Gần một năm sau cuộc gặp gỡ đó, sau lễ giỗ ba năm đoạn tang của ba Hai Khánh kêu bán nhà, lên đường ra Bắc. Ngày lên đường, ngoài một số vật dụng cá nhân ít ỏi trong chiếc ba lô con cóc – vật dụng bất li thân suốt cuộc đời công tác của ba, chiếc tay nải chứa chiếc hộp gỗ nhỏ chứa hai món đồ của má; anh còn đem theo một chiếc vò gốm nhỏ gói kỹ trong chiếc khăn rằn của má chứa nắm đất lấy từ chân hai ngôi mộ liền kề của song thân. Chiếc vò đem lại hơi ấm ruột thịt của hai bậc sinh thành, những vật dụng quan thuộc của hai người cùng đồng thời đem lại hình bóng một vùng đất phía nam từng chứng kiến cuộc sống nhỏ bé bình dị của gia đình Hai Khánh. Từ đó, cuộc đời người đàn ông mang hai dòng máu bắc nam trong huyết quản bước sang một ngã rẽ khác...

 

*

*          *

...

       - Má à, hôm con lên thắp hương trên mộ Ba con có gặp “bà nhỏ” của ổng và cô con gái. Ngó bộ, ẻm kém con đến dăm bảy tuổi má à..

       - Ừa, má có nghe nói lâu rồi. Mỗi người mỗi phận con à, thân phận con người không ai biết trước được, đường bước sau trước cũng không dễ cầm nắm xoay vần. Con biết vậy là được rồi. Con và nó cũng là anh em cùng máu huyết, cũng là người có huyết thống dây rỡ với nhau...

       Nắng chiều đã gần tắt, đôi mắt đã đôi phần mờ đục của Bà dõi ra phía vô định xa xăm, tâm trí như thả trôi về những năm dài trước đó, ngẫm ngợi...

       Út Thương mang bầu đến những tháng cuối ngó cũng ộ ệ lắm bởi cái thai có vẻ to đẫy. Dì Ba trông nom cho cô từng li từng tí, dù không có chút vốn liếng chi về việc bầu bí, sinh nở. Ngày đưa con Út lên bịnh xá xã sinh con, trời đổ mưa từ sáng sớm. Chuẩn bị cho con nhỏ nằm chỗ mà Dì chộn rộn quá chuyển nhà. Đủ thứ bị bọc, đủ thứ lo lắng. Có ai mách "chiêu" gì dì cũng nằm lòng nghe theo, đưa con Út đi sanh mà ngó Dì lui cui sấp ngửa quá bà đẻ. Được cái con Út bước lên bàn sanh thuận lợi, chỉ giờ trước giờ sau đã thấy tiếng thằng nhỏ u oa ồn ĩ trong phòng. Đã tưởng mọi thứ vậy là ổn, chợt ngay sau đó thấy cô đỡ mở cửa phòng sanh gọi gấp Dì: "Con nhờ dì vào trong này, có chuyện khó rồi...". Dì bước bén theo gót người nữ hộ sinh. Con Út nằm đó, đầu nghiêng sang một bên mắt nhắm nghiền mệt nhọc. Nhau đang trôi ra, nhưng máu cứ tuôn chảy không dừng dưới thân. "Ẻm băng huyết dì à, chúng con đã tiêm cầm máu mà không dừng..." Dì chợt hiểu ra. Cũng không hiểu lấy đâu ra sự tỉnh táo vậy mà mặt Dì chợt đanh lại.

       - Các con để nguyên đó giúp Dì, để dì cho nó thứ này...

       Trong lúc hai cô đỡ còn chưa hiểu ất giáp ra sao thì đã thấy Dì móc vội tay vô lai quần, lần lần tháo tháo gỡ gỡ chi đó lấy một gói giấy thiếc mở ra, hai ngón tay chèn sâu vào miệng con Thương gang ra. Chỉ thấy Dì dốc nguyên nhúm bột nâu nâu đen đen trong gói giấy vô họng con Út, miệng hô cô đỡ đứng bên lấy chai nước Lavie dốc từng miếng, từng miếng nước vô miệng cho con Thương. Như phản xạ tự nhiên, con Thương nuốt từng miếng, từng miếng nước xuống. Hai cô đỡ tròn mắt, cứng người chôn chân một chỗ:  "Ủa, dì đổ cái chi vô miệng con nhỏ vậy?!". Chẳng nói chẳng rằng, chỉ thấy Dì Ba đỡ sốc vai con nhỏ lên, tay vuốt ngực, tay vỗ vỗ nhẹ lưng nó. Khi Dì đặt con Thương nằm lại như cũ, dì mới hào hển: "Đợi đó, đợi đó..." Miệng nói vậy nhưng khuôn mặt Dì ngó thật căng thẳng. Hai tay vịn chặt lấy cạnh bàn sanh đến bợt trắng các ngón tay gầy guộc, mắt Dì ngong ngóng nhìn xuống bụng dưới con Thương. Trong vòng hơn chục phút sau như có phép lạ, máu từ dưới cửa mình con nhỏ đang nhểu xuống ít dần...Hai cô đỡ thấy vậy, tiêm vội thêm một mũi trợ sức nữa rồi lau rửa vệ sinh cho sản phụ. Thằng nhỏ cuộn trong một tấm tã mềm nằm im trên bàn bên, miệng không khóc nữa mắt nhắm êm ả. Một trong hai cô đỡ sau khi làm đủ các thủ tục với đứa trẻ mới sinh đã nhẹ nhàng đưa tay Dì Ba đón thằng nhỏ. Khuôn mặt đã hồng lên trở lại, con Thương mệt nhọc hướng mắt về phía hai bà cháu mỉm miệng cười mãn nguyện.

       - Dì "ra chiêu" gì mà giỏi vậy, làm chúng con hết hồn...

       - Chiêu trò gì đâu. Tao đâu có biết xuôi trước gì. Mấy bữa trước qua bà Bảy xóm trong, thấy bả dặn lên chợ tìm nhà thuốc ông Tư Thưởng mua lấy một liều sái phiện, một liều bột Tam thất cho con nhỏ đem theo. Bả sinh nở tất tật bảy tám đứa, kinh nghiệm đầy mình. Bả dặn thuốc phiện phòng khi nó đau đẻ không chịu nổi thì cho nuốt sống, còn bột tam thất đổ miệng nếu sinh xong băng huyết nhiều thì dùng. Tao nhớ vậy, nên dắt lai quần cả hai thứ đem theo. Nãy con cháu này ra gọi tao đã chờn chợn có chuyện. Y như rằng...Thuốc ông thày Tư chợ Rãnh cụt hay thiệt đó. May phước cho con Út, ông giời phù hộ nó mà. Làm vậy thôi mà được việc... hú hồn!

       Hai cô đỡ đứng đờ ra, miệng tròn vo: "Chúng con vái Dì cả nón, kinh quá! May mà "nghiệm", chứ nếu có việc chi với đám bột giắt lai quần của dì, chắc chúng con đi...Biên hòa vô khám!!!"

       Câu chuyện sinh nở của con Thương chỉ có vậy mà ồn ã đến vài tuần lễ quanh cái xóm ven sông. Chính Dì dặt tên cho thằng bé: "Cứ đặt tên cho nó là thằng Quang, quang quẻ sáng sủa. Tên bà mụ cho nó cứ Tam thất mà gọi, cho dễ nhớ..."

       Thằng bé được tám tháng thì xóm nhỏ bên sông bị giải tỏa. Một bữa sáng mùa hè nắng như đổ lửa, dân cư trong khu vực thấy cả đoàn người tay thước, tay ống kính máy ngắm to nhỏ xuống quần cả buổi dọc bờ kinh đo đạc soi chiếu. Mấy hôm sau, cán bộ địa phương tới tận từng nhà phổ biến chủ trương, đọc hết tờ công văn nọ đến tập văn bản kia về một việc gọi là "Quy hoạch cứng hóa bờ Kinh Một, nắn dòng mở rộng luồng dẫn"... chi đó. Tóm lại là phổ biến kế hoạch cải tạo kênh mương và di dân. Dân cư của vài ba chục nóc nhà ven bờ kinh này vốn từ trước di chuyển tự do từ nhiều nơi tới sinh sống được lệnh dời đi nơi khác để nhường khu vực ven kinh cho công trình cải tạo thủy nông. Toàn bộ việc di chuyển có đến vài ba đợt. Nhà nước thực hiện đề án làm lại bờ kênh theo quy hoạch vùng. Ấy là biết vậy thôi, chứ không ở được thì phải chuyển dời. Vài chục hộ dân ở đây chẳng ai có sổ đỏ, sổ hồng gì. Người đến trước, kẻ đến sau cách nhau cả chục năm từ sau chiến thắng Mậu thân 75 tới giờ chưa từng có giấy tờ sở hữu đất đai nhà cửa chi ráo trọi. Dân tứ chiếng, dân "kinh tế mới" bỏ về mỗi nhà mỗi kiểu. Vài cái "nhà đạp" vùng sông nước thì ăn chung gì, có đáng đập bỏ cũng dễ òm mà. Nơi rồi đây họ chuyển đến sinh sống lùi sâu về phía đông, cách xa nơi ở cũ đến cả ngày đường. Nhà nước đã xây sẵn vài chục nóc nhà ống tường một mươi, mái tôn thiếc cho các hộ dân đến định cư. Đây là lần đầu tiên trong đời ba bà cháu, họ có được một mái nhà một miếng đất cắm dùi. Dân cư toàn người lạ hoắc, từ nhiều nơi chuyển về, bà con lối xóm cũ phiêu tán mỗi người mỗi nơi. Út Thương sau một năm chuyển nhà, được hưởng chính sách hậu chuyển đổi của nhà nước, học nghề may rồi trở thành công nhân một xí nghiệp may công nghiệp ngay khu vực kế bên, may hàng gia công xuất khẩu. Cu Quang ở nhà với Bà. Ba bà cháu tùng tiệm sống bằng tiền lương "công ty" của Út Thương và tiền chợ từ gánh rau củ quả thu được trên mảnh vườn ngang ba bước, dọc dăm bước sau nhà của Dì Ba. Họ cứ thế sống bình lặng ở nơi định cư mới, câu chuyện với Hai Khánh lặng dần trôi theo năm tháng. Còn lại, chỉ có thằng bé là vết dấu xưa cũ của người đàn ông từng găm vào tâm trí hai người đàn bà sông nước năm nào. Út Thương cứ sống vậy với gia đình nhỏ của mình, với Dì Ba và đứa con lớn lên từng ngày, từng tháng. Đến tuổi đi học, cu Quang được học gần nhà. Hết cấp nọ lên cấp kia, thằng bé cứ thẳng tiến năm một lớp. Mà nó được cái nết ngoan hiền lại sáng dạ học giỏi, năm nào cũng nhất lớp, nhất trường. Giấy khen, bằng khen dán chi chít trên tường căn nhà nhỏ. Ấy vậy mà thằng bé cũng có lúc lì lợm, đổ quạu khi bị bạn bè đụng đến chuyện nhà. Có bữa, thấy nó về lấm láp, quần áo nhàu nhĩ có chỗ như bị xé rách. Vặn hỏi mãi nó mới lí nhí kể lại việc động chân động tay với đám bạn sau buổi học. "Thằng tư Mập nói con là thứ con hoang, không cha không mẹ. Con nổi cơn uýnh nó chảy máu mũi, đám bạn nó xúm vào oánh hội đồng con. Nhưng con chịu được, con đâu có sợ mấy đứa nó. Chúng nó ỷ thế đông người, thử chơi tay một với con xem ai được...Thế Ba con đâu hả má?!" Út Thương tròn mắt ngó thằng nhỏ, miệng u ơ không biết đối đáp sao. Dì Ba khẽ khàng bảo ban thằng nhỏ: "Mỗi nhà mỗi cảnh con à. Thế con có má, có ngoại rồi không thấy vui sao?! Con kệ chúng nó. Đứa nào không tốt với con, con nghỉ chơi luôn, gây chuyện với chúng nó làm chi mất sức lắm chuyện. Trong trường, thiếu chi các bạn cũng có hoàn cảnh vắng ba, vắng má như con?! ..." Thằng bé nghe vậy không "sắc mắc" gì nữa. Năm này qua năm khác, cuộc sống nơi ở mới thật dễ chịu với ba con người lành hiền. Căn nhà mái tôn nhìn ngoài không khác mấy những căn nhà kế bên, như đúc cùng một kiểu nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng vui cười của mấy bà cháu.

....



(Mời xem tiếp kỳ sau…)

Không có nhận xét nào: