NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 Kỳ 12

(Tiếp theo kỳ trước…)

Chỉ tới khi đặt chân lên thị xã Quy nhơn năm 1977, má con Hai Khánh mới thật sự có chỗ ở riêng sau cả chục năm sống tập thể cùng công nhân xí nghiệp lắp máy. 

      Ngôi nhà cấp bốn mái tôn vốn là chỗ ở của một gia đình trong “khu gia binh” của chế độ cũ. Cơ quan nhà đất thị xã cấp chỗ ở này cho gia đình Hai Khánh theo tiêu chuẩn cán bộ tập kết hồi hương. Vốn là “con nuôi trung đoàn” từ nhỏ, ba Hai Khánh cũng không hề biết đến quê quán, gia đình họ tộc mình thế nào. Ông chỉ biết mình được các chú bộ đội nuôi dưỡng trong đơn vị từ hồi còn bé tí, tầm năm bảy tuổi chi đó. Đơn vị đi đâu, ông được đưa theo đó. Khi chiến tranh chống Pháp kết thúc, thực hiện Hiệp định đình chiến thì đơn vị đang đóng quân trên đất Bình định. Từ nơi này ông theo đơn vị tập kết ra Bắc, khi đó ba mới mười ba mười lăm tuổi. Cùng đám thanh thiếu niên học sinh miền nam, ông được  nhà nước nuôi dưỡng, ăn học tại trường “Học sinh miền nam số Sáu” tại Đông triều, Hồng quảng. Học hết cấp ba, sau đi học trung cấp kỹ thuật cơ khí rồi về Xí nghiệp lắp máy 663. Theo chân Xí nghiệp, ông từng tham gia xây dựng Khu gang thép Thái nguyên, Nhà máy hóa chất Đức Giang, đến khi về thi công lắp máy tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc thì gặp má rồi nên vợ nên chồng. Trở về nam, ông tiếp tục làm việc cho Xí nghiệp cơ khí Quy nhơn. Cuộc sống liên tục di chuyển, bận rộn với công việc xí nghiệp, ba con Khánh ít gần gũi nhau. Nhưng Hai Khánh biết ông thương mình thật nhiều. Hoàn cảnh công việc, điều kiện sinh hoạt nay đây mai đó khiến ba má chỉ có được một mình Khánh nên anh được ba má thương nhiều. Dù ít nói và ít biểu lộ tình cảm với con nhưng Hai Khánh được ba chăm lo việc học hành, hướng nghiệp. Học hết trung học, theo sự dẫn dắt của ba, anh theo học chuyên nghiệp. Ba thường dặn anh “Làm công nhân thôi con ạ. Hãy học nghề cho thật tinh, học một nghề mà sống được còn hơn học cao mà chẳng nên nghiệp gì!”. Cho đến lúc ba má lần lượt nằm xuống, Khánh mới hiểu với anh, ba má thật sự quan trọng đến mức nào. Người mang nặng đẻ đau chăm bẵm bú mớm, người dẫn dắt đường sống đường học hành nên người nên nghiệp. Giữa lúc cần đến ba má dẫn dắt mình tạo lập gia đình và cuộc sống tương lai thì anh mất đi chỗ dựa tinh thần, tình cảm. Khánh buồn, tâm trạng hoang mang vô định có tới cả nửa năm trời. Nguôi ngoai nỗi buồn mất mát, anh chợt nhớ đến câu chuyện năm nào của mình. Và anh nhủ mình phải tìm lại Út Thương, biết đâu nhờ đó mà cuộc sống mình sẽ trở lại ấm áp thân thương...

Sau nhiều ngày buồn bã trống vắng, Khánh tìm về lại Kinh Bầu cạn tìm Dì Ba và Út Thương. Nhưng vậy đấy, mọi thứ đã mất dấu nhanh chóng sau vài ba năm không trở lại. Đến cái hình ảnh quen thuộc của "Trạm Thủy văn Kinh Tây" cũng không còn soi bóng xuống ngã ba sông cũ. Mất dấu người thương, mất dấu cả nơi từng gắn bó với những năm tháng mở đầu sự nghiệp anh lại thấy hoang mang. Anh biết, rồi đây mình chỉ còn hình bóng người thương, chốn xưa trong hoài niệm. Lầm lũi đứng dậy ra về giữa màn mưa dày đặc Khánh bần thần nghĩ đến những ngày trước mắt, khi về sống một mình một bóng trong căn nhà mái tôn bé nhỏ mà tài sản duy nhất anh có chỉ là hai tấm hình người thân trên chiếc tủ thờ câm nín, bảng lảng khói hương...Trưa chiều, trên chiếc xe khách đường dài Khánh trở lại Quy nhơn. Bầu trời sau cơn mưa mau hạt buổi đêm nặng một màu xám. Cây cối bên đường còn ướt dẫm loang loáng chạy qua bên cửa xe. Ngả người trên lưng ghế, trong tiếng ì ầm đều đều của động cơ chiếc xe anh buồn bã nhớ đến chuỗi ngày tháng gặp gỡ yêu thương với Út Thương năm nào...Vậy rồi những kỉ niệm đầy ắp thân thương về gia đình, ba má, người thương rồi đây sẽ mãi là quá vãng sao?!

Ngả đầu tựa lên lưng ghế nghe tiếng máy xe âm âm bên tai, anh nhắm mắt im lặng. Hình ảnh người con gái trẻ trung dễ mến năm nào ẩn hiện đâu đó giữa giấc ngủ chập chờn. Khuôn mặt hồn hậu nửa người lớn, nửa trẻ con ngó thật ngộ. Từ nơi rất xa tiếng cười khanh khách giòn tan ngày nào dường như còn văng vẳng. Chuyến gặp gỡ cuối cùng trên dòng kênh khi đưa út Thương trở về nhà đêm muộn năm nào như còn đó hơi ấm tươi trẻ. Giữa cơn đắm đuối, dưới bầu trời nửa sáng nửa tối hai tấm thân trẻ trung cứ xích lại dần rồi áp sát bên nhau. Họ áp môi trao cho nhau nụ hôn e lệ đầu đời đắm đuối. Thêm một hai giờ nữa giữa trời đất bồng bềnh đầy sao, đôi trẻ trao nguồn sống trinh trắng cho nhau. Gác đầu lên bờ vai ấm áp của út Thương, Hai Khánh chỉ nhẹ nhàng thì thào: "Anh thương em thật nhiều Út à! Mình thương nhau thế này, dì Ba chắc vui lắm phải hôn?!"

       - Anh Hai! Em chưa từng trao cho ai sự trinh trắng của mình như này. Em cũng thương anh, thương anh thật nhiều. Trời đất trên kia chắc cũng thương mình anh hà! Để thư thư ít bữa nữa, em đưa anh về thưa chuyện với dì nha...

       Vậy mà, chuyện như chỉ mới ngày nào đó thôi nay chỉ còn mình anh một bóng. Ba má không còn, người thương không thấy...Khánh nuốt nhẹ tiếng thở dài vào lòng. Ngoài khung cửa chiếc xe đang lướt nhanh trên đường, những hạt mưa rơi xéo che mờ khung cảnh bên ngoài. Vẫn còn cách Quy nhơn hơn cả trăm cây số nữa. Đêm nay, xe còn dừng nghỉ qua đêm tại một trạm xăng dầu nào đó bên đường. Theo lộ trình, phải chiều tối mai anh mới về đến nhà. Thiếp đi trong nỗi buồn riêng, anh để mặc đôi ba giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi tràn qua khóe mắt...

       Chiều tối, khi vừa chạm tay vào ổ khóa cửa nhà chực tra khóa vào để mở thì Hai Khánh nghe ngay sau lưng mình giọng hào hển của cô Ba Sương láng giềng:

- Thằng Hai, mấy bữa nay mày có người kiếm hoài à. Chiều qua ổng lại đến chầu chực chờ gặp. Không thấy thằng cháu về, ổng để lại mảnh giấy này hẹn thằng cháu ra gặp đây nè...

       Miệng nói tay bà láng giềng dúi nhẹ vào tay Hai Khánh miếng giấy của người khách lạ để lại. Trên mảnh giấy nhỏ của cuốn sổ tay xé vội, chỉ vỏn vẹn đôi ba dòng chữ viết run run của người có tuổi: "Tôi là cậu Kỉnh, cậu họ đằng ngoại của cháu. Tôi đang có chút công việc trong này. Muốn tìm gặp cháu. Cuối tuần này tôi lại ra Bắc. Nếu rảnh rỗi thời gian, cháu qua cho cậu gặp nhé. Cậu đang trọ tại nhà nghỉ Bình Minh góc đường 2 tháng Tư. Cậu chờ cháu ra nhé...!"




(Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào: