NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 

Kỳ 9

(Tiếp theo kỳ trước….)

  

       Nhìn khuôn mặt mệt mỏi của con út, dì tin nó biết nghe lời dì. Trước nay, nó không dám trái lời dì bao giờ. Chỉ thương nó, đầu xanh tuổi trẻ...Cũng may, nó còn có dì để tựa vai yên ủi...Vái lạy giời đất, cầu trời khấn phật đoái thương độ trì mong cho mẹ con nó sinh nở bình yên! Trong câu chuyện sau hàng tháng trời không có tin tức của Hai Khánh, bà mang máng cảm nhận có điều gì đó không ổn nhưng không dám nói ra, sợ con nhỏ nghĩ ngợi tổn sức. Út Thương ngày ngày dựa cửa trông tin, song cũng giữ nằm lòng niềm tin về mối tình sông nước. Nó nghĩ chắc ảnh phải mắc việc chi lớn lắm mới im lặng lâu vậy. Cái thai trong bụng cứ mỗi tháng mỗi lớn. Đêm đêm, con Út thì thào chuyện với mầm sống bé bỏng nằm ẩn sâu trong lòng mình, yên ủi nó: “Ba Khánh chắc nhớ má con mình lắm nha...?!”

...

                                           
*

      *         *

 ....

       Giữa màn mưa xối xả, từng hạt mưa lạnh quất thẳng đến rát da của trận mưa cuối mùa làm Khánh tối tăm cả mặt mũi. Anh cứ chạy gằn đi gằn lại trên bờ con kinh xưa. Cây sầu đâu mồ côi khẳng khiu giữa khoảng trời xám chì kia bên bờ phía đối diện khu nhà bên kênh xưa vẫn còn nguyên chỗ đó, anh nhầm lẫn sao được. Nhưng khung cảnh sao khác lạ đến vậy. Hai bờ kinh kè hàng trăm tấm beton trổ lủng hình lục lăng như mặt chiếc tổ ong khổng lồ lạnh lẽo cướp đi bóng hàng dừa nước cùng lô xô mái lá ven sông năm nào. Khoảng cách giữa đôi bờ dường như xa hơn, dễ đến gấp rưỡi khoảng cách đôi bờ xưa; mặt nước sôi sùng sục trong cơn mưa nặng hạt ngó nhìn thật hung hãn. Có đến hàng cây số nhẵn nhụi như vậy, tuyệt nhiên không có bóng nhà cửa, hàng quán bến bãi gì. Vẫn biết khu vực này nằm trong dự án mở rộng hạ lưu sông Tiền, nhưng Khánh không thể tưởng tượng ra nổi việc công trình cấp vùng này, chỉ trong vòng đôi ba năm lại "là phẳng" đi cả một vùng dân cư ven sông vài ba chục nóc nhà đến nỗi không để lại dấu vết gì nhanh và sạch sẽ đến vậy…Vài ba lần, gặp những con thuyền dạt nhanh qua trên sông, gọi hỏi với theo những xuồng ghe lướt qua Khánh đều nhận được chung một câu trả lời vội vàng: "Tui hổng biết, chú à!..."; hoặc "Tụi tui có nghe nói đó nhưng lâu rồi chẳng biết giờ họ chuyển cư đi đâu nữa?!..." Giữa ầm ào sông nước, không ai không có lời nào lý giải minh xác cho anh về cái xóm "Bàu cạn" xưa….     

       Khánh thẫn thờ ngồi thụp xuống bờ kênh trong tấm áo mưa "cánh dơi" màu cam chuyên dùng cho dân làm nghề sông nước, thủy văn. Mưa vẫn quất mạnh cả trăm hạt lên chiếc mũ "cối" ướt sũng, ném vào thân áo mưa tiếng gió lẫn tiếng mưa ràn rạt. Lòng trũng nặng, tái tê, tiếc nuối. Không gian thấm đẫm màn bụi nước mờ mịt ẩm ướt. Đâu rồi chốn xưa?!…Bờ kinh xưa vẫn đó mà nay giấu đâu mất tiêu bóng người cũ thân thương?! Đến cả câu chuyện về hai người đàn bà một già một trẻ từng sống bên bờ con kinh này cũng không có ai biết ai hay, nay sống trôi dạt nơi nào cũng không còn biết đườnghỏi thăm nữa…Khánh cứ ngồi vậy, lòng buồn tê tái. Chẳng nhẽ mới có vài năm trời qua đi mà con người, bến bờ sông nước lại thay đổi dữ vậy ta?! Buồn tê tái. Cảm giác hụt hẫng pha lẫn những mất mát quá lớn của gia đình trộn vào nỗi buồn mất đi chỗ dựa tình cảm đầu đời khiến anh cứ ngồi đó chết lặng....Anh hồi nhớ lại câu chuyện năm nào, sau cuộc chia tay hối hả vội vàng với Út Thương...

       Nhận được mảnh giấy điện tín lạnh lùng: “Con về ngay, Má mệt nặng!” Khánh sững người. Dễ đến già nửa năm trời nay Khánh chưa về thăm nhà. Đường về từ nơi làm việc cách nhà hàng trăm cây số đường đất, vượt qua nhiều phà đò dễ khiến người xa nhà vài ba năm như anh cứ nghĩ đến là ngại. Cuộc sống, công việc lẫn nhịp sống trôi nổi nay khúc nọ bữa bến bãi kia của “Trạm thủy văn Kinh Tây” cuốn đi nhiều cơ hội trở về khiến anh cứ lần khân chuyện về thăm ba má. Ở nhà, sống yên ả với quầy hàng tạp hóa bên đường, má chỉ loanh quanh công việc nhà cửa, lo cơm nước mỗi ngày hai bữa để ba anh làm việc cơ quan. Với mức lương cán sự bậc bốn, đồng lương kiếm được cộng với quầy hàng nho nhỏ tại nhà đủ để cuộc sống đạm bạc của hai người già nhẹ nhõm trôi qua tháng ngày. Từ ngày trở lại Quy Nhơn sau giải phóng, gia đình ba người chỉ đầy đủ được hơn chục năm cho đến giữa những năm tám mươi. Khánh đi học chuyên nghiệp, nhà chỉ còn hai người. Học xong ba năm trung cấp kỹ thuật, anh đi thực tập ở “Trạm thủy văn Kinh Tây” rồi ở lại làm việc luôn ở trạm. Từ đó đến giờ, hơn hai năm làm việc Khánh chỉ về thăm ba má được có đôi ba lần, chủ yếu vào dịp lễ tết. Má anh cứ thấy con về là chộn rộn, lúc anh hết phép trở lại trạm thì lại sụt sùi nước mắt ngắn nước mắt dài. Ba thì tính vẫn vậy, ít nói ù lì. Đêm trước ngày con trả phép thì một mình một chung trà ngồi trầm ngâm thật muộn, chỉ nhỏ nhẹ dăm câu ba điều dặn anh: “Lương có vài ba đồng bạc, tiêu pha giữ gìn vầy vậy nha thằng hai! Mà cũng đừng có đi lại nhiều, tốn kém ra. Ba má ở với nhau thế này ổn rồi...!”. Vậy nên khi nhận được điện tín, anh mới giật mình mà tự trách mình thật vô tâm, có đến già nửa năm chẳng về thăm nhà lấy một lần.



(Mời xem tiếp kỳ sau…)

Không có nhận xét nào: