NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

Kỳ 10

(Tiếp theo kỳ trước)

…  

       Khi về được đến nhà sau hơn hai ngày xe đò, anh mới thấm thía với nỗi tiếc nuối của đứa con ở xa gia đình. Má bệnh hàng nửa năm rồi, bà đột ngột ngã bệnh với cơn đau ngực bất thần. Ba anh thật có lá gan to quá trời. Chuyện vậy mà chịu nín một mình, không có tin ngay cho thằng con. 

      Khánh nghe ba kể lại, một sớm nọ khi chợt tỉnh giấc nghe tiếng người ngã bên giường ba choàng tỉnh giấc rồi hoảng hồn sững người nhìn thấy má nằm sóng soài trên nền nhà, chỉ cách giường ngủ ông đang nằm một tầm với tay. Khi sốc được bà lên gường thì thân bà đã mềm oặt, không đủ sức nâng nổi tay chân. Xe cấp cứu được gọi đến, bà được đưa ngay vào bệnh viện. Đột quỵ. Nằm được gần chục ngày, bác sĩ điều trị nói ba nên đưa má về vì việc cứu chữa không có kết quả. Má về rồi cứ nằm vậy, dây dợ máy móc bám theo người. Bệnh từ mấy năm trước đã gây cho bà một cơn đột quỵ không thể can thiệp được. Bà nằm một chỗ, câm nín sống thực vật. Ba thì sụm xuống sau cơn sốc quá lớn trước bệnh tình của má. Giờ dù có Khánh ở bên, ông cũng không vui lên được bao nhiêu. Hàng ngày, thẫn thờ nhìn vợ nằm bất động một chỗ người đàn ông ngót sáu mươi tuổi đầu để mặc nước mắt rơi tràn trên gương mặt thẫn thờ. Ông buồn vì mất mát quá lớn. Rồi cú sốc gia đình đưa đến một quyết định không thể tránh được. Ông xin nghỉ việc sớm hai năm trước tuổi hưu, ở nhà quanh quẩn bên giường bà, chăm sóc thuốc thang, miếng cơm chén nước. Thi thoảng lại run run cầm tay bà nhỏ nhẹ lầm bầm chuyện trò với vợ không thành tiếng, có ngày ngồi mãi bên giường hàng giờ như vậy. Có thêm Khánh, ông đỡ vất vả một phần, lại cũng được yên ủi một phần. Ông không đòi hỏi, nhưng Khánh biết mình phải ở bên ông lúc này. Anh quyết định gửi đơn về đơn vị cũ, xin nghỉ việc dài ngày và tính xin làm công việc khác tại Quy Nhơn. Nhớ Út Thương đến cồn cào, nhưng Khánh không làm sao được. Chỉ đến lúc như vậy, Khánh mới chợt nhớ ra rằng, mình không có được một địa chỉ rõ ràng nào về Dì Ba, về Út Thương để có thể liên lạc được. Chỉ chờ dịp rảnh việc để tìm về nơi cũ. Hết tháng này qua tháng khác, chuyện má bệnh nằm một chỗ và lặng nhìn cảnh ba sụm xuống hàng ngày bên giường vợ đã làm cho những mong muốn trở lại tìm gặp Út Thương cứ vậy qua đi.

Sau vài ba tháng ở nhà cùng ba chăm sóc má nằm bệnh, Khánh cũng có được công việc mới. Một người bạn cùng thời tập kết với ba thương cảm cho hoàn cảnh bạn cũ đã qua nói chuyện với ba về việc giúp Hai Khánh kiếm đường chuyển công việc. Có điều, Khánh phải học làm việc khác. Và thế là sau sáu tháng học việc, anh được tuyển dụng vào một xí nghiệp địa phương: “Công ty cấp thoát nước Quy nhơn”. Anh được giao công việc tại hệ thống bể lọc lắng làm sạch nước sinh hoạt của “Trung tâm xử lý nguồn nước”, có địa điểm nằm ở ngoại vi thành phố, cách nhà hơn nửa giờ xe gắn máy. Hàng ngày, sáu rưỡi sáng anh chạy chiếc Honda 78 mua lại từ một người thợ hồ cùng phố đến trạm, năm giờ chiều hết ca lại chạy về. Cứ hai tuần làm ca ngày, lại có một tuần làm ca đêm. Anh cứ đi đi về về vậy, ở nhà lại chỉ mình ba trông nom má.

Cho đến một bữa, sau ca đêm từ nơi làm việc trở về tầm gần tám giờ sáng. Khánh thấy ba đang vội vã dắt xe ra cửa. Ông nói: “Con ngồi canh má cho ba chừng một tiếng. Ba lên viện lấy đợt thuốc mới cho má con. Còn một hai cữ thuốc nữa là hết rồi!”. Nói xong, ông lên đường trên chiếc xe đạp “Thống nhất” nam cọc cạch cũ mèm mang từ hồi ngoài Bắc về. Nhìn bóng dáng khòng xuống mệt mỏi của ông nhấp nhổm trên yên xe, Khánh thương ba lắm. Ông vất vả quá. Gần một năm trời trông nom má bên giường bệnh, dáng người ông mỗi ngày mỗi già đi trông thấy. Tóc tai bạc gần hết, dáng người sụm xuống râu ria lờm xờm chẳng buồn cạo. Đến cả việc vệ sinh hàng ngày, lau rửa mình mẩy cho má ông cũng giành lấy, không để Khánh mó tay vào bất kể việc gì. Mỗi khi Khánh đòi hỏi làm đỡ, ông chỉ nhỏ nhẹ: “Để ba làm. Ba làm quen rồi. Thân thể má con luôn là của ba, cứ để ba chăm sóc để ba luôn gần gũi bả. Kết đôi hơn ba chục năm rồi, giờ bả bệnh thế này con cứ để ba làm. Chỉ khi nào...” Ông nói vậy rồi buông xuôi, đôi mắt mờ tối ngấn nước.

Ngồi bên giường má, Khánh cứ tần ngần ngắm khuôn mặt thân thuộc bao năm nay của bà giờ bất động như tượng sáp. Chiếc chụp máy thở che gần hết hai cánh mũi và cặp môi trễ xuống mệt mỏi. Mới đó thôi, vài năm trước, cứ mỗi dịp anh từ sông Tiền về thăm nhà, má lại cằn nhằn giục giã chuyện vợ con: “Ngót nghét ba chục tuổi rồi đấy, lấy vợ đi rồi sinh cháu cho má ôm ẵm...!”. Vậy mà, giờ má thế này đây...

Đang vật vờ gà gật nửa ngủ nửa thức, chợt bàn tay má đang nắm trong tay anh giật khẽ. Choàng mở mắt, anh thấy má đang mở to mắt nhìn mình. Ánh nhìn rất lạ, mềm ấm thân thương rồi rất nhanh chợt đờ ra. Chưa kịp hiểu ra điều gì thì Khánh nghe tiếng ba gào lên: “Má thằng hai...! Má thằng hai...! Chờ đã, chờ đã...” Chỉ kịp la vậy thôi nhưng rồi miệng la mà đôi chân ông oặt khuỵu xuống, hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt thất thần. Đám thuốc men, chiếc cặp lồng chứa bát bánh canh giò heo rơi vãi tung tóe. Anh sững người, bàn tay má vẫn nằm trong tay anh mà bất động. Rất nhanh, nó lạnh dần, lạnh dần...Má lặng lẽ dứt bỏ ba con anh đi thật rồi!

Với hai cha con Khánh, những ngày sau bữa má ra đi thật nặng nề. Ba anh gần như đổ gục ngay sau đó. Ông âm thầm. lặng lẽ suốt ngày trong gian phòng má nằm như những ngày bà còn nằm đó bất động. Đêm đêm, anh nghe ba thì thầm rỉ rả chuyện trò với tấm ảnh má trên chiếc tủ thờ nhỏ. Nhưng chỉ với những lúc vậy thôi. Ban ngày ông ra vào như chiếc bóng, lặng lẽ thay bà bán những món hàng vặt vãnh còn lại trong tủ hàng của má cho bà con khách mua, lo cơm nước hai bữa cho mình và cho Khánh. Hàng hóa mối quen vẫn đều đặn đưa đến nhà, ứng trước thanh toán sau. Ông không có phải bước chân ra khỏi nhà bữa nào. Hết ngày, đêm xuống ông lại lủi thủi một mình một bóng chuyện với di ảnh người bạn đời đã khuất. Cứ vậy được hai năm nữa rồi ba cũng lặng lẽ ra đi theo má, sau một đêm ngủ dài chẳng một ngày nằm bệnh, trong tay vẫn ôm cuốn anbum ảnh chỉ chứa không đầy hai chục tấm hình ít ỏi lưu giữ cuộc sống gia đình vợ con hàng chục năm qua. Vậy là trên đời, chỉ còn mình Khánh. Từ ngày cùng ba má trở về Quy Nhơn, Khánh đã biết ba không có bà con họ hàng gì. Chắc cũng có đấy, nhưng thời bước chân ra đi, ông đã côi cút rồi được một đơn vị bộ đội địa phương nhận làm con nuôi, tập kết theo đơn vị và từ bé đến lớn cũng không biết mình là con cái nhà ai, quê quán nơi nào. Cho đến lúc mất đi, quanh ông chỉ có bè bạn, đồng đội, đồng nghiệp đồng chí. Đám tang ông lặng lẽ và còn ít người đưa tang hơn đám tang má Khánh. Má còn có bạn hàng, bà con lối xóm...

       Chỉ trong vỏn vẹn hơn hai năm trời, Hai Khánh dần mất đi cả má lẫn ba. Hai cái tang quá lớn, quá gần nhau khiến cuộc sống tưởng vô lo vô nghĩ của anh bị đảo lộn bất thường. Xong việc tang gia, đi làm trở lại anh sống trong sự bảo bọc tình cảm của xí nghiệp và đồng nghiệp. Họ ưu ái anh nhiều trong công việc hàng ngày, thầm lặng chia sẻ với anh những vất vả, cô đơn trong công việc cùng cuộc sống gia đình tình cảm. Hai Khánh im lặng đón nhận sự tương thân tương ái ấy, song lại giành lấy những ca làm thêm bất thường đêm hôm cho bạn bè khi mắc công việc gia đình hoặc đau mệt. Đơn giản vì anh muốn tránh những đêm dài buồn bã đơn độc giữa căn nhà còn đầy ắp những vết dấu của ba má để lại. Cứ đêm xuống, sau những trằn trọc mất ngủ, anh lại mơ những giấc mơ về hai người như thể họ vẫn còn đó bên anh.



                                    (Mời xem tiếp kỳ sau…) 

Không có nhận xét nào: