NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 Kỳ 11

(Tiếp theo kỳ trước…)

Ngày nghỉ Hai Khánh cũng không có đi đâu cả. Anh nằm dài trên chiếc võng dù ba thường nằm mỗi trưa bên quầy hàng tạp hóa của má. Ngó nhìn căn nhà nay chỉ còn một mình một bóng, anh chìm trong dòng suy tư hồi nhớ những ngày trong căn nhà nhỏ còn đủ bóng ba, má qua lại trong nhà. 

     Ngôi nhà ống tường một mươi mái tôn thiếc không rộng rãi cho lắm. Bước qua bước lại chiều ngang chỉ tròm trèm ba thước, chiều sâu cũng chỉ hơn mươi mười lăm thước. Gian ngoài dành làm nơi bày bán hàng của má, đồ dễ vỡ chén dĩa đồ kiểu xếp gọn ghẽ trong chiếc tủ kiếng chiếm gọn một góc phía gần cửa. Hai hàng kệ nhiều ngăn xếp đầy hàng khô kê sát tường, toàn hàng đóng gói sẵn hoặc đồ gia dụng vặt vãnh phục vụ nhu cầu thường nhật của bà con quanh phố. Dịch vào phía trong là bộ bàn nước gỗ tạp khiêm nhường thấp nhỏ, nơi thi thoảng đám bạn bè đồng niên, đồng nghiệp của ba cùng vài ông già hưu trong phố tụ bạ trà nước, giết thời gian bằng đôi ba ván cờ tướng trên chiếc bàn cờ cũ kỹ, láng bóng cùng những con cờ đen sậm màu sừng trâu. Bộ bàn cờ cũ kỹ vẫn nằm đó ngay ngắn trên bàn, trên mặt phủ một vuông khăn vải nhỏ. Từ hồi ba mất đi, Khánh vẫn để nguyên vậy, không nỡ bỏ đi. Gian trong ngay đó là phòng riêng của anh, để sẵn đó từ hồi anh còn đi làm xa. Gian kế tiếp là phòng ngủ của ba má, với chiếc giường gỗ kiểu cũ rẻ tiền mặt lót tấm nệm vải nhồi bông vải tái sinh. Đôi gối mỏng vẫn xếp bên nhau ngay ngắn, phía cuối giường là tấm chăn nỉ gấp gọn. Góc phòng ngủ kê chiếc tủ đứng hai cánh gỗ ghép, vách bưng gỗ dán kiểu tủ hồ sơ cơ quan vốn được mua lại từ đám đồ thanh lý của văn phòng cơ quan ba. Chỉ vậy thôi, cạnh đó là cây treo quần áo bằng song mây cũ kỹ, lớp vẹc ni đã bong tróc nham nhở đặt sát góc. Không còn bất cứ bộ quần áo thường mặc nào treo trên đó, duy chỉ có chiếc mũ cối bạc phếch màu thời gian ba đem từ bắc về từ hồi cuối những năm bảy mươi còn móc toòng teng phía góc tường. Vậy thôi, đồ đạc, gia tài ba má có được sau bấy nhiêu năm làm ăn sinh sống cũng chỉ có vậy. Nay thì những món đồ đó lặng lẽ nằm đó, nhắc đến cuộc sống tùng tiệm của đôi vợ chồng công nhân viên chức nhà nước với lối sống giản tiện, khiêm nhường. Phía sau, chỉ còn gian bếp với chiếc chạn bát ba đóng lấy bằng gỗ thửa mua từ dịp cơ quan thanh thải đồ hỏng cả chục năm trước. Trong khoang chạn, đôi ba chiếc chén, vài cặp bát tô sứ Hải dương dùng ngót cả chục năm chưa kịp thay mới. Ống đũa nhỏ nhoi làm vội bằng chiếc lon thiếc nước ngọt chứa đôi ba đôi đũa gỗ nhuộm đen giả mun, vài chiếc muỗng chiếc thìa...Trên tường, treo đây đó nơi thì chiếc soong nhôm, nơi chiếc chảo gang đáy bám muội than đen kịt. Trên bệ bếp, hai chiếc lò đốt than củi còn nguyên lớp tro dày trong ruột. Lò bếp lạnh tanh. Từ bữa hết má rồi đến ba từ bỏ Hai Khánh, chẳng mấy khi anh nổi lửa cơm nước ở đó. Anh gần như sinh hoạt ăn uống tại bếp tập thể xí nghiệp, xong ngày làm việc lại lặng lẽ về nhà, thắp mấy nén nhang trước di ảnh hai bậc sinh thành rồi lặng lẽ nằm trong căn phòng nhỏ nghỉ ngơi. Ngoài mấy căn phòng chiếm phân nửa diện tích, phần còn lại là khoảnh sân nhỏ nơi má vẫn phơi phóng đồ mỗi ngày bên khoang vệ sinh nhỏ kín đáo. Sau ngày ba mất, còn đôi chút hàng hóa nào anh kêu cô Ba cuối phố sang bán rẻ lại hết. Quầy, tủ, kệ hàng chưa bán được anh cứ để vậy cho đỡ quạnh nhà. Đêm xuống, một mình ôm gối chờ giấc ngủ đến muộn anh chỉ miên man nghĩ về ba má, nghĩ về kỉ niệm những ngày sống có ba má bên mình, nghĩ đến những ngày trước mắt trong tâm trạng không rõ những ngày tới, tháng tới, năm tới cuộc đời mình sẽ ra sao?!

       Trong nhà, người gần gụi với anh thật nhiều dĩ nhiên là má rồi. Bà vốn gốc quê Quế võ, Bắc ninh. Dù nơi sinh ra không phải làng quê Quan họ gốc, nhưng thời trẻ bà thường xin phép gia đình theo đám các bà các chị lặm lội theo về làng Lim nghe vài canh hát đêm hội. Khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt đen thẳm lúng liếng bắt sáng mỗi đêm hát của các “liền anh, liền chị” khiến cái dáng đi, nết ngồi và lời ăn tiếng nói của cô gái trẻ năm nào làm khối chàng trai hương thôn thầm mộng yêu, trộm nhớ. Ấy vậy nhưng cô lại mềm lòng trước người trai nhút nhát, dụt dè gốc miền nam trung bộ đang là công nhân của một Xí nghiệp lắp máy có khá nhiều công nhân miền nam tập kết. Anh đang cùng bạn bè đồng nghiệp tham gia xây dựng Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Họ gặp nhau sau hai kỳ đêm hội Lim rồi cứ dính với nhau. Không hiểu có phải vì tính tình nhút nhát hiền khô của anh công nhân, hay vì khuôn mặt dễ gần lại thêm đôi mắt “nhiều chuyện” của chàng trai mà chỉ sau vài câu chào hỏi vài lần gặp gỡ, sự nhiệt tình vun vén của bạn bè hai bên mà họ thương trộm, nhớ thầm nhau. Bên ngoại ban đầu còn ngần ngại vì đôi trai gái chênh nhau gần chục tuổi, lại không biết gốc gác gia đình quê quán anh chàng ra sao. Câu chuyện của họ làm tổ chức công đoàn “Xí nghiệp lắp máy 663” của đối tác phải vào cuộc. Họ nhiệt tình giúp đỡ đôi trai gái, tìm đủ cả hồ sơ, lí lịch cùng cả “Giấy cam kết” của Hội đồng hương miền Nam tập kết của anh có kèm cả triện đỏ của “Ban thống nhất Trung ương” xác nhận chưa từng kết hôn để bên họ nhà gái yên tâm. Đám cưới chàng công nhân lắp máy người miền nam tập kết và cô thôn nữ được ủy ban xã và “Phân xưởng cơ khí” xí nghiệp chung tay tổ chức tại hội trường ủy ban. Mỗi bên đại diện hơn chục người, nghe ông chủ tịch công bố “Giấy công nhận kết hôn” rồi về họ nhà gái liên hoan trà thuốc bánh kẹo. Má đã từng kể cho Hai Khánh nghe câu chuyện về việc ba má họ đến với nhau như vậy. Má còn kể lại cả những câu chuyện thuở tóc kẹp đuôi gà theo bà ngoại làm hàng xáo đi chợ quê từ hàng chục năm trước. Những câu chuyện nửa hư nửa thực về đường đi chợ phiên hàng huyện giữa canh hai canh ba, lội bộ cả vài tiếng trong đêm trên con đường làng vắng vẻ u tối, tắt theo những cánh đồng bỏ ải chân vấp lên vấp xuống tứa máu trên những luống cày đất cứng; lặng lẽ câm nín chen lẫn nỗi sợ hãi mơ hồ ám ảnh vượt qua những gò bãi tha ma lổn nhổn mộ phần ướt đẫm sương đêm mê hoặc cùng những bảng lảng đốm sáng lân tinh ma quái lạnh lẽo. Tuổi thơ nghèo khó, vất vả của má trôi dần qua năm tháng thất học cho đến lúc trưởng thành, gặp rồi thành thân với ba. Về làm bạn với ba, má anh sống cùng lán tập thể của xí nghiệp. Họ cũng có được một gian nhà nhỏ do phân xưởng dựng cho, mái lá vách trát vôi rơm ghép cạnh chái dãy nhà tập thể công nhân lắp máy. Một giường đôi, một cánh tủ cá nhân với đôi ba thứ đồ dùng giản tiện. Lấy nhau được nửa năm, má được xí nghiệp nhận làm nhân viên nhà bếp tập thể của phân xưởng cơ khí, hàng ngày cùng chị em trong tổ lo bữa ăn cho công nhân lắp máy trên công trường. Giáp bữa trưa bà lại cùng họ quang gánh, xe bò đưa hàng chục phần ăn lên nơi làm việc, cùng ăn với công nhân rồi sau đó lại dọn dẹp gánh gồng xe cộ đưa đồ về bếp chuẩn bị bữa chiều. Hai năm liền như vậy cho đến khi bà có mang cu Khánh. Nghỉ đẻ hai tháng, bà lại địu con đi làm. Chị em tổ cấp dưỡng quý thằng bé lắm. Có đứa trẻ, suốt ngày nằm võng bện sợi đay u ơ bên góc bếp cũng khiến công việc các bà các cô đỡ nhàm chán. Đến bữa, chỉ hai mẹ con Hai Khánh ở lại bếp, các bà các chị lên công trường lo đưa cơm cho công nhân. Cho đến khi đứa trẻ đủ năm, má vẫn còn được “ưu tiên” ở lại chăm con bữa trưa như vậy. Sang đến năm Hai Khánh được hai tuổi thì công việc của Xí nghiệp tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc hoàn thành. Xí nghiệp lại di chuyển lên Yên bái, công trình thủy điện Thác Bà đang đợi họ thi công phần lắp máy cơ khí. Cả nhà lại lịch kịch chuyển theo xí nghiệp. Đất nước thống nhất, gia đình Hai Khánh được về Nam ngay trong chuyến đầu tiên.

…..



(Mời xem tiếp kỳ sau…)

Không có nhận xét nào: