……
Chiều hôm đó, gần năm giờ lễ tân nhà
khách báo Anh Bảy đợi tôi dưới sảnh. Tôi vội xuống, lên xe. Dọc đường, tôi dè
dặt nói với Anh Bảy về tâm trạng lúng túng khi dự một cuộc tiếp cơm như thế
này. Anh Bảy cười lớn, giọng thân tình: "Thằng Ba này sao mà nhát vậy!
Chuyện cũng thường thôi, cha Văn Công hễ nói đến sách báo, thơ văn là vui nổ
trời. Nhân có chuyện chú Em vào, Ổng muốn gặp gỡ bạn văn, thơ. Lâu lâu, tụi
mình lại ngồi nhậu với nhau một bữa thế này. Lát nữa chú em biết ngay thôi. À
mà Anh nói chú biết nhé. Hồi trên cứ, thằng Bảy này là ông Mai của vợ chồng Văn
Công đó. Bữa làm lễ, tao vừa làm Mai vừa làm chủ hôn, lại vừa thay mặt cả hai
gia đình đó!" Thảo nào? - tôi nghĩ bụng khi nghĩ đến lối nói Anh Văn Công
dùng bữa trước "Tôi được Anh Bảy phôn cho..." một cách thân mật. Xe
đưa chúng tôi đến phố Phan Chu Trinh, rồi giảm tốc độ rẽ vào một khu khách sạn
bề thế. Tôi đọc tấm biển trên cột cổng " Khách sạn giao tế Thắng Lợi-
Hotel relattion Thang Loi ". Bên dưới dòng tiếng Anh còn một dòng tiếng
Nga nữa. Chúng tôi được tiếp viên khách sạn đưa đến một phòng ăn nhỏ, trong đó
chỉ có dăm bảy người. Anh Văn Công chào lớn: "Anh Bảy tới rồi, ngồi đi,
ngồi đi!" Anh Bảy xếp tôi ngồi cạnh Anh. Anh lần lượt giới thiệu thực
khách để tôi chào hỏi. Người ngồi cạnh tôi, có dáng người nhỏ nhắn, trán cao
hơi hói và đôi mắt tinh nhanh sau cặp kính là...nhà thơ Giang Nam, Chủ tịch Hội
VHNT tỉnh. Tôi ngẩn người, tròn mắt. Anh Giang Nam cười lớn: "Lạ lắm hả,
biết bài thơ nào của tui không?" Tác giả của bài thơ "Quê hương"
nổi tiếng là vậy đó, quảng giao và vui vẻ. Tôi đứng dậy chào Anh, Anh Văn Công
cười: "Cứ ngồi, cứ ngồi. Bất ngờ hả?". Rồi lần lượt các Anh: Bằng Tín
- Phó Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, Anh Đỗ Như Phước- Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô
tỉnh Phú Khánh, Anh Đặng Ngọc Thiết - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, Nhà văn
Nguyên Hồ, nhà thơ Đào Xuân Quý.....và một vài khuôn mặt khác không nhớ hết tên.
Bữa ăn không thật thịnh soạn và cấp "nhà nước" như tôi nghĩ. Đơn
giản, nhẹ nhàng song đầm ấm và rất vui. Các Anh thay nhau đọc thơ, đàm luận đôi
lúc còn "dọn vườn" thơ của nhau khiến bàn tiệc lúc lúc lại rộn lên.
Tôi thú thật với Anh Giang Nam rằng mình chỉ biết "giữ sách" chứ văn
chương không rành, Anh nói vui: "Thế thì cậu cứ nghe, khi nào thấy chán
thì bảo mình. Mà nếu nghe không vào thì "chiêu" mấy ngụm bia cho
đã!" Anh Bảy cũng động viên tôi: "Đây là "tiệc thơ", ai có
thơ cứ đọc, ai không thích uống thơ thì...uống bia". Tôi thấy thoải mái
dần, khi nhỏ nhẹ chuyện với người này, khi nhỏ nhẹ với người khác. Bỗng Anh Văn
Công gọi: "Thiêm nè, mình có việc muốn nhờ cậu đó". Tôi hướng về phía
Anh, lắng nghe. "Hồi trên cứ, mình viết được khá nhiều thơ. Thơ được đăng
trên báo Liên khu Năm có, thơ được Văn nghệ miền in, được Nhà xuất bản Giải
phóng in cũng có. Thế nhưng hồi đó, có thơ đăng, thơ in nhưng có được biếu sách
mấy đâu. Nhưng mình biết, các thư viện miền Bắc thế nào cũng có. Nhân đây, nếu
có thể giúp được, Ông tìm giúp lại cho mình vài tập. Cứ gửi qua đường Bưu điện
là mình nhận được". Anh Giang Nam cũng góp thêm: "Việc đó mấy vị
"giữ đền" này làm được đấy. Thiêm, Em hứa cái rụp đi cho Ảnh yên
lòng!" Chưa biết sẽ tìm và bằng cách gì để có mấy tập thơ đó, nhưng tôi
cũng thưa: "Em sẽ gắng, có được Em xin gửi vào cho Anh". Nói vậy
nhưng bụng cũng ...lo. Cuộc vui kéo mãi đến hơn tám giờ tối, để lại một không
khí quần tụ, ấm cúng và hết sức thân thiết trong tôi. Chia tay với các Anh, tôi
cũng nói lời chào tạm biệt và hứa nếu có dịp trở lại xin được đến thăm các Anh.
Anh Văn Công nắm tay tôi thật chặt, nói thêm: "Tìm được hay không tìm được
mấy cuốn sách cho mình không quan trọng, đừng vì thế mà mất quá nhiều công. Biết
có sách ngoài đó là được rồi. Đi đường khoẻ mạnh nghen, cho gửi lời thăm mấy
Anh và gia đình ngoài đó. Có dịp ra ngoải công tác, qua Hải Dương mình sẽ ghé
vô!" Anh Thiết - Phó Chánh văn phòng UBND vội ghé tai tôi: "Gắng tìm
cho Ảnh, Ảnh lo kiếm mãi không được đó!" Tôi bắt tay Anh, nói nước đôi:
"Sẽ cố gắng. Khi nào tìm được tôi sẽ báo tin để các Anh biết."(Năm
1986, theo sự điều động của Tổng cục Thống kê, nhà tôi và các cháu chuyển vùng
vào Phú Khánh công tác. Tôi đã gửi được qua nhà tôi hai cuốn "Tiếng hát
miền Nam" và "Bất khuất" cho Anh. Có được hai tập sách đó là nhờ
sự giúp đỡ của Anh Long - Trưởng phòng Lưu chiểu Thư viện Quốc gia Việt Nam
(Anh đã mất năm 1988 - 1989 gì đó).
Sau
cuộc gặp gỡ đó, tôi chỉ ở lại thêm một ngày nữa rồi xin phép Anh Bảy ra Bắc.
Văn phòng Sở bố trí một bữa cơm nhỏ tiễn tôi tại "Lầu 7" (Hotel Nha
Trang) đường Thống Nhất. Thang máy đưa chúng tôi lên tầng thượng, giữa muôn vàn
đốm sáng như sao sa của đèn đêm thị xã,
Anh Bảy chỉ cho tôi bóng "tượng Phật ngồi" in lên trời đêm,
giữa từng vầng sáng của đèn đánh cá ngoài khơi xa. Cái đẹp biển đêm nhìn từ
trên tầng cao nhất nhì thị xã huyền ảo, lung linh. Chia tay, Anh Bảy cứ dặn đi
dặn lại, ra đó tin vào để biết tình hình đi đường ra sao; gửi lời thăm lãnh đạo
tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hoá thông tin và hứa có dịp ra Bắc, sẽ ghé vô Hải
Dương.....
Chín giờ sáng
ngày hôm sau, xe Sở đưa tôi ra tàu Thống Nhất. Tàu chuyển bánh, từ từ rời ga.
Trước mắt tôi, qua đoạn Mã Vòng bóng tượng Phật ngồi trên ngọn đồi nhìn từ phía
trái đoàn tàu trắng loá trong nắng, to lớn đường bệ trông khác rất nhiều so với
nhìn ban đêm từ sân thượng "Lầu 7". Lại một hành trình 72 giờ nữa.
Qua thị xã Tuy Hoà, sau nóc nhà thờ phố xá lô nhô, lại nhớ cậu Nhơn, anh Lợi,
anh Năm Quang. Chuyến tàu ra nhiều cảnh vật, địa phương bên đường nhìn thấy
được vào ban ngày, đặc biệt là Đèo Hải Vân được mệnh danh là "Thiên hạ đệ
nhất hùng quan" nằm ở độ cao 496m. Con đường xe lửa xuyên Việt phải chui
qua 7 hầm đèo trong lòng núi với chiều dài tổng cộng 3.920 m, trong đó dài nhất
là Hầm Sen (561m). Dãy núi đèo Hải Vân
là một mạch núi của Trường Sơn Bắc đâm ngang ra biển, với nhiều ngọn núi cao
dần và ngọn cuối cùng là ngọn Hải Vân cao 1.172m. Có thể đỉnh núi nằm trong
mây, chân núi ngâm trong biển nên ngọn núi và đèo này mới mang tên là Hải Vân.
Dọc sườn núi có những khe nước chảy xuống, khi nào cũng thấy bày ra cảnh tượng
hùng vĩ với hàng nghìn tảng đá hoa cương tròn trịa do bị xâm thực mài mòn từ
hàng ngàn năm. Từ lưng chừng đèo xuống
đến Lăng Cô có một đoạn bằng phẳng, phía dưới là rừng rậm bát ngát. Bãi tắm
Lăng Cô bên bờ vịnh như một hình trăng liềm trắng loá từ trời cao đáp xuống
chân đèo bên biển xanh. Lần đầu ngắm nhìn con đường sắt trườn dài lượn sát bờ
biển, cái cảm giác trời đất, không gian, núi đèo biển cả thật ngợp người. Song
toàn bộ cái cảm giác hùng vĩ ấy chỉ duy trì được đến khi tàu dừng tại ga Lăng
Cô. Hành khách đi tàu được thông báo về sự cố phía trước giữa đoạn đường Lăng
Cô và Huế xác định tin đồn thổi trên tàu hai ngày qua: Sóng thần vừa ập vào cửa
Thuận An - Huế, làm hư hỏng nhiều đoạn đường sắt, hiện đang cố giải quyết sự
cố. Thoát khỏi Lăng Cô, con tàu chuyển động hết sức chậm chạp như vừa đi vừa dò
dẫm. Đã thấy nhiều cảnh đổ nát bên đường. Rác rến, rơm rạ và cả nhiều cành gai,
cành tre vắt ngang dây điện, cột điện bên đường. Rồi đến một ga lẻ nữa, tàu
dừng hẳn. Tên ga không trông rõ, nhưng sân ga có bao nhiêu đường thì có bấy
nhiêu đoàn tàu dồn ứ lại. Có lẽ phải tới 3 - 4 đoàn tàu nằm đó. Khách đi tàu
mặt mũi phờ phạc, vạ vật trên toa dưới sân đông vô kể. Hàng quán không có, mà
có cũng không phục vụ nổi cả ngàn con người lúc này. Trên các lối ngang dẫn vào
thôn xóm ven đường, từng nhóm khách đi tàu toá vào nhà dân, họ đi tìm mua nước
uống, nước tắm rửa và cả đồ ăn...Đoàn tàu tôi bổ sung thêm hàng trăm người vào
cái túi đó, mặt mũi ai cũng âu lo. Cánh đàn ông thạo tin đã bắt đầu kể lại
những mẩu tin đáng ngại, nào khách ứ lại đây người lâu nhất cũng ...ba ngày
rồi, cái ăn cái uống đắt khét, nhiều người đã phải bán cả tư trang. Bên hông
sân ga bé nhỏ, từng đám những giỏ trứng gà hỏng lăn lóc trắng xoá (thứ hàng
khách đi tàu mua nhiều nhất qua ga Gà - Quảng Ngãi với hy vọng làm quà hoặc bán
trao tay gỡ chút lộ phí khi ra đến Thanh Hoá) đã bốc mùi. Và vẫn còn nhiều hành
khách đem các giỏ trứng ra tiếp nữa. Nhân viên nhà ga lầm lũi đào hố phía góc
xa nhà ga đem từng xe cut - kit chở trứng đi chôn. Không sao cấm đoán được hành
khách vứt bỏ trứng vì họ còn đang bận lo chuyện ăn uống tắm rửa. Nhiều bà mẹ,
ông bố mặt quắt lại vì lo cho lũ trẻ đi cùng. Hầu như không ai biết trước được
điều này, tai hoạ như trời giáng xuống miền đất nghèo khó miền trung. Còn
"nhà tàu" chỉ riêng việc lo cho tàu đi lại an toàn trên những đoạn
đường khắc phục tạm bợ đã đủ nhược người rồi, và chính họ cũng phải lo việc ăn
uống, nghỉ ngơi cùng các đồng nghiệp đang còn dồn ứ lại trên sân ga bé nhỏ đó.
Nhiều khách đi tàu trách đường sắt sao không cho tàu dừng ở Đà Nắng, hoặc Lăng
Cô, có cả những lời trách cứ nặng nề nữa. Song nhân viên đường sắt chỉ biết
giải thích rằng, những ga đó còn để dự phòng cho nhiều đoàn tàu khác nữa đang
hàng ngày từ Sài Gòn dồn ra, nào tàu hàng, tàu Thống Nhất, tàu địa phương và
không phải không có cả những đoàn tàu quân sự được hưởng quy chế riêng, bất khả
kháng. Tôi ngó chiếc can nước uống 5 lít đã vơi khoảng 1/4 sau gần hai ngày đêm
vừa rồi, chiếc giỏ lác (túi đan lá buông) còn cả chục chiếc bánh mì cùng bốn
hộp thịt mà nhớ đến cái nháy mắt của Anh Trần Ngô, cán bộ hành chính Văn phòng
Sở Văn hoá thông tin Phú Khánh xách lên toa cho tôi "Cứ phải chắc cái bụng
đã chú em ạ, đường xa không biết thế nào được". Quả thực là chí lí. Đêm
đó, chúng tôi "nằm ì" trên đoàn tàu mệt mỏi của mình, cả đêm chắng
lúc nào chợp được mắt vì lo mất an ninh. Cũng may, công an và dân quân tự vệ
địa phương được huy động ra bảo vệ hành khách đi tàu nên không thấy có sự gì
xảy ra cả. Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, tin thông đường lan nhanh trên các đoàn
tàu như cơn gió lành. Chúng tôi đã quá may khi chỉ bị dừng dọc đường có...24
tiếng. Song cũng phải gần mười tiếng sau đó mới đến lượt chuyến tàu của tôi
chuyển bánh, anh nào đến trước đi trước, chúng tôi là dân đến sau đi sau. Tàu
ậm ạch chuyển bánh, báo trước lộ trình từ ga Cầu Hai ra đến Đồng Hới có thể mất
đủ 10 tiếng đồng hồ nữa. Khi qua Huế, chiếc cầu đường sắt vắt qua sông Hương,
cũng giống như cầu Tràng Tiền phía tả
ngạn trông như khoác áo ngụy trang thời chiến. Đủ thứ mắc lại trên đó. Những
chiếc chiếu rách, những tấm chăn tả tơi, những vật dụng mây tre, bao bố, quần
áo....dắt lại trên thành cầu, thanh giằng từng đám. Nhà cửa hai bên sông ngoài
những chiếc xây kiên cố, chẳng còn mấy nóc nhà tôn, nhà lá nào nguyên vẹn. Cái
xiêu vẹo, cái bị xé rách tơi tả trông tội nghiệp mà liên tưởng đến sinh mạng
của nhiều người dân ở đó. Cơn sóng thần cùng gió bão ập tới chập tối, không hề
báo trước. Những chiếc thuyền cá khá to, những chiếc sà - lúp (xà lan chở hàng)
ngang ngửa cái ven bờ, cái bị văng quật lên bãi, lên ruộng trông phát khiếp.
Tàu chúng tôi bò trên cầu, cảm giác rúng động của chiếc cầu bé nhỏ khiến ai nấy
im phắc, không dám cười nói, chỉ trỏ. Chỉ đến khi qua được cầu, những khuôn mặt
thất sắc, những đôi mắt tối đi vì lo sợ mới lấy lại được hồn. Lần ra này, ga
Huế vắng ngắt kẻ bán người mua. Cứ tiếc mãi cái mùi vị của bát bún bò giò heo
ga Huế hôm vào. Cay nồng mà béo ngậy. Đến được ga Đồng Hới, tàu dừng cả tiếng.
Có nước tắm rửa có đồ ăn nóng, sức vóc mọi người trở lại, đây đó lại râm ran
chuyện trò. Trong túi đồ ăn, tôi còn hai chiếc bánh mì và một hộp thịt. Hai vợ
chồng trẻ người Nghệ An có đứa con mới đầy năm ngồi cùng ghế cứ một hai kéo tôi
xuống ăn cùng. Họ đã cùng tôi chống chọi hai ngày qua bằng chút nước uống, mấy
chiếc bánh mì và vài hộp thịt ăn dè trong đám hành lý "cẩn tắc" của
tôi. Nể lời, tôi cùng xuống. Nhà hàng chỉ có một món, mì "không người
lái" lõng bõng nước song cũng còn ngon chán vì nóng sốt, có chút hành mùi
và không khô ngái cái cảm giác ăn bánh mì trừ cơm. Mãi đến đêm, chừng một hay
hai giờ sáng gì đó, tàu mới tới Ga Vinh. Đôi vợ chồng trẻ cùng đi tam biệt
tôi xuống sân ga để rồi hơn mười phút
sau người chồng quay lại, đặt bằng được gói giấy 5 quả cam Vinh vào tay tôi với
lí do để "nhớ bạn đồng hành". Từ chối mãi không tiện, tôi nhận và
chia tay anh. Đêm qua đi chầm chậm trong giấc ngủ mệt mỏi. Hơn 12 giờ trưa hôm
sau, tôi vừa ra đến bậc thềm cửa ga đường Nam Bộ, trong đám đông hỗn độn người
ra đón, tôi nhìn thấy cánh tay giơ cao của "bà xã" và khuôn mặt nhễ
nhại vì chờ tàu về quá lâu. Tính ra, hành trình của chuyến tàu đã chậm hơn hai
ngày. Trong chiếc túi xắc du kịch, cùng với chiếc bánh mì còn lại nằm cạnh hộp
thịt và 5 quả cam Vinh, chỉ có thêm mấy bộ quần áo trẻ con làm quà, tôi kết
thúc chuyến "xuyên Việt" đầu tiên của mình an toàn. Trong túi,
"hầu bao tài chính" còn độc hai đồng bạc. May mà có người nhà lên
đón.
Giờ
đây, khi nhớ lại những kỉ niệm về chuyến đi Phú Yên ngày ấy, hai mươi năm rồi
những kí ức về thư viện Hải Phú còn in dấu rất đậm trong tôi. Không phải chỉ vì
sự tiếp đón trọng thị của địa phương, sự ân cần và chu đáo trong đối xử với một
đại biểu miền Bắc của các Anh lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành khi đó mà nghĩ cho
cùng đó là tình cảm chân thành của những người anh em kết nghĩa. Năm 2001, khi
vào dự Hội thảo về công tác địa chí, vẫn bên những chiếc tủ mục lục của thư
viện Hải Hưng đưa vào ngày nào Nhơn nói với tôi như đinh đóng cột: "Mặc dù
kho sách nay đã tổ chức lại để theo kịp bước phát triển của công nghệ tin học,
mỗi cuốn sách trong kho nay đã có những tấm phích trắng tinh, in rõ ràng sạch
đẹp. Song Em vẫn giữ nguyên những tài sản này và coi đó là tài sản quý giá nhất
mà thư viện Hải Phú có được nhờ Thư viện Hải Hưng. Rồi đây, khi cơ ngơi nhà cửa
tiếp tục được nâng cấp và cải tạo, chúng Em sẽ đặt những chiếc tủ mục lục này
vào phòng truyền thống như hiện vật sống động nhất về tình cảm kết nghĩa Hải
Dương - Phú Yên." Tôi thật sự cảm động và tin rằng điều đó sẽ trở thành
hiện thực. Trên mạng Internet, trang Web của Thư viện Hải Phú tại địa chỉ http://www.thuvienhaiphu.com.vn
phần nói về Lịch sử hình thành thư viện còn mãi những dòng sau:
"Ngày
l/4 vừa qua, Phú Yên kỷ niêm 25 năm Ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975 -
1/4/2000). Thư viện Hải Phú của tỉnh Phú Yên cũng tròn 25 tuổi. Thư viện Phú Yên
cũng được hình thành từ thời điểm đó. Số sách ban đầu là 500 bản (sách từ Hải Hưng
theo dọc Trường Sơn vào Phú Yên năm 1974) từ căn cứ Cách mạng Phú Yên chuyển về
được tổ chức thành 2 tủ sách tại thư viện Phú Yên cũ (nay là gác 2 của Hội trường
Phường tư TX Tuy Hòa). Ngày 22/6/1975 mở cửa khai trương phục vụ bạn đọc. Tháng
7 năm 1975, đoàn cán bộ của Ty Văn hóa tỉnh Hải Hưng gồm có anh Phương, cán bộ
báo chí, Anh Tuyền, cô Chiến, cán bộ truyền thanh: anh Triều Dương, cán bộ văn
học nghệ thuật, anh Nguyễn Đình Nhã (nay là Cục trưởng Cục xuất bản)- cán bộ thư
viện và ôngVũ Cát, Phó trưởng Ty Văn hóa Hải Hưng mang vào Phú Yên 10.000 cuốn
sách, 4 giá đựng sách, 1 tủ mục lục và các phương tiện hoạt động thư viện để xây
dựng thư viện. Khi bàn giao các đồng chí lãnh đạo của 2 Ty Văn hóa Hải Hưng - Phú
Yên đề xuất với Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Phú Yên cho Thư viện Phú Yên đặt tên Thư
viện Hải Phú. Tên Thư viện Hải Phú có ý nghĩa lịch sử được bắt đầu từ đó."
Tháng 6/2005
HẾT
Mấy
lời cuối bài:
…..So với thời điểm Sở VHTT Hải Dương
xuất bản tập hồi ký có bài viết này của tác giả, thời gian cũng tròm trèm 10
năm. Còn đối chiếu với sự kiện câu chuyện, thời gian trôi qua sắp tròn 30 năm
trời. Có những nhân vật được nhắc đến trong những trang viết này đã rời xa cõi đời này. Tác giả bài viết xin được thắp một nén nhang để tưởng nhớ các
Anh. Kỷ niệm xưa còn đó, hình ảnh các Anh còn đó, nhớ lắm….
17 tháng 8 năm 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét